Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 28 tháng Mười Một–ngày 4 tháng Mười Hai. Na Hum; Ha Ba Cúc; Sô Phô Ni: “Các Đường Lối Ngài Giống Như Thuở Xưa”


“Ngày 28 tháng Mười Một–ngày 4 tháng Mười Hai. Na Hum; Ha Ba Cúc; Sô Phô Ni: ‘Các Đường Lối Ngài Giống Như Thuở Xưa,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 28 tháng Mười Một–ngày 4 tháng Mười Hai. Na Hum; Ha Ba Cúc; Sô Phô Ni,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Chúa Giê Su nhìn lên các vì sao

“Các đường lối Ngài giống như thuở xưa” (Ha Ba Cúc 3:6). Ban Đầu Có Ngôi Lời, tranh do Eva Timothy họa

Ngày 28 tháng Mười Một–ngày 4 tháng Mười Hai

Na Hum; Ha Ba Cúc; Sô Phô Ni

“Các Đường Lối Ngài Giống Như Thuở Xưa”

Anh chị em có thể học thánh thư suốt đời mà vẫn tìm thấy những sự hiểu biết mới. Đừng cảm thấy rằng anh chị em phải hiểu tất cả mọi điều ngay bây giờ. Hãy cầu nguyện cho sự giúp đỡ để nhận ra được những sứ điệp mà anh chị em cần hôm nay.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Việc đọc Kinh Cựu Ước thường có nghĩa là đọc những lời tiên tri về sự hủy diệt. Chúa thường kêu gọi các vị tiên tri để cảnh cáo kẻ tà ác rằng sự đoán phạt của Ngài sẽ giáng xuống chúng. Giáo vụ của Na Hum, Ha Ba Cúc, và Sô Phô Ni là những ví dụ hay. Với những chi tiết đáng sợ, những vị tiên tri này tiên đoán sự sụp đổ của các thành phố, mà vào lúc đó, dường như hùng mạnh và đầy quyền lực—Ni Ni Ve, Ba By Lôn, và ngay cả Giê Ru Sa Lem. Nhưng đó là hàng ngàn năm về trước. Tại sao những lời tiên tri này vẫn đáng giá để đọc ngày nay?

Ngay cả khi các thành phố kiêu hãnh và tà ác đó đã bị hủy diệt, thì tính kiêu ngạo và sự tà ác vẫn tiếp tục tồn tại. Trong thế giới ngày nay, đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy bị vây quanh bởi những điều xấu xa mà các vị tiên tri thuở xưa đã lên án. Thậm chí, chúng ta có lẽ còn phát hiện được dấu vết của chúng trong chính tấm lòng mình. Những lời tiên tri xa xưa thời Cựu Ước này tiết lộ điều Chúa cảm thấy về tính kiêu ngạo và sự tà ác, và những lời đó dạy rằng chúng ta có thể lánh khỏi những điều xấu xa này. Có lẽ đó là một lý do mà chúng ta vẫn đọc những lời tiên tri xa xưa này ngày nay. Na Hum; Ha Ba Cúc; Sô Phô Ni, và các vị khác không chỉ tiên tri về sự chết—mà họ còn tiên tri về sự giải thoát. Những lời mô tả về sự hủy diệt được dịu đi nhờ lời mời gọi đến cùng Đấng Ky Tô và tiếp nhận lòng thương xót của Ngài: “Hãy tìm kiếm Đức Giê Hô Va, tìm kiếm sự công bình, tìm kiếm sự nhu mì” (Sô Phô Ni 2:3). Đây là đường lối của Ngài ngày xưa, và cũng là đường lối của Ngài ngày nay. “Các đường lối Ngài giống như thuở xưa” (Ha Ba Cúc 3:6).

Để có thông tin khái quát về các sách này, xin xem “Na Hum,” “Ha Ba Cúc,” và “Sô Phô Ni” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Na Hum 1

Chúa vừa đầy quyền năng vừa rất nhân từ.

Sứ mệnh của Na Hum là báo trước sự sụp đổ của Ni Ni Ve—thủ đô của đế quốc hung tàn A Si Ry, là kẻ đã làm phân tán Y Sơ Ra Ên và đối xử hung bạo với Giu Đa. Na Hum bắt đầu bằng cách mô tả cơn phẫn nộ và quyền năng không gì sánh bằng của Thượng Đế, nhưng ông cũng phán bảo về lòng thương xót và nhân từ của Ngài. Anh chị em có thể cân nhắc chọn ra những câu trong chương 1 giúp anh chị em hiểu từng thuộc tính này—và các thuộc tính khác của Thượng Đế mà anh chị em lưu ý. Anh chị em nghĩ tại sao việc biết từng thuộc tính này về Chúa là quan trọng?

Một số người có thể thấy khó để dung hòa lời dạy của thánh thư rằng “Đức Giê Hô Va là tốt lành” (Na Hum 1:7) với lời dạy rằng Ngài sẽ “báo thù kẻ cừu địch mình” (Na Hum 1:2). Trong Sách Mặc Môn, con trai Cô Ri An Tôn của An Ma cũng có những thắc mắc tương tự “liên quan tới công lý của Thượng Đế trong việc trừng phạt các kẻ phạm tội” (An Ma 42:1). Để biết thêm về lòng thương xót của Thượng Đế và cách mà thuộc tính này liên quan đến sự công bình của Ngài, hãy đọc câu trả lời của An Ma dành cho Cô Ri An Tôn trong An Ma 42.

pháo đài đá

“Đức Giê Hô Va là tốt lành, làm đồn lũy trong ngày hoạn nạn” (Na Hum 1:7).

Ha Ba Cúc

Tôi có thể tin cậy vào ý muốn và kỳ định của Chúa.

Ngay cả các tiên tri đôi khi cũng thắc mắc về đường lối của Chúa. Ha Ba Cúc, người sống vào thời kỳ sự tà ác lan tràn tại Giu Đa, đã bắt đầu biên sử của ông với những thắc mắc dành cho Chúa (xin xem Ha Ba Cúc 1:1–4). Anh chị em sẽ tóm tắt những nỗi băn khoăn của Ha Ba Cúc như thế nào? Anh chị em đã bao giờ có những cảm nghĩ tương tự không?

Chúa đã đáp lại những câu hỏi của Ha Ba Cúc bằng cách phán rằng Ngài sẽ gửi người Canh Đê (người Ba By Lôn) đến trừng trị Giu Đa (xin xem Ha Ba Cúc 1:5–11). Nhưng Ha Ba Cúc vẫn bối rối, vì dường như Chúa không công bình khi để mặc cho “kẻ dữ [Ba By Lôn] nuốt người công bình hơn nó [Giu Đa]” (xin xem các câu 12–17). Anh chị em tìm thấy điều gì trong Ha Ba Cúc 2:1–4 mà soi dẫn cho anh chị em tin cậy Chúa khi anh chị em có những thắc mắc không được giải đáp?

Chương 3 trong sách Ha Ba Cúc là một lời cầu nguyện để ca ngợi Thượng Đế và bày tỏ đức tin nơi Ngài. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về những lời của Ha Ba Cúc trong các câu 17–19? Giọng điệu của những câu này khác với Ha Ba Cúc 1:1–4 như thế nào? Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể phát triển đức tin mạnh mẽ hơn nơi Thượng Đế, ngay cả khi cuộc sống dường như bất công.

Xin xem thêm Hê Bơ Rơ 10:32–39; 11; Giáo Lý và Giao Ước 121:1–6; Robert D. Hales, “Trông Đợi Chúa: Xin Ý Ngài được Nên,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 71–74.

Sô Phô Ni

“Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu mì của đất …, hãy tìm kiếm Đức Giê Hô Va.”

Sô Phô Ni đã tiên tri rằng dân Giu Đa sẽ hoàn toàn bị hủy diệt bởi người Ba By Lôn bởi sự tà ác của họ. “Ta sẽ diệt sạch mọi sự khỏi mặt đất, Đức Giê Hô Va phán vậy” (Sô Phô Ni 1:2). Và mặc dù Sô Phô Ni cũng nói rằng có “những kẻ sót lại” sẽ được bảo tồn (Sô Phô Ni 3:13). Trong khi anh chị em đọc những lời tiên tri này, hãy lưu ý các thái độ và hành vi đã dẫn Giu Đa và các nhóm dân khác đến sự hủy diệt—xin đặc biệt xem Sô Phô Ni 1:4–6, 12; 2:8, 10,15; 3:1–4. Rồi hãy tìm kiếm những đức tính của dân mà Thượng Đế sẽ bảo tồn—xin xem Sô Phô Ni 2:1–3; 3:12–13, 18–19. Anh chị em cảm thấy Chúa có sứ điệp nào dành cho anh chị em trong các câu này?

Sô Phô Ni 3:14–20 mô tả niềm vui của người ngay chính sau khi Chúa “khiến kẻ thù nghịch cách xa” họ (câu 15). Những phước lành nào đã được hứa trong các câu này nổi bật với anh chị em? Tại sao là điều quan trọng cho anh chị em để biết về các phước lành này? Anh chị em có thể so sánh những câu này với các kinh nghiệm được mô tả trong 3 Nê Phi 17 và suy ngẫm điều Chúa Giê Su Ky Tô cảm nhận về dân Ngài—kể cả anh chị em.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Na Hum 1:7.Chúa giống “đồn lũy” như thế nào? Có lẽ gia đình anh chị em có thể xây dựng một đồn lũy hoặc pháo đài đơn giản trong nhà và thảo luận Na Hum 1:7 trong khi ẩn náu trong đồn lũy đó. Điều gì làm cho ngày của chúng ta thành “ngày gian truân”? Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm Ngài củng cố chúng ta như thế nào? Làm thế nào chúng ta cho thấy rằng chúng ta “ẩn náu nơi Ngài” (tin cậy Ngài)?

Ha Ba Cúc 2:14.Làm thế nào chúng ta có thể giúp làm ứng nghiệm lời tiên tri trong câu này?

Ha Ba Cúc 3:17–19.Chúng ta học được điều gì từ tấm gương của Ha Ba Cúc trong những câu này?

Sô Phô Ni 2:3.Anh chị em có thể chơi một trò chơi là mọi người trong gia đình phải tìm những từ “công bình” và “nhu mì” trên một tờ giấy có ghi nhiều từ khác. Rồi họ có thể nói về các tấm gương ngay chính và nhu mì mà họ đã thấy ở nhau. Việc tìm kiếm sự ngay chính và nhu mì có nghĩa là gì?

Sô Phô Ni 3:14–20.Chúng ta tìm thấy điều gì trong Sô Phô Ni 3:14–20 mà làm cho chúng ta muốn “hát … hết lòng mừng rỡ và vui thích”? Có lẽ gia đình anh chị em có thể hát những bài thánh ca hoặc bài hát đến trong tâm trí trong khi họ đọc những câu này.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , trang số 12.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy kiên nhẫn. Đôi khi, chúng ta muốn lời giải đáp cho những thắc mắc của chúng ta ngay lập tức, nhưng những sự hiểu biết thuộc linh sâu sắc cần thời gian và không thể bị cưỡng ép. Như Chúa đã phán với Ha Ba Cúc: “Hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến” (Ha Ba Cúc 2:3).

Chúa Giê Su đang giáng lâm và mặc áo choàng đỏ

“Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi ở giữa ngươi; Ngài là Đấng quyền năng” (Sô Phô Ni 3:17). He Comes Again to Rule and Reign (Ngài Tái Lâm để Cai Trị và Trị Vì), tranh do Mary R. Sauer họa