“Ngày 16–22 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 89–92: ‘Một Nguyên Tắc kèm theo Lời Hứa,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 16–22 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 89–92,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi
Ngày 16–22 tháng Tám
Giáo Lý và Giao Ước 89–92
“Một Nguyên Tắc kèm theo Lời Hứa”
Khi nghiên cứu các lẽ thật trong Giáo Lý và Giao Ước 89–92, anh chị em hãy suy ngẫm về những cách thức mới mẻ và sáng tạo để giúp các em hiểu các lẽ thật đó.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Mời các em vẽ tranh và nói về những điều tốt lành mà chúng đã làm trong tuần này để chăm sóc cho cơ thể và tinh thần của chúng.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Tôi sẽ được ban phước khi tuân theo Lời Thông Sáng.
Dạy các em rằng cơ thể của chúng ta là ân tứ đến từ Cha Thiên Thượng và Ngài muốn chúng ta chăm sóc chúng cẩn thận.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Để giúp các em hiểu lệnh truyền của Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước 89:10-17, hãy vẽ hoặc cho thấy hình của những thứ bổ dưỡng mà chúng ta có thể ăn hoặc những hoạt động lành mạnh mà chúng ta có thể làm để giữ cơ thể mình được khỏe mạnh (xin xem thêm trang sinh hoạt của tuần này). Đồng thời giúp các em hiểu rằng rượu, thuốc lá, trà, cà phê, và các thứ thuốc kích thích độc hại khác sẽ làm tổn thương cơ thể chúng ta và Chúa đã cảnh cáo chúng ta không được sử dụng chúng. Mời các em chọn một việc gì đó chúng có thể làm trong tuần này để giữ cho cơ thể chúng được khỏe mạnh.
-
Mời các em thay phiên nhau vẽ lên trên bảng một hình ảnh tượng trưng cho điều gì đó được dạy trong Lời Thông Sáng. Bảo các em còn lại đoán xem mỗi em đang vẽ điều gì. Nói về lệnh truyền của Chúa trong tiết 89 mà có liên quan đến hình vẽ.
-
Sử dụng ví dụ sau đây, hoặc những ví dụ khác mà anh chị em nghĩ ra, để cho thấy cách mà chúng ta được ban phước qua việc tuân theo Lời Thông Sáng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21). Hãy cùng nhau tập một bài thể dục đơn giản, chẳng hạn như đi tản bộ hoặc chạy tại chỗ, và sau đó giả vờ bị “mệt nhọc” hoặc “mòn mỏi” (câu 20). Hãy làm chứng về các lời hứa của Chúa.
-
Cho thấy bức hình của một đền thờ, và yêu cầu các em mô tả điều chúng thấy. Sử dụng một bài hát về sức khỏe thể chất, chẳng hạn như “Chúa Ban Tôi một Đền Tạm” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 62) để dạy các em rằng cơ thể chúng ta giống như đền thờ cho linh hồn chúng ta và Thượng Đế muốn chúng ta giữ cơ thể mình được khỏe mạnh. Giúp các em suy nghĩ về những cách mà chúng ta có thể chăm sóc cho cơ thể của mình, và để các em đóng diễn những cách ấy.
Thượng Đế ban cho chúng ta những vị tiên tri để hướng dẫn và bảo vệ chúng ta.
Giúp các em hiểu cách mà các vị tiên tri của Chúa có thể giúp chúng ta tìm kiếm sự an toàn khỏi những cơn bão tố của cuộc đời.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cho các em thấy hình của những vị tiên tri thời xưa và nói cho chúng biết cách mà các vị tiên tri này cảnh báo dân chúng trong thời kỳ của họ. (Ví dụ, xin xem Môi Se 5:4–12, 58–59 [A Đam] hoặc Sáng Thế Ký 6–8 [Nô Ê].)
-
Tại sao chúng ta nên lắng nghe những vị tiên tri của Thượng Đế? Cho thấy hình của vị tiên tri hiện nay và chia sẻ một số điều mà gần đây ông đã giảng dạy hoặc cảnh báo chúng ta. Giúp các em nghĩ về những cách chúng ta có thể tuân theo vị tiên tri. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về những lẽ thật được giảng dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 90:5. (Chú ý rằng “lời sấm” có nghĩa là những điều mặc khải hoặc những vị tiên tri nhận được những điều mặc khải đó.)
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Lời Thông Sáng giúp tôi được khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.
Anh Cả Gary E. Stevenson đã khuyên dạy những người trẻ tuổi hãy hoạch định trước những điều họ sẽ làm khi bị cám dỗ bởi rượu hoặc các chất gây nghiện. Sau đó ông đã dạy rằng: “Các em sẽ thấy rằng sự cám dỗ có rất ít khả năng điều khiển các em. Các em đã quyết định cách mình sẽ đối phó và điều gì mình sẽ làm rồi. Các em sẽ không cần phải quyết định mỗi lần [các em đương đầu với cám dỗ nữa]” (“Sách Chiến Thuật Chức Tư Tế của Các Em,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 48). Hãy khuyến khích các trẻ em mà anh chị em giảng dạy quyết định từ bây giờ—cho đến suốt cuộc đời của chúng—để sống theo Lời Thông Sáng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Chia các em ra thành hai nhóm và yêu cầu một nhóm đọc Giáo Lý và Giao Ước 89:1–4 và nhóm kia đọc các câu 18–21. Yêu cầu chúng suy ngẫm những câu hỏi như sau: Tại sao Chúa ban cho chúng ta Lời Thông Sáng? Việc sống theo Lời Thông Sáng có thể ban phước cho tôi về mặt thể chất và tinh thần như thế nào?
-
Tạo ra những câu để điền vào chỗ trống bằng cách sử dụng các cụm từ trong Giáo Lý và Giao Ước 89 chẳng hạn như “ được tạo ra cho loài người và súc vật” hoặc “Và sẽ mà không mòn mỏi” (các câu 14,20). Mời các em làm việc theo từng cặp để tìm câu trả lời trong tiết 89. Các em có thể sắp xếp những câu này theo các thể loại sau đây: những thứ lành mạnh cho cơ thể chúng ta, những thứ có hại cho cơ thể chúng ta, và các phước lành.
-
Mời một em đọc to Giáo Lý và Giao Ước 89:4 và một em khác đọc to lời trích dẫn phía trên từ Anh Cả Stevenson. Tại sao chúng ta nên quyết định từ bây giờ để tuân theo Lời Thông Sáng thay vì chờ đợi đến lúc bị cám dỗ? Giúp các em đóng diễn cách mà chúng có thể phản ứng nếu một người nào đó, thậm chí là một người bạn, mời chúng một thứ gì đó mà đi ngược với Lời Thông Sáng. Việc tuân theo Lời Thông Sáng bảo vệ chúng ta như thế nào?
Giáo Lý và Giao Ước 90:2, 5, 14–16
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nắm giữ “các chìa khóa của vương quốc.”
Lời chỉ dẫn của Chúa về Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào năm 1833 (Joseph Smith, Sidney Rigdon, và Frederick G. Williams) có thể giúp các em củng cố chứng ngôn của chúng về Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hiện nay.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời các em tìm kiếm Giáo Lý và Giao Ước 90:14–16 và viết xuống một số điều mà Chúa đã phán bảo Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn phải làm. Cho các em thấy một bức hình của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hiện nay và chia sẻ một điều gì đó về họ. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về sự kêu gọi thiêng liêng của họ và những phước lành mà anh chị em đã nhận được qua việc tuân theo lời khuyên dạy của họ.
-
Ôn lại với các em một điều gì đó mà một thành viên thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giảng dạy. Sau đó hãy cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 90:5. Hãy chỉ ra rằng “lời sấm” có nghĩa là những điều mặc khải hoặc những vị tiên tri nhận được những điều mặc khải đó. Việc “tiếp nhận lời sấm đó … [một cách] xem thường” có nghĩa là gì? Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng các vị tiên tri và những điều họ giảng dạy là quan trọng đối với chúng ta?
Thánh Linh có thể giúp tôi biết điều gì là thật.
Khi anh chị em đọc điều Chúa phán cùng Joseph Smith về Kinh Áp Bô Ríp Pha, hãy suy nghĩ về cách mà lời phán dạy này có thể giúp các em phân biệt giữa lẽ thật và điều sai mà chúng sẽ gặp phải trong suốt cuộc đời của chúng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cùng nhau đọc tiêu đề tiết của Giáo Lý và Giao Ước 91 để giúp các em hiểu Kinh Áp Bô Ríp Pha là gì (xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Áp Bô Ríp Pha,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Giúp các em nghĩ về những nơi khác, chẳng hạn như trên phương tiện truyền thông, mà chúng ta có thể tìm thấy “nhiều điều … có thật” và “nhiều điều … không có thật” (các câu 1–2). Sau đó mời các em tìm kiếm trong tiết 91 để biết được điều Chúa phán bảo chúng ta có thể làm để phân biệt giữa lẽ thật và điều sai.
-
Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 91:4–6 và hỏi các em xem những câu thánh thư này dạy điều gì về Đức Thánh Linh. Mời các em chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân khi “Thánh Linh [đã] biểu hiện lẽ thật” cho chúng biết. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của riêng anh chị em. Thánh Linh có thể giúp chúng ta trong những cách nào khác nữa?
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Mời các em chia sẻ với gia đình chúng những điều chúng đã học được hôm nay về việc chăm sóc cho thể xác và tinh thần của chúng hoặc các mục tiêu của chúng để tuân theo Lời Thông Sáng.