Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 26 tháng Bảy–Ngày 1 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 84: “Quyền Năng của Sự Tin Kính”


“Ngày 26 tháng Bảy–Ngày 1 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 84: ‘Quyền Năng của Sự Tin Kính,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 26 tháng Bảy–Ngày 1 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 84,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2021

Hình Ảnh
Joseph Smith tiếp nhận chức tư tế Mên Chi Xê Đéc

Sự Phục Hồi, do Liz Lemon Swindle họa

Ngày 26 tháng Bảy–Ngày 1 tháng Tám

Giáo Lý và Giao Ước 84

“Quyền Năng của Sự Tin Kính”

Khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 84, các lẽ thật nào mà anh chị em cảm thấy ấn tượng để nhấn mạnh với các trẻ em mà anh chị em giảng dạy? Hãy ghi lại những sự hiểu biết đến với anh chị em từ Đức Thánh Linh.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Mời các em chia sẻ những điều chúng biết về chức tư tế. Anh chị em có thể trưng bày một bức hình của một người nào đó đang được ban phước bởi quyền năng của chức tư tế, chẳng hạn như trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 103–110, và hỏi các em xem chức tư tế ban phước cho gia đình chúng như thế nào.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 84:19–22, 26–27

Chức tư tế là quyền năng của Thượng Đế.

Các trẻ em mà anh chị em giảng dạy có biết về những mục đích của chức tư tế không? Trong Giáo Lý và Giao Ước 84, Chúa đã mặc khải một mục đích: để giúp chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc to Giáo Lý và Giao Ước 84:20, và yêu cầu các em đứng lên khi chúng nghe cụm từ “các giáo lễ.” Để giúp chúng hiểu ý nghĩa của một giáo lễ, hãy trưng bày các bức hình của một vài giáo lễ chức tư tế, chẳng hạn như Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 103–108, và yêu cầu các em miêu tả điều gì đang xảy ra trong mỗi bức hình (xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giáo Lễ,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Giải thích rằng Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta các giáo lễ này để giúp chúng ta trở về sống với Ngài.

  • Hãy để cho các em tô màu trang sinh hoạt. Khi chúng làm như vậy, hãy giải thích các giáo lễ khác nhau của chức tư tế trên trang sinh hoạt và lý do tại sao anh chị em biết ơn các giáo lễ đó.

Giáo Lý và Giao Ước 84:77

Tôi là bạn của Chúa Giê Su khi tôi noi theo Ngài.

Làm cách nào anh chị em có thể giúp các em biết được rằng Đấng Cứu Rỗi yêu thương chúng ta thậm chí còn nhiều hơn là một người bạn thân yêu thương chúng ta?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Trưng bày một bức hình của Đấng Cứu Rỗi khi anh chị em đọc to Giáo Lý và Giao Ước 84:77. Mời các em chỉ vào bức hình của Đấng Cứu Rỗi mỗi khi chúng nghe được từ “bạn.” Giải thích rằng khi chúng ta cố gắng tuân giữ các lệnh truyền, thì chúng ta cho Chúa Giê Su thấy rằng chúng ta yêu thương Ngài. Chia sẻ ý nghĩa của việc có được Chúa Giê Su là bạn của mình đối với anh chị em.

  • Giúp các em liệt kê một số điều chúng có thể làm để cho bạn bè của chúng thấy rằng chúng yêu mến họ. Chúa Giê Su đã làm gì để cho chúng ta thấy rằng Ngài là bạn của chúng ta? Chúng ta có thể làm gì để cho Đấng Cứu Rỗi thấy rằng chúng ta là bạn của Ngài? Cùng nhau hát một bài hát về Chúa Giê Su.

Giáo Lý và Giao Ước 84:88

Cha Thiên Thượng giúp đỡ những người truyền giáo của Ngài.

Ý nghĩ về việc trở thành một người truyền giáo vào một ngày nào đó có thể là thú vị nhưng cũng có thể là đáng sợ đối với một số em. Giáo Lý và Giao Ước 84:88 có thể dạy chúng cách Cha Thiên Thượng giúp đỡ những người mà Ngài phái đi để giảng dạy phúc âm.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy giúp các em nghĩ về những người truyền giáo mà chúng biết. Nói cho các em biết rằng Cha Thiên Thượng đã lập một lời hứa đặc biệt với những người truyền giáo. Đọc to Giáo Lý và Giao Ước 84:88 và giúp các em nghĩ về những hành động đi kèm với những lời hứa trong câu này. Kể về một lần khi anh chị em đang phục vụ Chúa và cảm thấy rằng Ngài đang ở cùng với mình, như được miêu tả trong câu 88.

  • Chia sẻ câu chuyện về cậu bé bốn tuổi trong sứ điệp của Anh Cả Takashi Wada “Nuôi Dưỡng Những Lời Nói của Đấng Ky Tô” (Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 38–40). Giúp mỗi em nghĩ về một điều gì đó chúng có thể nói để chia sẻ chứng ngôn với một người nào đó—chẳng hạn như chia sẻ một trong những tín điều. Bảo mỗi em giả vờ chia sẻ phúc âm với một người bạn. Làm chứng rằng Cha Thiên Thượng giúp chúng ta biết điều cần nói khi chúng ta trò chuyện với người khác về phúc âm.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 84:4–5, 18–28, 30

Các giáo lễ chức tư tế giúp tôi chuẩn bị để sống với Cha Thiên Thượng một lần nữa.

Khi lớn lên, các trẻ em mà anh chị em giảng dạy có thể sẽ tham gia nhiều giáo lễ chức tư tế hơn, bao gồm phép báp têm và lễ xác nhận cho người chết được thực hiện trong đền thờ. Làm cách nào anh chị em có thể giúp chúng hiểu mục đích và quyền năng của các giáo lễ chức tư tế?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Viết Chức Tư Tế A RônChức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc lên trên bảng. Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:18, 26–28, 30 và giúp các em liệt kê ra những lẽ thật mà chúng học được về Chức Tư Tế A Rôn từ các câu thánh thư này. Sau đó cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:18–25 và liệt kê ra những lẽ thật về Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  • Mời các em liệt kê ra những giáo lễ chức tư tế mà chúng đã tham gia hoặc chứng kiến, chẳng hạn như phép báp têm, lễ xác nhận, các phước lành chức tư tế, hoặc Tiệc Thánh. Yêu cầu các em chia sẻ kinh nghiệm của chúng về những giáo lễ này. Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:20 (giúp các em hiểu những từ lạ). Tại sao Chúa mời chúng ta tham gia vào các giáo lễ này? Làm thế nào chức tư tế có thể giúp chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng?

    Hình Ảnh
    trẻ em dự phần Tiệc Thánh

    Các giáo lễ giúp chúng ta nhớ lời hứa của mình với Thượng Đế.

  • Tạo ra một trò chơi ghép hình bằng cách sử dụng hình của một đền thờ. Cùng đọc với các em Giáo Lý và Giao Ước 84:5 và yêu cầu chúng lắng nghe về thứ mà Chúa đã truyền lệnh cho các Thánh Hữu phải xây dựng. Cho mỗi em một mảnh ghép và yêu cầu chúng chia sẻ một điều chúng có thể làm để chuẩn bị bước vào đền thờ.

Giáo Lý và Giao Ước 84:64–72, 81–88

Chúa bảo vệ và giúp sức cho những người truyền giáo.

Các câu thánh thư này chứa đựng những lời mà Chúa đã hứa với những người mà Ngài đã kêu gọi để thuyết giảng phúc âm. Những lời hứa này cũng có thể soi dẫn các em khi chúng chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với người khác.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Nhóm các em lại thành từng cặp và cho mỗi cặp một vài câu thánh thư để đọc từ Giáo Lý và Giao Ước 84:64–72, 81–88. Mời các em tìm kiếm những lời hứa mà Chúa ban cho những người chia sẻ phúc âm. Yêu cầu các em chia sẻ những điều chúng đã học được với cả lớp. Giúp các em nghĩ về những người chúng biết, hoặc những người trong thánh thư, mà đã nhận được sự giúp đỡ từ Chúa trong lúc thuyết giảng phúc âm (chẳng hạn như Sa Mu Ên người La Man [xin xem Hê La Man 13:2–4; 16:6–7] hoặc Am Môn [xin xem An Ma 17:32–38]). Chia sẻ một kinh nghiệm mà trong đó anh chị em cảm thấy sự hỗ trợ từ Chúa trong lúc phục vụ Ngài.

  • Mang đến lớp những cái ly hoặc những vật chứa khác tương tự. Viết những cách mà các em có thể làm người truyền giáo ngay bây giờ lên trên những mảnh giấy, và đặt mỗi mảnh giấy vào trong một cái ly. Gom những cái ly lại gần nhau trên sàn, với miệng ly hướng lên trên. Mời các em thay phiên nhau ném một vật nhỏ vào một trong những cái ly và sau đó đóng diễn điều được viết trên tờ giấy trong cái ly đó. Cha Thiên Thượng giúp đỡ chúng ta như thế nào khi chúng ta chia sẻ phúc âm với người khác, thậm chí khi điều đó là khó hoặc khi chúng ta cảm thấy hồi hộp?

  • Giúp các em nhận thấy rằng tất cả chúng ta đều là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô nhờ vào công việc truyền giáo—những người truyền giáo đã giảng dạy phúc âm cho chúng ta, hoặc cha mẹ, hoặc tổ tiên chúng ta. Nói cho các em biết cách mà những người truyền giáo đã giúp đỡ anh chị em hoặc tổ tiên của anh chị em tiếp nhận phúc âm. Hãy để cho các em chia sẻ những kinh nghiệm tương tự. Khuyến khích chúng hỏi cha mẹ chúng về cách mà các tín hữu Giáo Hội đầu tiên trong gia đình chúng biết về phúc âm.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em làm một điều gì đó trong tuần này để chia sẻ phúc âm với một người trong gia đình hoặc với một người bạn. Khuyến khích chúng cầu xin sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng và chú ý xem Ngài làm điều gì để giúp đỡ chúng.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Sử dụng các giác quan. “Hầu hết trẻ em (và người lớn) học hỏi một cách hữu hiệu nhất khi sử dụng nhiều giác quan. Hãy tìm cách giúp các em sử dụng các giác quan của chúng về thị giác, thính giác và xúc giác khi chúng học hỏi” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 25).

In