Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 18–24 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 121–123: “Hỡi Thượng Đế, Ngài Ở Đâu?”


“Ngày 18–24 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 121–123: ‘Hỡi Thượng Đế, Ngài Ở Đâu?’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 18–24 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 121–123,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2021

Ngục Thất Liberty

Liberty Jail Spring (Ngục Thất Liberty vào Mùa Xuân), tranh do Al Rounds họa

Ngày 18–24 tháng Mười

Giáo Lý và Giao Ước 121–123

“Hỡi Thượng Đế, Ngài Ở Đâu?”

Khi anh chị em nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 121–123, hãy cân nhắc điều mà các trẻ em trong lớp của anh chị em đã biết rồi. Cầu nguyện để biết cách khai triển dựa trên điều các em đã biết.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Nếu anh chị em khuyến khích các em chia sẻ điều đã học trong lớp vào tuần trước với gia đình của chúng, thì hãy cho các em thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm của chúng.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8; 122:7

Những lúc khó khăn có thể có ích lợi cho chúng ta.

Những lời của Chúa cho Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty tạo cơ hội để giúp các em nhận ra rằng cuộc sống đôi lúc khó khăn, nhưng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em lắng nghe từ “bình yên” khi anh chị em chia sẻ với chúng “Chương 46: Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty” (Các Câu Chuyện Giáo Lý và Giao Ước, trang 172–174) hoặc Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8. Giúp các em nghĩ về những cách mà chúng ta có thể tin cậy Chúa như Joseph đã làm để chúng ta có thể cảm nhận sự bình an. Giải thích rằng mặc dù Joseph đã trải qua những điều khó khăn, Chúa vẫn luôn ở cùng ông.

  • Để giúp các em nhận ra rằng những thử thách của chúng ta “sẽ lợi ích [cho chúng ta]” (Giáo Lý và Giao Ước 122:7), hãy nói cho các em biết về cách mà cơ bắp của chúng ta phát triển khi chúng ta mang vật nặng. Hãy để các em giả vờ nâng một vật nặng hoặc làm việc nặng nhọc. Giải thích rằng tinh thần chúng ta sẽ phát triển khi trải qua những lúc khó khăn—nếu chúng ta tìm đến Chúa để được giúp đỡ. Chia sẻ một số ví dụ gần gũi với các trẻ em mà anh chị em giảng dạy. Mời các em lặp lại cùng anh chị em cụm từ “Tất cả những điều này sẽ … lợi ích cho [chúng ta].”

Giáo Lý và Giao Ước 122:8

Chúa Giê Su Ky Tô biết những cảm nghĩ của tôi.

Trong Ngục Thất Liberty, Chúa Giê Su Ky Tô đã phán với Joseph Smith rằng Ngài đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi điều (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 122:8). Điều này có nghĩa là Ngài biết những điều chúng ta đang trải qua và chúng ta có thể tìm đến Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Để giúp các em học cách tìm đến Đấng Ky Tô khi gặp khó khăn, hãy yêu cầu các em cho anh chị em thấy khuôn mặt của chúng khi chúng buồn bã, đau đớn hoặc sợ hãi. Ai có thể giúp chúng ta khi chúng ta cảm thấy như vậy? Đọc to Giáo Lý và Giao Ước 122:8, và giải thích rằng điều này có nghĩa là Chúa Giê Su Ky Tô biết những cảm nghĩ của chúng ta, và Ngài có thể giúp chúng ta.

  • Cùng nhau hát “Cảm Tạ Cha Yêu Dấu” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 55), và làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta bởi vì Ngài biết những cảm nghĩ của chúng ta.

    Chúa Giê Su trên nền đất trong vườn Ghết Xê Ma Nê

    Chúa Giê Su hiểu nỗi đau khổ của chúng ta. Not My Will, But Thine (Không Phải theo Ý Con mà Ý Ngài Được Nên), tranh do Walter Rane họa.

Giáo Lý và Giao Ước 123:17

Thượng Đế muốn tôi vui vẻ làm những điều tôi có thể làm.

Mặc dù Joseph Smith bị cầm tù và các Thánh Hữu đã bị đuổi ra khỏi nhà của họ, ông vẫn khuyến khích các Thánh Hữu hãy “vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta.”

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc cho các em nghe Giáo Lý và Giao Ước 123:17, và mời các em đứng lên và vui mừng khi chúng nghe từ “vui vẻ.” Mời các em giả vờ thực hiện những hành động phục vụ khác nhau một cách vui vẻ.

  • Cùng nhau hát một bài hát về sự vui vẻ phục vụ chẳng hạn như “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46). Giúp các em nghĩ về những cách thức mà chúng có thể vui vẻ phục vụ gia đình và bạn bè của mình.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 121:7–9; 122:7–9

Những thử thách của tôi có thể là lợi ích cho tôi.

Một cách mà Đấng Cứu Rỗi đã an ủi Joseph Smith trong lúc ông chịu đau khổ trong Ngục Thất Liberty là bằng cách phán dạy ông rằng “tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 122:7). Lẽ thật này có thể ban phước cho các trẻ em khi chúng gặp phải những thử thách của riêng mình.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em chia sẻ điều chúng biết về kinh nghiệm của Joseph Smith trong ngục thất và về các Thánh Hữu bị buộc phải rời khỏi Missouri (xin xem các chương 45–47 trong Các Câu Chuyện Giáo Lý và Giao Ước, trang 167–175). Hỏi các em xem chúng sẽ cảm thấy như thế nào nếu chúng là Joseph Smith hoặc một trong các Thánh Hữu vào thời điểm này. Cùng đọc với các em Giáo Lý và Giao Ước 121:7–9; 122:7–9, và mời các em tìm kiếm điều mà Chúa phán là sẽ mang lại cho chúng sự bình an. Những kinh nghiệm khó khăn có thể “là lợi ích [cho chúng ta]” như thế nào?

  • Yêu cầu hai em cầm hai đầu của một sợi dây mà đủ dài để kéo từ bên này sang bên kia của căn phòng. Yêu cầu một em khác cầm một điểm trên sợi dây đó. Đọc to Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8, và giải thích rằng sợi dây tượng trưng cho những năm tháng của thời vĩnh cửu và điểm nhỏ đang được cầm giống như những năm tháng của chúng ta trên thế gian. Việc những thử thách của chúng ta trên thế gian chỉ tồn tại trong “một thời gian ngắn” có nghĩa là gì?

  • Giúp các em tưởng tượng xem sẽ như thế nào nếu chúng phải trải qua bốn tháng trong một nơi như Ngục Thất Liberty. Chúng ta sẽ nhớ điều gì nhất? Chúng ta sẽ dùng thời giờ của mình như thế nào? Joseph Smith đã học được điều gì trong Giáo Lý và Giao Ước 121:7–9; 122:7–9 mà đã giúp ông chịu đựng được kinh nghiệm này? Khuyến khích các em viết thư cho một người đang gặp khó khăn, và đề nghị các em bao gồm một điều gì đó từ Giáo Lý và Giao Ước 121:7–9; 122:7–9 trong lá thư của chúng.

Giáo Lý và Giao Ước 121:34–46

Chúng ta phải ngay chính để có được “các quyền năng trên trời.”

Giúp các trẻ em mà anh chị em giảng dạy nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể có được quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống nếu chúng ta ngay chính.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Vẽ một đường thẳng với những từ nhiều quyền năng ở một đầu và ít quyền năng ở đầu kia. Vẽ một mũi tên chỉ vào điểm chính giữa của đường thẳng ấy. Chọn ra vài từ hoặc cụm từ trong Giáo Lý và Giao Ước 121:34–46 mà dạy cho chúng ta cách gia tăng hoặc giảm đi quyền năng của thiên thượng trong cuộc sống chúng ta (chẳng hạn như “che giấu tội lỗi của mình”, “tính kêu ngạo”, “sự hiền dịu”, và “tình thương yêu”). Mời các em thay phiên nhau chọn ra một từ, quyết định xem từ đó làm cho quyền năng gia tăng hay giảm đi, và di chuyển mũi tên cho phù hợp. Trò chuyện với các em về những người mà chúng biết là đã có ảnh hưởng tốt đến người khác bởi vì họ đã tuân theo sự khuyên dạy của Chúa trong những câu này.

  • Đọc to Giáo Lý và Giao Ước 121:41–42, 45, và yêu cầu các em liệt kê ra các đức tính trong những câu này mà Chúa muốn chúng ta có. Giúp các em định nghĩa các từ mà chúng không hiểu. Chỉ định cho mỗi em một đức tính, và giúp các em nghĩ về cách để có thể bày tỏ đức tính đó. Sau khi tất cả các em đều đã chia sẻ, hãy yêu cầu các em đọc các câu 45–46 và liệt kê ra những phước lành mà chúng sẽ nhận được nếu chúng phát triển các đức tính đó.

  • Cùng nhau đọc dòng thứ nhất từ Giáo Lý và Giao Ước 121:46. Làm thế nào mà Đức Thánh Linh có thể là “người bạn đồng hành luôn luôn” của chúng ta? Cùng nhau hát “Thánh Linh Của Thượng Đế” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 28) hoặc một bài hát khác về ân tứ Đức Thánh Linh. Bài hát này dạy chúng ta điều gì về lý do mà chúng ta muốn Đức Thánh Linh làm người bạn đồng hành luôn luôn của mình?

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em nghĩ về một người nào đó đang gặp khó khăn. Giúp các em nhận biết một điều mà Joseph Smith đã học được trong Ngục Thất Liberty mà chúng có thể chia sẻ với người đó.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hỗ trợ việc học tại nhà. “Cha mẹ là các giảng viên phúc âm quan trọng nhất đối với con cái của họ—họ có cả trách nhiệm chính yếu lẫn sức mạnh vô song để ảnh hưởng đến con cái của họ (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:6–7). Khi anh chị em giảng dạy cho trẻ em ở nhà thờ, thì hãy thành tâm tìm cách hỗ trợ cha mẹ của chúng trong vai trò thiết yếu của họ” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 25).