Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 16–22 tháng Một. Giăng 1: Chúng Ta Đã Gặp Đấng Mê Si


“Ngày 16–22 tháng Một. Giăng 1: Chúng Ta Đã Gặp Đấng Mê Si,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 16–22 tháng Một. Giăng 1,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2023

Hình Ảnh
người phụ nữ chia sẻ phúc âm ở một ga xe lửa

Ngày 16–22 tháng Một

Giăng 1

Chúng Ta Đã Gặp Đấng Mê Si

Khi anh chị em đọc Giăng 1, hãy ghi lại những ấn tượng thuộc linh mà anh chị em nhận được. Đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình có thể giúp anh chị em học hỏi chương này. Các sinh hoạt được gợi ý sau đây có thể mang đến cho anh chị em những ý tưởng về cách để giúp các em học các nguyên tắc trong Giăng 1. Nếu muốn, những sinh hoạt cho các em lớn tuổi có thể được thích ứng cho phù hợp với các em nhỏ tuổi.

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Để giúp các em chia sẻ điều chúng biết về Chúa Giê Su, hãy cho xem các bức hình về việc Ngài làm tròn một số vai trò của Ngài được miêu tả trong Giăng 1 (chẳng hạn như việc sáng tạo thế gian hoặc giảng dạy phúc âm). Mời các em mô tả điều đang diễn ra trong những bức hình.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Giăng 1:1–2

Chúa Giê Su sống với Cha Thiên Thượng trước khi Ngài giáng sinh.

Giăng giảng dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã sống với Thượng Đế Đức Chúa Cha trước cuộc sống trần thế của Ngài. Chúng ta cũng đã sống với Thượng Đế trước khi được sinh ra (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Làm thế nào anh chị em giảng dạy các em lẽ thật này?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy giải thích rằng “Ngôi Lời” trong Giăng 1:1 ý nói đến Chúa Giê Su. Hãy đọc lớn tiếng câu này, và bảo các em nói “Chúa Giê Su” mỗi lần anh chị em đọc từ “Ngôi Lời.” Hãy giải thích rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã sống với Cha Thiên Thượng trước khi Ngài đến thế gian.

  • Hãy tận dụng các tài liệu như sau để giảng dạy các em về cuộc sống của chúng ta với Thượng Đế trước khi đến thế gian: “Lời Giới Thiệu: Kế Hoạch của Cha Thiên Thượng Chúng Ta” (trong sách Các Câu Chuyện Trong Kinh Tân Ước, trang 1–5, hoặc đoạn video tương ứng trên ChurchofJesusChrist.org) hoặc mục “Cuộc Sống Tiền Dương Thế” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

  • Mời cha hoặc mẹ ẵm một em bé vào lớp học. Hỏi các em xem linh hồn của em bé này đã ở đâu trước khi em ấy được sinh ra. Nhắc cho các em nhớ rằng chúng đã từng là các em bé, và làm chứng rằng chúng cũng đã từng sống trên thiên thượng với Cha Thiên Thượng như những con cái linh hồn trước khi được sinh ra.

Giăng 1:3

Chúa Giê Su sáng tạo vạn vật.

Việc hiểu biết về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô là một Đấng Sáng Tạo có thể giúp các em mà anh chị em dạy gia tăng sự tôn nghiêm đối với Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy đọc Giăng 1:3 với các em, và cho xem bức hình từ đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Cá Nhân và Gia Đình. Hãy giúp các em ghi nhớ đoạn “tất cả mọi vật đều được tạo dựng bởi [Chúa Giê Su Ky Tô].”

  • Cho một em xem bức hình của một trong những sự sáng tạo của Chúa. Hãy để em ấy miêu tả bức hình đó cho các em khác, và bảo chúng đoán về điều đang được miêu tả.

  • Hãy bảo mỗi em kể ra một điều gì đó mà Chúa Giê Su Ky Tô đã sáng tạo. Giúp các em nghĩ về những cách mà chúng có thể chăm sóc cho thế gian và những tạo vật khác của Chúa.

Hình Ảnh
mặt trời mọc trong một khu rừng

Chúa Giê Su Ky Tô đã tạo dựng thế gian và mọi vật trên đó.

Giăng 1:35–51

Tôi có thể mời những người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và học hỏi về Ngài.

Giăng 1 chứa đựng những câu chuyện về các môn đồ mà đã mời gọi người khác “hãy đến xem” rằng Chúa Giê Su là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể noi theo tấm gương này.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy mô tả cách Anh Rê học biết về Chúa Giê Su, và cho biết cách Anh Rê giảng dạy lại cho Phi E Rơ (xin xem Giăng 1:35–42). Hãy chia sẻ cách anh chị em học về Giáo Hội, hoặc mời một tín hữu mới chia sẻ cách mà người ấy học về Giáo Hội.

  • Hãy chia sẻ câu chuyện Phi Líp mời Na Tha Na Ên “hãy đến xem” (Giăng 1:43–51). Hãy giấu một bức tranh về Chúa Giê Su trong một cái hộp, và mời một đứa trẻ “hãy đến xem” bức ảnh và kể cho những đứa trẻ khác nghe về điều mà nó thấy.

  • Hãy cho các em tô màu trang sinh hoạt của tuần này, và khuyến khích chúng sử dụng trang đó để mời gọi người khác học về Chúa Giê Su.

  • Hãy bảo một em nói về một lần mà em ấy chia sẻ một thứ gì đó, chẳng hạn như một món đồ chơi hay quà, với người khác. Chúng ta có thể chia sẻ phúc âm bằng cách nào? Kể một câu chuyện về một đứa trẻ chia sẻ phúc âm với một người bạn.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Giăng 1:1–5

Chúa Giê Su Ky Tô đã sống với Cha Thiên Thượng trước khi Ngài giáng sinh.

Kể cả trước khi Ngài giáng sinh, Chúa Giê Su Ky Tô đã đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Khi đọc Giăng 1:1–5, điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về công việc trong tiền dương thế của Đấng Ky Tô?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy hỏi các em xem chúng có biết bất kỳ điều gì về những điều mà Chúa Giê Su đã làm trước khi Ngài giáng sinh không. Mời các em tìm kiếm những câu trả lời trong Giăng 1:1–5. Có thể hữu ích khi xem Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith, Giăng 1:1–5 (trong Phụ Lục Kinh Thánh).

  • Hãy chia sẻ các phần trong chương “Lời Giới Thiệu: Kế Hoạch Của Cha Thiên Thượng Chúng Ta” (trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Tân Ước, trang 1–5 hoặc đoạn video tương ứng trên ChurchofJesusChrist.org). Hãy hỏi các em xem chúng học được gì về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Trước đó vài ngày, hãy mời một số em chuẩn bị trước khi đến lớp để trình bày hoặc miêu tả điều gì đó chúng đã tạo ra. Hãy cho xem các bức hình về một số tạo vật của Chúa, và sử dụng Giăng 1:3 để giải thích rằng Chúa Giê Su đã tạo nên thế gian và vạn vật trên đó.

Giăng 1:4–9

Chúa Giê Su Ky Tô là ánh sáng của tôi.

Biểu tượng ánh sáng có thể giúp các em hiểu về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Bằng cách nào anh chị em có thể tạo cảm hứng cho các em để tìm kiếm ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi khi thế gian dường như đen tối?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy mời các em đọc Thi Thiên 27:1; Giăng 1:4–9; Mô Si A 16:9; và Giáo Lý và Giao Ước 39:1–2, tìm kiếm những đoạn giống nhau trong những câu thánh thư này. Chúa Giê Su Ky Tô giống ánh sáng như thế nào?

  • Cho xem một bức tranh của Đấng Cứu Rỗi và vài vật thể cung cấp ánh sáng, như đèn pin. Chúa Giê Su Ky Tô giống những vật thể này như thế nào? Làm cách nào chúng ta có thể chia sẻ ánh sáng của Ngài với người khác? Hãy cùng nhau hát một bài hát về ánh sáng phúc âm.

  • Hỏi các em xem chúng làm gì khi ở trong bóng tối và cảm thấy sợ hãi. Làm chứng rằng chúng có thể luôn luôn hướng đến Đấng Cứu Rỗi khi chúng sợ hãi.

Giăng 1:35–51

Với tư cách là một tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi có thể mời gọi người khác noi theo Ngài.

Suy ngẫm cách anh chị em có thể sử dụng những ví dụ trong Giăng 1:35–51 để khuyến khích các em mời những người khác tìm hiểu về Đấng Cứu Rỗi.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy giúp các em tra cứu trong Giăng 1:35–51 để tìm kiếm những điều mà dân chúng đã nói để mời gọi những người khác học về Đấng Cứu Rỗi. Hãy để các em thực tập điều mà chúng có thể nói để mời gọi một người bạn học hỏi về Ngài.

  • Hãy bảo các em sử dụng trang sinh hoạt của tuần này để làm một giấy mời mà chúng có thể sử dụng để mời một người bạn hoặc thành viên trong gia đình học hỏi thêm về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Cho các em cơ hội để kể với lớp học về điều gì đó mà chúng yêu thích. Giúp các em hiểu làm thế nào việc chia sẻ phúc âm có thể giống như việc chia sẻ những điều chúng ta yêu thích.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Khuyến khích các em mời một người nào đó mà chúng yêu mến để học hỏi thêm về Chúa Giê Su Ky Tô.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Sử dụng các dụng cụ giảng dạy trực quan. Hãy tìm cách giúp các em hình dung ra điều mà chúng đang học trong thánh thư. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách sử dụng sách họa phẩm phúc âm, tranh vẽ, video, con rối, hoặc tiểu phẩm.

In