“Ngày 25 tháng Chín–Ngày 1 tháng Mười. Ga La Ti: ‘Hãy Bước Đi Theo Thánh Linh,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 25 tháng Chín–Ngày 1 tháng Mười. Ga La Ti,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2023
Ngày 25 tháng Chín–Ngày 1 tháng Mười
Ga La Ti
“Hãy Bước Đi Theo Thánh Linh”
Khi anh chị em đọc Ga La Ti, những ấn tượng nào anh chị em có về điều mà những đứa trẻ trong lớp của anh chị em cần biết?
Mời Chia Sẻ
Cho các em vài phút để vẽ điều chúng đã học được từ một buổi thảo luận phúc âm gần đây ở nhà hoặc ở nhà thờ. Hãy để các em chia sẻ xem mỗi bức tranh tượng trưng cho điều gì.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Đức Thánh Linh giúp tôi cảm thấy tình yêu thương, niềm vui, và bình an.
Trẻ em nhỏ tuổi có thể nhận biết trái của Thánh Linh. Điều này sẽ chuẩn bị cho chúng để tìm kiếm sự ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong suốt cuộc đời.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Trưng bày hoặc cho xem những bức hình về một số loại trái cây, và bảo các em mô tả hương vị của mỗi loại trái cây. Giải thích rằng giống như trái cây có những hương vị khác nhau, chúng ta có thể cảm nhận Đức Thánh Linh theo nhiều cách khác nhau, như tình yêu thương hoặc sự bình an. Mô tả một số cách thức mà anh chị em đã cảm nhận Đức Thánh Linh trong cuộc sống của mình, và để cho các em chia sẻ cách chúng cảm nhận về Đức Thánh Linh.
-
Cùng đọc Ga La Ti 5:22–23 với các em, và giải thích những từ mà chúng có thể không quen thuộc. Mời mỗi em chọn ra một trái của Thánh Linh được nhắc đến trong những câu này, và giúp em ấy nghĩ về một lần khi đã trải nghiệm được điều đó. Mời các em vẽ những bức tranh đơn giản về những trải nghiệm của chúng.
Chúa Giê Su Ky Tô muốn tôi giúp đỡ những người hoạn nạn.
Sự hướng dẫn trong Ga La Ti 6:2 tương tự như lời giảng dạy của An Ma trong Mô Si A 18:8 cho những người sắp chịu phép báp têm. Lấy cơ hội này để giúp các em chuẩn bị cho các giao ước báp têm.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cho xem bức hình về một đứa trẻ đang chịu phép báp têm (như Sách Họa Phẩm Phúc Âm, trang 104). Hỏi các em xem đứa trẻ đó đang làm gì. Giải thích rằng khi chịu phép báp têm, chúng ta lập các giao ước, hay những lời hứa. Đọc Ga La Ti 6:2 hoặc Mô Si A 18:8 để giúp các em học một trong những điều chúng ta hứa để làm: mang lấy gánh nặng cho nhau. Mời các em vẽ tranh về cách chúng có thể giúp những người đang mang gánh nặng.
-
Đọc cho các em nghe đoạn này từ Ga La Ti 6:2: “mang lấy gánh nặng cho nhau.” Để minh họa cho ý nghĩa của điều này, hãy trao cho mỗi em mang một vật nặng nào đó. Sau đó bảo một em tình nguyện để giúp em kia mang món đồ này. Giải thích cho các em rằng có nhiều điều có thể giống như một gánh nặng, như bị bệnh hoặc cảm thấy buồn phiền hay cô đơn. Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ một người với gánh nặng này?
Những hành động của chúng ta, cả tốt lẫn xấu, đều có hậu quả.
Qua việc giảng dạy rằng chúng ta gặt điều mà mình gieo, như được giải thích trong Ga La Ti 6:7–9, anh chị em có thể dạy các em biết cân nhắc những hậu quả trong hành động của chúng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Trưng bày một hạt giống và một cây rau. Đọc Ga La Ti 6:7–9 cho các em nghe. Bảo các em giả vờ gieo hạt giống khi chúng nghe từ gieo. Bảo các em giả vờ hái cây rau khi chúng nghe từ gặt.
-
Cho các em thấy một số loại rau, và giúp chúng tìm những hạt giống bên trong mỗi loại. Để những hạt giống vào hộp đựng và để cho các em lần lượt chọn và nói loại rau nào sẽ lớn lên nếu chúng gieo hạt đó. Giúp các em thấy rằng giống như những hạt giống chúng ta gieo xác định loại rau chúng ta nhận được, những sự lựa chọn của chúng ta xác định hậu quả và phước lành chúng ta nhận được cuối cùng.
-
Tạo một đường kẻ trên sàn bằng băng dính. Đặt một khuôn mặt vui và một khuôn mặt buồn lên mỗi đầu đường kẻ. Mời một em đứng giữa đường kẻ, và giúp các em khác nghĩ về những lựa chọn mà sẽ dẫn đến hạnh phúc hay buồn phiền. Đối với mỗi sự lựa chọn, hãy yêu cầu em đứng giữa đường kẻ bước về phía hạnh phúc hoặc buồn phiền. Hãy lặp lại sinh hoạt này vài lần, và để các em khác thay phiên nhau đứng trên đường kẻ.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Việc chịu phép báp têm giúp chúng ta “thảy đều làm một trong Đấng Ky Tô.”
Phao Lô đã dạy các Thánh Hữu ở Ga La Ti rằng khi họ chịu phép báp têm, họ sẽ trở thành “thảy đều làm một trong Chúa Giê Su Ky Tô.” Làm cách nào anh chị em có thể giúp các em cố gắng trở nên đoàn kết như được mô tả trong Ga La Ti 3:26–28?
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời các em đọc Ga La Ti 3:26–28 trong lúc nghĩ về câu hỏi này: Điều gì xảy ra khi tôi chịu phép báp têm? Anh chị em có thể muốn tập trung vào những cụm từ như “mặc lấy Đấng Ky Tô” hoặc “thảy đều làm một trong Đấng Ky Tô.” Những cụm từ này có thể có ý nghĩa gì? Việc “mặc lấy Đấng Ky Tô” cũng tương tự với việc chúng ta mang lấy danh Ngài như thế nào? (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:75–79). Chúng ta có thể làm gì để cho người khác thấy rằng chúng ta đã mang lấy danh Ngài?
-
Cùng nhau đọc Ga La Ti 3:28, và chỉ ra một số cách mà người ta tự giới thiệu về mình khi họ chịu phép báp têm vào thời của Phao Lô. Hãy giúp các em kể ra một số cách mà chúng tự giới thiệu về bản thân ngày nay. Phao Lô đang cố gắng dạy chúng ta điều gì về cách chúng ta nên nhìn nhận lẫn nhau khi chịu phép báp têm?
Nếu tôi “bước đi theo Thánh Linh,” thì tôi sẽ nhận được “trái của Thánh Linh.”
Khi chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, chúng ta có thể nhận được trái của Thánh Linh nhiều hơn trong cuộc sống của mình. Làm cách nào anh chị em có thể giúp các em nhận ra những trái này trong cuộc sống của chúng?
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Đưa cho mỗi em một mảnh giấy (anh chị em có thể cắt giấy thành hình trái cây), và bảo các em tìm một “trái của Thánh Linh” được liệt kê trong Ga La Ti 5:22–23. Mời các em viết một trong những trái đó vào một mặt của tờ giấy và mặt kia viết ý nghĩa của nó. (Giúp các em hiểu những từ chúng không quen thuộc.) Mời các em chia sẻ những trái của chúng với cả lớp. Chúng ta có thể làm gì để luôn có được Đức Thánh Linh ở cùng với chúng ta?
-
Mời các em đọc về trái của Thánh Linh trong Ga La Ti 5:22–23 và viết hoặc vẽ tranh về một lần khi Đức Thánh Linh giúp chúng cảm thấy một trong những trái đó. Bảo các em chia sẻ câu chuyện hay bức tranh của chúng với một em khác trong lớp. Tại sao trái cây là một cách hay để giúp chúng ta hiểu cách mà Đức Thánh Linh ảnh hưởng đến mình?
Những hành động của chúng ta, cả tốt lẫn xấu, đều có hậu quả.
Giúp các em hiểu rằng những hậu quả của hành vi của chúng ta đôi khi đến ngay lập tức và những lần khác có thể “đến đúng kỳ” (câu 9).
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cùng nhau đọc Ga La Ti 6:7–9. Cung cấp danh sách các hành động (hoặc những hạt giống mà chúng ta “gieo”) và hậu quả (hoặc trái mà chúng ta “gặt”). Bảo các em ghép các hành động cho tương xứng với các hậu quả.
-
Mời các em liệt kê một số phước lành mà chúng hy vọng nhận được từ Cha Thiên Thượng. Giúp các em nghĩ về “những hạt giống” chúng phải gieo để “gặt” những phước lành này.
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Giúp các em tìm kiếm những cách thức mà các lẽ thật chúng học được hôm nay có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của chúng. Ví dụ, anh chị em có thể mời các em quan sát những kết quả, hay “trái” tốt, đến nhờ những quyết định tốt của chúng.