“Ngày 3–9 tháng Mười. Ê Sai 58–66: ‘Đấng Cứu Chuộc Sẽ Đến Với Si Ôn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 3–9 tháng Mười. Ê Sai 58–66,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022
Ngày 3–9 tháng Mười
Ê Sai 58–66
“Đấng Cứu Chuộc Sẽ Đến Với Si Ôn”
Các ý tưởng sinh hoạt trong đại cương này là nhằm gợi lên sự sáng tạo của anh chị em. Đừng cảm thấy bắt buộc phải tuân theo chúng một cách chính xác; hãy tuân theo những thúc giục của Thánh Linh trước và trong bài học của anh chị em.
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Nhiều lời nói của Ê Sai làm chứng và giảng dạy về Đấng Cứu Rỗi. Hãy trưng ra một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô, và mời các em chia sẻ một điều gì đó chúng học được về Ngài trong tuần này.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Ngày Sa Bát có thể là ngày vui thích đối với tôi.
Ngày Sa Bát là thời gian chúng ta tưởng nhớ đến Chúa và nghỉ ngơi sau các hoạt động hằng tuần của mình. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các trẻ em mà mình giảng dạy làm cho ngày Sa Bát trở thành một ngày vui thích?
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Yêu cầu các em lặp lại một vài lần cụm từ “Xưng ngày Sa Bát là ngày vui thích, ngày thánh của Đức Giê Hô Va” (Ê Sai 58:13). Hãy giải thích rằng “vui thích” có nghĩa là một điều gì đó mang đến cho chúng ta niềm vui. Mời các em chia sẻ về những điều mang đến cho chúng niềm vui. Hãy làm chứng rằng Chúa ban cho chúng ta ngày Sa Bát bởi vì Ngài muốn chúng ta có được niềm vui. Nói cho các em biết tại sao ngày Sa Bát là ngày vui thích đối với anh chị em.
-
Hãy đọc cho các em nghe từ Ê Sai 58:14: “Bấy giờ ngươi sẽ lấy Đức Giê Hô Va làm vui thích.” Giải thích với các em rằng ngày Sa Bát là một ngày đặc biệt—là thời gian để chúng ta có thể suy nghĩ về những điều Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su đã làm để giúp chúng ta được hạnh phúc. Giúp các em nghĩ về những việc chúng có thể làm vào ngày Sa Bát để tưởng nhớ đến Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su. Mời các em vẽ tranh về những ý kiến của chúng và chia sẻ các bức tranh này với nhau và với gia đình chúng.
Tôi có thể tỏ cho người khác thấy ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi.
Ê Sai đã tiên tri rằng trong những ngày sau cùng, dân của Chúa sẽ giống như một nguồn sáng cho những người trong nơi tối tăm. Hãy cân nhắc làm thế nào anh chị em có thể giúp các em “dấy lên” và “tỏa sáng.”
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy mời các em nhắm mắt lại khi anh chị em đọc Ê Sai 60:1–3. Yêu cầu các em mở mắt ra khi chúng nghe được từ “sự sáng” và nhắm mắt lại khi chúng nghe từ “sự u ám.” Giải thích rằng Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài giống như một nguồn sáng để giúp chúng ta nhìn thấy con đường của mình trở về với Cha Thiên Thượng.
-
Hãy đưa cho mỗi em một bức hình của một nguồn sáng (chẳng hạn như mặt trời, ngọn nến, hoặc bóng đèn). Giúp các em nghĩ về những cách thức mà chúng có thể chia sẻ ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi với người khác. Sau khi mỗi ý kiến được chia sẻ, hãy mời các em “đứng lên” và “tỏa sáng” bằng cách giơ cao lên bức hình của chúng. Nói cho các em biết về những cách mà anh chị em đã thấy chúng chia sẻ ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi.
-
Cùng nhau hát một bài hát về việc chia sẻ sự sáng, chẳng hạn như “Hãy Làm Điều Tốt” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 34). Giúp các em nhận ra những từ trong bài hát mà củng cố những điều chúng học được từ Ê Sai 60:1–3.
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của tôi.
Ê Sai 61:1–3 đưa ra một lời miêu tả mạnh mẽ về sứ mệnh giảng dạy và chữa lành của Đấng Cứu Rỗi. Hãy tìm kiếm những cách thức để giúp các em thấy được cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể giảng dạy và chữa lành cho chúng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy để các em cầm những bức hình về việc Chúa Giê Su giảng dạy, chữa lành, và giúp đỡ người khác trong lúc anh chị em đọc Ê Sai 61:1 (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm). Giải thích rằng Thượng Đế đã gửi Chúa Giê Su Ky Tô đến để làm những điều này cho tất cả chúng ta. Bảo các em hãy chia sẻ những cảm nghĩ của chúng về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy làm chứng về tình thương yêu của Đấng Cứu Rỗi dành cho mỗi em.
-
Ê Sai 61:3 miêu tả những người lắng nghe và vâng lời Chúa là “cây của sự công bình.” Vẽ một cái cây lên trên bảng, và mời các em nghĩ về những điều ngay chính mà chúng có thể làm. Cho mỗi ý kiến được đưa ra, hãy để các em vẽ một chiếc lá trên cái cây đó.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Việc nhịn ăn ban phước cho tôi và những người thiếu thốn.
Một số trẻ em mà anh chị em dạy có thể đã đủ tuổi để nhịn ăn. Nhưng ngay cả những em không đủ tuổi vẫn có thể được lợi ích khi học hỏi về luật nhịn ăn của Chúa và chuẩn bị để nhịn ăn khi các em ấy sẵn sàng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy viết lên trên bảng Tại sao chúng ta nhịn ăn? và Chúng ta nhịn ăn như thế nào? Mời các em viết những câu trả lời khả thi lên trên bảng. Khuyến khích chúng hãy ôn lại mục “Nhịn Ăn” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org) và Ê Sai 58:6–11 để tìm thêm câu trả lời. Ê Sai 58:6–11 có thể giúp chúng ta như thế nào khi việc nhịn ăn trở nên khó khăn?
-
Hãy chia sẻ với các em một kinh nghiệm cá nhân về việc nhịn ăn, hoặc chia sẻ một câu chuyện từ một tạp chí Giáo Hội về việc nhịn ăn. Hãy nhấn mạnh các phước lành mà đến từ việc nhịn ăn với mục đích thuộc linh. Nếu có em nào đã nhịn ăn, thì hãy mời các em ấy chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Khuyến khích các em trò chuyện với cha mẹ của chúng vào ngày Chủ Nhật nhịn ăn kế tiếp về ý nghĩa của việc nhịn ăn. Hãy giúp chúng hiểu ý nghĩa của việc nhịn ăn với một mục đích và tấm lòng chân thành.
-
Hãy cùng nhau đọc Ê Sai 58:6–7, và giải thích rằng một cách để chúng ta “chia bánh [của chúng ta] cho kẻ đói” khi nhịn ăn là hiến tặng của lễ nhịn ăn bằng số tiền chúng ta đáng lẽ ra đã dùng để mua thức ăn. Cho các em thấy một phiếu hiến tặng tiền thập phân và của lễ nhịn ăn, và giải thích cách điền vào phiếu đó. Mời các em đọc Ê Sai 58:8–10, và tìm kiếm các phước lành được hứa cho chúng ta khi chúng ta nhịn ăn. Việc nhịn ăn có thể ban phước cho chúng ta và những người thiếu thốn như thế nào?
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của tôi.
Hãy suy ngẫm làm thế nào anh chị em có thể sử dụng tốt nhất những lời của Ê Sai để củng cố chứng ngôn của các trẻ em về Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hãy cho các em một vài phút để đọc thầm Ê Sai 61:1–3. Sau đó hãy mời các em viết xuống một tờ giấy hoặc trong sổ ghi chép việc học thánh thư của chúng xem những câu thánh thư này dạy chúng điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô. Mời một vài em chia sẻ ý nghĩ của chúng với mọi người.
-
Mời các em chia sẻ một cụm từ trong những câu này mà đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng và giải thích tại sao. Những câu thánh thư này giúp chúng ta như thế nào để hiểu điều mà Chúa Giê Su Ky Tô đã được gửi đến thế gian để thực hiện?
Thời Kỳ Ngàn Năm sẽ là một thời kỳ bình an và vui vẻ.
Ê Sai đã nhìn thấy một thời kỳ khi dân của Thượng Đế sẽ có được sự bình an và niềm vui. Lời tiên tri này sẽ được ứng nghiệm khi Chúa Giê Su Ky Tô trở lại thế gian và trị vì trong một ngàn năm—một thời kỳ gọi là Thời Kỳ Ngàn Năm.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Ê Sai 65:17–25 miêu tả trạng thái của thế gian khi Đấng Cứu Rỗi trở lại. Chia các em thành từng nhóm nhỏ, và cho mỗi nhóm một vài câu thánh thư này để đọc. Sau một vài phút, hãy cùng nhau liệt kê lên trên bảng xem cuộc sống sẽ khác biệt như thế nào trên “đất mới” được miêu tả trong những câu này (câu 17). Tại sao đây sẽ là một thời gian để “mừng rỡ và vui vẻ đời đời”? (câu 18).
-
Trước khi lớp học bắt đầu, hãy chuẩn bị những tờ giấy có ghi những từ và cụm từ trong tín điều thứ mười. Mời một em đọc thuộc lòng tín điều thứ mười, và yêu cầu các em xếp các mảnh giấy theo đúng thứ tự. Giúp các em hiểu điều mà tín điều thứ mười dạy chúng ta về Thời Kỳ Ngàn Năm.
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Mời các em chia sẻ một điều gì đó chúng đã học được hôm nay về Đấng Cứu Rỗi với gia đình chúng. Khuyến khích các em hãy đọc thánh thư với gia đình chúng trong tuần này.