Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 3–9 tháng Hai. 2 Nê Phi 1–5: “Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc”


“Ngày 3–9 tháng Hai. 2 Nê Phi 1–5: ‘Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 3–9 tháng Hai. 2 Nê Phi 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020

A Đam và Ê Va rời khỏi Vườn Ê Đen

Adam and Eve (A Đam và Ê Va), tranh do Douglas Fryer họa

Ngày 3–9 tháng Hai

2 Nê Phi 1–5

“Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc”

Bắt đầu sự chuẩn bị thuộc linh của anh chị em bằng cách đọc 2 Nê Phi 1–5 và ghi lại những ấn tượng của anh chị em. Có nhiều nguyên tắc trong những chương này và anh chị em không có đủ thời gian để thảo luận trong một giờ học, do đó hãy tuân theo Thánh Linh trong sự chuẩn bị của mình và chú ý đến những ý kiến được chia sẻ bởi các thành viên trong lớp để giúp đỡ anh chị em quyết định xem phải tập trung vào những nguyên tắc nào và cách để hướng dẫn cuộc thảo luận.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Có thể các thành viên trong lớp của anh chị em đã đánh dấu hoặc ghi chú về ít nhất một câu trong 2 Nê Phi 1–5. Để bắt đầu giờ học, anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp chia sẻ những câu có ý nghĩa với họ. Mời cả lớp tóm tắt một nguyên tắc giáo lý mà họ đã học từ những câu được chia sẻ.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

2 Nê Phi 2:11–30

Chúng ta được tự do hành động cho chính mình.

  • Quá thường xuyên, mọi người sử dụng quyền tự quyết của họ để gây ra nhiều đau khổ cho người khác. Vậy tại sao quyền tự quyết rất quan trọng đối với Cha Thiên Thượng? Anh chị em có thể viết những câu hỏi này lên bảng, và các thành viên trong lớp có thể tìm kiếm câu trả lời trong 2 Nê Phi 2:11–30 và viết câu trả lời của họ lên bảng. Kẻ nghịch thù cố gắng phá hoại quyền tự quyết của chúng ta như thế nào? Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta “lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu” như thế nào? (2 Nê Phi 2:27). Cân nhắc cho mọi người cùng nhau hát một bài thánh ca về quyền tự quyết và mời các thành viên trong lớp thêm vào danh sách những sự hiểu biết mà họ nhận được từ bài thánh ca.

  • Đại cương của tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình chỉ ra bốn điều kiện thiết yếu làm cho quyền tự quyết có thể thực hiện được. Đây là một cách mà anh chị em có thể thêm vào dựa trên những điều các thành viên trong lớp đã học ở nhà: Viết bốn điều kiện lên bảng. Sau đó, mời các thành viên trong lớp chia sẻ câu nói trong 2 Nê Phi 2 giảng dạy lý do tại sao những điều kiện này là thiết yếu để đạt được tiềm năng thiêng liêng của chúng ta.

2 Nê Phi 2:15–29

Sự Sa Ngã và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là những phần thiết yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

  • Nhiều Ky Tô Hữu tin rằng Sự Sa Ngã là một thảm kịch và rằng Ê Va đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng. Những câu trong 2 Nê Phi 2 làm sáng tỏ những lẽ thật về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, và chúng làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã. Một cách để thảo luận những ý kiến này là mời các thành viên trong lớp tìm hiểu 2 Nê Phi 2:15–25 và lập một bản liệt kê những lẽ thật mà họ biết về điều đã diễn ra trong vườn Ê Đen. Họ tìm thấy những sự hiểu biết nào trong trích dẫn của Chủ Tịch Dallin H. Oaks trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”? Làm thế nào Chúa Giê Su Ky Tô cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã? (xin xem 2 Nê Phi 2:6–8, 26–29).

  • Sau khi thực hiện một sinh hoạt như sinh hoạt trước, anh chị em có thể trưng ra vài câu hỏi như sau và mời các thành viên trong lớp chọn chia sẻ những sự hiểu biết của họ:

    • Làm thế nào những lời giảng dạy của Lê Hi trong những câu này sửa được một số hiểu lầm thông thường về Sự Sa Ngã?

    • Về những phương diện nào Sự Sa Ngã là một phước lành?

    • Làm thế nào việc hiểu đúng về Sự Sa Ngã giúp chúng ta hiểu rõ hơn nhu cầu cần có Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài?

    • Một lý do mà anh chị em biết ơn cho sự lựa chọn của A Đam và Ê Va trong vườn Ê Đen là gì?

    • Sự lựa chọn của anh chị em để đến thế gian giống với sự lựa chọn của A Đam và Ê Va để ăn trái của cây hiểu biết điều thiện và điều ác như thế nào?

    • Mục đích của cuộc sống là gì? Tại sao Sự Sa Ngã là cần thiết để đạt được mục đích này?

2 Nê Phi 4:15–35

Chúng ta có thể hướng về Thượng Đế trong sự yếu kém của mình.

  • Những điều Nê Phi viết trong 2 Nê Phi 4:15–35 có thể mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và an ủi khi chúng ta cảm thấy quá sức bởi những khó khăn và yếu kém của mình. Các thành viên trong lớp có thể ôn lại những câu này theo cặp và tìm những đoạn mà họ có thể sử dụng để an ủi một người đang cảm thấy nặng nề bởi nỗi đau của mình. Sau đó, mỗi cặp có thể chia sẻ những đoạn này với cả lớp. Một thành viên trong lớp có thể chia sẻ một kinh nghiệm mà người ấy tìm thấy sự an ủi bằng cách hướng về Thượng Đế, giống như Nê Phi đã làm.

  • Có thể có một cách khác để ôn lại 2 Nê Phi 4 là mời vài thành viên trong lớp chuẩn bị trước để chia sẻ những câu và đoạn trong chương này mà có ý nghĩa với họ. Yêu cầu họ chia sẻ về điều họ làm khi họ cảm thấy quá sức vì yếu kém của mình. Một bài thánh ca về sự an ủi và hy vọng có thể được thêm vào trong cuộc thảo luận này. Ví dụ, các thành viên trong lớp có thể chia sẻ cách mà bài thánh ca củng cố tấm gương của Nê Phi trong việc trông cậy vào Chúa những lúc nản lòng.

2 Nê Phi 5

Hạnh phúc có được khi sống theo phúc âm.

  • Mặc cho những thử thách mà Nê Phi và dân của ông đối mặt, họ đã có thể xây dựng một xã hội dựa trên những nguyên tắc dẫn đến hạnh phúc. Các thành viên trong lớp đã tìm thấy những nguyên tắc nào khi họ học 2 Nê Phi 5 mà góp phần vào hạnh phúc mà dân Nê Phi đã trải qua? Anh chị em có thể cung cấp một mảnh giấy cho các thành viên trong lớp và yêu cầu họ tìm kiếm trong 2 Nê Phi 5 những nguyên tắc dẫn đến hạnh phúc và viết chúng xuống. Cách thế gian tìm kiếm hạnh phúc khác với những gì chúng ta tìm thấy trong 2 Nê Phi 5 như thế nào? Các thành viên trong lớp có thể đặt những mục tiêu nào để áp dụng một trong những nguyên tắc này?

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học tại Nhà

Nói với các thành viên trong lớp rằng 2 Nê Phi 6–10 có một trong những bài giảng hay nhất trong mọi thánh thư về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em cũng có thể chia sẻ một câu mình tìm thấy trong những chương này mà làm cho anh chị em hứng thú để đọc nó.

hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Sự Sa Ngã là một phần trong kế hoạch của Thượng Đế.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy:

“Khi A Đam và Ê Va nhận được lệnh truyền đầu tiên, họ đang ở trong một trạng thái chuyển tiếp, không còn ở tiền dương thế nữa nhưng với thể xác chưa lệ thuộc cái chết và chưa có khả năng để sinh sản. Họ không thể làm tròn lệnh truyền đầu tiên của Đức Chúa Cha nếu không vượt qua rào cản giữa hạnh phúc của Vườn Ê Đen và những thử thách khủng khiếp cùng những cơ hội tuyệt vời của cuộc sống hữu diệt. …

“… Tiên Tri Lê Hi giải thích rằng ‘nếu A Đam không phạm giới thì ông đã không sa ngã’ (2 Nê Phi 2:22), nhưng sẽ vẫn ở cùng trạng thái mà ông được tạo ra.

“… Lê Hi kết luận, Sự Sa Ngã đã được lên kế hoạch bởi vì ‘mọi sự việc đã được thực hiện theo sự thông sáng của Đấng thông hiểu mọi sự việc’ (2 Nê Phi 2:24).

“Chính Ê Va là người đầu tiên vi phạm các luật pháp và lệnh truyền trong Vườn Ê Đen để có thể khai mở các tình trạng của sự hữu diệt. Hành động của bà, bất kể hành động như thế nào đi nữa, là một sự phạm giới chính thức, nhưng với quan điểm vĩnh cửu, đây là một điều thiết yếu đầy vinh quang để mở cánh cửa hướng tới cuộc sống vĩnh cửu. A Đam đã cho thấy sự thông sáng của ông bằng cách cũng làm như thế. Và do đó, Ê Va và ‘A Đam sa ngã để loài người sinh tồn’ (2 Nê Phi 2:25).

“Một số Ky Tô Hữu lên án Ê Va vì hành động của bà, kết luận rằng bà và các con gái của bà bằng cách nào đó đều không được hoàn thiện vì hành động này. Đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau thì không! Như đã được mặc khải cho biết, chúng ta ca ngợi hành động của Ê Va và tôn vinh sự thông sáng và lòng can đảm của bà trong sự kiện trọng đại gọi là Sự Sa Ngã. …

“Điều mặc khải hiện đại cho thấy rằng cha mẹ đầu tiên của chúng ta hiểu sự cần thiết của Sự Sa Ngã. A Đam đã nói: ‘Phước thay danh của Thượng Đế, vì sự phạm giới của tôi nên mắt tôi được mở ra, và trong đời này tôi sẽ có được niềm vui, và một lần nữa trong xác thịt tôi sẽ trông thấy Thượng Đế’ (Môi Se 5:10)” (“The Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, trang 72–73).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Tìm đến những người không tham dự. Việc giảng dạy có ý nghĩa nhiều hơn là dẫn dắt một cuộc thảo luận vào ngày Chủ Nhật; nó bao gồm việc phục sự với tình yêu thương và ban phước cho người khác với phúc âm. Anh chị em có thể nghĩ về một người nào đó không tham dự và đưa ra cho người ấy một lời mời cụ thể để tham dự bài học tới. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 8–9.)