Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10: “Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!”


“Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10: ‘Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 10–16 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020

Chúa Giê Su cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Not My Will, but Thine, Be Done (Không Phải theo Ý Con mà Ý Ngài Được Nên), tranh do Harry Anderson họa

Ngày 10–16 tháng Hai

2 Nê Phi 6–10

“Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta”

Một cách thức tốt giúp chuẩn bị bản thân anh chị em để giảng dạy là trước tiên chính anh chị em hãy đọc 2 Nê Phi 6–10. Hãy ghi lại bất kỳ ấn tượng thuộc linh nào mà anh chị em nhận được, và sử dụng đại cương này để tìm thêm những sự hiểu biết sâu sắc và các ý kiến để giảng dạy.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Gia Cốp dạy dân của ông rằng những lời giảng dạy của Ê Sai “có thể được áp dụng cho các người” (2 Nê Phi 6:5). Anh chị em có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu các thành viên trong lớp chia sẻ bất kỳ lời giảng dạy nào của Gia Cốp trong 2 Nê Phi 6–10 mà họ cảm thấy có thể áp dụng cho bản thân mình. Họ có thể giải thích tại sao họ thấy lời giảng dạy đó có ý nghĩa.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

2 Nê Phi 6–8

Chúa đầy lòng thương xót dân Ngài và sẽ làm tròn những lời Ngài hứa.

  • Để có một số văn cảnh cho những sứ điệp trong 2 Nê Phi 6–8, có thể có ích cho lớp của anh chị em để tạo ra một biểu đồ các mốc thời gian của những sự kiện được mô tả trong 2 Nê Phi 6:8–15. Những sự kiện này gợi ý điều gì về Chúa và những cảm giác của Ngài dành cho dân Ngài? (xin xem thêm 2 Nê Phi 7:1–3; 8:3). Anh chị em có thể muốn giải thích rằng với tư cách là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta là dân giao ước của Thượng Đế ngày nay, và chúng ta được quy tụ khỏi thế gian mà đến với sự an toàn của phúc âm. Các chương này có những sứ điệp gì cho chúng ta bây giờ?

2 Nê Phi 9

Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã giải thoát tất cả mọi người khỏi cái chết thể xác và cái chết thuộc linh.

  • Một cách để gia tăng lòng biết ơn của chúng ta đối với Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là nghĩ về những điều có thể xảy ra với chúng ta nếu không có Sự Chuộc Tội. Các thành viên trong lớp có thể suy ngẫm về những điều này khi họ học tập 2 Nê Phi 9. Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp bắt đầu học tập các câu 4–9 và sau đó liệt kê lên bảng những điều sẽ xảy ra nếu không có Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Theo như các câu 10-14, làm thế nào Đấng Cứu Rỗi giải cứu chúng ta khỏi điều tất yếu này? Sứ điệp của Anh Cả Jeffrey R. Holland trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể giúp lớp của anh chị em hiểu sự cần thiết của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đối với chúng ta.   Các thành viên trong lớp có thể chia sẻ bất kỳ suy nghĩ hay cảm giác nào mà sứ điệp của Anh Cả Holland soi dẫn về Đấng Cứu Rỗi.

  • Yêu cầu các thành viên trong lớp suy ngẫm cách họ sẽ giải thích Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cho một người không biết điều đó là gì hoặc lý do tại sao điều đó là cần thiết. Những lẽ thật được tìm thấy trong 2 Nê Phi 9 có thể giúp đỡ chuẩn bị các thành viên trong lớp cho một cuộc trò chuyện như vậy. Họ có thể đọc các câu 4–12, tìm xem Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô vượt qua cái chết thể xác và cái chết thuộc linh như thế nào. Dựa trên điều chúng ta biết được từ những câu thánh thư này, tại sao sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi được gọi là “sự chuộc tội vô hạn”? (2 Nê Phi 9:7).

  • Gia Cốp đã rất kinh ngạc trước kế hoạch cứu chuộc của Thượng Đế đến nỗi ông đã thốt lên “Ôi, vĩ đại thay” khi ông mô tả kế hoạch đó. Để giúp các thành viên trong lớp hiểu rõ hơn những cảm giác này dành cho Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài, hãy cân nhắc việc mời họ tìm kiếm những lời mà Gia Cốp đã thốt lên trong 2 Nê Phi 9 (hầu hết được tìm thấy trong các câu 8–20). Những câu này dạy điều gì về Thượng Đế và kế hoạch của Ngài? Những kinh nghiệm gì đã giúp chúng ta cảm thấy được điều mà Gia Cốp đã cảm thấy về kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài? Anh chị em cũng có thể hát một bài hát về sự vĩ đại của Thượng Đế, như bài “Lớn Bấy Duy Ngài” để giúp đỡ cho cuộc thảo luận.

2 Nê Phi 9:27–54

Tôi có thể đến cùng Đấng Ky Tô và nhận các phước lành vinh quang của Sự Chuộc Tội của Ngài.

  • Anh chị em có thể bắt đầu một cuộc thảo luận về những lời giảng dạy của Gia Cốp trong những câu này bằng cách yêu cầu các thành viên trong lớp tưởng tượng xem làm thế nào họ sẽ mời một người hối cải và đến cùng Đấng Ky Tô. Gia Cốp đã làm điều này như thế nào trong 2 Nê Phi 9:50–53? Các phước lành nào ông nói sẽ đến trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta chấp nhận những lời mời này?

  • Trong 2 Nê Phi 9, Gia Cốp đã sử dụng hai cụm từ mạnh mẽ và tương phản: “kế hoạch thương xót của Đấng Sáng Tạo vĩ đại” và “xảo quyệt thay kế hoạch của kẻ tà ác đó” (2 Nê Phi 9:6, 28). Để giúp các thành viên trong lớp hỏi từ sự tương phản này, anh chị em có thể vẽ một con đường lên bảng và đặt tên cho nó là Kế Hoạch Của Cha Thiên Thượng. Mời các thành viên trong lớp đọc trong 2 Nê Phi 9:27–52, tìm kiếm lời khuyên mà Gia Cốp đưa ra để giúp chúng ta tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Yêu cầu họ viết ra những gì họ tìm được bên cạnh con đường. Gia Cốp đã giảng dạy điều gì về cách Sa Tan lôi kéo chúng ta khỏi kế hoạch của Cha Thiên Thượng? Chúng ta học được điều gì từ những câu này về nơi mà chúng ta sẽ được dẫn đến khi tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng và nơi sẽ đến khi tuân theo Sa Tan? (xin xem 2 Nê Phi 9:9, 18). Theo như những câu này, chúng ta có thể làm gì để tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng một cách trọn vẹn hơn?

  • Trong 2 Nê Phi 9:28–38, Gia Cốp đã cảnh báo về một số thái độ và hành vi mà ngăn cản chúng ta không tuân theo kế hoạch của Thượng Đế dành cho mình. Cân nhắc việc mời các thành viên trong lớp tìm kiếm chúng. Những thái độ và hành vi nào trong số đó dường như đặc biệt phổ biến ngày nay? Điều gì khiến chúng rất nguy hiểm? Chúng ta học được gì từ 2 Nê Phi 9:50–53 về cách tránh những mối nguy hiểm này?

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học tại Nhà

Để giúp các thành viên trong lớp cảm thấy tự tin về việc đọc những lời của Ê Sai mà Nê Phi đã trích dẫn trong 2 Nê Phi 11–24, anh chị em có thể giải thích rằng Nê Phi đã bao gồm những lời này để củng cố đức tin của dân ông nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Mời các thành viên trong lớp xem bài đọc của tuần sau như một cơ hội để xây đắp đức tin của họ nơi Ngài.

hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Chúng Ta Cần một Đấng Cứu Rỗi

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã kể câu chuyện về một người leo núi bị treo lơ lửng trên một mỏm đá nhô ra, không có gì giữ anh ta để khỏi rơi xuống chết. Khi các ngón tay của anh ấy bắt đầu trượt dần trên bề mặt đầy cát của mỏm đá, anh ấy cảm thấy bàn tay của em trai mình nắm lấy cổ tay và kéo anh ấy đến nơi an toàn. Anh Cả Holland đã so sánh kinh nghiệm của người leo núi với tình trạng của chúng ta trong thế giới sa ngã này:

“Thật sự là có một người đàn ông tên là A Đam và một người phụ nữ tên là Ê Va đã sa ngã từ Vườn Ê Đen thực sự với tất cả những hậu quả mà sự sa ngã có thể gây ra. … Vì sau đó, chúng ta được sinh ra trong thế giới sa ngã đó và vì chúng ta cũng vi phạm các luật pháp của Thượng Đế, nên chúng ta cũng bị kết tội để lãnh nhận các hình phạt tương tự như A Đam và Ê Va đã phải đối phó.

“Thật là một cảnh ngộ đáng buồn! Toàn thể nhân loại sa ngã—mỗi người nam, người nữ và trẻ em luôn luôn tiến đến gần hơn cái chết thể xác mãi mãi, luôn luôn tiến đến gần hơn nỗi đau khổ thuộc linh vĩnh viễn. Có phải cuộc sống đã được dự định như thế không? Đây có phải là kết quả cuối cùng của kinh nghiệm con người không? Có phải tất cả chúng ta chỉ đu người trong một hẻm núi lạnh giá, ở nơi nào đó trong một vũ trụ thờ ơ, mỗi người tìm kiếm một nguồn hỗ trợ nhỏ, mỗi người tìm kiếm một điều gì đó để bám vào—không có gì ngoài cảm giác chạm vào cát và các ngón tay đang trượt dần, không có gì để cứu chúng ta, không có gì để bám vào, và chắc chắn là không có gì để giữ chúng ta lại? …

“Câu trả lời cho những câu hỏi đó là một câu trả lời dứt khoát và vĩnh viễn! … Sự Chuộc Tội đó sẽ chiến thắng hoàn toàn đối với cái chết thể xác, ban sự phục sinh một cách vô điều kiện cho tất cả mọi người đã hay sẽ được sinh ra trên thế gian này. Sự Chuộc Tội đầy thương xót đó cũng sẽ mang đến sự tha thứ cho những tội lỗi cá nhân của tất cả mọi người từ thời A Đam cho đến tận thế, với điều kiện được đặt trên sự hối cải và tuân theo các lệnh truyền thiêng liêng” (“Nơi Có Công Lý, Tình Yêu Thương và Lòng Thương Xót Liên Kết Với Nhau,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 105–106).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy thường xuyên chia sẻ chứng ngôn của anh chị em. Lời chứng giản dị, chân thành của anh chị em về lẽ thật có thể có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người anh chị em giảng dạy. Lời chứng của anh chị em không cần phải văn vẻ hoặc dài dòng. Cân nhắc việc chia sẻ lời chứng cá nhân của anh chị em về Đấng Cứu Rỗi khi anh chị em thảo luận 2 Nê Phi 9.