“Ngày 13–19 tháng Tư. Mô Si A 1–3: ‘Tràn Đầy Lòng Yêu Thương đối với Thượng Đế và Tất Cả Mọi Người,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 13–19 tháng Tư. Mô Si A 1–3,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 13–19 tháng Tư
Mô Si A 1–3
“Tràn Đầy Lòng Thương Yêu đối với Thượng Đế và Tất Cả Mọi Người”
Có nhiều nguyên tắc trong Mô Si A 1–3 mà anh chị em có thể thảo luận với lớp học của mình. Hãy cầu nguyện cho sự hướng dẫn để biết những nguyên tắc nào sẽ có ý nghĩa nhất đối với những người mà anh chị em giảng dạy.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Để cho các thành viên trong lớp học một cơ hội để nói về việc học tập riêng cá nhân hoặc chung với gia đình về Mô Si A 1–3, hãy mời họ chia sẻ với một người khác một câu mà họ thấy có sự soi dẫn.
Giảng Dạy Giáo Lý
Việc tiếp nhận lời của Thượng Đế đòi hỏi sự chuẩn bị.
-
Một cách để bắt đầu một cuộc thảo luận về sự chuẩn bị để nhận được lời của Thượng Đế có thể là nói về những kết quả của sự chuẩn bị—hoặc không chuẩn bị—cho những điều khác. Ví dụ, các thành viên trong lớp học có thể chia sẻ những kinh nghiệm về sự chuẩn bị hay thiếu chuẩn bị của họ đã ảnh hưởng đến một kinh nghiệm mà họ có ở trường hay ở nơi làm việc hay trong một số sinh hoạt khác như thế nào. Sau khi họ chia sẻ, anh chị em có thể mời một nửa lớp đọc Mô Si A 2:1–9, tìm kiếm những điều mà dân của Vua Bên Gia Min đã làm để chuẩn bị tiếp nhận lời của Thượng Đế. Nửa còn lại có thể tra cứu cũng những câu đó, tìm kiếm những điều Vua Bên Gia Min đã làm mà cho thấy ông cảm nhận lời của Thượng Đế như thế nào và sự cần thiết để chia sẻ lời ấy. Rồi yêu cầu mỗi nhóm chia sẻ ý kiến của họ. Chúng ta có thể học đuợc gì từ những câu này mà có thể giúp chúng ta nhận được lời của Thượng Đế?
Khi chúng ta phục vụ người khác, tức là chúng ta phục vụ Thượng Đế.
-
Vua Bên Gia Min là một tôi tớ gương mẫu đối với Thượng Đế và những người xung quanh ông. Các thành viên trong lớp học của anh chị em có thể học được điều gì từ ông mà giúp cho những nỗ lực để giúp đỡ người khác của họ? Cân nhắc việc cho bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách yêu cầu các thành viên trong lớp học liệt kê những trở ngại mà mọi người gặp khi phục vụ người khác—như lý do tại sao chúng ta không phục vụ hay sự phục vụ của chúng ta không giúp ích như mong đợi. Sau đó họ có thể học tập trong Mô Si A 2:10–26 và lập một bản liệt kê về những lẽ thật Vua Bên Gia Min đã dạy về việc phục vụ người khác mà có thể giúp đỡ họ vượt qua những trở ngại họ đã liệt kê. Các cá nhân và gia đình có thể làm gì để tập trung vào sự phục vụ trong cuộc sống hằng ngày của họ? Cân nhắc việc chia sẻ câu chuyện của Chủ Tịch Thomas S. Monson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” như là một gợi ý.
-
Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng những nguồn tài liệu như vậy để củng cố cho sứ điệp của Vua Bên Gia Min? Các thành viên trong lớp học có thể chia sẻ những kinh nghiệm họ có với việc phục vụ người khác hoặc nhận sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô từ người khác. Là một phần của cuộc thảo luận, hãy cân nhắc việc chia sẻ đoạn trích dẫn này của Chủ Tịch Henry B. Eyring: “Khi chúng ta giúp đỡ bất cứ người nào thì Đấng Cứu Rỗi cảm thấy như là chúng ta dang tay ra để giúp đỡ Ngài” (“Há Chẳng Phải Là Sự Kiêng Ăn Mà Ta Chọn Lựa Hay Sao?” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 22). Tại sao anh chị em nghĩ chúng ta đang phục vụ Thượng Đế khi chúng ta phục vụ người khác?
Các phước lành đến từ việc tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.
-
Để giúp các thành viên trong lớp học “suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế,” thì có thể giúp ích để bắt đầu với một định nghĩa về hạnh phúc. Làm thế nào các thành viên trong lớp học mô tả niềm hạnh phúc đến từ việc vâng lời Thượng Đế? Họ có thể tưởng tượng ra rằng họ có một người bạn nói rằng người ấy hạnh phúc mà không cần tuân giữ các lệnh truyền. Mời họ đọc Mô Si A 2:38–41 và thảo luận cách họ có thể giúp đỡ người bạn của mình hiểu sự khác biệt giữa hạnh phúc của thế gian và hạnh phúc vĩnh cửu. Những kinh nghiệm hay tấm gương nào từ cuộc sống của mọi người mà các thành viên trong lớp học có thể chia sẻ giúp minh họa cho hạnh phúc vĩnh cửu?
Sự cứu rỗi chỉ có được “nhờ danh của Đấng Ky Tô, Chúa Vạn Năng” mà thôi.
-
Thông điệp của Vua Bên Gia Min bao gồm những lời tiên tri mạnh mẽ và mô tả về sự ra đời, giáo vụ và sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em có thể yêu cầu các thành viên trong lớp học chia sẻ những câu từ Mô Si A 3:1–20 mà đặc biệt có ấn tượng đối với họ và giúp họ hiểu về Đấng Cứu Rỗi và giáo vụ của Ngài. Yêu cầu họ chia sẻ tại sao những câu này có ấn tượng với họ.
-
Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn dạy rằng Sách Mặc Môn “phác họa kế hoạch cứu rỗi.” Để giúp các thành viên trong lớp học thấy cách mà bài giảng của Vua Bên Gia Min giúp hoàn thành mục đích này của Sách Mặc Môn, anh chị em có thể viết lên bảng Chúa Giê Su Ky Tô Làm Cho Sự Cứu Rỗi Có Thể Thực Hiện Được. Các thành viên trong lớp học có thể ôn lại Mô Si A 3:1–20, và sau đó anh chị em có thể liệt kê lên bảng những lẽ thật mà họ học được về kế hoạch cứu rỗi. Hỏi các thành viên trong lớp học điều họ biết về cách thức mà Chúa Giê Su Ky Tô làm cho kế hoạch cứu rỗi có thể thực hiện được. Sau đó cho các thành viên trong lớp học thời gian để ôn lại Mô Si A 3:18–19 và chia sẻ những điều chúng ta phải làm để trở thành các thánh hữu và nhận được sự cứu rỗi. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta hoàn thành điều này như thế nào? Yêu cầu các thành viên trong lớp học chia sẻ những cảm nghĩ của họ về vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong kế hoạch cứu rỗi.
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Có thành viên nào trong lớp học của anh chị em đã bao giờ có kinh nghiệm khi một giáo lý được dạy trong một bài nói chuyện, bài học hay thánh thư mà đã thay đổi họ không? Hãy nói với họ rằng trong Mô Si A 4–6 họ sẽ đọc về hiệu ứng mạnh mẽ mà các lẽ thật được dạy bởi Vua Bên Gia Min tác động lên dân của ông.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Phục vụ người khác.
Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói:
“Cách đây vài năm, tôi đọc một bài viết của Jack McConnell, một bác sĩ. Ông ấy lớn lên trong vùng đồi núi của miền tây nam Virginia ở Hoa Kỳ, là một trong số bảy người con của một mục sư đạo Methodist và một người mẹ ở nhà lo việc nội trợ. Gia cảnh của họ rất khiêm tốn. Ông thuật lại rằng trong thời thơ ấu, mỗi ngày khi gia đình ngồi quanh bàn ăn tối thì cha ông lần lượt hỏi mỗi người: ‘Hôm nay con đã làm được gì cho người khác?’ Mấy đứa con quyết tâm phải làm một điều gì tốt mỗi ngày để chúng có thể kể lại cho cha mình rằng chúng đã giúp đỡ một người nào đó. Bác Sĩ McConnell gọi lối rèn luyện này là di sản quý báu nhất của cha ông, vì kỳ vọng và những lời đó đã soi dẫn cho ông và các anh chị em của ông giúp đỡ những người khác trong suốt cuộc đời họ. Khi lớn lên và trưởng thành, động cơ phục vụ của họ thay đổi thành ước muốn nội tâm để giúp đỡ những người khác.
Ngoài sự nghiệp y khoa lẫy lừng của Bác Sĩ McConnell … ông còn lập ra một tổ chức có tên là Tình Nguyện Viên Y Tế, mang đến cho nhân viên y tế đã về hưu cơ hội tình nguyện tại các phòng khám bệnh miễn phí nhằm phục vụ các công nhân không có bảo hiểm. Bác Sĩ McConnell nói rằng thời gian rảnh rỗi của ông kể từ khi về hưu ‘biến thành 60 giờ một tuần làm việc không lương, nhưng sinh lực [của ông] đã gia tăng và có một niềm mãn nguyện trong cuộc sống [của ông] chưa từng có trước đó.’ [Jack McConnell: “Hôm Nay, Tôi Đã Làm Được Gì cho Người Khác?” Newsweek, ngày 18 tháng Sáu năm 2001, trang 13.] …
“Dĩ nhiên, chúng ta đều không thể giống như Bác Sĩ McConnells được, trong việc thành lập các phòng khám bệnh giúp đỡ người nghèo; tuy nhiên, những người khác luôn luôn có nhu cầu, và mỗi người chúng ta có thể làm một điều gì đó để giúp đỡ một người nào đó. …
“Thưa các anh chị em, chúng ta sống ở giữa những người đang cần được sự chú ý, lời khích lệ, hỗ trợ, an ủi và lòng nhân từ của chúng ta—cho dù họ là những người trong gia đình, bạn bè, người quen hay người lạ. Chúng ta đều là bàn tay của Chúa nơi đây trên thế gian, với lệnh truyền phải phục vụ và nâng đỡ các con cái của Ngài. Ngài trông cậy vào mỗi người chúng ta. … Cầu xin cho chúng ta tự hỏi câu hỏi đã được đưa ra cho Bác Sĩ Jack McConnell và các anh chị em của ông vào mỗi buổi chiều trong giờ ăn: ‘Hôm nay con đã làm được gì cho một người khác?’” (“Hôm Nay, Tôi Đã Làm Được Gì cho Người Khác?” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 84–87).