“Ngày 12–18 tháng Mười. 3 Nê Phi 20–26: “Các Ngươi Là Con Cái Của Giao Ước,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 12–18 tháng Mười. 3 Nê Phi 20–26,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 12–18 tháng Mười
3 Nê Phi 20–26
“Các Ngươi Là Con Cái Của Giao Ước”
Hãy để Thánh Linh hướng dẫn anh chị em học tập 3 Nê Phi 20–26. Ngài sẽ giúp anh chị em nhận ra các nguyên tắc có thể đặc biệt có ý nghĩa với những người anh chị em dạy.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Sau khi đọc những lời của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 23:1, anh chị em có thể hỏi các thành viên trong lớp những điều họ đã tìm kiếm khi họ đọc thánh thư tuần này. Họ đã tìm được những gì?
Giảng Dạy Giáo Lý
3 Nê Phi 20:25–41; 21:9–11, 22–29
Trong những ngày sau, Thượng Đế sẽ thực hiện một công việc vĩ đại và kỳ diệu.
-
Đấng Cứu Rỗi nói về “một công việc vĩ đại và kỳ diệu” (3 Nê Phi 21:9) mà Đức Chúa Cha sẽ thực hiện vào những ngày sau cùng. Các thành viên trong lớp có thể chia sẻ những gì họ đã học về công việc đó khi họ học các chương này ở nhà. Những câu hỏi như thế này có thể soi dẫn một cuộc thảo luận: Đấng Cứu Rỗi nói điều gì sẽ xảy ra trong tương lai? (đặc biệt xin xem 3 Nê Phi 20:30–32, 39–41; 21:22–29). Tại sao Ngài gọi những điều này là “vĩ đại” và “kỳ diệu”? Chúng ta nhìn thấy bằng chứng nào mà cho thấy công việc này đang diễn ra? Chúng ta tham dự vào công việc đó bằng cách nào?
-
Để giúp các thành viên trong lớp thấy được Tiên Tri Joseph Smith đã giúp hoàn thành công việc vĩ đại và kỳ diệu của Chúa, anh chị em có thể trưng bày bức hình của Vị Tiên Tri và mời cả lớp đọc 3 Nê Phi 21:9–11, tìm kiếm những từ và cụm từ nhắc nhở họ về cuộc đời và giáo vụ của Joseph Smith. Ví dụ, làm thế nào Chúa đã “ban cho người ấy quyền năng để đem [phúc âm] đến cho Dân Ngoại”? (câu 11). Tại sao là điều quan trọng để biết rằng giáo vụ của Joseph Smith được Đấng Cứu Rỗi báo trước? (cũng xem 2 Nê Phi 3).
-
Anh chị em cũng có thể giúp các thành viên trong lớp thấy bản thân họ trong công việc tuyệt vời đã được báo trước trong các chương này bằng cách đọc cùng nhau 3 Nê Phi 20:25–27. Nếu cần thiết, anh chị em có thể chỉ ra rằng khi chúng ta lập giao ước với Chúa, chúng ta trở thành dòng dõi của Áp Ra Ham. Làm thế nào chúng ta có thể, với tư cách là con cháu của Áp Ra Ham, ban phước cho “tất cả các dân trên thế gian”? (câu 25). Các thành viên trong lớp có thể suy ngẫm câu hỏi này khi họ đọc lời phát biểu của Chủ Tịch Russell M. Nelson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” và chia sẻ suy nghĩ của họ.
Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta tìm hiểu thánh thư.
-
Những sự tương tác của Đấng Cứu Rỗi với dân Nê Phi tiết lộ điều gì về cách Ngài cảm nhận về thánh thư? Để giúp các thành viên trong lớp tìm ra, anh chị em có thể yêu cầu một nửa trong số họ đọc 3 Nê Phi 23 và nửa còn lại đọc 3 Nê Phi 26:1–12; sau đó họ có thể chia sẻ với nhau những gì họ tìm thấy. Họ cũng có thể chia sẻ những ý kiến họ có về cách cho Chúa thấy rằng thánh thư rất quan trọng đối với chúng ta. Ví dụ, sự khác biệt giữa việc tra cứu thánh thư với việc chỉ đọc chúng là gì? (xin xem 3 Nê Phi 23:1).
Chúa giống như ngọn lửa của người thợ luyện.
-
Các dụng cụ trực quan có thể giúp ích cho cuộc thảo luận của anh chị em về 3 Nê Phi 24:1–6. Ví dụ, anh chị em có thể cho thấy một đồng xu bạc hoặc một ít xà phòng tẩy trong khi các thành viên trong lớp đọc các câu thánh thư để tìm hiểu xem những vật phẩm này liên quan đến Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài như thế nào. Anh chị em cũng có thể chia sẻ với cả lớp lời giải thích về việc luyện bạc và thuốc tẩy của thợ nhuộm trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Chúa “giống như lửa của thợ luyện và như thuốc tẩy của thợ giặt” như thế nào? (câu 2). Những tấm gương này dạy chúng ta điều gì về cách Đấng Cứu Rỗi thanh tẩy chúng ta?
Thượng Đế thương xót những người trở về với Ngài.
-
Anh chị em có thể chỉ ra rằng những lời dạy về tiền thập phân trong 3 Nê Phi 24:8–12 là câu trả lời cho câu hỏi trong câu 7: “Bởi đâu chúng tôi sẽ trở lại [với Chúa]?” Mối quan hệ giữa việc “[trở lại] cùng [Chúa]” và đóng tiền thập phân là gì? Các thành viên trong lớp có thể chia sẻ cách họ nhận được các phước lành được liệt kê trong các câu 10–12 khi họ đóng tiền thập phân. Làm thế nào những sự thật này có thể hữu ích cho một người đang khó khăn trong việc đóng tiền thập phân?
-
Thái độ nào được mô tả trong 3 Nê Phi 24:13–15 thường thấy trong thế giới ngày nay? Hãy khuyến khích các thành viên trong lớp chia sẻ những gì họ sẽ nói với người mà cảm thấy rằng cuộc sống dễ dàng hơn hoặc tốt hơn đối với những người không tuân giữ các lệnh truyền. Theo 3 Nê Phi 24, Chúa ban phước cho những người phục vụ Ngài như thế nào? Anh chị em cũng có thể khuyến khích họ tìm kiếm những ví dụ trong 3 Nê Phi 22. (Xin xem thêm Mô Si A 2:41; An Ma 41:10.)
Tấm lòng của chúng ta nên hướng đến tổ tiên của mình.
-
Để minh họa khái niệm hướng tấm lòng của chúng ta đến tổ tiên của mình, anh chị em có thể mời một thành viên trong lớp quay lưng lại với lớp và mô tả các thành viên trong lớp từ trí nhớ (nơi họ đang ngồi, họ đang mặc gì, vân vân). Sau đó, người ấy có thể quay về phía lớp và thử lại. Ví dụ này có thể dạy chúng ta điều gì về việc hướng tấm lòng của chúng ta đến tổ tiên của chúng ta thông qua công việc lịch sử gia đình và đền thờ? Sau khi đọc 3 Nê Phi 25:5–6, có lẽ các thành viên trong lớp có thể chia sẻ cách mà tấm lòng của họ đã hướng về tổ tiên của họ. Anh chị em cũng có thể mời người tư vấn về đền thờ và lịch sử gia đình của tiểu giáo khu giới thiệu cho họ một số công cụ lịch sử gia đình. Làm thế nào để công việc này liên quan đến sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên như được Chủ Tịch Russell M. Nelson mô tả trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”?
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Trong 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi, chúng ta đã đọc về “[dân tộc hạnh phúc nhất] trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra” (4 Nê Phi 1:16). Gợi ý với lớp rằng việc đọc những chương này có thể giúp chúng ta học cách tìm thấy hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Anh chị em có thể là một phần của một sự kiện lớn lao.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói:
“Đây chắc chắn là những ngày sau, và Chúa đang gấp rút làm công việc của Ngài để quy tụ dân Y Sơ Ra Ên. Sự quy tụ đó là điều quan trọng nhất xảy ra trên thế gian ngày nay. Không gì khác có thể so sánh được về tầm cỡ, tầm quan trọng, hay sự oai nghiêm của việc này. Và nếu anh chị em chọn, nếu anh chị em muốn, thì anh chị em có thể là một phần quan trọng trong đó. Anh chị em có thể là một phần quan trọng của một sự kiện lớn lao, vĩ đại, và đầy uy nghi!
“Khi nói về sự quy tụ, chúng ta đơn giản là đang nói về lẽ thật nền tảng này: mỗi một người con của Cha Thiên Thượng, ở cả hai bên bức màn che, đều xứng đáng được nghe về sứ điệp của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. …
“… Hãy nghĩ về điều đó! Trong tất cả những người đã từng sống trên trái đất, chúng ta là những người được tham gia vào sự kiện quy tụ vĩ đại cuối cùng này. Thật phấn khởi biết bao!…
“Sự quy tụ này nên là tất cả đối với các anh chị em. Đây là sứ mệnh mà anh chị em được gửi đến thế gian” (“Hope of Israel (Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên)” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho giới trẻ, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org).
Tinh luyện và thanh tẩy.
Bạc được tìm thấy lẫn với các khoáng chất khác trong các mỏ quặng. Thời xưa, một người luyện bạc sẽ chiết xuất bạc bằng cách đặt quặng trong lò nung ở nhiệt độ cực cao. Điều này sẽ làm cho chất thải (tạp chất hoặc khoáng chất không mong muốn) nổi lên trên bề mặt quặng nóng chảy. Người luyện sẽ cạo sạch chất thải, để lại bạc nguyên chất, mà có thể được nhận ra bởi ánh sáng đặc biệt của nó.
Một người thợ nhuộm là người làm sạch và làm trắng vải. Tấm vải sẽ được ngâm trong nước trộn với “thuốc tẩy của thợ nhuộm,” được tạo ra để loại bỏ dầu và bụi bẩn. Khi vải còn ướt, người thợ nhuộm sẽ đánh hoặc đập để loại bỏ tạp chất. (Xin xem “Refiner’s Fire and Fuller’s Soap (Lửa của Thợ Luyện và Thuốc Tẩy của Thợ Nhuộm),” New Era, tháng Sáu năm 2016, trang 6–7.)