“Ngày 28 tháng Chín–Ngày 11 tháng Mười. 3 Nê Phi 17–19: ‘Này, Sự Vui Mừng Của Ta Thật Là Trọn Vẹn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 28 tháng Chín–Ngày 11 tháng Mười. 3 Nê Phi 17–19,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 28 tháng Chín–Ngày 11 tháng Mười
3 Nê Phi 17–19
“Này, Sự Vui Mừng Của Ta Thật Là Trọn Vẹn”
Sự chuẩn bị của anh chị em để giảng dạy nên bắt đầu với việc học tập thánh thư cá nhân của mình. Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình có thể bổ sung cho việc học tập của anh chị em, và đại cương này cũng có thể cung cấp cho anh chị em những ý kiến để giúp anh chị em chuẩn bị.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Trong 3 Nê Phi 17:1–3, Đấng Cứu Rỗi đã mời dân chúng trở về nhà của họ và “chuẩn bị tâm trí [của họ]” trước khi quay lại để được giảng dạy lần nữa. Anh chị em có thể hỏi các học viên của mình cách họ chuẩn bị cho cuộc thảo luận hôm nay và những gì họ đã suy ngẫm.
Giảng Dạy Giáo Lý
Đấng Cứu Rỗi là tấm gương toàn hảo cho chúng ta về việc phục sự.
-
Tất cả chúng ta đều có cơ hội để phục sự những người khác, và tất cả chúng ta đều có thể làm việc đó giỏi hơn. Một cách để học hỏi từ tấm gương phục sự của Đấng Cứu Rỗi là cho cả lớp đọc 3 Nê Phi 17 và mời các thành viên trong lớp nhận xét bất cứ khi nào họ tìm thấy điều gì đó dạy họ về việc phục sự. Chúng ta học được gì về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi đã làm cho Ngài trở thành một tấm gương tuyệt vời về việc phục sự? Những lẽ thật nào chúng ta học được về việc phục sự từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi? Anh chị em cũng có thể tìm kiếm thêm những hiểu biết trong 3 Nê Phi 18:24–25 và 28–32. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể thảo luận về những điều cụ thể mà họ cảm thấy được soi dẫn để noi theo tấm gương phục sự của Đấng Cứu Rỗi.
3 Nê Phi 17:13–22; 18:15–25; 19:6–9, 15–36
Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta cách cầu nguyện.
-
Để giúp các thành viên trong lớp học hỏi từ nhiều ví dụ và lời giảng dạy về sự cầu nguyện trong 3 Nê Phi 17–19, anh chị em có thể viết lên bảng Ai? Bằng cách nào? Khi nào? và Tại sao? và mời cả lớp tìm câu trả lời cho những câu hỏi này vì chúng liên quan đến lời cầu nguyện trong những câu thánh thư sau đây: 3 Nê Phi 17:13–22; 18:15–25; và 19:6–9, 15–36. Những hiểu biết nào khác mà các thành viên trong lớp nhận được khi họ đọc những câu thánh thư này? Lời phát biểu của Anh Cả Richard G. Scott trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” cũng có thể bổ sung cho cuộc thảo luận này. Anh chị em cũng có thể mời các thành viên trong lớp chia sẻ những điều họ thực hiện để làm cho những lời cầu nguyện cá nhân và chung với gia đình của họ có ý nghĩa hơn (xin xem 3 Nê Phi 18:18–21).
-
Đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình gợi ý những câu hỏi để suy ngẫm về lời cầu nguyện khi đọc những câu thánh thư này. Anh chị em có thể yêu cầu các thành viên trong lớp chia sẻ bất kỳ hiểu biết nào họ có về những câu hỏi này. Hoặc anh chị em có thể mời một vài thành viên trong lớp chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận những điều họ học được về sự cầu nguyện từ 3 Nê Phi 17–19. Họ đã được soi dẫn làm gì để làm cho lời cầu nguyện của họ có ý nghĩa hơn?
-
Chúa Giê Su đã dạy tại sao chúng ta nên luôn luôn cầu nguyện (xin xem 3 Nê Phi 18:15–18). Một bài học có dụng cụ trực quan có thể giúp lớp của anh chị em hiểu những gì Ngài đã dạy. Ví dụ, anh chị em có thể đổ đầy một thùng chứa nước để tượng trưng cho ảnh hưởng của Sa Tan. Nhét khăn giấy (tượng trưng cho chúng ta) một cách cẩn thận vào đáy cốc (cốc tượng trưng cho việc cầu nguyện luôn luôn). Lật úp cốc và nhấn thẳng xuống thùng nước. Khăn giấy vẫn khô trong đáy cốc, mặc dù nó được bao quanh bởi nước. Bài học có dụng cụ trực quan này và 3 Nê Phi 18:15–18 dạy chúng ta điều gì về sự cầu nguyện? (Xin xem thêm GLGƯ 10:5). “Cầu nguyện luôn luôn” có nghĩa là gì? Việc cầu nguyện có thể giúp đỡ chúng ta chống lại ảnh hưởng của Sa Tan như thế nào? Cân nhắc việc cho các thành viên trong lớp một vài phút để viết xuống những gì họ cảm thấy được ấn tượng làm theo để cải thiện lời cầu nguyện của họ.
Chúng ta có thể được tràn đầy thuộc linh khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh.
-
Để bắt đầu một cuộc thảo luận về những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về lễ Tiệc Thánh trong 3 Nê Phi 18, anh chị em có thể chia lớp của mình thành các nhóm và cho mỗi nhóm một trong những câu thánh thư sau đây để đọc và thảo luận: Ma Thi Ơ 26:26–28; 3 Nê Phi 18:1–12; và Giáo Lý và Giao Ước 20:75–79; 27:1–4. Sau khi đọc đoạn thánh thư được chỉ định, mỗi nhóm có thể nghĩ đến một hoặc hai câu hỏi về lễ Tiệc Thánh mà đã được trả lời trong những câu thánh thư họ đọc và viết câu hỏi của họ lên bảng. Sau đó, phần còn lại của lớp có thể tra cứu thánh thư để tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó. Các thành viên trong lớp cũng có thể thảo luận về cách giúp họ có thể có một kinh nghiệm ý nghĩa hơn khi dự lễ Tiệc Thánh.
-
Việc “được dẫy đầy” khi chúng ta dự lễ Tiệc Thánh có ý nghĩa gì? (xin xem 3 Nê Phi 18:4–5, 9; 20:9). Cân nhắc mời các thành viên trong lớp thảo luận về câu hỏi này theo cặp khi họ đọc 3 Nê Phi 18:1–12 cùng nhau. Anh chị em cũng có thể mời các thành viên trong lớp suy ngẫm về lần gần đây nhất họ cảm thấy “được dẫy đầy” thuộc linh khi dự lễ Tiệc Thánh. Họ có thể thảo luận về những điều có thể ngăn cản hoặc làm chúng ta mất tập trung vào lễ Tiệc Thánh và chia sẻ những ý kiến về cách vượt qua những trở ngại đó.
Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô tìm kiếm ân tứ Đức Thánh Linh.
-
Cân nhắc việc yêu cầu các thành viên trong lớp nghĩ về điều gì đó mà họ vô cùng mong muốn. Họ sẵn sàng làm gì để nhận được điều đó? Việc này có thể dẫn đến cuộc thảo luận về điều mà mười hai môn đồ “mong muốn nhất,” như được mô tả trong 3 Nê Phi 19:9–15 và 20–22. Tại sao điều này lại rất quan trọng đối với họ? Tại sao điều này quan trọng với chúng ta? Theo như những câu này, làm thế nào chúng ta có thể chân thành tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh?
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Chúa đã nói: “Những lời nói của Ê Sai thật vĩ đại thay” (3 Nê Phi 23:1). Để khuyến khích các thành viên trong lớp đọc 3 Nê Phi 20–26, anh chị em có thể nói với họ rằng trong các chương này, Chúa Giê Su đã giải thích một số lời nói “vĩ đại” của Ê Sai. Mời các thành viên trong lớp suy ngẫm tại sao những lời này của Ê Sai là vĩ đại. Khuyến khích họ sẵn sàng vào Chủ nhật tới để chia sẻ những gì họ học được.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Giá trị của lời cầu nguyện.
Anh Cả RichardG. Scott làm chứng về giá trị của lời cầu nguyện:
“Chúng ta cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng trong thánh danh của Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự cầu nguyện được hữu hiệu nhất khi chúng ta cố gắng sống trong sạch và biết vâng lời, với những lý do xứng đáng và sẵn lòng làm theo điều Ngài phán bảo. Lời cầu nguyện khiêm nhường, đầy tin tưởng mang đến sự hướng dẫn và bình an.
“Đừng lo lắng về sự vụng về của các anh chị em khi bày tỏ những cảm nghĩ. Chỉ cần thưa chuyện cùng Đức Chúa Cha đầy lòng trắc ẩn, thông cảm của mình. Các anh chị em là con cái quý báu của Ngài mà Ngài yêu thương một cách trọn vẹn và muốn giúp đỡ. Khi các anh chị em cầu nguyện, hãy nhận biết rằng Cha Thiên Thượng ở gần bên và Ngài đang lắng nghe.
“Một bí quyết để cải tiến sự cầu nguyện là học cách đặt ra những câu hỏi đúng. Hãy cân nhắc việc thay đổi từ việc cầu xin những điều mà mình muốn đến việc chân thành tìm kiếm điều mà Ngài muốn cho các anh chị em. Rồi khi các anh chị em học hỏi về ý muốn của Ngài, thì hãy cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ được hướng dẫn để có được sức mạnh để thực hiện theo ý muốn đó của Ngài.
“Nếu các anh chị em có lúc cảm thấy xa cách Đức Chúa Cha thì có lẽ là vì nhiều lý do. Bất luận nguyên nhân nào, khi các anh chị em tiếp tục khẩn cầu để được giúp đỡ, thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các anh chị em để làm điều mà sẽ phục hồi sự tin tưởng của các anh chị em rằng Ngài ở gần bên. Hãy cầu nguyện cho dù các anh chị em không mong muốn cầu nguyện. Đôi khi, giống như một đứa trẻ, các anh chị em có thể có hành vi không thích đáng và cảm thấy rằng các anh chị em không thể đến gần Đức Chúa Cha khi có vấn đề. Đó là lúc mà các anh chị em cần phải cầu nguyện nhất. Đừng bao giờ cảm thấy rằng các anh chị em quá không xứng đáng để cầu nguyện.
“Tôi tự hỏi có bao giờ chúng ta có thể thật sự thấu hiểu quyền năng mạnh mẽ của sự cầu nguyện cho đến khi chúng ta chạm trán với một vấn đề áp đảo, thúc bách và nhận biết rằng chúng ta không thể nào giải quyết nó không. Rồi sau đó chúng ta sẽ tìm đến Đức Chúa Cha trong sự nhận biết khiêm nhường về sự lệ thuộc hoàn toàn nơi Ngài. Việc tìm đến một chỗ vắng vẻ nơi mà những cảm nghĩ của chúng ta có thể bày tỏ bằng lời và càng lâu và càng thiết tha nếu là điều cần thiết sẽ rất hữu ích” (“Sử Dụng Ân Tứ Cầu Nguyện Thiêng Liêng,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 8).