“Ngày 19–25 tháng Mười. 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi: ‘Chẳng Có Một Dân Tộc Nào Được Hạnh Phúc Hơn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 19–25 tháng Mười. 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 19–25 tháng Mười
3 Nê Phi 27–4 Nê Phi
“Chẳng Có Một Dân Tộc Nào Được Hạnh Phúc Hơn”
Việc học tập cá nhân 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi là cách tốt nhất để chuẩn bị giảng dạy. Các giáo lý và ý kiến trong đại cương này có thể giúp anh chị em đáp lại những sự thúc giục thuộc linh mà anh chị em nhận được khi học tập.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Một cách để khuyến khích các thành viên trong lớp chia sẻ những hiểu biết sâu sắc từ việc học tập cá nhân của họ là mời họ tìm một bài thánh ca liên quan đến một lẽ thật mà họ đã học được trong 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi. Sau đó, họ có thể chia sẻ các bài thánh ca mà họ tìm thấy và cách mà những bài thánh ca này liên quan đến các lẽ thật thuộc linh.
Giảng Dạy Giáo Lý
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được gọi theo danh của Ngài và được xây dựng trên phúc âm của Ngài.
-
Việc thảo luận về tên của Giáo hội có thể làm sâu sắc thêm lòng biết ơn của các thành viên trong lớp của anh chị em khi được làm tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Cân nhắc việc mời các thành viên trong lớp liệt kê tên của các tổ chức khác nhau và mô tả những cái tên này cho chúng ta biết điều gì về các tổ chức đó. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể đọc 3 Nê Phi 27:1–12, tìm kiếm những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy về tên của Giáo Hội của Ngài. Họ cũng có thể chia sẻ ý nghĩa của việc trở thành tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Việc chúng ta mang danh của Ngài có ý nghĩa gì?
-
Đây là một cách khác để thảo luận về tầm quan trọng của tên của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi. Sau một cuộc thảo luận về các lẽ thật được tìm thấy trong 3 Nê Phi 27:1–22, anh chị em có thể viết tên đầy đủ của Giáo Hội lên bảng. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể chọn các từ trong tên của Giáo Hội và gợi ý cách mỗi từ giúp chúng ta biết chúng ta là ai hoặc chúng ta tin gì. Lời phát biểu của Chủ Tịch M. Russell Ballard trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể giúp ích. Tại sao là điều quan trọng để dùng tên của Giáo Hội khi chúng ta chia sẻ đức tin của mình với người khác?
-
Sau khi giải thích rằng Giáo Hội của Ngài phải được “xây dựng trên phúc âm [của Ngài]” (3 Nê Phi 27:10), Đấng Cứu Rỗi đã mô tả phúc âm của Ngài là gì. Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp chia sẻ cách họ có thể giải thích cho một người bạn về phúc âm là gì. Sau đó, anh chị em có thể mời họ tra cứu 3 Nê Phi 27:13–22, tìm kiếm cách mà Đấng Cứu Rỗi định nghĩa phúc âm của Ngài. Chúng ta sẽ tóm tắt như thế nào những gì Đấng Cứu Rỗi đã nói? Khi chúng ta học tập định nghĩa của Đấng Cứu Rỗi về phúc âm, chúng ta có được những hiểu biết gì về cách sống theo phúc âm trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta?
Sách Mặc Môn là một điềm triệu cho thấy công việc ngày sau của Thượng Đế đang được làm tròn.
-
Anh chị em có thể bắt đầu một cuộc thảo luận về 3 Nê Phi 29–30 bằng cách nói về các điềm triệu. Ví dụ, các thành viên trong lớp có thể kể tên các dấu hiệu mà cho chúng ta biết rằng một cơn bão đang đến hoặc các mùa đang thay đổi. Sau đó, họ có thể đọc 3 Nê Phi 29:1–3 để học hỏi những gì được biểu hiện qua sự ra đời của Sách Mặc Môn, mà Mặc Môn gọi là “những lời này” (xin xem thêm 3 Nê Phi 21:1–7). Chúa đã phán sứ điệp nào trong 3 Nê Phi 29:4–9 với những người sẽ “xem thường” và “chối bỏ” công việc của Thượng Đế vào những ngày sau cùng? Làm thế nào việc đọc Sách Mặc Môn hằng ngày củng cố đức tin của chúng ta vào những điều mà những người khác “xem thường” và “chối bỏ” trong thời đại của chúng ta? Anh chị em có thể muốn mời các thành viên trong lớp đọc lời mời gọi của Chúa trong 3 Nê Phi 30 và chia sẻ làm thế nào Sách Mặc Môn đã giúp họ chấp nhận lời mời này.
Sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài dẫn đến tình đoàn kết và hạnh phúc.
-
Câu chuyện trong 4 Nê Phi minh họa niềm vui có thể đến với cuộc sống của chúng ta—là cá nhân, là một gia đình, là một tiểu giáo khu hay giáo khu—khi chúng ta cố gắng để được cải đạo trọn vẹn theo Chúa Giê Su Ky Tô. Cân nhắc việc yêu cầu thành viên trong lớp tra cứu 4 Nê Phi 1:1–18 và viết lên bảng những phước lành đến với dân chúng khi tất cả họ được cải đạo theo Chúa. Sự cải đạo của họ ảnh hưởng đến cách họ đối xử với nhau như thế nào? Các thành viên trong lớp có thể chia sẻ cách mà phúc âm đã mang lại các phước lành tương tự cho gia đình hay tiểu giáo khu của họ. Để giúp các thành viên trong lớp hiểu cách mỗi chúng ta có thể sống giống như những người trong 4 Nê Phi hơn và cách chúng ta có thể khuyến khích tình đoàn kết và hạnh phúc nhiều hơn giữa những người xung quanh chúng ta, anh chị em có thể đọc lời phát biểu của Anh Cả D. Todd Christofferson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Các thành viên trong lớp có thể đánh giá các nỗ lực cá nhân của họ trong ba lĩnh vực mà Anh Cả Christofferson đã mô tả.
-
Những người trong Sách Mặc Môn đã tự phân biệt mình là dân Nê Phi và dân La Man—và nhiều “dân” khác—trong nhiều thế kỷ, nhưng sau giáo vụ của Đấng Cứu rỗi ở giữa họ, những sự phân biệt này đã biến mất. Sau khi đọc 4 Nê Phi 1:17 cùng nhau, có lẽ các thành viên trong lớp có thể chia sẻ suy nghĩ của họ về những sắc tộc hay nhóm dân nào hiện diện trong cộng đồng của chúng ta ngày nay. Chúng ta có thể làm gì để vượt qua những sự phân chia như vậy và thực sự trở thành “một, đều là con cái của Đấng Ky Tô”? (câu 17).
-
Các thành viên trong lớp có thể học được điều gì từ sự suy tàn của xã hội Si Ôn được mô tả trong 4 Nê Phi? Anh chị em có thể mời họ tra cứu trong 4 Nê Phi 1:19–34, tìm kiếm điều gì đã chấm dứt niềm hạnh phúc và tình đoàn kết mà dân chúng đã trải qua trong gần 200 năm sau sự thăm viếng của Đấng Cứu Rỗi. Những lẽ thật nào trong những câu này có thể giúp chúng ta xác định thái độ và hành vi cần thay đổi trong cuộc sống và trong xã hội của chúng ta?
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Mặc Môn 1–6 mô tả các sự kiện bi thảm dẫn đến sự hủy diệt của dân Nê Phi. Để khuyến khích các thành viên trong lớp đọc những chương này, hãy mời họ tìm kiếm những điều họ nhận thấy về dân Nê Phi mà chúng ta thấy đang xảy ra trong thời đại của chúng ta.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Tên Giáo Hội của Đấng Ky Tô.
Chủ Tịch M. Russell Ballard đã nói:
“Tôi đã nghĩ nhiều về lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi ban một danh xưng dài như vậy cho Giáo Hội phục hồi của Ngài. Danh xưng này có thể dường như là dài, nhưng nếu chúng ta nghĩ về danh xưng đó như là một điều mô tả về Giáo Hội, thì tự nhiên nó trở thành vắn tắt, đơn giản và thẳng thắn một cách kỳ diệu. Làm thế nào bất cứ điều mô tả nào lại có thể trực tiếp, minh bạch nhưng rõ ràng chỉ trong một vài từ như vậy?
“Mỗi từ nhằm làm sáng tỏ và không thể thiếu được trong danh xưng của Giáo Hội. Mỗi từ cho thấy vị trí độc nhất vô nhị của Giáo Hội phục hồi trong số các tôn giáo trên thế giới.
“Cụm từ Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô cho biết rằng đây là Giáo Hội của Ngài [xin xem 3 Nê Phi 27:8]. …
“Cụm từ Các Thánh Hữu Ngày Sau giải thích rằng Giáo Hội này cũng giống như Giáo Hội mà Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập trong thời gian giáo vụ trần thế của Ngài nhưng được phục hồi trong những ngày sau này. Chúng ta biết là nếu đã có sự bỏ đạo, hay là sự bội giáo, thì cần phải có Sự Phục Hồi Giáo Hội chân chính và trọn vẹn của Ngài trong thời kỳ chúng ta.
“Từ Các Thánh Hữu có nghĩa rằng các tín hữu của Giáo Hội noi theo Ngài và cố gắng làm theo ý Ngài, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và chuẩn bị sống nơi hiện diện của Ngài và của Cha Thiên Thượng một lần nữa. Từ Các Thánh Hữu ám chỉ những người tìm cách làm cho cuộc sống của họ được thánh thiện bằng giao ước noi theo Đấng Ky Tô” (“Tầm Quan Trọng của một Danh Xưng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 80).
Cần điều gì để xây dựng Si Ôn?
Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy: “Si Ôn là Si Ôn bởi vì đặc điểm, thuộc tính và sự trung tín của dân cư của Si Ôn [xin xem Môi Se 7:18]. … Nếu chúng ta muốn thiết lập Si Ôn ở trong nhà, chi nhánh, tiểu giáo khu và giáo khu của mình, thì chúng ta phải đạt được tiêu chuẩn này. Chúng ta sẽ cần (1) trở nên đồng một lòng và một trí; (2) trở thành một dân tộc thánh, riêng cá nhân và tập thể, và (3) chăm sóc cho người nghèo khó và người túng thiếu với một hiệu năng mà có thể xóa bỏ nghèo khổ giữa chúng ta. Chúng ta không thể chờ cho đến khi Si Ôn đến để cho những điều này có thể được xảy ra—Si Ôn sẽ đến chỉ khi những điều này xảy ra” (““Hãy đến với Si Ôn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 38).