“Ngày 21–27 tháng Chín. 3 Nê Phi 12–16: ‘Ta Là Luật Pháp và Là Sự Sáng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 21–27 tháng Chín. 3 Nê Phi 12–16,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 21–27 tháng Chín
3 Nê Phi 12–16
“Ta Là Luật Pháp và Là Sự Sáng”
Mỗi người trong lớp của anh chị em có khả năng tìm thấy điều gì đó đặc biệt có ý nghĩa đối với họ trong số nhiều lời giảng dạy quyền năng của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 12–16. Hãy để các thành viên chia sẻ những nguyên tắc nổi bật đối với họ.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Để cho mọi người có cơ hội chia sẻ những điều họ đã học trong 3 Nê Phi 12–16, anh chị em có thể viết các con số từ 12 đến 16 lên bảng. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể tìm kiếm một câu thánh thư trong những chương này mà họ cảm thấy có ý nghĩa và rồi viết lên số câu dưới số chương tương ứng lên bảng. Chọn một vài câu thánh thư để đọc cùng nhau, và thảo luận tại sao những câu đó có ý nghĩa.
Giảng Dạy Giáo Lý
Những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta thấy cách để trở thành những môn đồ chân chính.
-
Đại cương của tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình gợi ý cách tóm tắt các đoạn trong 3 Nê Phi 12–14 để hoàn thành cụm từ “Những môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô …” Anh chị em có thể hỏi xem có bất cứ thành viên nào trong lớp thực hiện hoạt động này sẽ sẵn sàng chia sẻ những gì họ đã học. Hoặc anh chị em có thể viết đoạn còn thiếu lên trên bảng, cùng với những đoạn thánh thư tham khảo như: 3 Nê Phi 12:3–16, 38–44; 13:1–8, 19–24; và 14:21–27 (hoặc những đoạn khác mà anh chị em tìm thấy khi học tập cá nhân). Các thành viên trong lớp có thể chọn một đoạn để đọc, riêng cá nhân hoặc theo nhóm, và gợi ý một cách thức để hoàn thành cụm từ trên bảng dựa trên những gì các câu thánh thư đó giảng dạy. Khuyến khích các thành viên trong lớp suy ngẫm và có lẽ viết xuống những điều họ sẽ làm để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô một cách trung tín hơn nhờ những gì họ đã học từ các câu thánh thư này.
-
Để giúp các thành viên trong lớp hiểu những lời của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 12:48, anh chị em có thể mời một hoặc vài người học trước sứ điệp của Anh Cả Jeffrey R. Holland “Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn” (Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 40–42) và chia sẻ trong lớp những sự hiểu biết giúp họ hiểu được câu thánh thư này.
Những suy nghĩ của chúng ta dẫn đến hành động.
-
Một cuộc thảo luận về 3 Nê Phi 12:21–30 có thể giúp các thành viên trong lớp thấy cách mà việc kiềm chế suy nghĩ của chúng ta có thể giúp chúng ta kiềm chế hành động của mình. Để bắt đầu một cuộc thảo luận, anh chị em có thể lập một bảng biểu ở trên bảng với những tiêu đề như Những Hành Động Chúng Ta Muốn Tránh và Những Suy Nghĩ hoặc Cảm Xúc Dẫn Đến Những Hành Động Đó. Sau đó, anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp tra cứu 3 Nê Phi 12:21–22 và 27–30 và bắt đầu điền vào bảng biểu. Có những hành động và suy nghĩ nào khác mà các thành viên trong lớp có thể thêm vào bản liệt kê? Làm thế nào chúng ta “không được để một điều nào trong những điều này ăn sâu vào” tim mình? (3 Nê Phi 12:29). Làm thế nào chúng ta có thể đuổi chúng ra khi chúng ăn sâu vào mình? Sau khi đọc lời khuyên của Chủ Tịch Ezra Taft Benson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung,” anh chị em có thể tạo ra một bảng biểu mới với các tiêu đề Những Hành Động Giống Như Đấng Ky Tô Mà Chúng Ta Muốn Phát Triển và Những Suy Nghĩ Dẫn Đến Những Hành Động Đó và cả lớp cùng điền vào.
Sự phục vụ và thờ phượng của chúng ta phải được thực hiện vì những lý do ngay chính.
-
Việc học tập 3 Nê Phi 13 đưa ra một cơ hội cho các thành viên trong lớp để xem xét lý do tại sao họ làm việc tốt. Để bắt đầu một cuộc thảo luận, anh chị em có thể đọc cùng nhau các câu 1–2 và 16 và chia sẻ định nghĩa này về đạo đức giả: “Người giả vờ; từ Hy Lạp [được sử dụng trong Kinh Tân Ước] có nghĩa là ‘một diễn viên kịch,’ hay một người … phóng đại một phần’”. Có lẽ một hoặc hai thành viên trong lớp sẽ thích giả vờ hoặc đóng diễn như thể họ đang cho người nghèo hoặc đang nhịn ăn. Tại sao việc giả vờ hoặc diễn kịch là một phép ẩn dụ tốt về đạo đức giả? Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo việc phục vụ, cầu nguyện và nhịn ăn của chúng ta là chân thành và không phải đạo đức giả?
-
Sau khi nhận ra những việc tốt được nhắc đến trong 3 Nê Phi 13:1–8 và 16–18, các thành viên trong lớp có thể thảo luận về động cơ nào có thể khiến một người làm những việc này hoặc việc khác mà Thượng Đế yêu cầu chúng ta làm. Chúng ta sẽ nói gì với ai đó khi họ hỏi chúng ta lý do tại sao chúng ta làm việc tốt? Khuyến khích các thành viên trong lớp suy ngẫm về động cơ của họ khi làm những việc tốt như vậy. Làm thế nào chúng ta có thể làm thanh khiết động cơ của mình?
Nếu chúng ta tìm kiếm “những điều tốt đẹp” từ Cha Thiên Thượng, chúng ta sẽ nhận được.
-
Để hiểu được lời mời gọi của Chúa để cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa, việc khám phá ý nghĩa của những từ này có thể hữu ích. Mỗi từ ngụ ý gì về những điều Chúa mời chúng ta làm? Chúng ta xin, tìm và gõ cửa như thế nào? Những lời hứa trong 3 Nê Phi 14:7–8 đã được làm tròn trong cuộc sống của chúng ta như thế nào? Các thành viên trong lớp cũng có thể xem xét lời khuyên của Chủ tịch Russell M. Nelson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung,” tìm kiếm những câu hỏi mà ông hỏi và những lời mời mà ông đưa ra. Cho các thành viên trong lớp thời gian để suy ngẫm và viết ra các câu trả lời của họ cho những câu hỏi của ông và kế hoạch của họ để hành động theo lời mời của ông.
-
Một số thành viên trong lớp có thể không chắc chắn về ý của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài nói: “Bất cứ ai xin thì sẽ được” (3 Nê Phi 14:8). Tại sao một số lời cầu nguyện dường như không được đáp ứng, và tại sao đôi khi chúng ta nhận được câu trả lời mà chúng ta không muốn? Việc cả lớp ôn lại một số câu thánh thư sau đây có thể giúp trả lời những câu hỏi này: Ê Sai 55:8–9; Hê La Man 10:4–5; 3 Nê Phi 18:20; và Giáo Lý và Giáo Ước 9:7–9; 88:64. Hãy khuyến khích các thành viên trong lớp chia sẻ điều họ tìm được. Những hiểu biết này có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta cầu nguyện như thế nào?
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Để khích lệ các thành viên trong lớp đọc 3 Nê Phi 17–19 ở nhà, anh chị em có thể mời họ tưởng tượng sẽ như thế nào khi nghe Đấng Cứu Rỗi cầu nguyện cho họ và gia đình họ. Họ sẽ đọc trong những chương này về những người đã có được kinh nghiệm thiêng liêng này.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Chúng ta có thể kiểm soát suy nghĩ của mình.
Chủ Tịch Ezra Taft Benson dạy:
“Tâm trí được ví như một sân khấu mà chỉ có thể diễn một cảnh tại một thời điểm. Từ một phía cánh gà, Chúa, là Đấng yêu thương anh chị em, đang cố gắng đưa lên sân khấu của tâm trí anh chị em những điều sẽ ban phước cho anh chị em. Từ phía cánh gà bên kia, quỷ dữ, kẻ ghét anh chị em, đang cố gắng đưa lên sân khấu của tâm trí anh chị em những thứ sẽ nguyền rủa anh chị em.
“Anh chị em là người quản lý sân khấu—anh chị em là người quyết định suy nghĩ nào sẽ chiếm lĩnh sân khấu. … Anh chị em sẽ là những gì anh chị em nghĩ đến—những gì anh chị em luôn cho phép chiếm lĩnh sân khấu của tâm trí anh chị em. …
“Nếu những suy nghĩ tạo nên con người chúng ta, và chúng ta muốn giống như Đấng Ky Tô, thì chúng ta phải suy nghĩ giống như Đấng Ky Tô” (“Think on Christ (Nghĩ về Đấng Ky Tô),” Ensign, tháng Tư năm 1984, trang 10–11).
Thượng Đế muốn nói chuyện với anh chị em.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói:
“Công cuộc tìm kiếm của anh chị em sẽ mở ra điều gì cho anh chị em? Anh chị em kém khôn ngoan trong việc gì? Anh chị em cảm thấy điều gì là một nhu cầu khẩn thiết cần phải biết hoặc hiểu? Hãy noi theo gương của Tiên Tri Joseph. Tìm một nơi yên tĩnh mà anh chị em có thể thường xuyên lui tới. Hạ mình khiêm nhường trước Thượng Đế. Trút lòng mình lên Cha Thiên Thượng. Tìm đến Ngài để có các câu trả lời và được an ủi.
“Hãy cầu nguyện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô về những mối bận tâm, những sợ hãi, những yếu kém của anh chị em—vâng, những gì anh chị em khát khao trong lòng. Và rồi lắng nghe! Viết xuống những ý nghĩ đến trong tâm trí anh chị em. Ghi lại các cảm giác của mình và hành động theo những điều mà anh chị em được thúc giục. …
Thượng Đế có thật sự muốn phán bảo với anh chị em không? Có chứ! … Tôi khẩn nài anh chị em hãy gia tăng khả năng thuộc linh hiện tại của mình để nhận được sự mặc khải cá nhân. …
“Ôi, có rất nhiều điều hơn nữa mà Cha Thiên Thượng muốn anh chị em biết được.” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95).