“Ngày 14–20 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 10: ‘Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô để được Toàn Thiện trong Ngài,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 14–20 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 14–20 tháng Mười Hai
Mô Rô Ni 10
“Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô để được Toàn Thiện trong Ngài”
Các thành viên trong lớp của anh chị em có thể đã có những trải nghiệm đầy ý nghĩa khi đọc Sách Mặc Môn trong năm nay. Hãy dựa vào những kinh nghiệm này để khuyến khích mọi người trong lớp nghiên cứu thánh thư.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp tưởng tượng rằng Mô Rô Ni đang đến thăm lớp. Họ sẽ nói gì với ông về những gì ông đã viết trong Mô Rô Ni 10? Có câu nào đặc biệt có ý nghĩa với họ không? Họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã có với những câu thánh thư này.
Giảng Dạy Giáo Lý
Tôi có thể biết được lẽ thật qua quyền năng của Đức Thánh Linh.
-
Các thành viên trong lớp có thể đạt được những hiểu biết mới nếu họ học tập Mô Rô Ni 10:3–5 một cách kỹ lưỡng. Để giúp đỡ họ, anh chị em có thể viết các cụm từ quan trọng từ những câu này trên các mẩu giấy riêng biệt và đưa một mẩu giấy cho mỗi thành viên hoặc cho một nhóm các thành viên trong lớp. Mời họ suy ngẫm hoặc thảo luận về ý nghĩa của cụm từ của họ, bao gồm cả những điều họ có thể làm để áp dụng nó trong cuộc sống. Sau đó, anh chị em có thể đọc Mô Rô Ni 10:3–5 cùng nhau, dừng lại khi anh chị em nhận được một cụm từ mà ai đó đã học để người đó có thể chia sẻ suy nghĩ của mình.
-
Để khuyến khích các thành viên trong lớp chia sẻ những kinh nghiệm họ đã có với việc hành động theo lời mời của Mô Rô Ni trong những câu này, anh chị em có thể mời họ tưởng tượng họ đang cố gắng khuyến khích bạn bè hoặc một người trong gia đình nhận được chứng ngôn về Sách Mặc Môn. Họ có thể sử dụng Mô Rô Ni 10:3–7 như thế nào? Có những kinh nghiệm nào mà họ có thể chia sẻ không? Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người khác hiểu ý nghĩa của việc biết một điều gì đó “bởi quyền năng của Đức Thánh Linh”? (Mô Rô Ni 10:5).
“Chớ chối bỏ các ân tứ của Thượng Đế.”
-
Tại sao lời cảnh báo “chớ chối bỏ các ân tứ của Thượng Đế” đặc biệt quan trọng trong những ngày sau này? (Mô Rô Ni 10:8). Khuyến khích các thành viên trong lớp suy ngẫm câu hỏi này khi họ đọc Mô Rô Ni 10:8–18. Để giúp củng cố đức tin của các thành viên trong lớp vào những ân tứ thuộc linh, anh chị em có thể mời họ chia sẻ những ví dụ về những người sử dụng mỗi ân tứ được liệt kê trong Mô Rô Ni 10:9–16. Các ví dụ có thể đến từ thánh thư, từ lịch sử Giáo Hội hoặc từ chính cuộc sống của họ. (Các ví dụ từ Sách Mặc Môn được đề xuất trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”) Anh chị em cũng có thể thảo luận về cách một số ân tứ được mô tả trong những câu thánh thư này được biểu lộ trong sự ra đời của Sách Mặc Môn. Tại sao là điều quan trọng đối với người đang tìm kiếm một chứng ngôn về Sách Mặc Môn là tin vào những ân tứ thuộc linh? Đôi khi chúng ta làm gì mà đã “chối bỏ” những ân tứ này trong cuộc sống của chúng ta? Những ân tứ này giúp chúng ta “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” như thế nào? (xin xem Mô Rô Ni 10:30–33).
-
Một cách khác để khám phá những ân tứ thuộc linh được mô tả trong những câu thánh thư này là viết lên bảng những câu hỏi như Các ân tứ thuộc linh là gì? Các ân tứ thuộc linh được ban cho ai? Tại sao chúng được ban cho họ? và Làm thế nào chúng ta nhận được các ân tứ đó? Sau đó, mời các thành viên trong lớp tra cứu Mô Rô Ni 10:8–25 để tìm những câu trả lời. (Những lời phát biểu của Chủ Tịch Brigham Young và Chủ Tịch Dallin H. Oaks trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” cũng có thể giúp ích.) Ngoài những ân tứ thuộc linh được liệt kê trong các câu 9–16, “những ân tứ [khác] của Thượng Đế” mà chúng ta đã nhận được hoặc được ban phước là gì? (Mô Rô Ni 10:8). Anh chị em có thể muốn chia sẻ những điều mà Anh Cả Bruce R. McConkie đã dạy: “Các ân tứ thuộc linh là vô tận và rất đa dạng. Những điều được liệt kê trong lời đã được tiết lộ chỉ đơn giản là minh họa về sự tuôn tràn vô tận của ân điển thiêng liêng mà một Thượng Đế nhân từ ban cho những người yêu thương và phục vụ Ngài” (A New Witness for the Articles of Faith [năm 1985], trang 371).
Tôi có thể trở nên toàn hảo qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Anh chị em cảm thấy điều gì sẽ giúp các thành viên trong lớp của mình chấp nhận lời mời của Mô Rô Ni để “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài”? (Mô Rô Ni 10:32). Có lẽ việc bắt đầu với một bài thánh ca về chủ đề này, chẳng hạn như “Đi Cùng Với Ta” có thể mời Thánh Linh vào cuộc thảo luận của anh chị em, và các thành viên trong lớp có thể chia sẻ bất kỳ sự liên kết nào mà họ thấy giữa bài thánh ca và các lẽ thật được tìm thấy trong Mô Rô Ni 10:30–33. Chúng ta học được gì từ những câu thánh thư này và bài thánh ca này về ý nghĩa của việc đến với Đấng Ky Tô? Việc được “toàn thiện trong Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì? (xin xem thêm GLGƯ 76:50–53, 69). Chia sẻ cảm nhận của anh chị em về ý nghĩa của việc “được vẹn lành nhờ Giê Su” (GLGƯ 76:69), và khuyến khích các thành viên trong lớp chia sẻ chúng.
-
Bởi vì đây là cuộc thảo luận cuối cùng của lớp của anh chị em về Sách Mặc Môn năm nay, anh chị em có thể muốn yêu cầu các thành viên trong lớp chia sẻ một số điều họ đã cảm nhận và học được khi họ học sách này. Để giúp các thành viên trong lớp làm điều này, anh chị em có thể đọc Mô Rô Ni 10:32–33 cùng nhau và yêu cầu các thành viên trong lớp dành vài phút để suy nghĩ về việc Sách Mặc Môn đã giúp họ đến với Đấng Ky Tô như thế nào. Anh chị em có thể hỏi: Sách Mặc Môn đã giúp chúng ta có tình yêu thương lớn hơn đối với Thượng Đế như thế nào? Sách Mặc Môn đã giúp chúng ta dựa vào ân điển của Đấng Ky Tô một cách trọn vẹn hơn như thế nào? Sách Mặc Môn đã giúp chúng ta “không chối bỏ” quyền năng của Đấng Cứu Rỗi như thế nào? Hãy mời các thành viên trong lớp làm chứng về Sách Mặc Môn và lời chứng của sách đó về Chúa Giê Su Ky Tô.
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Để giúp các thành viên trong lớp mong muốn được học Giáo Lý và Giao Ước vào năm tới, anh chị em có thể ôn lại Mô Rô Ni 10:9–16 và giải thích rằng tất cả những ân tứ này đều rõ rệt trong Giáo Hội ngày nay. Khi chúng ta đọc Giáo Lý và Giao Ước, chúng ta sẽ thấy cách mà các ân tứ và quyền năng của Thượng Đế đã được sử dụng để thực hiện công việc của Ngài trong những ngày sau.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Những sự biểu lộ của các ân tứ thuộc linh trong Sách Mặc Môn.
-
Được dạy bởi Thánh Linh: Nê Phi và Lê Hi (Hê La Man 5:17–19)
-
Đức tin thực sự lớn lao: An Ma, A Mu Léc, Am Môn và những người khác (Ê The 12:13–22)
-
Chữa lành: An Ma (An Ma 15:5–11)
-
Những phép lạ lớn lao: Ba môn đồ (3 Nê Phi 28:19–22)
-
Tiên tri: Lê Hi (2 Nê Phi 1:6–7)
-
Thấy các thiên sứ: A Mu Léc (An Ma 10:7–10)
-
Thông dịch các ngôn ngữ: Mô Si A (Mô Si A 28:11–16)
Chứng ngôn của Chủ Tịch Brigham Young về những ân tứ thuộc linh.
“Đức Tin. Khi anh chị em tin vào các nguyên tắc của phúc âm và đạt được đức tin, đó là một ân tứ của Thượng Đế, Ngài ban thêm đức tin, thêm đức tin vào đức tin. …
“Ân Tứ Chữa Lành. Tôi ở đây để làm chứng cho hàng trăm trường hợp đàn ông, phụ nữ và trẻ em được chữa lành bởi quyền năng của Thượng Đế, thông qua việc đặt tay, và tôi đã thấy nhiều người sống lại từ ngưỡng cửa của cái chết và được đưa trở lại từ bờ vực của sự vĩnh cửu; và một số người có linh hồn thực sự rời khỏi cơ thể họ và đã trở lại. Tôi làm chứng rằng tôi đã thấy người bệnh được chữa lành bằng cách đặt tay, theo lời hứa của Đấng Cứu Rỗi. …
“Sự Tiên Tri, Sự Mặc Khải và Sự Hiểu Biết. Mỗi người đàn ông và phụ nữ có thể là một người mặc khải, và có chứng ngôn về Chúa Giê Su, đó là tinh thần tiên tri, và thấy trước tâm trí và ý muốn của Thượng Đế liên quan đến họ, tránh sự tà ác, và chọn điều tốt lành” (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [năm 1997], trang 252–253).
“Hãy nắm giữ mọi ân tứ tốt lành.”
Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã kể về việc tìm kiếm những ân tứ thuộc linh ban phước cho mẹ của ông như thế nào: “Sau khi mất chồng, người mẹ góa bụa của tôi cảm thấy mất mát và chông chênh. Bà đã cầu nguyện chân thành về điều bà cần để làm tròn trách nhiệm của mình là nuôi dạy ba đứa con nhỏ! Bà đã tìm kiếm, bà đã xứng đáng và bà đã được phước! Những lời cầu nguyện của bà đã được đáp ứng trong nhiều cách, kể cả việc nhận được các ân tứ thuộc linh. Bà có rất nhiều ân tứ, nhưng các ân tứ nổi bật trong trí nhớ của tôi là các ân tứ về đức tin, chứng ngôn và sự thông sáng” (“Spiritual Gifts (Những Ân Tứ Thuộc Linh),” Ensign, tháng Chín năm 1986, trang 72).