“Ngày 30 tháng Mười Một–Ngày 6 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 1–6: ‘Để Giữ Họ Đi Con Đường Đúng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 30 tháng Mười Một–Ngày 6 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 1–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 30 tháng Mười Một–Ngày 6 tháng Mười Hai
Mô Rô Ni 1–6
“Để Giữ Họ Đi Con Đường Đúng”
Mô Rô Ni mong muốn rằng những điều ông viết sẽ “có giá trị” đối với những người sống trong những ngày sau (Mô Rô Ni 1:4). Khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 1–6, hãy thành tâm cân nhắc những điều mà sẽ có giá trị nhất với những người anh chị em giảng dạy.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Đôi khi các thành viên trong lớp có thể chia sẻ tốt hơn những hiểu biết từ việc học tập cá nhân của họ khi họ có ít thời gian để nhớ những gì họ đọc. Anh chị em có thể dành vài phút vào đầu buổi học để xem lại các phần tóm tắt chương của Mô Rô Ni 1–6. (Điều này cũng có thể giúp các thành viên trong lớp mà đã không đọc sách ở nhà.) Sau đó, mời các thành viên trong lớp tra cứu các chương để tìm một câu thánh thư mà họ thấy có ý nghĩa và muốn chia sẻ với cả lớp.
Giảng Dạy Giáo Lý
Các giáo lễ chức tư tế phải được thực hiện theo lệnh của Chúa.
-
Nếu các thành viên trong lớp của anh chị em (hoặc người thân yêu của họ) đang chuẩn bị nhận các giáo lễ của chức tư tế, thì có thể có giá trị để xem lại những gì Mô Rô Ni đã dạy về các giáo lễ trong Mô Rô Ni 2–6. Các thành viên trong lớp có thể làm việc theo cặp để đóng diễn theo những tình huống sau đây. (1) Anh (em) trai của anh chị em sắp được sắc phong chức tư tế. Lời khuyên nào anh chị em sẽ đưa ra từ Mô Rô Ni 3? (2) Một người bạn thuộc một tín ngưỡng khác tự hỏi tại sao lại cần thiết để tham dự lễ Tiệc Thánh mỗi tuần. Anh chị em sẽ nói gì? (xin xem Mô Rô Ni 4–5). (3) Lễ báp têm cho con gái của anh chị em đang đến gần, nhưng nó không chắc là nó đã sẵn sàng. Làm thế nào anh chị em có thể giúp đỡ con gái mình? (xin xem Mô Rô Ni 6:1–3). Sau khi đóng diễn, lớp có thể thảo luận về những gì họ đã học được từ nhau. Họ cũng có thể chia sẻ những chứng ngôn của mình về việc các giáo lễ như thế này đã đưa họ đến gần hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.
-
Để giới thiệu một cuộc thảo luận về việc chuẩn bị cho phép báp têm, anh chị em có thể yêu cầu một thành viên trong lớp mô tả những cách họ đã chuẩn bị cho những cam kết quan trọng trong cuộc sống của họ, chẳng hạn như đi truyền giáo, kết hôn, làm cha mẹ hoặc một công việc mới. Sự chuẩn bị đó được so sánh ra sao với sự chuẩn bị cần thiết để hội đủ điều kiện cho phép báp têm, như được mô tả trong Mô Rô Ni 6:1–3? (xin xem thêm Mô Si A 18:8–10; GLGƯ 20:37). Tại sao các đặc tính được liệt kê trong những đoạn thánh thư này là cần thiết cho phép báp têm? Làm thế nào để chúng ta biết nếu chúng ta đã được chuẩn bị cho giáo lễ này? Khuyến khích các thành viên trong lớp suy ngẫm về việc họ đã sống theo các tiêu chuẩn này như thế nào kể từ khi báp têm và họ có thể làm gì để cải thiện. Anh chị em cũng có thể mời họ viết ra bất kỳ ấn tượng nào họ nhận được và thường xuyên đề cập đến chúng.
Việc dự phần Tiệc Thánh giúp chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
-
Đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình gợi ý những sinh hoạt học tập liên quan đến lễ Tiệc Thánh. Anh chị em có thể mời một vài thành viên trong lớp hoàn thành các sinh hoạt này ở nhà và sẵn sàng để chia sẻ những gì họ đã học khi đến lớp. Anh chị em cũng có thể mời các thành viên trong lớp chia sẻ với nhau những điều họ làm để chuẩn bị cho bản thân và gia đình họ có những kinh nghiệm thiêng liêng với lễ Tiệc Thánh.
-
Hầu hết chúng ta đã nghe những lời cầu nguyện Tiệc Thánh nhiều lần, nhưng chúng ta có suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của những từ ngữ không? Để giúp các thành viên trong lớp suy ngẫm về những lời cầu nguyện này, anh chị em có thể dành cho họ vài phút để viết ra hai lời cầu nguyện Tiệc Thánh theo trí nhớ. Sau đó, mời họ so sánh những gì họ đã viết với Mô Rô Ni 4:3 và 5:2. Họ đã dễ dàng nhớ những gì? Họ đã quên những gì? Họ có nhận thấy bất cứ điều gì về những lời cầu nguyện này mà họ đã không nhận thấy trước đó không? Mời các thành viên trong lớp chia sẻ các từ và cụm từ trong những lời cầu nguyện Tiệc Thánh mà nổi bật với họ hoặc giúp họ cảm nhận được sự thiêng liêng của giáo lễ này. Để làm cho lòng biết ơn của các thành viên trong lớp được sâu sắc hơn cho lễ Tiệc Thánh, hãy cân nhắc việc mời một thành viên trong lớp hát hoặc đàn một bài thánh ca Tiệc Thánh.
Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô phục sự nhau.
-
Cân nhắc việc sử dụng một phép so sánh để giúp các thành viên trong lớp hiểu được tầm quan trọng của việc được “nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 6:4). Ví dụ, loại dinh dưỡng nào là cần thiết cho cây mầm hoặc em bé? Điều gì xảy ra nếu anh chị em bỏ bê thứ gì đó cần nuôi dưỡng? Những tín hữu mới và tín hữu tích cực trở lại của Giáo Hội giống như một cái cây hoặc trẻ sơ sinh cần được nuôi dưỡng như thế nào? Các thành viên trong lớp có thể tra cứu Mô Rô Ni 6:4–9 để tìm những ý tưởng về cách họ có thể “nuôi dưỡng” thuộc linh lẫn nhau. Họ cũng có thể tìm những ý tưởng trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Anh chị em có thể chia sẻ một kinh nghiệm mà một người bạn môn đồ đã phục sự anh chị em. Có lẽ các thành viên trong lớp sẽ sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm tương tự.
-
Mô Rô Ni 6:4–9 có thể giúp các thành viên trong lớp hiểu chúng ta may mắn như thế nào khi chúng ta “được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô” và tham dự các buổi họp ở nhà thờ. Làm thế nào chúng ta có thể giải thích những phước lành này cho một người thắc mắc về sự cần thiết của một tổ chức giáo hội? Có lẽ các thành viên trong lớp có thể tìm kiếm những câu thánh thư này để tìm điều gì đó họ có thể chia sẻ. Hoặc họ có thể liệt kê một số phước lành mà họ đã nhận được khi là tín hữu của Giáo Hội (xin xem D. Todd Christofferson, “Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108–111). Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo rằng những người đồng môn đồ với chúng ta “được nhớ tới và được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế” khi chúng ta “ thường nhóm họp”? (Mô Rô Ni 6:4–5).
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Các thành viên trong lớp có thể háo hức hơn để đọc Mô Rô Ni 7–9 tuần tới nếu anh chị em giải thích rằng các chương đó bao gồm hai lá thư được viết bởi Mặc Môn để giúp con trai mình trung tín trong những thời điểm khó khăn.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Được nuôi dưỡng bởi lời của Thượng Đế.
Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “Hầu hết mọi người không đến nhà thờ chỉ để tìm kiếm một vài thông tin mới về phúc âm hoặc để gặp bạn bè cũ, mặc dù tất cả điều đó đều quan trọng. Họ đến tìm kiếm một kinh nghiệm thuộc linh. Họ muốn có sự bình an. Họ muốn đức tin của họ được củng cố và hy vọng của họ được đổi mới. Nói tóm lại, họ muốn được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế, được củng cố bằng các quyền năng của thiên thượng” (““A Teacher Come from God (Một Thầy Giảng từ Thượng Đế),” Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 26).
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley giải thích rằng việc nuôi dưỡng những người cải đạo bằng lời của Thượng Đế “là công việc dành cho tất cả mọi người. Đây là một công việc dành cho các thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng [bây giờ là các anh em và chị em phục sự]. Đây là một công việc cho giám trợ đoàn, cho các nhóm túc số chức tư tế, cho Hội Phụ Nữ, cho các thiếu niên và thiếu nữ, thậm chí Hội Thiếu Nhi.
“Mới Chủ Nhật tuần rồi, tôi tham dự trong buổi họp nhịn ăn và chia sẻ chứng ngôn. Một cậu con trai 15 hoặc 16 tuổi đứng trước giáo đoàn và nói rằng em đã quyết định sẽ chịu phép báp têm.
“Sau đó, từng đứa một, các cậu bé trong nhóm túc số các thầy giảng bước đến mic-rô để bày tỏ tình yêu thương đối với cậu bé đó, nói với em ấy rằng em ấy đang làm điều đúng, và bảo đảm với em ấy rằng chúng sẽ hỗ trợ và giúp đỡ em ấy. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời để nghe các thiếu niên đó nói lên những lời cám ơn và khuyến khích cho người bạn của mình. Tôi hài lòng rằng tất cả những cậu bé đó, kể cả người được báp têm tuần trước, sẽ đi truyền giáo.
“Trong một cuộc phỏng vấn báo chí gần đây tôi đã được hỏi: ‘Điều gì làm cho ông hài lòng nhất khi ông thấy công việc của Giáo hội ngày nay?’
“Câu trả lời của tôi: ‘Kinh nghiệm hài lòng nhất mà tôi có là thấy những gì phúc âm này làm cho mọi người. Phúc âm này cho họ một cái nhìn mới về cuộc sống. Phúc âm này cho họ một quan điểm mà họ chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Phúc âm này nâng tầm nhìn của họ đến những điều cao quý và thiêng liêng. Một điều gì đó đang xảy đến với họ mà quả thật kỳ diệu cho tôi để nhìn thấy. Họ chú tâm hướng về Đấng Ky Tô và trở nên đầy sức sống.’
“… Tôi yêu cầu mỗi anh chị em hãy vui lòng giúp đỡ công việc này” (“Converts and Young Men (Những Người Cải Đạo và Chàng Trai Trẻ),” Ensign, tháng Năm năm 1997, trang 48).