“Ngày 23–29 tháng Mười Một. Ê The 12–15: ‘Nhờ Đức Tin Mọi Việc Sẽ Được Thực Hiện,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 23–29 tháng Mười Một. Ê The 12–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 23–29 tháng Mười Một
Ê The 12–15
“Nhờ Đức Tin Mọi Việc Sẽ Được Thực Hiện”
Mục đích của đại cương này không phải là để quy định những gì sẽ phải diễn ra trong lớp. Nó là một sự bổ sung—không phải là sự một thay thế—cho sự mặc khải cá nhân. Hãy để Thánh Linh hướng dẫn việc học tập và chuẩn bị cá nhân của anh chị em, sau đó xem liệu các sinh hoạt trong đại cương này có thể giúp các thành viên trong lớp khám phá và chia sẻ các nguyên tắc quan trọng trong Ê The 12–15 không.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Để giúp các thành viên trong lớp chia sẻ những gì họ học được từ việc học tập thánh thư cá nhân hoặc chung với gia đình của họ, anh chị em có thể viết lên bảng các cụm từ như “Tôi đã học được rằng …” “Tôi có một chứng ngôn về …” và “Tôi đã có kinh nghiệm …” Mời các thành viên trong lớp chia sẻ những điều từ Ê The 12–15 mà có thể hoàn thành một trong những câu nói trên bảng.
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúng ta sẽ nhận được lời chứng về lẽ thật khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Để giúp các thành viên trong lớp suy ngẫm về ý nghĩa của việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em có thể hỏi họ những hình ảnh hoặc từ ngữ nào đến với tâm trí họ khi họ nghe thấy từ thực hành. (Anh chị em thậm chí có thể tra từ đó trong từ điển.) Việc tập thể dục có ảnh hưởng gì đến cơ thể chúng ta? Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc này vào đức tin như thế nào? Chúng ta có thể “thực hành đức tin” nơi Đấng Ky Tô bằng những cách nào? Các thành viên trong lớp có thể tra cứu Ê The 12:2–22 và thảo luận về cách mà những người được đề cập đến trong các câu thánh thư này đã thực hành đức tin. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo các tấm gương của họ? Theo những câu này, việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mang đến những kết quả gì?
-
Những tấm gương về đức tin trong Ê The 12:7–22 mang đến một dịp tốt để ôn tập về những câu chuyện đầy soi dẫn mà anh chị em đã học cùng nhau trong Sách Mặc Môn. Các thành viên trong lớp có thể chia sẻ các tấm gương khác về đức tin và những điều họ học được từ những tấm gương đó (những tấm gương khác có thể được tìm thấy trong Hê Bơ Rơ 11). Họ cũng có thể chia sẻ những tấm gương trung tín từ lịch sử gia đình của họ hoặc cuộc đời của chính họ. Làm thế nào những ví dụ này củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng?
-
Ê The 12 có đầy đủ những hiểu biết sâu sắc và lẽ thật về đức tin. Các thành viên trong lớp có thể tìm kiếm những câu thánh thư trong chương này mà dạy họ về đức tin. Sau đó, họ có thể viết lên trên bảng điều họ khám phá được.
Đức tin mang đến “hy vọng sẽ được một thế giới tốt đẹp hơn.”
-
Có người nào đó trong lớp của anh chị em có thể mô tả tại sao một cái neo là quan trọng đối với một chiếc thuyền không? Anh chị em có thể cho thấy một bức hình về một chiếc thuyền và một cái neo (hoặc vẽ chúng lên bảng) và thảo luận về những gì sẽ xảy ra với một chiếc thuyền không có neo. Điều gì xảy ra với chúng ta khi chúng ta không có hy vọng? Sau đó, các thành viên trong lớp có thể đọc Ê The 12:4 và nói về việc đức tin giống như “một chiếc neo đối với linh hồn [chúng ta]” như thế nào. Họ cũng có thể đọc Ê The 12:1–9, 28, và 32 và chia sẻ những hiểu biết mà họ nhận được về hy vọng. Chúng ta nên hy vọng điều gì? (Xin xem Ê The 12:4; Mô Rô Ni 7:41; xin xem thêm Giăng 16:33).
Qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô, những điều yếu kém có thể trở nên mạnh mẽ.
-
Để giúp các thành viên trong lớp cá nhân hóa những lẽ thật mà Mô Rô Ni đã học về sự yếu kém và mạnh mẽ trong Ê The 12, anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp nghĩ về người nào đó có thể cảm thấy nản lòng vì những yếu kém của họ. Sau đó, khuyến khích các thành viên trong lớp tra cứu Ê The 12:23–29 để tìm những sứ điệp có thể giúp đỡ người đó. Nếu Mô Rô Ni ở đây ngày nay, ông có thể nói điều gì để khích lệ người ấy? Các thành viên trong lớp cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm từ chính cuộc đời của họ khi Đấng Cứu Rỗi đã giúp “những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27). Sự thay đổi này khác như thế nào so với những nỗ lực tự cải thiện mà một người có thể thực hiện mà không dựa vào Đấng Cứu Rỗi? Để biết thêm về chủ đề này, hãy xem lời phát biểu của Chủ Tịch Henry B. Eyring trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”
-
Kinh nghiệm của Mô Rô Ni là một trong nhiều kinh nghiệm trong thánh thư cho thấy cách mà ân điển của Đấng Cứu Rỗi có thể làm cho những điều yếu kém của chúng ta trở nên mạnh mẽ. Có thể hữu ích để chia lớp thành các nhóm, chỉ định mỗi nhóm chọn ra một người trong thánh thư mà có yếu kém và thảo luận về cách mà Chúa làm cho người đó trở nên mạnh mẽ. Một vài ví dụ được gợi ý trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Anh chị em cũng có thể đề nghị các thành viên trong lớp ôn lại định nghĩa về ân điển trong Trung Thành với Đức Tin (các trang 5–7). Những tấm gương trong thánh thư mà họ đã học tập minh họa quyền năng ân điển của Đấng Cứu Rỗi như thế nào? Làm thế nào chúng ta mời gọi quyền năng này vào cuộc sống của mình?
-
Chúng ta thường hay so sánh những yếu kém của chúng ta với những ưu điểm thấy được nơi người khác; ngay cả Mô Rô Ni cũng cảm thấy ông yếu kém hơn khi so sánh với anh trai của Gia Rết (xin xem Ê The 12:24). Tại sao việc so sánh bản thân mình với người khác lại nguy hiểm? Theo như Ê The 12:26–27, Chúa muốn chúng ta nhìn nhận sự yếu kém của chúng ta như thế nào? (xin xem thêm lời phát biểu của Chủ Tịch Henry B. Eyring trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”). Ngài muốn chúng ta nhìn nhận sự yếu kém của người khác như thế nào? (xin xem Ê The 12:26).
Việc chối bỏ các vị tiên tri mang đến sự nguy hiểm thuộc linh.
-
Với những lẽ thật quan trọng được dạy trong Ê The 12, anh chị em có thể không chọn dành nhiều thời gian trong lớp cho các chương 13–15. Tuy nhiên, có thể hữu ích để yêu cầu một thành viên trong lớp tóm tắt ngắn gọn những điều diễn ra trong các chương này. Để giúp các thành viên trong lớp tìm thấy những sứ điệp có ý nghĩa trong câu chuyện này, anh chị em có thể yêu cầu họ hoàn thành cụm từ “do đó chúng tôi thấy …” với một bài học mà họ học được từ sự sụp đổ của dân Gia Rết. Sự sụp đổ của họ tương tự với sự sụp đổ của dân Nê Phi như thế nào? (ví dụ, xin xem Ê The 15:19 và Mô Rô Ni 8:28). Chúa muốn chúng ta học được gì từ những câu chuyện này, và chúng ta có thể làm gì để tránh số phận giống như dân Gia Rết? Các thành viên trong lớp cũng có thể xem lại kết cục của sách Ê The kết nối với Ôm Ni 1:19–22; Mô Si A 8:8; và Mô Si A 28:11–18 như thế nào.
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Tuần tới các thành viên trong lớp sẽ bắt đầu học sách Mô Rô Ni. Họ có thể thấy thú vị khi biết rằng Mô Rô Ni ban đầu không dự định viết thêm bất cứ điều gì sau sách Ê The, nhưng ông sống lâu hơn ông mong đợi. Tuần này họ sẽ bắt đầu đọc những sứ điệp cuối cùng mà Mô Rô Ni được soi dẫn để viết trước khi qua đời.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Sự tiến triển thuộc linh đòi hỏi phải nhìn nhận những yếu kém của chúng ta.
Chủ Tịch Henry B. Eyring, khi nhận xét về Ê The 12:27, đã dạy: “Mô Rô Ni nói rằng khi ông ‘nghe được những lời này,’ thì ông “cảm thấy được an ủi’ (Ê The 12:29). Những lời này có thể là một sự an ủi đối với tất cả chúng ta. Những người nào không nhìn thấy những yếu kém của họ thì không tiến triển. Việc các chị em nhận thức về những yếu điểm của mình là một phước lành, vì điều đó sẽ giúp các chị em luôn khiêm nhường và giúp các chị em tiếp tục hướng tới Đấng Cứu Rỗi. Thánh Linh không chỉ an ủi các chị em mà Ngài cũng là Đấng mà qua đó Sự Chuộc Tội thay đổi chính bản chất của các chị em. Rồi những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.” (“Ta Để Sự Bình An Lại cho Các Ngươi,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 16).
Những tấm gương: Điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.
-
Hê Nóc (Môi Se 6:31–34; 7:13)
-
Môi Se (Xuất Ê Díp Tô Ký 4:10–12; 14:31)
-
Ghê Đê Ôn (Các Quan Xét 6:12–16; 8:22–23)
-
Phi E Rơ (Lu Ca 5:8–10; 22:55–62; Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13–21)
-
Mô Rô Ni (Ê The 12:23–29)
-
Joseph Smith (Joseph Smith—Lịch Sử 1:28; GLGƯ 35:17; 135:3)