Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 2–8 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 85–87: “Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện”


“Ngày 2–8 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 85–87: ‘Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 2–8 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 85–87,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2021

gia đình đi bộ đến đền thờ

Ngày 2–8 tháng Tám

Giáo Lý và Giao Ước 85–87

“Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện”

Đừng cảm thấy áp lực phải đề cập đến mỗi câu—hoặc thậm chí mỗi tiết—của Sách Giáo Lý và Giao Ước ở Trường Chủ Nhật. Hãy để cho Thánh Linh hướng dẫn anh chị em, và sẵn sàng đáp ứng với những gì các thành viên trong lớp học thấy là thích hợp với cuộc sống của họ.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Các thành viên trong lớp học có thể đọc lướt qua Giáo Lý và Giao Ước 85–87 để tìm từ hoặc cụm từ nào dường như quan trọng đối với họ (có lẽ từ hoặc cụm từ mà họ đã đánh dấu trong thánh thư). Yêu cầu họ viết những từ hoặc cụm từ của họ lên trên bảng, và chọn ra một vài từ để thảo luận.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Giáo Lý và Giao Ước 85:6

Thánh Linh nói với một “tiếng êm dịu nhỏ nhẹ.”

  • Trong Giáo Lý và Giao Ước 85:6, Tiên Tri Joseph Smith đã dùng những từ ngữ mang tính miêu tả để nói về Thánh Linh đã mách bảo ông như thế nào. Chúng ta học được điều gì về Đức Thánh Linh từ những lời ông miêu tả? Anh chị em có thể yêu cầu các thành viên trong lớp học nghĩ về những lúc khi Thánh Linh mách bảo cùng họ—họ sẽ mô tả kinh nghiệm của mình như thế nào? Họ có thể tìm thấy thêm những lời miêu tả trong các đoạn thánh thư như sau: Lu Ca 24:32; Mô Si A 5:2; An Ma 32:28; Hê La Man 5:30; Giáo Lý và Giao Ước 6:22–23; 11:12–13.

  • Anh chị em có thể nghĩ tới một bài học với đồ vật hoặc một phần thao diễn nào minh họa những lời thì thầm êm ái, nhỏ nhẹ của Thánh Linh? Có lẽ anh chị em có thể bật nhỏ âm nhạc thiêng liêng trong khi các thành viên trong lớp học bước vào lớp. Các thành viên trong lớp học có thể nói về âm nhạc đã làm cho họ cảm thấy như thế nào và sẽ khó hơn ra sao để nghe nhạc nếu có tiếng ồn làm xao lãng. Điều này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về những điều làm xao lãng trong cuộc sống chúng ta khiến chúng ta khó nghe được tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ. Các thành viên trong lớp học có thể chia sẻ điều họ làm để gia tăng khả năng nhạy cảm đối với Thánh Linh—một số lời khuyên bảo có thể được tìm thấy trong phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”

Giáo Lý và Giao Ước 86:1–7

Những người ngay chính sẽ quy tụ vào những ngày sau cùng.

  • Sinh hoạt sau đây có thể giúp các thành viên trong lớp học hiểu những biểu tượng trong truyện ngụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng: Anh chị em có thể viết các cụm từ biểu tượng từ truyện ngụ ngôn (chẳng hạn như “những người gieo hạt giống,” “cỏ lùng làm tắc nghẽn lúa mì,” “cây lúa đang nhô lên,” và “gặt lúa mì” [các câu 2–4, 7]) và những lời giải thích khả thi (như “Các Sứ Đồ,” “Sự Bội Giáo,” “Sự Phục Hồi,” và “công việc truyền giáo”) trên những mẩu giấy khác và dán lên bảng. Sau đó các thành viên trong lớp học có thể cùng làm việc để ghép các biểu tượng với ý nghĩa của chúng, sử dụng những điều họ học được từ Giáo Lý và Giao Ước 86:1–7 (họ cũng có thể đọc Ma Thi Ơ 13:37–43). Tại sao là điều đáng chú ý để Chúa đề cập đến điều mặc khải này “với các ngươi là tôi tớ của ta”? (câu 1). Chúng ta tìm thấy những sứ điệp nào liên quan tới sự phục vụ của mình cho Chúa? (xin xem thêm câu 11).

Giáo Lý và Giao Ước 87:2, 6, 8

Sự bình an được tìm thấy ở “những nơi thánh thiện.”

người phụ nữ ở bên ngoài đền thờ

Đền thờ là chốn thánh nơi mà chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế.

  • Để giúp các thành viên trong lớp học hiểu sự cần thiết để “đứng vững … ở những nơi thánh thiện,” anh chị em có thể bắt đầu bằng cách mời họ liệt kê một số thử thách mà họ gặp phải trong những ngày sau. Họ có thể tìm thấy một số ví dụ trong Giáo Lý và Giao Ước 87:2, 6. Sau đó anh chị em có thể thảo luận về lời mời gọi của Chúa trong câu 8 có thể giúp đỡ với những thử thách này như thế nào. Những câu hỏi như sau có thể giúp ích:

    Điều gì đáng chú ý về từ “đứng vững” trong câu này?

    Điều gì làm cho một nơi chốn trở nên thánh thiện?

    Điều gì có thể làm cho một người dời khỏi nơi thánh thiện?

    Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng chúng ta không bị dời khỏi?

  • Có lẽ các thành viên trong lớp học sẽ sẵn lòng chia sẻ với nhau ví dụ về “những nơi thánh thiện” và điều gì làm cho nơi đó trở nên thánh thiện (anh chị em có thể nêu ra rằng một nơi thánh thiện có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một địa điểm). Trong khi họ chia sẻ, hãy khuyến khích họ nói về lý do tại sao những nơi này thánh thiện đối với họ. Làm thế nào những nơi thánh thiện này giúp chúng ta tìm thấy sự bình an giữa những nguy hiểm của ngày sau?

hình biểu tượng những nguồn tài liệu bổ sung

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Hãy tìm “một giây phút yên tĩnh và tĩnh lặng mỗi ngày.”

Chị Vicki F. Matsumori, cựu cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi, đưa ra lời khuyên bảo sau đây: “Vì Thánh Linh thường được mô tả là một tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ, nên cũng … quan trọng để có một giây phút tĩnh lặng trong cuộc sống của chúng ta. Chúa dạy chúng ta phải ‘yên tâm và hiểu rằng ta là Thượng Đế.’ [Thi Thiên 46:10]. Nếu chúng ta cung ứng một giây phút yên tĩnh và tĩnh lặng mỗi ngày khi chúng ta không bị tấn công dồn dập bởi truyền hình, máy vi tính, các trò chơi điện tử hoặc những thiết bị điện tử cá nhân, thì chúng ta cho phép tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ đó một cơ hội để cung ứng sự mặc khải cá nhân cùng mách bảo sự hướng dẫn dịu dàng, trấn an và an ủi cho chúng ta” (“Giúp Người Khác Nhận Ra Lời Mách Bảo của Thánh Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 11).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy chuẩn bị với mối quan tâm đến học viên. “Hãy để cho sự hiểu biết của các anh chị em về những người mà các anh chị em dạy hướng dẫn cho [sự chuẩn bị] của các anh chị em. … Các giảng viên giống như Đấng Ky Tô không sử dụng chỉ một kiểu hoặc một phương pháp cụ thể; họ cam kết giúp người khác xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi,trang 7).