“Ngày 20–26 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 106–108: ‘Có Được Các Tầng Trời Mở Ra,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 20–26 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 106–108,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2021
Ngày 20–26 tháng Chín
Giáo Lý và Giao Ước 106–108
“Có Được Các Tầng Trời Mở Ra”
Khi anh chị em học Giáo Lý và Giao Ước 106–108, hãy xem xét những kinh nghiệm thuộc linh mà các học viên trong lớp của anh chị em có thể có khi họ học các tiết này. Khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy họ, có thể là hữu ích để tìm hiểu điều gì họ thấy là có ý nghĩa trước khi bắt đầu lớp học.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Mời các học viên trong lớp chia sẻ một câu từ các tiết này giảng dạy một nguyên tắc mà có thể củng cố một người nào đó trong buổi lễ Nhà Thờ của họ.
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúa giảng dạy, khuyên bảo, và nâng đỡ những người Ngài kêu gọi phục vụ.
-
Khi các học viên trong lớp học Giáo Lý và Giao Ước 106 và 108 tuần này, họ có thể tìm thấy những cụm từ mà có thể giúp những người phục vụ trong các chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội (xin xem đại cương của tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình). Cân nhắc việc cho các học viên thời gian để viết những cụm từ mà họ tìm thấy trong các tiết này lên trên bảng và yêu cầu họ chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc của họ. Họ đã có những kinh nghiệm nào liên quan đến hoặc minh họa cho các cụm từ này?
Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài thông qua thẩm quyền chức tư tế.
-
Anh chị em có thể bắt đầu một cuộc thảo luận về các chức phẩm chức tư tế bằng cách mời cả lớp lập một bản liệt kê những lý do Chúa ban cho chúng ta các vị tiên tri, sứ đồ, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội. Có lẽ các học viên trong lớp có thể viết thêm vào bản liệt kê của họ sau khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 107:18–20. Sau đó anh chị em có thể dành ra thời gian xem xét các trách nhiệm mà Chúa ban cho những người nắm giữ các chức phẩm sau đây: Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn (các câu 9, 21–22, 65–66, 91–92), Mười Hai Vị Sứ Đồ (các câu 23–24, 33–35, 38, 58), thầy Bảy Mươi (các câu 25–26, 34, 93–97), và giám trợ (các câu 13–17, 68–76, 87–88). Chúng ta có thể làm gì để hỗ trợ các vị lãnh đạo của chúng ta “qua sự tín nhiệm, đức tin, cùng lời cầu nguyện”? (câu 22).
-
Chúng ta sẽ trả lời ra sao nếu một người bạn không thuộc tín ngưỡng của chúng ta hỏi chúng ta: “Chức tư tế là gì?” hoặc “Các chìa khóa chức tư tế là gì?” Làm thế nào những lời giảng dạy trong phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể ảnh hưởng đến câu trả lời của chúng ta? Có lẽ các học viên trong lớp cũng có thể tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc bổ ích trong Giáo Lý và Giao Ước 107:1–4, 18–20 (xin xem thêm Trung Thành với Đức Tin, trang 124–128). Làm thế nào chức tư tế giúp chúng ta nhận được “những điều kín nhiệm thuộc vương quốc thiên thượng” và “được các tầng trời mở ra cho [chúng ta] thấy”? Làm thế nào chức tư tế giúp chúng ta “được hưởng sự giao tiếp cùng sự hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su”? (câu 19).
Giáo Lý và Giao Ước 107:27–31, 85
Chúa cai quản vương quốc của Ngài qua các hội đồng.
-
Chủ Tịch M. Russell Ballard nói: “Tôi biết các hội đồng là cách thức của Chúa và Ngài đã tạo ra vạn vật trong vũ trụ qua một hội đồng thiên thượng” (“Các Hội Đồng Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 63). Làm thế nào anh chị em có thể giúp những người mình giảng dạy hiểu cách để hội ý với nhau ở nhà và ở nhà thờ? Có lẽ anh chị em có thể yêu cầu một vài tín hữu đến lớp sẵn sàng để chia sẻ kinh nghiệm của họ ở nhà và ở nhà thờ khi mà họ áp dụng các nguyên tắc về việc hội ý trong Giáo Lý và Giao Ước 107:27–31, 85 (hoặc trong sứ điệp của Chủ Tịch Ballard được trích dẫn ở trên). Cân nhắc việc mời các học viên trong tuần để họ đến lớp chuẩn bị chia sẻ ý kiến của họ về điều gì làm cho một hội đồng được hiệu quả. Khuyến khích các học viên nhận ra các nguyên tắc họ học được từ cuộc thảo luận này mà sẽ giúp họ trở nên hữu hiệu hơn khi tham dự các hội đồng ở nhà và ở nhà thờ trong tương lai.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Thẩm quyền Chức Tư Tế.
Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy:
“Chúng ta không quen nói về việc các phụ nữ có thẩm quyền của chức tư tế trong chức vụ kêu gọi của họ trong Giáo Hội, nhưng điều đó có thể được thẩm quyền nào khác? Khi một phụ nữ–––trẻ tuổi hay lớn tuổi–––được phong nhiệm để thuyết giảng phúc âm với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian, thì người này được ban cho thẩm quyền chức tư tế để thực hiện một chức năng của chức tư tế. Điều này cũng đúng khi một người phụ nữ được phong nhiệm để hành động với tư cách là một chức sắc hay giảng viên trong một tổ chức Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Bất cứ ai hành động trong một chức phẩm hoặc chức vụ kêu gọi nhận được từ một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế đều sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong việc thực hiện các bổn phận đã được chỉ định cho mình” (“Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 51).
Chủ Tịch M. Russell Ballard đã nói:
“Cha Thiên Thượng rất rộng rãi với quyền năng của Ngài. Tất cả những người đàn ông và tất cả phụ nữ đều có quyền tiếp cận với quyền năng này để được giúp đỡ trong cuộc sống của họ. Tất cả những người đã lập các giao ước thiêng liêng với Chúa và tôn trọng các giao ước đó thì đều có đủ điều kiện để nhận được sự mặc khải cá nhân, để được ban phước bởi sự phục sự của các thiên sứ, để giao tiếp với Thượng Đế, để nhận được phúc âm trọn vẹn, và cuối cùng, để trở thành những người thừa kế cùng với Chúa Giê Su Ky Tô tất cả những gì Đức Chúa Cha chúng ta có” (“Men and Women in the Work of the Lord,” New Era, tháng Tư năm 2014, trang 4–5).