Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 8–14 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9: ‘Chúa Muốn Con Làm Điều Gì?’


“Ngày 8–14 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9: ‘Chúa Muốn Con Làm Điều Gì?’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 8–14 tháng Bảy. Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019

Phao Lô trên con đường dẫn đến Thành Đa Mách

May We So Live (Để Chúng Ta Cũng Sống Như Thế), tranh do Sam Lawlor họa

Ngày 8–14 tháng Bảy

Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9

“Chúa Muốn Con Làm Điều Gì?”

Hãy học Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9, và ghi lại những ấn tượng của anh chị em. Việc này sẽ giúp anh chị em nhận được sự mặc khải về cách để giúp các học viên đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn qua việc học tập những chương này của họ.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Trên bảng, hãy viết tên của một số người được nhắc đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9, như Ê Tiên, Sau Lơ, Phi Líp, A Na Nia, Phi E Rơ,Ta Bi Tha hoặc Đô Ca. Mời một vài học viên chia sẻ điều gì đó họ đã học từ một trong những người này trong khi họ học tập tuần này.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Công Vụ Các Sứ Đồ 7

Việc chống lại Đức Thánh Linh có thể dẫn đến việc chối bỏ Đấng Cứu Rỗi và các tiên tri của Ngài.

  • Những lẽ thật nào các học viên đã học được khi đọc câu chuyện về Ê Tiên tuần này? Cân nhắc việc mời các học viên học tập những lời giảng dạy của Ê Tiên trong Công Vụ Các Sứ Đồ 7:37–53, và tìm xem những người lãnh đạo của người Do Thái cũng giống như những người Y Sơ Ra Ên thời xưa đã chối bỏ các tiên tri như thế nào. Anh chị em có thể tập trung vào câu nói của Ê Tiên về những người lãnh đạo này trong Công Vụ Các Sứ Đồ 7:51. Làm thế nào 2 Nê Phi 28:3–6; 33:1–2; Mô Si A 2:36–37; An Ma 10:5–6; và An Ma 34:37–38 giúp các học viên hiểu được câu nói này? Tại sao chúng ta có thể “nghịch với Đức Thánh Linh”? Chúng ta có thể làm gì để nhận ra và tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh một cách tốt hơn?

Công Vụ Các Sứ Đồ 8:9–24

Tấm lòng của chúng ta cần phải được “ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời.”

  • Học tập câu chuyện về Si Môn có thể giúp các học viên đánh giá các lý do tại sao họ lại sống theo phúc âm. Để học tập câu chuyện này cùng cả lớp, anh chị em có thể viết lên trên bảng các câu hỏi Si Môn là ai? Ông ấy muốn gì?Ông ấy đã cố gắng bằng cách nào để có được điều đó? Chỉ định từng học viên đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 8:9–24, cùng tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này. Chúng ta có thể học được điều gì từ kinh nghiệm của Si Môn?

  • Để giúp các học viên hiểu được ý nghĩa của việc có tấm lòng của họ “ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:21), anh chị em có thể mời họ học tập Giáo Lý và Giao Ước 121:41–46, cùng tìm kiếm những từ hoặc cụm từ mô tả về tấm lòng của chúng ta nên như thế nào khi chúng ta nỗ lực phục vụ Thượng Đế và nhận các ân tứ của Ngài. Các học viên có thể so sánh những hiểu biết sâu sắc này với câu chuyện về Si Môn, trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:9–24. Si Môn đã chưa hiểu được các lẽ thật nào? Làm thế nào chúng ta có thể làm cho tấm lòng mình “ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời”?

  • Các học viên đã có so sánh Ê Tiên và Phi Líp với Si Môn trong khi học tập cá nhân không, như đã được đề nghị trong đại cương tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình? Nếu có, thì họ đã học được gì? Anh chị em có thể mời họ tìm bằng chứng trong các chương này cho thấy tấm lòng ngay thẳng của những người khác—như Phi Líp và người đàn ông đến từ Ê Thi Ô Bi (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26–40) và Sau Lơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1–22).

Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26–39

Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta dẫn những người khác đến với Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Để giúp các học viên hiểu được cách họ có thể dẫn những người khác đến với Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:31), anh chị em có thể mời hai học viên ngồi đối diện nhau và đọc đoạn hội thoại giữa Phi Líp và người đàn ông đến từ Ê Thi Ô Bi trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26–39. Một học viên thứ ba có thể đọc những phần không thuộc đoạn hội thoại. Chúng ta học được gì từ tấm gương của Phi Líp về việc dạy phúc âm cho những người khác?

  • Để khám phá các tấm gương hiện đại của câu chuyện trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26–39, các học viên có thể chia sẻ kinh nghiệm mà họ có khi chia sẻ phúc âm hoặc khi gia nhập Giáo Hội. Đức Thánh Linh đã giúp đỡ họ như thế nào? Một người nào đó đã làm như thế nào để hướng dẫn cho họ? Mời các học viên suy ngẫm về người nào mà họ có thể hướng dẫn đến với phúc âm.

Công Vụ Các Sứ Đồ 9

Khi chúng ta tuân phục theo ý muốn của Chúa, chúng ta có thể trở thành công cụ trong tay của Ngài.

  • Các học viên có thể học những lẽ thật mạnh mẽ về sự cải đạo của chính họ khi học tập kinh nghiệm của Sau Lơ, kể cả lẽ thật rằng bất cứ ai cũng có thể hối cải và thay đổi nếu họ sẵn lòng. Anh chị em có thể yêu cầu các học viên so sánh kinh nghiệm của Sau Lơ với kinh nghiệm của An Ma (xin xem Mô Si A 17:1–418; 26:15–21) và La Man và Lê Mu Ên (xin xem 1 Nê Phi 3:28–31). Những đặc tính nào của Sau Lơ và An Ma đã giúp họ hối cải và thay đổi? Những đặc tính nào khiến La Man và Lê Mu Ên không thay đổi? Sau Lơ và An Ma đã mang lại ảnh hưởng gì sau khi họ được cải đạo? Chúng ta tìm ra được sứ điệp gì cho chính cuộc sống của mình từ những câu chuyện này?

  • Để giúp các học viên áp dụng kinh nghiệm của Sau Lơ cho chính họ, anh chị em có thể mời một số học viên chuẩn bị trước để chia sẻ điều họ học được từ mỗi phần trong bài nói chuyện của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf “Chờ Đợi trên Con Đường Dẫn đến Thành Đa Mách” (Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 70–77). Chúng ta đôi khi chờ đợi trên con đường dẫn đến Thành Đa Mách của chính mình như thế nào? Theo như Chủ Tịch Uchtdorf, điều gì có thể giúp chúng ta nghe được rõ hơn tiếng nói của Thượng Đế?   Để tạo cảm hứng cho các học viên làm theo tấm gương của Sau Lơ và cầu vấn Chúa: “Chúa muốn con làm gì?” hãy cân nhắc việc thảo luận kinh nghiệm của Chủ Tịch Thomas S. Monson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Có lẽ các học viên có thể chia sẻ kinh nghiệm của họ khi tìm kiếm và tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế.

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học tại Nhà

Để khuyến khích các học viên đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15 trong tuần tới, anh chị em có thể chia sẻ một số sự kiện đầy ấn tượng trong những chương này—một cuộc vượt ngục diệu kỳ, những người truyền giáo bị lầm tưởng là các thần của người La Mã, và một Vị Sứ Đồ bị ném đá và bỏ mặc cho đến chết—rồi sống lại.

hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Công Vụ Các Sứ Đồ 6–9

“Chúa Muốn Con Làm Điều Gì?”

Trong khi Chủ Tịch Thomas S. Monson đang tham dự một đại hội giáo khu, vị chủ tịch giáo khu hỏi ông có thể đến thăm một bé gái 10 tuổi tên là Christal Methvin đang sắp qua đời vì căn bệnh ung thư không. Gia đình của bé gái này sống cách nơi tổ chức đại hội hơn 128 cây số. Chủ Tịch Monson đã chia sẻ câu chuyện sau đây:

“Tôi kiểm tra lại lịch trình của các buổi họp. … Đơn giản là chẳng còn thời gian trống nào cả. Một gợi ý thay thế đến trong tâm trí tôi. Chúng ta liệu không thể nhớ đến đứa bé đó trong những lời cầu nguyện chung tại đại hội không? …

“… [Trong một buổi họp] Tôi đang sắp xếp các ghi chú của mình, chuẩn bị để bước lên bục giảng, thì tôi nghe được một tiếng nói phán với linh hồn tôi. Sứ điệp đó ngắn gọn, nhưng câu từ thì quen thuộc: ‘Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.” (Mác 10:14.) Các ghi chú của tôi trở nên mờ đi. Ý nghĩ của tôi hướng về một bé gái nhỏ nhắn đang cần một phước lành. Tôi đã đưa ra quyết định. Lịch trình các buổi họp được thay đổi. …

“… [Tại nhà của gia đình Methvin,] Tôi nhìn xuống đứa bé do bị bệnh quá nặng nên không thể ngồi dậy—gần như quá yếu để nói chuyện. Căn bệnh của nó giờ đây đã làm cho nó bị mù. Thánh linh quá mạnh mẽ đến nỗi tôi quỳ xuống, nắm lấy bàn tay yếu ớt của cô bé, và chỉ nói rằng: “Christal, bác đây.” Cô bé mấp máy đôi môi và thì thào: “Anh Monson, cháu biết rằng bác sẽ đến” (“The Faith of a Child,” Ensign, tháng Mười Một năm 1975, trang 20–22).

Nhiều năm sau đó, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã chia sẻ câu chuyện này, cùng mời chúng ta “[hãy] cố gắng là những người mà Chúa có thể trông cậy để nghe và đáp ứng những lời mách bảo, như Sau Lơ đã làm trên đường đi của ông đến thành Đa Mách, ‘Thưa Chúa, Ngài muốn con làm gì?’” (“Chờ Đợi trên Con Đường Dẫn Đến Thành Đa Mách,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 75).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy hướng dẫn các học viên của anh chị em. Với tư cách là một giảng viên, anh chị em có thể hướng dẫn các học viên qua thánh thư, giống như Phi Líp đã hướng dẫn người đàn ông Ê Thi Ô Bi bằng cách dạy ông ấy lời của Ê Sai (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26–37). Để làm vậy, anh chị em phải “tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (GLGƯ 109:7). Sự hiểu biết mà anh chị em có được có thể là một sức mạnh mãnh liệt để giúp các học viên có ước muốn tự mình khám phá lẽ thật và sống theo lẽ thật đó.