“Ngày 14–20 tháng Mười. Phi Líp; Cô Lô Se: ‘Tôi Làm Được Mọi Sự nhờ Đấng Ban Thêm Sức cho Tôi’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 14–20 tháng Mười. Phi Líp; Cô Lô Se,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019
Ngày 14–20 tháng Mười
Phi Líp; Cô Lô Se
“Tôi Làm Được Mọi Sự nhờ Đấng Ban Thêm Sức cho Tôi”
Hãy bắt đầu bằng việc đọc các sách Phi Líp và Cô Lô Se, và thành tâm suy ngẫm về giáo lý mà Chúa muốn anh chị em giảng dạy. Hãy để Thánh Linh hướng dẫn anh chị em khi anh chị em xem xét các câu hỏi và những nguồn tài liệu mà anh chị em có thể sử dụng để dạy giáo lý này.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Hãy mời các học viên viết lên trên bảng một từ hoặc cụm từ mà tóm tắt điều họ học được từ các sách Phi Líp và Cô Lô Se và rồi giải thích sự lựa chọn của họ. Khuyến khích họ chia sẻ các câu thánh thư trong phần giải thích của mình.
Giảng Dạy Giáo Lý
Phi Líp 2:1–5, 14–18; 4:1–9; Cô Lô Se 3:1–17
Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô trở nên “mới” khi họ sống theo phúc âm của Ngài.
-
Anh chị em có lẽ muốn giúp các học viên hình dung ra được ý nghĩa của việc “lột bỏ người cũ” và “mặc lấy người mới” qua Chúa Giê Su Ky Tô (Cô Lô Se 3:9–10). Để làm điều này, anh chị em có thể trưng bày một thứ gì đó đã cũ và một thứ gì đó còn mới (như một trái cây chín nẫu và trái cây tươi hoặc quần áo cũ và quần áo mới). Các học viên có thể thảo luận cách chúng ta trở nên “mới” qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự sẵn lòng để sống theo phúc âm của Ngài. Là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em có thể yêu cầu một nửa lớp học Phi Líp 2:1–5, 14–18; 4:1–9 và nửa còn lại học Cô Lô Se 3:1–17, để nhận ra các tính cách của “người cũ” và “người mới.” Anh chị em cũng có thể mời một số học viên chia sẻ cách thức mà việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sống theo phúc âm của Ngài đã giúp họ trở thành những con người mới. Các câu thánh thư khác mà anh chị em có thể cùng nhau khám phá gồm có Rô Ma 6:3–7; Mô Si A 3:19; và An Ma 5:14, 26.
Chúng ta có thể tìm thấy niềm vui trong Đấng Ky Tô, bất kể hoàn cảnh của chúng ta.
-
Ngay cả khi hoàn cảnh của chúng ta khác với hoàn cảnh của Phao Lô, tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ sự sẵn lòng của ông để bằng lòng và vui sướng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Để bắt đầu một cuộc thảo luận về đề tài này, anh chị em có thể ôn lại một số thử thách mà Phao Lô đã trải qua (ví dụ, xin xem 2 Cô Rinh Tô 11:23–28). Rồi anh chị em có thể yêu cầu các học viên ôn lại Phi Líp 4:1–13 để tìm lời khuyên dạy từ Phao Lô mà có thể giúp chúng ta vui sướng, ngay cả trong những thời gian thử thách.
Nếu thích tìm hiểu đề tài này sâu hơn, anh chị em có thể yêu cầu một học viên chia sẻ một số câu chuyện hoặc lời phát biểu đầy soi dẫn từ bài nói chuyện của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh” (Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 81–84). Làm thế nào những người trong bài nói chuyện của Chủ Tịch Nelson tìm thấy niềm vui, mặc cho những hoàn cảnh khó khăn của họ?
-
Có lẽ các học viên có thể tìm thấy lời khuyên dạy trong Phi Líp 4 mà có thể giúp họ khi họ trải qua thử thách. Anh chị em có thể đưa cho mỗi học viên một tấm giấy ghi chú để họ có thể viết điều họ tìm thấy. Yêu cầu họ để tấm giấy đó ở nơi họ sẽ nhìn thấy khi họ cần đến nó.
-
Đôi khi một bài thánh ca có thể mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về thánh thư. Ví dụ, sau khi đọc Phi Líp 4:7, 13, anh chị em có thể cùng nhau hát bài “Where Can I Turn for Peace?” (Hymns, no. 129) hoặc lời đầu tiên của bài “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 12). Các học viên thấy được những mối liên hệ nào giữa từ ngữ của các bài thánh ca này với Phi Líp 4:7, 13? Có lẽ họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi họ cảm thấy “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết” hoặc khi họ cảm thấy được củng cố “trong Đấng Ky Tô” để làm được một việc nào đó mà họ đã không thể nào làm được bằng cách khác. Kinh nghiệm của Anh Cả Jay E. Jensen có trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể giúp soi dẫn cuộc thảo luận về các câu thánh thư này.
-
Bởi vì sự tà ác đang gia tăng trên thế gian ngày nay, các học viên sẽ được hưởng lợi ích từ lời khuyên dạy của Phao Lô để “nghĩ đến” những điều chân thật, đáng yêu chuộng, có tiếng tốt, đạo đức, hoặc đáng khen (Phi Líp 4:8). Có lẽ anh chị em có thể chỉ định từng học viên (hoặc những nhóm nhỏ các học viên) một trong các đức tính được liệt kê trong Phi Líp 4:8 hoặc Những Tín Điều 1:13. Mỗi người họ có thể sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư để tìm những câu thánh thư về đức tính được chỉ định cho họ và chia sẻ với lớp học điều họ tìm được. Họ cũng có thể chia sẻ các tấm gương về đức tính đó trong cuộc sống của mọi người. Bằng cách nào chúng ta “theo đuổi những điều này”?
Khi đức tin của chúng ta “đâm rễ” trong Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được củng cố khỏi những ảnh hưởng của thế gian.
-
Chứng ngôn của Phao Lô về Đấng Cứu Rỗi có trong Cô Lô Se 1:12–23; 2:3–8 mang lại một cơ hội tốt cho các học viên để suy ngẫm và củng cố đức tin của chính họ. Các học viên có thể tìm kiếm những câu thánh thư này để tìm ra những điều mà củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Ý nghĩa của “châm rễ và lập nền trong [Chúa Giê Su Ky Tô]” là gì? (Cô Lô Se 2:7). Bức hình một cái cây trong đại cương tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình có thể giúp các học viên thảo luận câu thánh thư này. (Xin xem thêm Neil L. Andersen, “Những Cơn Gió Lốc Thuộc Linh,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 18–21.) Điều gì có thể củng cố hoặc làm suy yếu rễ của một cái cây? Làm thế nào việc “châm rễ và lập nền trong [Chúa Giê Su Ky Tô]” củng cố chúng ta chống lại các ảnh hưởng của thế gian? (xin xem Cô Lô Se 2:7–8; xin xem thêm Hê La Man 5:12; Ê The 12:4).
-
Các học viên có lẽ biết về những triết lý và truyền thống của loài người mà có thể “bắt … phục” đức tin của một người nơi Đấng Ky Tô bởi vì chúng đối lập với các lẽ thật của phúc âm và làm cho việc sống theo phúc âm càng khó khăn hơn (Cô Lô Se 2:8). Có lẽ các học viên có thể liệt kê ra một số những điều này (các ý kiến được đề nghị bởi Anh Cả Dallin H. Oaks, có trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung,” có thể hữu ích). Rồi anh chị em có thể thảo luận cách mà việc vững vàng trong những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta làm theo lời khuyên dạy của Phao Lô: “Anh em đã nhận Chúa Giê Su Ky Tô thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy” (Cô Lô Se 2:6). Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau trong các nỗ lực đi theo Đấng Cứu Rỗi và không đi theo những truyền thống thế gian sai lạc?
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Các học viên trong lớp của anh chị em có bao giờ cảm thấy bị ngược đãi bởi vì họ tin vào phúc âm không? Hãy nói với họ rằng trong 1 và 2 Tê Sa Lô Ni Ca có lời khuyên dạy mà Phao Lô đưa ra cho Các Thánh Hữu sống giữa sự ngược đãi mạnh mẽ mà vẫn thành tín.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết.
Trong khi đang phục vụ với tư cách là một Thầy Bảy Mươi, Anh Cả Jay E. Jensen đã chia sẻ kinh nghiệm này:
“Đứa cháu nội tên Quinton của chúng tôi sinh ra với nhiều tật bẩm sinh và sống được gần một năm, chỉ thiếu ba tuần lễ là tròn một tuổi, trong thời gian đó, nó ra vào bệnh viện thường xuyên. Chị Jensen và tôi sống ở Argentina vào lúc đó. Chúng tôi thật sự muốn hiện diện ở đó với con cái chúng tôi để an ủi chúng và được chúng an ủi. Đây là đứa cháu nội chúng tôi yêu thương và muốn được sống gần nó. Chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện và chúng tôi đã cầu nguyện khẩn thiết!
“Chị Jensen và tôi đang đi tham quan phái bộ truyền giáo thì chúng tôi nhận được tin Quinton qua đời. Chúng tôi đứng trong hành lang của nhà hội và ôm nhau cùng an ủi nhau. Tôi làm chứng với các anh chị em rằng sự trấn an đến với chúng tôi từ Đức Thánh Linh, sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết và tiếp tục cho đến ngày nay (xin xem Phi Líp 4:7). Chúng tôi cũng thấy ân tứ Đức Thánh Linh không sao kể xiết trong cuộc sống của con trai và con dâu của mình cùng con cái chúng, là những đứa mà cho đến ngày nay đều nói về thời gian đó với đức tin, sự bình an và an ủi như vậy” (“Đức Thánh Linh và Sự Mặc Khải,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 78).
Các nguyên tắc phúc âm và những truyền thống của loài người.
Anh Cả Dallin H. Oaks chỉ ra một vài truyền thống thế gian mà trái ngược với các lẽ thật phúc âm (xin xem “Sự Hối Cải và Thay Đổi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2003, trang 37–40):
-
Coi thường luật trinh khiết
-
Tham dự nhà thờ không thường xuyên và thụ động
-
Vi phạm Lời Thông Sáng
-
Không thành thật
-
Khao khát “thăng tiến” trong các chức vụ trong Giáo Hội
-
Có văn hóa phụ thuộc thay vì có trách nhiệm cá nhân