“Ngày 30 tháng Chín–Ngày 13 tháng Mười. Ê Phê Sô: ‘Để Các Thánh Đồ Được Trọn Vẹn’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 30 tháng Chín–Ngày 13 tháng Mười. Ê Phê Sô,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019
Ngày 30 tháng Chín– Ngày13 tháng Mười
Ê Phê Sô
“Để Các Thánh Đồ Được Trọn Vẹn”
Các ý nghĩ và ấn tượng về điều gì và cách nào để giảng dạy sẽ đến khi anh chị em thành tâm học tập sách Ê Phê Sô, các bài nói chuyện đại hội trung ương gần đây, đại cương này, và Hãy Đến mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Cân nhắc việc mời các học viên viết một câu tóm tắt về một điều gì đó họ học được từ việc học tập của họ tuần này và rồi đính các câu tóm tắt của họ lên trên bảng. Chọn ngẫu nhiên một vài tóm tắt, và mời các học viên đã viết những câu đó chia sẻ ý nghĩ của họ.
Giảng Dạy Giáo Lý
Ê Phê Sô 2:19–22; 4:4–8, 11–16
Các vị tiên tri và sứ đồ—và tất cả chúng ta—củng cố và đoàn kết Giáo Hội.
-
Anh chị em và lớp học có thể cùng nhau xây dựng một thứ gì đó để minh họa cách mà Giáo Hội “đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” và cách mà Đấng Cứu Rỗi là “đá góc nhà” không? (Ê Phê Sô 2:20). Có lẽ các học viên có thể dán nhãn lên các khối hoặc cốc giấy và xếp chúng thành một cái tháp hoặc hình chóp, với Chúa Giê Su Ky Tô và các vị tiên tri và sứ đồ tạo thành phần đáy. Rồi anh chị em có thể chứng minh mô phỏng điều có lẽ sẽ xảy ra nếu các khối với nhãn ghi Đấng Ky Tô hoặc các vị tiên tri và sứ đồ bị rút ra. Tại sao đá góc nhà là một phép ẩn dụ rất hay về Chúa Giê Su Ky Tô và vai trò của Ngài trong Giáo Hội? (Để có định nghĩa về viên đá góc nhà, xin xem “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”) Các học viên có thể tìm kiếm trong Ê Phê Sô 2:19–22; 4:11–16 những phước lành chúng ta nhận được nhờ các vị sứ đồ, tiên tri, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội. Chúng ta có thể làm gì để xây dựng cuộc sống của chúng ta trên những lời dạy của họ?
-
Để minh họa cách giáo lý có thể bị hiểu sai khi không có sự hướng dẫn liên tục từ các vị tiên tri và sứ đồ, anh chị em có thể chơi một trò chơi mà trong đó anh chị em kể một câu chuyện ngắn cho một học viên mà không cho bất cứ ai khác nghe được. Rồi hãy mời học viên đó lặp lại câu chuyện ấy cho một người học viên khác và cứ thế tiếp tục cho đến khi câu chuyện được truyền qua một vài người. Rồi hãy yêu cầu người cuối cùng đã nghe câu chuyện đó kể lại cho những học viên còn lại trong lớp điều mà người đó đã nghe. Có bất kỳ chi tiết nào trong câu chuyện đã thay đổi không? Điều gì có lẽ sẽ xảy ra nếu giảng viên có thể sửa những sai sót trong khi câu chuyện được truyền đi? Sinh hoạt này dạy chúng ta điều gì về lý do tại sao Giáo Hội của Đấng Ky Tô phải được “dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri”?
-
Nếu các học viên đã lắng nghe đại hội trung ương kể từ lần cuối anh chị em gặp họ, hãy mời họ chia sẻ làm thế nào những điều được dạy trong đại hội đã giúp làm tròn các mục đích được nêu ra trong Ê Phê Sô 4:11–16.
-
Có lẽ anh chị em có thể cho các học viên một giây phút để liệt kê một vài “chức phận” hoặc trách nhiệm họ được kêu gọi để làm tròn trong giáo hội (xin xem Ê Phê Sô 4:1)—ví dụ, anh em hoặc chị em phục sự, một người cha hoặc người mẹ, một môn đồ của Đấng Ky Tô, và vân vân. Rồi họ có thể trao đổi bản liệt kê với một học viên khác, hãy đọc Ê Phê Sô 4:4–8, 11–16, và chia sẻ cách những sự kêu gọi và chỉ định trong bản liệt kê của họ giúp gây dựng thân thể của Đấng Ky Tô. Làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau làm việc để trở nên đoàn kết với “chỉ … một Chúa, một đức tin, một phép báp têm”?
Việc noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi có thể củng cố các mối quan hệ gia đình.
-
Mặc dù những người ở thành Ê Phê Sô sống trong một văn hóa mà trong đó người vợ không được đối xử bình đẳng với người chồng, nhưng bức thư này vẫn có một số lời khuyên giá trị dành cho các cặp vợ chồng ngày nay. Anh chị em có thể viết các câu hỏi như sau lên trên bảng và mời các học viên thảo luận các câu này khi họ đọc Ê Phê Sô 5:22–33 theo nhóm: Đấng Ky Tô đã cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho Giáo Hội như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để noi theo tấm gương của Ngài trong cách chúng ta đối xử với người phối ngẫu của chúng ta? Anh chị em có thể mời các học viên chia sẻ tấm gương mà họ đã thấy về những người phối ngẫu đối đãi nhau theo cách giống như Đấng Ky Tô. Chúng ta có thể áp dụng các nguyên tắc này như thế nào cho các mối quan hệ khác trong gia đình?
-
Trong khi lời khuyên dạy của Phao Lô để “tôn kính cha mẹ ngươi” (Ê Phê Sô 6:2) dành cho con cái, lời này có thể áp dụng cho mỗi người chúng ta, bất kể tuổi tác hay hoàn cảnh gia đình của mình. Hãy mời các học viên nghĩ về cách họ có thể áp dụng lời khuyên dạy của Phao Lô trong Ê Phê Sô 6:1–3 cho các trường hợp riêng của họ. Ví dụ, làm thế nào chúng ta tôn kính cha mẹ của mình ngay cả khi các lựa chọn của họ không phù hợp với những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô? Anh chị em có thể cho các học viên một ít phút viết xuống điều họ có thể làm tốt hơn để tôn kính cha mẹ họ.
-
Nếu có những người cha mẹ—hoặc sắp làm cha mẹ—có con nhỏ trong lớp học, thì họ có thể được hưởng lợi ích khi thảo luận Ê Phê Sô 6:4. Việc nuôi nấng con cái ″dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa″ có ý nghĩa là gì? Có lẽ các học viên mà có con cái lớn tuổi hơn có thể chia sẻ ý nghĩa của câu này đối với họ và cách họ cố gắng áp dụng lời khuyên dạy này trong gia đình họ.
Áo giáp của Thượng Đế sẽ giúp bảo vệ chúng ta khỏi quỷ dữ.
-
Điều gì sẽ giúp soi dẫn các học viên cố gắng mang trọn áo giáp của Thượng Đế mỗi ngày? Anh chị em có thể chuẩn bị một sinh hoạt mà trong đó các học viên ghép các phần của áo giáp với các nguyên tắc hoặc đức hạnh mà phần đó tượng trưng trong Ê Phê Sô 6:14–17. Mỗi phần của áo giáp có thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi sự tà ác như thế nào? (Để được trợ giúp, xin xem “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”) Các học viên mang áo giáp này bằng cách nào? Là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em có thể chia sẻ lời giải thích của Chủ Tịch N. Eldon Tanner trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Chúng ta có thể làm gì để nhận ra và củng cố bất kỳ điểm yếu nào trong bộ áo giáp của mình?
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Để khích lệ các học viên đọc các sách Phi Líp và Cô Lô Se, anh chị em có thể nói với họ rằng một tín điều trong Các Tín Điều được dựa trên một câu thánh thư nằm trong những bức thư này. Họ có thể tìm câu đó khi họ học tập tuần này không?
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Đá góc nhà là gì?
Đá góc nhà là viên đá đầu tiên được đặt vào một nền móng. Viên đá này đóng vai trò như là một điểm mốc để đo đạc và sắp đặt các viên đá khác, mà phải được canh theo viên đá góc nhà. Bởi vì viên đá này mang sức nặng của cả phần còn lại của tòa nhà, viên đá góc nhà phải vững chắc, bất di bất dịch, và đáng tin cậy (xin xem “The Cornerstone,” Ensign, tháng Một năm 2016, trang 74–75).
Áo giáp của Thượng Đế.
-
Lấy lẽ thật làm dây nịt lưng:Phần này của áo giáp giống như một cái dây thắt lưng quanh hông. Từ nịt có thể còn có nghĩa làm cho kiên cố, làm cho vững mạnh, hoặc được củng cố.
-
Giáp che ngực:Mảnh giáp bảo vệ trái tim và các cơ quan quan trọng khác.
-
Giày dép:Phần này để bảo vệ bao bọc chân của người lính.
-
Thuẫn:Một cái thuẫn có thể bảo vệ hầu như bất kỳ phần nào của cơ thể trước những đòn tấn công khác nhau.
-
Mão trụ:Mão trụ bảo vệ phần đầu.
-
Gươm:Một thanh gươm cho phép chúng ta phản công trước quân thù.
“Hãy kiểm tra áo giáp của anh chị em.”
Chủ Tịch N. Eldon Tanner, người đã phục vụ với tư cách một cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã mời các tín hữu của Giáo Hội đánh giá sức mạnh áo giáp cá nhân của họ bằng cách suy ngẫm các nỗ lực của họ để sống theo phúc âm. Rồi ông giải thích rằng:
“Nếu … áo giáp của chúng ta yếu kém, có một chỗ không được che chắn mà có thể bị lộ ra, một khu vực dễ bị tấn công, thì chúng ta sẽ là mục tiêu bị Sa Tan gây thương tích hoặc hủy hoại, vì nó sẽ tìm kiếm cho đến khi nào nó tìm ra các điểm yếu của chúng ta, nếu như chúng ta để lộ ra.
“Hãy kiểm tra áo giáp của anh chị em. Có chỗ nào không được bảo vệ hoặc che chắn không? Hãy quyết tâm từ bây giờ để bổ sung bất cứ phần nào đang bị thiếu. Bất kể áo giáp của anh chị em có thể cũ kỹ hoặc thiếu sót các phần như thế nào đi nữa, hãy luôn luôn nhớ rằng anh chị em hoàn toàn có khả năng để tạo ra những điều chỉnh cần thiết nhằm hoàn thiện bộ giáp của mình.
“Qua nguyên tắc vĩ đại về sự hối cải, anh chị em có thể xoay chuyển cuộc sống của mình và bắt đầu từ bây giờ để mang lấy cho chính mình áo giáp của Thượng Đế qua việc học tập, cầu nguyện, và quyết tâm phục vụ Thượng Đế và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài” (“Put on the Whole Armor of God,” Ensign, tháng Năm năm 1979, trang 46).