“Ngày 25 tháng Chín–Ngày 1 tháng Mười. Ga La Ti: ‘Hãy Bước Đi theo Thánh Linh,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 25 tháng Chín–Ngày 1 tháng Mười. Ga La Ti,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2023
Ngày 25 tháng Chín–Ngày 1 tháng Mười
Ga La Ti
“Hãy Bước Đi theo Thánh Linh”
Khi anh chị em thành tâm đọc và suy ngẫm sách Ga La Ti, Chúa sẽ dạy anh chị em điều anh chị em cần chia sẻ với lớp học. Việc ghi lại những ấn tượng của anh chị em bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng Đế vì sự giúp đỡ của Ngài.
Mời Chia Sẻ
Việc học thánh thư thường đưa đến những cuộc thảo luận về phúc âm đầy ý nghĩa với gia đình hoặc bạn bè. Điều này có xảy ra với các học viên của anh chị em trong tuần này không? Mời họ chia sẻ kinh nghiệm của họ.
Giảng Dạy Giáo Lý
Ga La Ti 1:6–7; 3:1–5; 4:8–21; 5:1, 13–14
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến sự tự do.
-
Việc học bất kỳ sách thánh thư nào cũng sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta biết lý do sách đó được viết ra. Vì lý do này, có thể tốt để bắt đầu cuộc thảo luận của anh chị em về sách Ga La Ti với một câu hỏi như “Anh chị em nghĩ mục đích của Phao Lô là gì khi viết bức thư này?” hoặc “Phao Lô đang cố gắng giải quyết vấn đề gì?” Hãy mời các học viên tìm kiếm manh mối trong Ga La Ti 1:6–7; 3:1–5; 4:8–21. Sứ điệp của Phao Lô liên quan như thế nào đến chúng ta ngày nay?
-
Một vài Thánh Hữu thành Ga La Ti đã nghĩ rằng họ cần tiếp tục sống theo luật pháp Môi Se. Đối với Phao Lô, điều này giống như sống với “ách tôi mọi” nếu so sánh với sự “tự do” mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta (Ga La Ti 5:1). Để giúp các học viên khám phá những lời dạy của Phao Lô về sự tự do và ách nô lệ, anh chị em có thể yêu cầu họ nêu ra những thái độ và hành động mà giới hạn sự phát triển và tiến triển thuộc linh (như các tập tục văn hóa, các thói quen xấu, những niềm tin sai lầm, hoặc việc tập trung vào các hành động bề ngoài hơn là sự cải đạo bên trong). Theo như Ga La Ti 5:1, 13–14, làm thế nào chúng ta tìm được sự tự do từ những thái độ và hành động này? Chúng ta đã trải nghiệm sự tự do được tìm thấy qua Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Làm cách nào chúng ta có thể trả lời cho một người nào đó cảm thấy rằng việc sống theo phúc âm giới hạn tự do cá nhân?
Nếu chúng ta “bước đi theo Thánh Linh,” chúng ta sẽ nhận được “trái của Thánh Linh.”
-
Nhiều người gặp khó khăn để nhận ra ảnh hưởng của Thánh Linh. Ga La Ti 5 có thể giúp ích. Có lẽ anh chị em có thể yêu cầu các học viên tra cứu trong Ga La Ti 5:22–25 tìm kiếm những từ mà Phao Lô đã sử dụng để mô tả trái của Thánh Linh. Tại sao trái là một phép ẩn dụ tốt về cách Thánh Linh ảnh hưởng chúng ta? Có lẽ các học viên có thể chia sẻ cách họ đã chứng kiến trái này có trong cuộc sống của họ hoặc cuộc sống của những người họ biết. Một số nguồn tài liệu khác để tìm hiểu gồm có Ma Thi Ơ 7:16–18; Giăng 14:26–27; Mô Rô Ni 7:13–17; Giáo Lý và Giao Ước 11:12–13; và câu phát biểu của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”
Khi chúng ta “gieo cho Thánh Linh,” thì chúng ta sẽ gặt được các phước lành vào đúng kỳ định.
-
Việc học Ga La Ti 6:7–10 có thể giúp các học viên suy nghĩ sâu hơn về các kết quả lâu dài từ những sự lựa chọn của họ. Để giúp họ, anh chị em có thể mang các loại hạt giống khác nhau, cùng với các loại cây, trái, hoặc rau củ mọc ra từ mỗi loại hạt giống này (hoặc anh chị em có thể mang tranh ảnh của những thứ này). Các học viên có thể cùng nhau làm việc để ghép mỗi hạt với đúng loại cây mà nó mọc ra. Rồi họ có thể đọc các câu 7–10 và nói về ý nghĩa của việc “gieo cho xác thịt” và “gieo cho Thánh Linh.” (Sứ điệp của Anh Cả Ulisses Soares trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể giúp ích.) Chúng ta gặt được gì khi chúng ta gieo cho xác thịt? Chúng ta gặt được gì khi chúng ta gieo cho Thánh Linh? (xin xem Ga La Ti 5:22–23).
-
Một số học viên có thể cảm thấy “mệt nhọc về sự làm lành” (Ga La Ti 6:9)—có lẽ bởi vì họ không chắc rằng những nỗ lực của họ đang kết trái. Một cuộc thảo luận về Ga La Ti 6:7–10 có thể hữu ích. Để giới thiệu các câu thánh thư này, anh chị em có thể mời một ai đó trong lớp nói ngắn gọn về lúc mà người đó cần sự kiên nhẫn khi cố gắng trồng một thứ gì đó. Kinh nghiệm của người này, cùng với Ga La Ti 6:7–10, có thể dạy cho chúng ta điều gì về những nỗ lực của chúng ta để “bước đi theo Thánh Linh”? (Ga La Ti 5:25).
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Trái của Thánh Linh.
Chủ Tịch Gordon B.Hinckley đã dạy: “Anh chị em nhận ra những thúc giục của Thánh Linh bởi các trái của Thánh Linh—điều gì soi sáng, điều gì gây dựng, điều gì tích cực và quả quyết và nâng đỡ cùng dẫn dắt chúng ta có những suy nghĩ tốt hơn và lời nói tốt hơn và việc làm tốt hơn là thuộc về Thánh Linh của Thượng Đế” (Teachings of Presidents of the Church: Gordon B. Hinckley [năm 2016], trang 121).
Gieo cho Thánh Linh.
Anh Cả Ulisses Soares giải thích rằng: “Gieo cho Thánh Linh có nghĩa là tất cả những ý nghĩ, lời nói và hành động cần phải nâng chúng ta lên đến mức độ thiêng liêng của cha mẹ thiên thượng chúng ta. Tuy nhiên, thánh thư ám chỉ xác thịt là thể xác hay bản chất trần tục của con người thiên nhiên, để cho người ta bị ảnh hưởng bởi sự đam mê, dục vọng, thèm muốn, và sự thúc đẩy của xác thịt thay vì tìm kiếm sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh” (“Hãy Ở Lại trong Lãnh Thổ của Chúa!,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 39).