Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 17–23 tháng Mười. Giê Rê Mi 30–33; 36; Ca Thương 1; 3: “Ta Sẽ Đổi Sự Sầu Thảm Chúng Nó Ra Vui Mừng”


“Ngày 17–23 tháng Mười. Giê Rê Mi 30–33; 36; Ca Thương 1; 3: ‘Ta Sẽ Đổi Sự Sầu Thảm Chúng Nó Ra Vui Mừng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 17–23 tháng Mười. Giê Rê Mi 30–33; 36; Ca Thương 1; 3,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2022

Hình Ảnh
bản khắc tiên tri Giê Rê Mi

The Cry of Jeremiah the Prophet (Tiếng Khóc của Giê Rê Mi Vị Tiên Tri), từ một bản khắc của trường Nazarene School

Ngày 17–23 tháng Mười

Giê Rê Mi 30–33; 36; Ca Thương 1; 3

“Ta Sẽ Đổi Sự Sầu Thảm Chúng Nó Ra Vui Mừng”

Hãy suy ngẫm về những ấn tượng anh chị em nhận được trong khi học thánh thư riêng cá nhân trong Giê Rê Mi và Ca Thương. Anh chị em cảm thấy đoạn nào trong những chương này có ý nghĩa đối với những người mình giảng dạy?

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Để giúp học viên chia sẻ những gì họ học được từ việc học thánh thư, anh chị em có thể viết lên bảng các cụm từ như Tôi đã học được rằng…, Tôi có một chứng ngôn về…, hoặc Tôi đã có kinh nghiệm… Học viên có thể chia sẻ những điều từ Giê Rê Mi hoặc Ca Thương để hoàn thành các câu này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Giê Rê Mi 30–31; 33; Ca Thương 1:1–7; 3:1–5

Chúa sẽ mang Y Sơ Ra Ên thoát khỏi cảnh tù đày và quy tụ họ lại.

  • Các sứ điệp về niềm hy vọng trong những lời tiên tri của Giê Rê Mi có thể mang hy vọng đến cho học viên trong hoàn cảnh riêng của họ. Có lẽ học viên có thể thảo luận những hoàn cảnh mà có thể khiến dân chúng trong thời kỳ của chúng ta cảm thấy vô vọng giống như cảm giác của dân chúng trong thời của Giê Rê Mi (xin xem Giê Rê Mi 30:5; 31:15; Ca Thương 1:1–7; 3:1–5; và đoạn trích trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”). Sau đó anh chị em có thể chia học viên ra thành ba nhóm và mời mỗi nhóm ôn lại Giê Rê Mi 30; 31; và 33 để có những sứ điệp mà có thể mang hy vọng đến cho dân chúng thời nay. Làm thế nào niềm hy vọng nơi Chúa giúp đỡ chúng ta vượt qua thử thách?

Giê Rê Mi 31:31–34; 32:37–42

“Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó.”

  • Việc ôn lại Giê Rê Mi 31:31–34; 32:37–42 có thể giúp cả lớp suy ngẫm về các giao ước họ đã lập. Một cách để khuyến khích thảo luận về các câu này là cho học viên một vài phút để đọc các câu này và sau đó viết xuống một mẩu giấy một câu hỏi mà họ muốn hỏi cả lớp về những điều họ đọc được. Ví dụ, họ có thể muốn thảo luận ý nghĩa của việc để cho luật pháp của Thượng Đế khắc sâu vào lòng chúng ta (xin xem Giê Rê Mi 31:33) hoặc cách mà các giao ước giúp chúng ta biết Chúa (xin xem Giê Rê Mi 31:34). Anh chị em có thể gom lại các câu hỏi và chọn ra một vài câu để thảo luận cùng nhau. Chúng ta học được điều gì từ các câu này mà soi dẫn chúng ta trở nên dũng cảm trong việc tuân giữ các giao ước của mình?

Hình Ảnh
em gái đang học thánh thư

Thánh thư có thể soi dẫn chúng ta hối cải và đến với Chúa.

Giê Rê Mi 36

Thánh thư có quyền năng để làm cho chúng ta tránh xa điều xấu xa.

  • Học viên trong lớp của anh chị em có thể đã đạt được sự hiểu biết sâu sắc về thánh thư khi họ học Giê Rê Mi 36 ở nhà. Mời họ chia sẻ điều họ đã học được. Anh chị em cũng có thể giao cho học viên tên của một người trong chương và mời họ đọc về điều mà người đó đã làm với lời của Thượng Đế. Học viên có thể học những lời nói và hành động của Chúa (xin xem các câu 1–3, 27–31); Giê Rê Mi (xin xem các câu 4–7, 32); Ba Rúc (xin xem các câu 4, 8–10, 14–18); Giê Hu Đi và Vua Giê Hô Gia Kim (xin xem các câu 20–26); và Ên Na Than, Đê La Gia và Ghê Ma Ria (xin xem câu 25). Làm thế nào mà lời lẽ và hành động của chúng ta cho thấy cảm nghĩ của chúng ta về thánh thư?

Hình Ảnh
hình biểu tượng những nguồn tài liệu bổ sung

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Anh chị em luôn luôn có thể có hy vọng.

Chủ Tịch M. Russell Ballard đã nhắc đến một số trường hợp mà có thể khiến cho một số người bị mất hy vọng, và ông đưa ra lời khuyên bảo về nơi để tìm kiếm hy vọng:

“Một số người trong chúng ta có thể thấy cuộc sống của mình đầy thất vọng, chán nản, và khổ đau. Nhiều người cảm thấy vô vọng khi phải đối phó với những sự hỗn loạn mà dường như chiếm ưu thế trên thế gian. Những người khác đau khổ vì có người trong gia đình đang lấn sâu vào các tiêu chuẩn và giá trị suy đồi về mặt đạo đức hiện đang thịnh hành và được thế gian ưa chuộng. Nhiều người thậm chí còn từ bỏ bản thân để chấp nhận sự độc ác và tà ác của thế gian như là những điều không thể cứu chữa được. Họ đã từ bỏ hy vọng.…

“…Một số người trong chúng ta có lẽ đã mất hết hy vọng vì tội lỗi và sự phạm giới. Một người có thể đang chìm sâu trong những đường lối của thế gian đến mức không thấy được lối ra và mất hết tất cả hy vọng. Lời khẩn nài của tôi cho tất cả những ai rơi vào cạm bẫy này của kẻ nghịch thù là đừng bỏ cuộc! Bất kể sự việc dường như có tuyệt vọng đến mấy hoặc có thể trở nên tuyệt vọng đến mấy, thì xin hãy tin tôi, anh chị em luôn luôn có thể có hy vọng. Luôn luôn” (“The Joy of Hope Fulfilled,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, trang 31–32).

“Một cách khá giản dị, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta cho sự an toàn thuộc linh giữa thời gian hỗn loạn này là hướng tâm trí và tấm lòng đến Chúa Giê Su Ky Tô. … Đức tin nơi Thượng Đế và nơi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là hoàn toàn thiết yếu để cho chúng ta duy trì một quan điểm cân bằng qua thời gian thử thách và khó khăn” (“The Joy of Hope Fulfilled,” trang 32).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Tuân theo Thánh Linh. Anh chị em không thể dự đoán mỗi bài học sẽ diễn ra như thế nào, nhưng khi anh chị em lắng nghe những thúc giục của Thánh Linh, Ngài sẽ hướng dẫn bài học. Khi anh chị em chuẩn bị sẵn sàng về phần thuộc linh, Chúa sẽ ban cho anh chị em “điều [anh chị em] phải nói … chính trong giờ phút đó” (Giáo Lý và Giao Ước 100:6; xin xem thêm Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 10).

In