Lớp Giáo Lý
Bài Học 24—Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–75; Giáo Lý và Giao Ước 13: Sự Phục Hồi Chức Tư Tế


“Bài Học 24—Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–75; Giáo Lý và Giao Ước 13: Sự Phục Hồi Chức Tư Tế,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–75; Giáo Lý và Giao Ước 13,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 24: Giáo Lý và Giao Ước 12–17; Joseph Smith—Lịch Sử 1:66–75

Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–75; Giáo Lý và Giao Ước 13

Sự Phục Hồi Chức Tư Tế

Hình Ảnh
Joseph Smith đang làm phép báp têm cho Oliver Cowdery

Trong khi phiên dịch Sách Mặc Môn, Joseph Smith và Oliver Cowdery biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho dân Nê Phi thẩm quyền làm phép báp têm. Khi họ thành tâm tìm hiểu thêm, Joseph và Oliver đã được Giăng Báp Tít viếng thăm, và về sau là Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, những người được gửi đến để khôi phục thẩm quyền chức tư tế cho thế gian. Bài học này có thể giúp học viên cảm nhận được tầm quan trọng của sự phục hồi thẩm quyền chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Đấng Cứu Rỗi ban cho thẩm quyền của Ngài

Hãy giúp học viên suy nghĩ về lý do tại sao sự phục hồi chức tư tế lại quan trọng đối với các em. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách trưng ra những hình ảnh sau đây và đặt ra những câu hỏi như sau:

Hình Ảnh
thanh thiếu niên chân thành cầu nguyện
  • Các em biết gì về những sự kiện được thể hiện trong những hình ảnh này?

  • Cuộc sống của các em sẽ khác biệt ra sao nếu không có thẩm quyền chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi?

Hãy cân nhắc chia sẻ lời phát biểu sau đây để giúp học viên nhận thấy sự phục hồi chức tư tế có thể ban phước như thế nào cho tất cả con cái của Thượng Đế. Lời phát biểu này cũng có thể giúp các thiếu nữ nhận ra rằng sự phục hồi chức tư tế có liên quan đến các em.

Trong một bài nói chuyện dành cho các thiếu nữ trong Giáo Hội, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy về tầm quan trọng của sự phục hồi chức tư tế trong cuộc sống của chúng ta:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Tôi mong muốn các chị em hiểu rằng sự phục hồi chức tư tế có liên quan đến các chị em là những người phụ nữ cũng giống như liên quan đến bất cứ người đàn ông nào. Vì Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đã được phục hồi, cả người nữ lẫn người nam biết tuân giữ giao ước đều có quyền tiếp cận với “tất cả các phước lành thuộc linh của giáo hội”, hay, chúng ta có thể nói, là với tất cả những kho báu thuộc linh mà Chúa dành cho con cái của Ngài.

Mọi người nữ và mọi người nam mà lập giao ước với Thượng Đế và tuân giữ các giao ước đó và là những người tham dự một cách xứng đáng vào các giáo lễ của chức tư tế đều có quyền tiếp cận trực tiếp với quyền năng của Thượng Đế. (Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh”,Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 77)

Sự phục hồi chức tư tế

Trong khi Joseph Smith và Oliver Cowdery phiên dịch Sách Mặc Môn, họ biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô ban cho dân Nê Phi thẩm quyền để thực hiện các phép báp têm (xin xem 3 Nê Phi 11:18–27). Với mong muốn tìm hiểu thêm về thẩm quyền này, Joseph và Oliver đã đi vào khu rừng gần Sông Susquehanna và cầu nguyện.

Học viên có thể làm một bài kiểm tra gồm ba câu hỏi với các câu trả lời có trong Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–72. Ví dụ, một câu hỏi có thể là “Ai đã làm phép báp têm cho Joseph Smith?” Sau đó, các em có thể trao đổi bài kiểm tra với một học viên khác và đánh giá mức độ hiểu biết của các em về các chi tiết của sự phục hồi chức tư tế.

Hãy đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–72, tìm kiếm những điều Joseph và Oliver đã trải qua khi họ cầu nguyện.

  • Các em sẽ tóm tắt những câu mình đã đọc như thế nào?

Những lời Giăng Báp Tít đã nói trong Joseph Smith—Lịch Sử 1:69 cũng có trong Giáo Lý và Giao Ước 13:1.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 13:1 và xác định những chìa khóa của Chức Tư Tế A Rôn.

Giáo Lý và Giao Ước 13:1 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

  • Đấng Cứu Rỗi ban những phước lành nào qua các chìa khóa của Chức Tư Tế A Rôn?

Sau chuyến viếng thăm của Giăng Báp Tít, Đấng Cứu Rỗi đã phái Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng để phục hồi Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cho thế gian (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 27:12; 128:20). Vào năm 1836, Joseph Smith đã nhận được thêm những chìa khóa chức tư tế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16). Mỗi sự kiện đều dẫn đến việc tiếp cận thêm với quyền năng của Thượng Đế qua các giáo lễ của chức tư tế.

Hãy cân nhắc viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi thẩm quyền chức tư tế của Ngài để chúng ta có thể nhận được các giáo lễ phúc âm của Ngài. Khi học viên trả lời câu hỏi sau đây, anh chị em có thể tạo một bản liệt kê các giáo lễ của chức tư tế lên trên bảng.

  • Chúa đã ban cho chúng ta những giáo lễ nào qua chức tư tế của Ngài?

Nếu học viên cần trợ giúp để trả lời câu hỏi trước, thì anh chị em có thể giúp các em xác định các giáo lễ sau đây: phép báp têm, lễ Tiệc Thánh, lễ xác nhận, lễ sắc phong chức tư tế, lễ thiên ân trong đền thờ, lễ gắn bó trong đền thờ, lễ ban phước cho người bệnh, những phước lành an ủi và khuyên bảo, phước lành tộc trưởng, lễ phong nhiệm cho một chức vụ kêu gọi, v.v.

Tham gia vào các giáo lễ của chức tư tế

Hãy đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:73–74, tìm kiếm xem Joseph và Oliver đã được tác động ra sao khi tham gia vào các giáo lễ báp têm và lễ sắc phong chức tư tế.

Anh chị em cũng có thể mời học viên đọc các phần của đoạn thứ tư và thứ năm trong lời tường thuật của Oliver ở cuối Joseph Smith—Lịch Sử.

  • Các em nhận thấy bằng chứng nào về những giáo lễ này đã cho Joseph và Oliver tiếp cận nhiều hơn với quyền năng của Thượng Đế?

  • Làm thế nào mà việc tham gia vào các giáo lễ của chức tư tế đã giúp các em cảm thấy được tiếp cận nhiều hơn với quyền năng của Thượng Đế?

Anh chị em có thể mời học viên tưởng tượng rằng các em được yêu cầu viết vào nhật ký một bài mô tả kinh nghiệm cá nhân với một giáo lễ của chức tư tế, tương tự như phần mô tả trong Joseph Smith—Lịch sử 1:73. Hãy hướng học viên nhìn vào bản liệt kê các giáo lễ trên bảng. Hãy cho các em thời gian để suy ngẫm, viết và chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Các em cũng có thể chia sẻ xem sự phục hồi chức tư tế đã là một phước lành như thế nào trong cuộc sống của mình.

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong bài học này và ôn lại chúng trong các bài học trong tương lai. Cụm từ then chốt trong thánh thư là “Chức Tư Tế A Rôn ‘nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm’”. Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý”.

In