Lớp Giáo Lý
Giáo Lý và Giao Ước 14: Ngươi Sẽ Có Được Cuộc Sống Vĩnh Cửu


“Giáo Lý và Giao Ước 14: Ngươi Sẽ Có Được Cuộc Sống Vĩnh Cửu”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 14”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Giáo Lý và Giao Ước 12–17; Joseph Smith—Lịch Sử 1:66–75

Giáo Lý và Giao Ước 14

Ngươi Sẽ Có Được Cuộc Sống Vĩnh Cửu

Chúa Giê Su giảng dạy về cuộc sống vĩnh cửu

Joseph Smith và Oliver Cowdery chuyển đến nhà của gia đình Whitmer ở Fayette, New York, để hoàn thành việc phiên dịch Sách Mặc Môn. David Whitmer cảm nhận được quyền năng của phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi và mong muốn được tham gia vào công việc đó. Giáo Lý và Giao Ước 14 đã được tiếp nhận để đáp lại những mong mỏi của David khi muốn biết ý muốn của Chúa dành cho ông. Bài học này có thể giúp học viên vâng lời và kiên trì đến cùng với quyền năng làm cho có khả năng của Đấng Cứu Rỗi.

Học viên chuẩn bị: Anh chị em có thể mời học viên tìm kiếm một nguyên tắc mà các em có thể áp dụng từ việc học tập thánh thư cá nhân của mình. Học viên có thể muốn sử dụng một số nguồn tài liệu học tập trong Hãy Đến Mà Theo Ta.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Phước lành của cuộc sống vĩnh cửu

Để giúp học viên suy nghĩ về những điều Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta làm để đủ điều kiện nhận được ân tứ của cuộc sống vĩnh cửu của Ngài, anh chị em có thể chia sẻ tình huống sau đây. Cân nhắc đặt ra cho học viên những câu hỏi sau đây và cho phép các em thêm chi tiết vào tình huống đó. Việc làm như vậy có thể giúp anh chị em phân biệt và hiểu các thắc mắc và băn khoăn mà học viên có thể có.

Sau khi tìm hiểu về cuộc sống vĩnh cửu trong Lớp Giáo Lý, một thiếu nữ nghĩ, “Tôi không nghĩ rằng tôi đủ tốt để sống với cha mẹ thiên thượng của tôi và Chúa Giê Su Ky Tô và giống như hai Ngài. Tôi sẽ không làm được”.

  • Tại sao bạn ấy có thể cảm thấy như vậy?

  • Bạn ấy có thể lo lắng về điều gì khác?

Sau khi thảo luận về tình huống, hãy yêu cầu học viên suy ngẫm xem các em có từng có những cảm nghĩ tương tự không. Mời các em viết ra một hoặc nhiều thắc mắc hoặc băn khoăn mà các em có được về việc nhận được phước lành của cuộc sống vĩnh cửu. Hãy khuyến khích học viên tìm kiếm sự hướng dẫn của Đấng Cứu Rỗi qua Thánh Linh khi các em nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 14.

Gia đình Whitmer

Để giúp học viên trở nên quen thuộc hơn với gia đình Whitmer, anh chị em có thể mời một học viên đọc đoạn sau đây, hoặc chia sẻ thông tin bằng lời của riêng anh chị em.

Joseph Smith và Oliver Cowdery phải đối mặt với sự ngược đãi bắt bớ nghiêm trọng trong khi phiên dịch Sách Mặc Môn tại Harmony, Pennsylvania. Họ đã viết thư cho gia đình Whitmer để hỏi liệu họ có thể chuyển đến nhà của gia đình Whitmer ở Fayette, New York, để hoàn thành việc phiên dịch hay không. Sau những biểu hiện thiêng liêng từ Chúa, Mary và Peter Whitmer Sr. và gia đình họ đã quyết định mời Joseph, Emma và Oliver vào nhà của họ. Gia đình Whitmer đã hỗ trợ họ trong thời gian họ làm công việc phiên dịch. David Whitmer đặc biệt cảm thấy được soi dẫn bởi công việc của Sự Phục Hồi và mong muốn biết ý muốn của Đấng Cứu Rỗi dành cho ông. Joseph đã nhận được một sự mặc khải, bây giờ là Giáo Lý và Giao Ước 14, trong đó Đấng Cứu Rỗi đã mời David tham gia cùng Ngài trong “công việc vĩ đại và kỳ diệu” này (Giáo Lý và Giao Ước 14:1). Ngài đã mời David “tìm cách phổ biến và thiết lập Si Ôn của [Ngài]” (Giáo Lý và Giao Ước 14:6). Những lời mời gọi này, cùng với sự hướng dẫn và phước lành mà Đấng Cứu Rỗi cũng hứa trong Giáo Lý và Giao Ước 14, áp dụng cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng.

Tuân giữ các lệnh truyền và kiên trì đến cùng

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 14:5–7 và tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta làm để hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.

  • Em đã tìm thấy điều gì?

  • Em có thể nhận ra nguyên tắc nào?

Hãy giúp học viên nhận ra nguyên tắc sau đây: Nếu tuân giữ các lệnh truyền và kiên trì đến cùng, thì chúng ta sẽ có được ân tứ cuộc sống vĩnh cửu của Thượng Đế. Anh chị em có thể mời học viên đánh dấu nguyên tắc này trong thánh thư của các em.


Dùng lời phát biểu sau đây, học viên có thể đưa ra một định nghĩa đơn giản về việc kiên trì đến cùng. Sau đó, anh chị em có thể mời học viên thêm định nghĩa này vào thánh thư của họ bên cạnh câu 7.

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích ý nghĩa của việc kiên trì đến cùng:

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf

Việc kiên trì đến cùng, hoặc vẫn luôn luôn trung thành với các luật pháp và các giao ước của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt cuộc sống của chúng ta, là một điều kiện cơ bản cho sự cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế. …

… Việc kiên trì đến cùng không phải đơn thuần là một vấn đề phải chịu đựng một cách thụ động hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hoặc “tiếp tục tồn tại”. Tôn giáo của chúng ta là một tôn giáo tích cực giúp đỡ con cái của Thượng Đế dọc theo con đường chật và hẹp để phát triển tiềm năng trọn vẹn của họ trong cuộc sống này và trở về cùng Ngài một ngày nào đó. (Dieter F. Uchtdorf, “Chúng Ta Không Có Lý Do để Hoan Hỷ Sao?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 20)

  • Em nghĩ tại sao việc tuân giữ các lệnh truyền và kiên trì đến cùng là cần thiết để có được cuộc sống vĩnh cửu?

  • Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương về việc tuân giữ các lệnh truyền và trung tín kiên trì đến cùng như thế nào?

  • Làm thế nào mà sự hiểu biết này có thể giúp chúng ta giữ một quan điểm vĩnh cửu khi đối phó với những thử thách trong cuộc sống?

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 14:8–11 và tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy David Whitmer mà có thể giúp ông nhận được ân tứ cuộc sống vĩnh cửu của Thượng Đế.

  • Em nghĩ lời khuyên bảo này áp dụng như thế nào cho chúng ta ngày nay?

Có thể là hữu ích khi chỉ ra rằng trong câu 8, Chúa đã thông báo cho David rằng ông sẽ có được đặc ân để trở thành một trong những nhân chứng của Sách Mặc Môn.

Quyền năng thúc đẩy của Đấng Cứu Rỗi để vâng lời và kiên trì

Sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên nhận ra chính là quyền năng của Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta có khả năng vâng lời và kiên trì trước những thử thách trong cuộc sống.

biểu tượng huấn luyệnHãy giúp học viên tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô: Để luyện tập thêm điều này, xin xem khóa huấn luyện có tiêu đề, “Giúp học viên nhận biết tình yêu thương, quyền năng và lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của các em” có trong Các Kỹ Năng Phát Triển Dành Cho Giảng Viên. Cân nhắc luyện tập kỹ năng này. Hãy đặt ra những câu hỏi tập trung vào việc kết nối tình yêu thương, quyền năng, và lòng thương xót của Chúa với các lẽ thật đang được giảng dạy.

Hãy suy nghĩ xem em cần sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi nhiều thế nào trong cuộc sống của mình. Hãy tìm một phần tham khảo thánh thư dạy những cách em có thể trông cậy vào quyền năng của Ngài để giúp em. Nếu cần, em có thể đọc một hoặc nhiều phần tham khảo thánh thư sau đây.

Mời học viên chia sẻ những đoạn thánh thư có ý nghĩa với cá nhân các em và giải thích xem làm thế nào mà những đoạn thánh thư này có thể giúp các em trông cậy vào quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và kiên trì đến cùng. Các em cũng có thể sử dụng chức năng liên kết của ứng dụng Thư Viện Phúc Âm để liên kết các đoạn thánh thư mà các em đã nghiên cứu với Giáo Lý và Giao Ước 14:7, hoặc có thể viết phần tham khảo chéo vào lề thánh thư.

Hãy đọc lời phát biểu của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và tìm kiếm cách Chúa sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta cố gắng vâng lời và kiên trì đến cùng.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

19:24
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Nếu chúng ta tận tụy với Thượng Đế, nếu chúng ta yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô, nếu chúng ta cố gắng hết sức để sống theo phúc âm, thì ngày mai và mỗi một ngày khác cuối cùng sẽ là kỳ diệu, cho dù chúng ta không luôn luôn nhận ra điều kỳ diệu đó. Tại sao? Vì Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn như thế! Ngài muốn ban phước cho chúng ta. Mục đích cụ thể của kế hoạch thương xót của Ngài dành cho con cái của Ngài là để có một cuộc sống bổ ích, phong phú, và vĩnh cửu! Đó là một kế hoạch dựa vào lẽ thật là “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô Ma 8:28). Vì vậy, hãy tiếp tục yêu thương. Hãy tiếp tục cố gắng. Hãy tiếp tục tin cậy. Hãy tiếp tục tin tưởng. Hãy tiếp tục tiến triển. Thiên thượng đang khuyến khích các anh chị em hôm nay, ngày mai, và mãi mãi. (Jeffrey R. Holland, “Ngày Mai Đức Giê Hô Va Sẽ Làm Những Việc Lạ Lùng Giữa Các Ngươi”, Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 127)

  • Các từ hoặc cụm từ nào trong lời phát biểu này thúc đẩy em tuân giữ các lệnh truyền và kiên trì đến cùng?

Với Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể nhận được cuộc sống vĩnh cửu

Học viên có thể muốn nhớ lại những lo lắng của các em về việc hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu khi các em suy ngẫm về các câu hỏi sau đây. Học viên có thể trả lời trong nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Em cảm thấy mình có thể làm một hoặc hai điều gì để vâng lời và kiên trì đến cùng?

  • Em có thể nhớ hoặc làm gì khi em gặp những trở ngại đối với sự vâng lời hoặc kiên trì đến cùng?

  • Em có thể trông cậy vào quyền năng của Đấng Cứu Rỗi như thế nào khi cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và kiên trì đến cùng?

Anh chị em có thể kết luận bằng cách khuyến khích các học viên tiếp tục cố gắng để tuân giữ các lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi, tin tưởng vào lời hứa của Ngài về cuộc sống vĩnh cửu.