Lớp Giáo Lý
Bài Học 37: Giáo Lý và Giao Ước 21: Tiếp Nhận Những Lời Của Các Vị Tiên Tri Với Lòng Kiên Nhẫn và Đức Tin


“Giáo Lý và Giao Ước 21: ‘Cho Tất Cả Những Ai Có Những Ước Muốn Tốt Lành’”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 21”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 37: Giáo Lý và Giao Ước 20–22

Giáo Lý và Giao Ước 21

Tiếp Nhận Những Lời Của Các Vị Tiên Tri Với Lòng Kiên Nhẫn và Đức Tin

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Giáo Lý và Giao Ước 21 được nhận vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, là ngày mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức. Trong sự mặc khải này, Đấng Cứu Rỗi đã chỉ thị cho các tín hữu trong Giáo Hội của Ngài làm theo lời khuyên bảo của vị tiên tri của Ngài. Bài học này có thể giúp học viên vâng theo lời của các vị tiên tri của Chúa với lòng kiên nhẫn và đức tin.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Làm theo lời khuyên bảo

Hãy trưng ra tình huống sau đây. Anh chị em cũng có thể tạo ra một tình huống khác phù hợp hơn với những nhu cầu và hoàn cảnh của học viên.

Hãy tưởng tượng rằng trong khi nghe đại hội trung ương, em đã nhận được tin nhắn văn bản sau đây từ bạn bè của mình: “Bạn có nghe thấy những điều vị tiên tri vừa nói không? Mình không chắc mình đồng ý với điều đó!”

  • Em nghĩ mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu nhận được một tin nhắn như thế này?

  • Một số điều quan trọng nào mà người bạn của em cần suy ngẫm trước khi quyết định xem có nên làm theo lời khuyên bảo của vị tiên tri hay không?

Hãy giải thích cho học viên rằng hôm nay các em sẽ học một số lời giảng dạy của Chúa về các vị tiên tri của Ngài. Hãy mời gọi các em im lặng suy ngẫm về tầm quan trọng của việc tuân theo lời khuyên bảo của các vị tiên tri. Khuyến khích các em tìm kiếm những lẽ thật mà có thể giúp gia tăng sự sẵn lòng và khả năng noi theo các vị tiên tri của Chúa.

Với tất cả lòng kiên nhẫn và đức tin

Vào ngày mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức, tức ngày 6 tháng Tư năm 1830, Chúa đã ban cho Joseph Smith một sự mặc khải được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 21. Trong điều mặc khải này, Chúa đã đưa ra lời khuyên bảo quan trọng về việc noi theo vị tiên tri.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 21:1–3, tìm kiếm những tên gọi mà Chúa đã sử dụng để nói đến Tiên Tri Joseph Smith.

  • Dựa trên những danh hiệu này, tại sao việc có một vị tiên tri được Thượng Đế kêu gọi lại là một phước lành cho các tín hữu trong Giáo Hội mới được tổ chức của Chúa?

Giáo Lý và Giao Ước 21:4–6 là một đoạn thông thạo giáo lý. Cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 21:4–5, tìm kiếm những lời khuyên bảo Chúa đã ban cho các Thánh Hữu về cách họ nên tiếp nhận những lời của Tiên Tri Joseph Smith.

Học viên có thể có được lợi ích từ việc hiểu những đại từ này đề cập đến ai trong các câu 4–5. Cân nhắc viết các từ và định nghĩa sau đây lên trên bảng: “các ngươi” (các tín hữu của Giáo Hội); “của hắn”, “hắn” (Joseph Smith, Vị Tiên Tri); “ta” (Chúa Giê Su Ky Tô).

  • Những từ hoặc cụm từ nào trong các câu này nổi bật đối với em? Tại sao?

  • Em đã học được điều gì từ những câu này mà có thể giúp một người đang ngần ngại làm theo lời khuyên của các vị tiên tri của Chúa?

Nếu cần, hãy chỉ ra cụm từ “với tất cả lòng kiên nhẫn và đức tin” trong câu 5. Trước khi chia sẻ lời phát biểu của Anh Cả Neil L. Andersen, có thể là hữu ích khi hỏi học viên tại sao đôi khi có thể cần sự kiên nhẫn hoặc đức tin để lưu tâm đến lời của các vị tiên tri của Chúa.

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy chúng ta cách thể hiện sự kiên nhẫn và đức tin khi chúng ta cố gắng noi theo vị tiên tri.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Đừng ngạc nhiên nếu đôi khi quan điểm cá nhân của các anh chị em thoạt đầu không phù hợp với những lời răn dạy từ vị tiên tri của Chúa. Đây là những giây phút học hỏi, khiêm nhường, khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện. Chúng ta tiến bước trong đức tin, tin cậy nơi Thượng Đế, biết rằng với thời gian chúng ta sẽ nhận được thêm sự sáng về mặt thuộc linh từ Cha Thiên Thượng. (Neil L. Andersen, “Vị Tiên Tri của Thượng Đế”, Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 26)

Hãy mời học viên suy nghĩ về lời khuyên bảo từ các vị tiên tri và vị sứ đồ mà có thể là thử thách cho các em tuân theo. Các em có thể suy ngẫm xem làm thế nào mà việc gia tăng lòng kiên nhẫn và đức tin của mình sẽ giúp các em tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri.

Những phước lành của việc tuân theo các vị tiên tri của Chúa

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 21:6. Xác định ba phước lành mà Chúa đã hứa với những người nhận được lời của Ngài qua vị tiên tri với lòng kiên nhẫn và đức tin.

  • Dựa trên những lời giảng dạy của Chúa trong câu 6, em sẽ hoàn tất câu sau đây như thế nào? Khi chúng ta tiếp nhận lời của Chúa qua các vị tiên tri của Ngài với lòng kiên nhẫn và đức tin …

    Học viên có thể hoàn thành câu này như thế này: Khi chúng ta tiếp nhận những lời của Chúa qua các vị tiên tri của Ngài với lòng kiên nhẫn và đức tin, thì Ngài sẽ đánh tan quyền năng của bóng tối, Ngài sẽ ban cho chúng ta các phước lành từ thiên thượng, và chúng ta sẽ được bảo vệ trước kẻ nghịch thù.

  • Em sẽ tóm tắt bằng lời của riêng mình như thế nào về những điều mà em nghĩ là ý nghĩa của những lời hứa này?

    Học viên có thể có được lợi ích khi hiểu rằng một ý nghĩa của từ rung chuyển là làm văng ra hoặc thả thứ gì đó ra khỏi giá đỡ hoặc vật chứa. Một cách giải thích câu này có thể là các phước lành đến từ thiên thượng và được ban cho những người tiếp nhận lời của vị tiên tri.

  • Những lời hứa này giúp em hiểu điều gì về Chúa?

  • Những lời hứa này có thể ảnh hưởng như thế nào đến mong muốn của chúng ta để noi theo các vị tiên tri của Chúa?

Noi theo các vị tiên tri của Chúa ngày nay

Các sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên tìm thấy lời khuyên bảo của vị tiên tri ở thời hiện đại mà các em có thể phấn đấu để làm theo trong cuộc sống. Hãy trưng ra các chỉ dẫn sau đây và cho học viên đủ thời gian để hoàn thành sinh hoạt này.

Hãy tìm một lời mời được các vị tiên tri và vị sứ đồ ở thời hiện đại đưa ra mà em muốn cố gắng áp dụng vào cuộc sống của mình. Sử dụng cuốn Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn (năm 2022) hoặc một bài nói chuyện tại đại hội trung ương gần đây để tìm những lời khuyên bảo hoặc lời mời thích hợp.

Sau khi nghiên cứu, hãy trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

  • Em đã tìm thấy lời mời hoặc lời khuyên bảo nào?

  • Em có thể cần lòng kiên nhẫn và đức tin như thế nào để lưu tâm đến lời mời này của vị tiên tri?

  • Em nhận thấy em có thể nhận được những phước lành nào từ Chúa khi làm theo lời khuyên bảo này?

  • Em sẽ thực hiện những hành động cụ thể nào để làm theo lời khuyên bảo này trong cuộc sống của mình?

Khi học viên đã hoàn thành việc nghiên cứu, hãy cho các em cơ hội chia sẻ câu trả lời mà các em đã ghi lại trong nhật ký ghi chép việc học tập của mình. Một phần của cuộc thảo luận này là anh chị em có thể mời một vài học viên chia sẻ cách các em hoặc những người khác đã được ban phước nhờ lưu tâm đến lời khuyên bảo của các vị tiên tri mà đang được thảo luận. Anh chị em cũng có thể chia sẻ một ví dụ từ cuộc sống của mình.

Hãy khuyến khích học viên hành động theo mục tiêu mà các em đã đặt ra cho bản thân và chú ý xem việc làm theo những lời dạy của các vị tiên tri ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của các em với Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy giải thích rằng trong một bài học sắp tới, các em sẽ có cơ hội đánh giá sự tiến triển mà các em đã đạt được với mục tiêu của mình.

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong suốt bài học này và ôn lại trong các bài học tới. Cụm từ then chốt trong Giáo Lý và Giao Ước 21:4–6 là “Các ngươi ‘phải tiếp nhận lời nói của vị tiên tri, chẳng khác chi lời nói ấy phát ra từ chính miệng ta’”. Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Các Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý”.

In