“Giáo Lý và Giao Ước 29:9–29: Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Giáo Lý và Giao Ước 29:9–29”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ là một ngày trọng đại và khủng khiếp. Những người chối bỏ các sứ giả và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ phải chịu hậu quả từ các lựa chọn của họ. Những người đang cố gắng để noi theo Ngài sẽ có niềm vui khi nhìn thấy Đấng Cứu Chuộc của họ trở lại thế gian. Ngài sẽ cứu họ khỏi điều tà ác và sự buồn rầu và sẽ ở cùng họ trong một ngàn năm. Bài học này có thể giúp học viên cảm nhận được niềm vui khi các em trông đợi sự trở lại của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian.
Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Hãy cân nhắc trưng ra một hình ảnh về Ngày Tái Lâm, chẳng hạn như hình ảnh ở đầu bài học. Gần tấm hình đó, hãy tạo một thang điểm từ 1 đến 10, với 1 tượng trưng cho “sự sợ hãi” và 10 tượng trưng cho “niềm vui.” Hãy yêu cầu một số học viên đánh dấu trên thang đo thể hiện điều các em cho là cảm nhận của nhiều thanh thiếu niên về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Hãy yêu cầu các em giải thích những cái dấu của mình.
Hãy cân nhắc mời học viên im lặng trả lời các câu hỏi sau đây vào trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.
Em cảm thấy như thế nào khi em nghĩ về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô? Tại sao?
Khi nghĩ về Ngày Tái Lâm, em có xu hướng tập trung nhiều hơn vào Đấng Cứu Rỗi hay vào những khó khăn trước khi Ngài trở lại? Sự tập trung của em ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ của em?
Hãy dành thời gian cần thiết để giúp học viên hiểu được nội dung của đoạn sau đây.
Đúng là nhiều thử thách và sự tà ác lớn lao sẽ tồn tại trong những ngày sau cùng và “sự hoạn nạn và sự tiêu điều” sẽ giáng lên những kẻ tà ác (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:8 ). Cũng là điều quan trọng để nhận ra sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi không gây ra những thử thách và sự tà ác. Sự trở lại của Ngài sẽ giải cứu các môn đồ Ngài khỏi những điều đó. Ngày Tái Lâm sẽ tuyệt vời đối với những người đi theo Ngài hơn chúng ta có thể tưởng tượng! Trong khi em học bài hôm nay, hãy tìm kiếm những lý do mà các tín hữu có thể cảm nhận được niềm vui và hy vọng khi họ nghĩ đến sự trở lại của Chúa Giê Su Ky Tô.
Hãy vui mừng về sự giáng lâm của Đấng Ky Tô!
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 29:10–13 , tìm kiếm các từ và cụm từ mang lại cho em lý do để vui mừng.
Giáo Lý và Giao Ước 29:10–11 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.
Hãy mời học viên lập một bản liệt kê lên trên bảng các từ và cụm từ mà các em đã tìm thấy. Hãy hỏi một số học viên tại sao những điều các em đã tìm thấy lại giúp các em vui mừng.
Khi các em chia sẻ, anh chị em có thể giúp các em cá nhân hóa những điều các em đã tìm thấy bằng cách đặt ra những câu hỏi tiếp theo như sau:
Em có thể được an ủi như thế nào khi biết rằng Chúa Giê Su sẽ hiện đến cùng với “quyền năng và vinh quang lớn lao”? (câu 11 ).
Em hình dung cuộc sống hằng ngày của mình khác biệt ra sao khi Đấng Ky Tô ở “với loài người trên thế gian trong sự ngay chính”? (câu 11 ).
Khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh những người ngay chính vào lúc tái lâm của Ngài, em mong chờ gặp ai nhất trong số những người thân yêu đã qua đời? (Xin xem câu 13 .)
“Ở cùng [Đấng Ky Tô], ngõ hầu ta và họ sẽ trở thành một” có nghĩa là gì đối với em? (câu 13 ). Em nghĩ tại sao Chúa Giê Su muốn hiệp làm một với em?
Anh chị em có thể đề nghị học viên đánh dấu cụm từ thánh thư then chốt trong câu 11 : “Ta sẽ hiện ra từ trên trời với quyền năng và vinh quang lớn lao … và sẽ ở với loài người trên thế gian trong sự ngay chính suốt một ngàn năm.”
Phần còn lại của bài học này tập trung vào những điều tuyệt vời trong cuộc sống mà Đấng Cứu Rỗi sẽ ban cho những người ngay chính trong và sau khi Ngài trở lại.
Trước khi tiếp tục, anh chị em có thể muốn giúp học viên hiểu được cụm từ cuối cùng của câu 11 : “kẻ tà ác sẽ không sống sót.” Học viên có thể đọc các câu 9, 15 , và 17 để thấy những hậu quả mà những người chối bỏ Đấng Ky Tô sẽ phải chịu. Nếu anh chị em nghiên cứu những câu này trong lớp, thì hãy nhắc các học viên mà đang lo lắng cho những người thân yêu của mình rằng mong muốn và quyền năng của Đấng Cứu Rỗi là tha thứ và chữa lành tất cả những ai hối cải và đến cùng Ngài.
(Lưu ý: Các bài học trong Giáo Lý và Giao Ước 45 sẽ tập trung cụ thể hơn vào các điềm triệu về kỳ định và sự chuẩn bị cá nhân cho Ngày Tái Lâm của Đấng Ky Tô.)
Đấng Ky Tô sẽ ở với loài người suốt một ngàn năm
Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em biết về tình trạng trên thế gian trong và sau sự trị vì trong thời kỳ ngàn năm của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em cũng có thể mời các em chia sẻ những câu hỏi của các em về điều đó.
Hãy dành vài phút để tìm kiếm trong các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định để tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà em có thể có về Thời Kỳ Ngàn Năm và về những sự vui mừng sẽ tồn tại trong và sau sự trị vì trong thời kỳ ngàn năm của Đấng Ky Tô. Những điều sau đây có thể giúp em khi nghiên cứu:
Hãy cân nhắc chia học viên thành những nhóm nhỏ và cho mỗi nhóm nghiên cứu một trong những nguồn tài liệu sau đây. Sau đó, hãy mời mỗi nhóm trình bày những điều các em đã học được với cả lớp, hoặc mời học viên thành lập các nhóm mới với những học viên mà đã nghiên cứu các nguồn tài liệu khác nhau và thay phiên nhau chia sẻ những điều các em đã học được.
Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Thời Kỳ Ngàn Năm ”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org
Giáo Lý và Giao Ước 29:23–27
Ê Sai 65:19–25
Khải Huyền 20:1–3
1 Nê Phi 22:24–28
Để giúp học viên thấy rõ những lý do để hân hoan về cuộc sống sau khi Đấng Cứu Rỗi trở lại, thì anh chị em có thể kết thúc phần này của bài học bằng cách chia sẻ lời phát biểu của Anh Cả D. Todd Christofferson trong phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”.
Tập trung vào Đấng Cứu Rỗi
Để giúp học viên hình dung cảnh Đấng Cứu Rỗi nhân từ từ trên trời giáng xuống, hãy cân nhắc cho học viên xem video “Jesus Christ Appears in the Ancient Americas ”, có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 11:20 đến 16:31. Hãy mời các em tìm kiếm những điểm tương đồng giữa tình yêu thương được thể hiện bởi chuyến viếng thăm dân Nê Phi của Đấng Cứu Rỗi với những điều các em tưởng tượng sẽ xảy ra khi Ngài trở lại.
16:47
Hãy cân nhắc nhắm mắt lại và cố gắng tưởng tượng Chúa Giê Su Ky Tô từ trên trời giáng xuống để cứu rỗi, bảo vệ và chữa lành những người đi theo Ngài. Hãy chú ý đến những ấn tượng từ Đức Thánh Linh để tìm hiểu xem Cha Thiên Thượng muốn em cảm thấy như thế nào về sự trở lại của Vị Nam Tử của Ngài.
Em hình dung thấy biểu hiện nào trên khuôn mặt của Ngài khi Ngài nhìn vào những người đang cố gắng noi theo Ngài?
Em tưởng tượng Ngài nói gì với những người trung tín sau khi Ngài giáng xuống?
Em nghĩ rằng Đấng Cứu Rỗi muốn các môn đồ của Ngài cảm thấy như thế nào về việc Ngài trở lại thế gian?
Hãy cân nhắc chia sẻ những cảm nghĩ của riêng em khi em mong đợi sự trở lại của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian. Anh chị em có thể muốn kết thúc bài học bằng một bài thánh ca kết thúc nói về niềm vui về sự giáng thế của Đấng Ky Tô và sự trị vị trong thời kỳ ngàn năm của Ngài, chẳng hạn như “Thánh Linh của Thượng Đế ” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , số 28), “Giờ Đây Chúng Ta Hãy Cùng Vui Mừng ” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , số 32).
Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong bài học này và ôn lại chúng trong các bài học tới. Cụm từ thánh thư then chốt là “Ta sẽ hiện ra từ trên trời với quyền năng và vinh quang lớn lao … và sẽ ở với loài người trên thế gian trong sự ngay chính suốt một ngàn năm.” Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý.”
Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:
Khi Ngài đến, tình trạng áp bức và bất công không chỉ giảm dần; mà sẽ chấm dứt. …
Tình trạng đói kém và đau khổ không chỉ giảm bớt; mà sẽ biến mất. …
Thậm chí cả nỗi đau đớn và buồn rầu vì cái chết sẽ không còn tồn tại nữa. …
… Chúng ta hãy tự dâng hiến mình một cách tận tụy hơn để có những sự chuẩn bị cần thiết cho cái ngày mà nỗi đau đớn và sự tà ác sẽ hoàn toàn chấm dứt. (D. Todd Christofferson, “Chuẩn Bị cho Sự Trở Lại của Chúa ”, Liahona , tháng Năm năm 2019, trang 81)
Tiên Tri Joseph Smith (1805–1844) đã giải thích rằng:
Việc Chúa Giê Su cư ngụ trên thế gian trong một ngàn [năm] với các Thánh Hữu thì không đúng, mà Ngài sẽ trị vì các Thánh Hữu và giáng lâm và chỉ dạy. (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 276, 277)
Không có một câu trả lời đơn giản nào cho câu hỏi này. Chúa sẽ bảo vệ những người trung tín khỏi một số sự phán xét sẽ tới, nhưng những tình trạng khác sẽ ảnh hưởng đến cả người ngay chính và kẻ tà ác. Điều quan trọng là phải nhớ là dù cho chúng ta gặp phải bất kì thử thách nào, thì Thượng Đế sẽ cứu rỗi những người ngay chính vào vương quốc của Ngài.
Tiên Tri Joseph Smith (1805–1844) đã dạy:
[Trong] sự giáng lâm của Con của Người … , việc Các Thánh Hữu thoát khỏi tất cả những sự đoán phạt, trong khi kẻ tà ác sẽ chịu đau khổ, vì tất cả mọi xác thịt đều phải chịu đau khổ, là ý nghĩ sai lầm, và “những người ngay chính cũng sẽ khó lòng thoát khỏi” [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 63:34 ]; mặc dù vậy, sẽ có nhiều Thánh Hữu thoát khỏi, vì người công chính sẽ sống bằng đức tin [xin xem Ha Ba Cúc 2:4 ]; tuy nhiên nhiều người ngay chính sẽ trở thành nạn nhân của bệnh hoạn, nạn dịch, v.v., vì sự yếu đuối của xác thịt, tuy nhiên sẽ được cứu trong Vương Quốc của Thượng Đế. (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 272)
Anh Cả Spencer V. Jones thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:
Nhiều người trong chúng ta e sợ về Ngày Tái Lâm. Khi suy ngẫm về “ngày trọng đại và khủng khiếp của Chúa” (GL&GƯ 2:1 ), chúng ta có thể có khuynh hướng bỏ qua “ngày trọng đại” và tập trung vào sự “khủng khiếp.”
Một số lời tiên tri có thể dường như nặng nề. …
Một số lời tiên tri thậm chí còn khá kỳ cục, chẳng hạn như [lời tiên tri trong Giáo Lý và Giao Ước 29:18–20 ]. …
Tuy những lời tiên tri này nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng hãy nhìn nhận chúng với quan điểm đúng đắn. Thánh thư vẫn kèm theo cụm từ bổ nghĩa khi nói về những tình trạng đáng sợ này để chỉ ra rằng chúng không dành cho người ngay chính mà dành cho kẻ tà ác và không hối cải. (Spencer V. Jones, “Messages from the Doctrine and Covenants: Finding Hope in the Second Coming ”, Ensign , tháng Sáu năm 2005, trang 58–59)
Muôn quân đến cùng với Đấng Cứu Rỗi trong vinh quang vào Ngày Tái Lâm của Ngài sẽ là Các Thánh Hữu trung tín, đã từng sống ở mọi thời kỳ trong lịch sử thế gian. Những người ngay chính đã chết sẽ được phục sinh, và họ, cùng với những người ngay chính vẫn đang sống trên thế gian, sẽ được “cất lên để gặp Ngài” và “sẽ xuống cùng với Ngài” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:95–98 ).
Hãy cân nhắc bắt đầu bài học với tình huống về một em thiếu niên ngay chính đang lo lắng về Ngày Tái Lâm. Hãy mời học viên chia sẻ lý do tại sao em thiếu niên trong tình huống đó có thể cảm thấy như vậy. Sau đó, hãy mời học viên suy ngẫm xem các em nghĩ Đấng Cứu Rỗi sẽ muốn các môn đồ của Ngài cảm thấy như thế nào về sự trở lại của Ngài khi các em nghiên cứu bài học hôm nay.
Vào cuối bài học, hãy mời học viên viết câu trả lời cho em thiếu niên trong tình huống này và giải thích lý do cảm thấy niềm vui khi chúng ta biết trước về sự giáng lâm của Đấng Ky Tô.
Sinh hoạt sau đây là ví dụ về một tình huống có thể được sử dụng:
Vào cuối buổi học của lớp giáo lý, giảng viên tuyên bố rằng các học viên nên hào hứng vì các em được học về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô trong bài tiếp theo. Khi Peter rời khỏi tòa nhà, người bạn Christopher của bạn ấy nói: “Mình nghĩ ngày mai mình sẽ giả ốm. Những bài học về Ngày Tái Lâm luôn làm mình căng thẳng!”
Hãy cân nhắc mời học viên tập nhìn nhận Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô từ một quan điểm vĩnh cửu. Để thực hiện được điều này, cả lớp có thể xác định một số giả định và hiểu lầm có thể khiến một môn đồ ngay chính của Đấng Ky Tô cảm thấy sợ Ngày Tái Lâm. Sau đó, các em có thể tập sửa đổi lại những giả định và hiểu lầm đó bằng những lẽ thật mà các em biết về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch cứu rỗi. (Nếu cần, học viên có thể xem lại đoạn 8 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý [năm 2023] để nhắc các em nhớ lại nguyên tắc này.)
Hãy cân nhắc mời học viên trưng ra hoặc mô tả một trong những hình ảnh yêu thích của các em về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy yêu cầu các em chia sẻ hình ảnh đó dạy cho các em điều gì về Đấng Cứu Rỗi, về ngày đó hoặc tại sao điều quan trọng là phải chuẩn bị cho ngày đó.
Hãy cân nhắc trưng ra hình ảnh ở đầu bài học. Hãy mời học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 29:10–11, 27–28 , tìm kiếm các từ và cụm từ mà các em thấy được thể hiện trong bức tranh. Dựa trên những câu này và bức tranh, những người ngay chính nên cảm thấy như thế nào khi họ trông đợi Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô?
Để giúp học viên cảm thấy vui mừng và phấn khởi về Ngày Tái Lâm, hãy cân nhắc trưng ra một hình ảnh như hình dưới đây cho thấy các thiên sứ đi cùng Đấng Cứu Rỗi. Hãy yêu cầu học viên tìm cụm từ trong Giáo Lý và Giao Ước 29:11 mà mô tả các thiên sứ trong hình ảnh. Hãy chia sẻ lời phát biểu trong phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” về muôn quân sẽ cùng Đấng Ky Tô giáng xuống. Hãy hỏi học viên xem các em hình dung thấy ai trong số muôn quân đó. Học viên có thể lên trên bảng và viết xung quanh bức tranh tên của những người có thể ở trong số muôn quân đó. Ví dụ như Áp Ra Ham, Ru Tơ, Nê Phi, Ma Ri và những người khác. Các em cũng có thể thêm tên của những người thân yêu ngay chính của mình.
Học viên có thể tra cứu các đề tài “Thời Kỳ Ngàn Năm” và “Chúa Giê Su Ky Tô—Ngày Tái Lâm” trong sách thánh ca để tìm những câu cho chúng ta lý do để hân hoan về sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi. Cả lớp có thể chọn hát một vài câu từ những bài thánh ca có liên quan.