Lớp Giáo Lý
Bài Học 53: Giáo Lý và Giao Ước 39–40: “Một Phước Lành Lớn Lao mà Ngươi Chưa Từng Bao Giờ Biết Đến”


“Giáo Lý và Giao Ước 39–40: ‘Một Phước Lành Lớn Lao mà Ngươi Chưa Từng Bao Giờ Biết Đến’”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 37–40”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

Bài 53: Giáo Lý và Giao Ước 37–40

Giáo Lý và Giao Ước 39–40

“Một Phước Lành Lớn Lao mà Ngươi Chưa Từng Bao Giờ Biết Đến”

James Covel đã làm mục sư Methodist ở khu vực New York trong 40 năm. Khi ông nghe sứ điệp về Sự Phục Hồi, ông hứa sẽ tuân theo bất kỳ lệnh truyền nào mà ông được ban cho qua Tiên Tri Joseph Smith. Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho James phải chịu phép báp têm và quy tụ với Các Thánh Hữu ở Ohio và hứa với ông quyền năng lớn lao nếu ông lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy mong muốn lập và tuân giữ các giao ước với Chúa Giê Su Ky Tô để tiếp cận với quyền năng của Ngài nhiều hơn.

Hình Ảnh
Bàn tay của Đấng Cứu Rỗi đưa ra để giúp đỡ

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế

Hãy cân nhắc cho học viên xem một vật dụng như cây đèn, một vật chỉ có thể phát huy hết tính năng của nó khi được cắm vào nguồn điện. Hãy hỏi học viên xem một chiếc đèn có thể tự làm được gì so với khi nó được cắm điện. Hãy mời học viên thảo luận xem điều này có thể tượng trưng cho các giao ước của chúng ta với Thượng Đế ra sao.

Hãy đọc “Giao Ước” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư và lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson, tìm kiếm một định nghĩa về các giao ước.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Một giao ước … là một lời hứa thiêng liêng với Thượng Đế. Ngài ấn định các điều kiện. Mỗi người có thể chọn để chấp nhận các điều kiện đó. Nếu một người chấp nhận các điều kiện của giao ước và tuân theo luật pháp của Thượng Đế, thì người ấy nhận được các phước lành liên quan với giao ước đó. (Russell M. Nelson, “Giao Ước”, Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 86)

  • Em sẽ mô tả hoặc định nghĩa như thế nào về một giao ước?

  • Em đã lập những giao ước nào với Chúa?

  • Những giao ước này đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của em?

Chúa Giê Su Ky Tô mời chúng ta lập những giao ước với Ngài

James Covel là giáo sĩ Methodist. Khi ông biết về Tiên Tri Joseph Smith, Covel đã hứa với Chúa “rằng ông sẽ tuân theo bất cứ lệnh truyền nào Chúa ban cho ông qua Tiên Tri Joseph” (Giáo Lý và Giao Ước 39, tiêu đề tiết).

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 39:1–9 và tìm kiếm những điều em học được về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể tạo động lực cho một người nào đó bước vào mối quan hệ giao ước với Ngài.

  • Em tìm thấy điều gì về Đấng Cứu Rỗi?

  • Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta làm gì để nhận được quyền năng của Ngài?

Để giúp học viên nhận ra một nguyên tắc, các em có thể hoàn thành lời phát biểu sau đây trên bảng hoặc trong nhật ký ghi chép việc học tập: “Nếu chúng ta __________, thì chúng ta nhận được ___________.”

Học viên có thể nhận ra một nguyên tắc tương tự như điều này: Nếu chúng ta lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Thượng Đế, thì chúng ta nhận được quyền năng của Ngài.

Nếu sử dụng bài học trực quan, hãy cắm đèn để chứng minh rằng việc lập các giao ước giúp chúng ta nhận được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi. Hãy cân nhắc hỏi học viên xem làm thế nào mà ví dụ này có thể minh họa cho nguyên tắc mà các em đã nhận ra.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 39:10–15 và tìm kiếm xem Chúa đã mời James Covel làm gì để lập giao ước với Ngài.

  • Chúa Giê Su Ky Tô đã hứa gì với James Covel nếu ông lập giao ước này?

  • Lời khuyên bảo của Chúa dành cho James Covel áp dụng như thế nào cho chúng ta ngày nay?

  • Em đã thấy quyền năng của Đấng Cứu Rỗi như thế nào trong cuộc sống của mình hoặc trong cuộc sống của một người mà em biết?

Nỗi sợ hãi, sự ngược đãi và những nỗi lo lắng trần tục

James Covel có một gia đình đông đúc, nhiều bạn bè và một cộng đồng thân thiết ở New York. Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho ông phải chịu phép báp têm và chuyển đến Ohio cùng với Các Thánh Hữu. Việc gia nhập Giáo Hội sẽ là một sự hy sinh đối với James Covel.

Hãy đọc tiêu đề tiết của Giáo Lý và Giao Ước 40 cũng như các câu 1–3, và tìm kiếm quyết định James Covel đã đưa ra.

Đây có thể là một cơ hội tốt để thực hành sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Anh chị em có thể thảo luận xem James Covel có thể đã hành động như thế nào trong đức tin. Ngoài ra, hãy cân nhắc thảo luận xem ông có thể nhìn nhận như thế nào về những lựa chọn của mình và lời khuyên bảo của Chúa từ một quan điểm vĩnh cửu.

  • Làm thế nào mà “sự sợ bị ngược đãi bắt bớ” (câu 2) có thể khiến một người nào đó chối bỏ hoặc vi phạm giao ước của họ với Thượng Đế?

  • Một số “nỗi lo lắng trần tục” (câu 2) nào dẫn mọi người đến việc chối bỏ các giao ước với Thượng Đế ngày nay?

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ tịch Russell M. Nelson hoặc xem video “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ” (18:31), có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 4:21 đến 5:39. Khi em đọc hoặc xem, hãy tìm kiếm quyền năng đã hứa cho những người lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Việc lập và tuân giữ các giao ước quả thực làm cho cuộc sống dễ dàng hơn! Mỗi người nào lập giao ước trong các hồ báp têm và trong các đền thờ—và tuân giữ các giao ước đó—đều được gia tăng khả năng tiếp cận quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô. Xin hãy suy ngẫm về lẽ thật tuyệt vời đó!

Phần thưởng cho việc tuân giữ các giao ước với Thượng Đế là quyền năng từ trời—quyền năng củng cố chúng ta để chống lại những thử thách, cám dỗ và nỗi đau lòng một cách hiệu quả hơn. Quyền năng này làm cho đường đi của chúng ta được dễ dàng. Những người sống theo luật pháp cao hơn của Chúa Giê Su Ky Tô đều có quyền tiếp cận quyền năng cao hơn của Ngài. Do đó, những người tuân giữ giao ước được quyền có được một kiểu yên nghỉ đặc biệt mà họ có được nhờ mối quan hệ giao ước của họ với Thượng Đế. (Russell M. Nelson, “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ”, Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 96)

  • Em nhận thấy điều gì là nổi bật trong lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson?

Hãy tạo cơ hội cho học viên suy ngẫm về mong muốn lập và tuân giữ các giao ước với Đấng Cứu Rỗi để nhận được quyền năng của Ngài. Học viên có thể viết vào nhật ký ghi chép việc học tập của các em hoặc trên các mảnh giấy. Các em cũng có thể thảo luận về những điều đã học hoặc cảm nhận được trong các nhóm nhỏ hoặc với cả lớp.

Để kết thúc bài học, anh chị em có thể chia sẻ cách mà anh chị em đã nhận thấy quyền năng của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình khi anh chị em lập các giao ước với Thượng Đế. Hãy khuyến khích học viên tiếp tục cố gắng lập và tuân giữ các giao ước của các em và tin tưởng vào lời hứa là Chúa sẽ ban phước cho các em trong những nỗ lực của các em.

In