Lớp Giáo Lý
Bài 52: Giáo Lý và Giao Ước 38:15–27, 34–42: Hãy Hiệp Làm Một


“Giáo Lý và Giao Ước 38:15–27, 34–42: Hãy Hiệp Làm Một”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý, (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 38:15–27, 34–42”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài 52: Giáo Lý và Giao Ước 37–40

Giáo Lý và Giao Ước 38:15–27, 34–42

Hãy Hiệp Làm Một

Chúa đã ban cho Các Thánh Hữu của Ngài những chỉ dẫn khi họ chuẩn bị thực hiện những sự hy sinh lớn lao để quy tụ tại Ohio. Trong sự mặc khải của Ngài dành cho Các Thánh Hữu, Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải thiên tính của Ngài và mời gọi dân của Ngài sống giống như Ngài. Bài học này có thể giúp học viên trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn bằng cách quý trọng những người khác và trở nên đoàn kết.

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi phục sự

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Chúa muốn chúng ta trở nên giống như Ngài

Anh chị em có thể bắt đầu bài học bằng cách mời mỗi học viên viết ra năm mối quan tâm của các em. Sau đó, hãy chia lớp học thành các nhóm nhỏ. Hãy mời các em chia sẻ những mối quan tâm của mình và liệt kê bất kỳ điểm chung nào của các em. Sau đó, hãy yêu cầu các em thảo luận về lý do tại sao đôi khi những người có những mối quan tâm khác nhau gặp khó khăn để đoàn kết và tại sao sự đoàn kết là điều quan trọng đối với các môn đồ của Đấng Ky Tô.

Hãy mời học viên suy nghĩ về một người mà các em có thể đối xử tốt hơn hoặc có thể có một mối quan hệ tốt hơn. Hãy khuyến khích học viên tìm kiếm sự soi dẫn qua Đức Thánh Linh để giúp các em đối xử tốt hơn với người này hoặc cải thiện mối quan hệ của mình với người này. Hãy mời các em suy nghĩ xem cách tiếp cận các mối quan hệ theo cách này có thể giúp xây dựng sự đoàn kết như thế nào.

Vào tháng Mười Hai năm 1830, Joseph Smith đang thực hiện bản sửa đổi được soi dẫn của Kinh Thánh và đã nhận được điều mà ngày nay là Môi Se 6–7 trong sách Trân Châu Vô Giá. Những chương này cho biết câu chuyện về một vị tiên tri tên là Hê Nóc và dân của ông. Vì sự ngay chính và đoàn kết của họ, Chúa đã gọi những người này là Si Ôn.

Trong Giáo Lý và Giao Ước 38, Đấng Cứu Rỗi đã hướng dẫn Các Thánh Hữu về việc quy tụ tại Ohio. Ngài đã dạy họ về thiên tính của Ngài và nhấn mạnh các nguyên tắc để xây dựng Si Ôn. Việc tuân theo các nguyên tắc này sẽ giúp Các Thánh Hữu chuẩn bị bản thân họ để tiếp nhận luật pháp của Đấng Cứu Rỗi và được ban cho quyền năng của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:32).

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 38:24–27, tìm kiếm các thuộc tính mà Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta phát triển.

Khi học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 38:24–27, anh chị em có thể chỉ ra cụm từ được lặp lại trong các câu 24–25. Anh chị em cũng có thể mời một vài học viên diễn lại câu chuyện ngụ ngôn trong câu 26–27.

  • Em nghĩ việc quý mến anh em mình như chính mình có nghĩa là gì? (Xin xem Ma Thi Ơ 22:36–39; Giăng 13:34–35; Gia Cốp 2:17–19.)

  • Chúng ta có thể học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi từ câu chuyện ngụ ngôn trong các câu 26–27?

  • Các câu 24–27 dạy cho chúng ta điều gì về cách chúng ta có thể trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô?

    Hãy giúp học viên nhận ra một nguyên tắc tương tự như điều này: Chúng ta có thể trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta coi trọng những người khác và trở nên đoàn kết với tư cách là các môn đồ của Ngài.

    Hãy sử dụng một số câu hỏi sau đây hoặc những câu hỏi khác mà anh chị em nghĩ ra để giúp học viên hiểu nguyên tắc này. Anh chị em có thể mời học viên suy nghĩ trong cuộc thảo luận về những người mà các em muốn có một mối quan hệ tốt hơn.

  • Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương về việc coi trọng người khác như thế nào? Về việc khuyến khích sự đoàn kết?

  • Tại sao sự đoàn kết với các tín hữu khác trong Giáo Hội đôi khi rất khó có được?

  • Việc bày tỏ tình yêu thương nhiều hơn đối với những người khác và trở nên đoàn kết hơn với Giáo Hội có thể tạo ra sự khác biệt gì trong cuộc sống của em?

Hãy cân nhắc cho học viên xem video “Thảy Đều Làm Một trong Đấng Ky Tô” (4:48), có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org, để giúp học viên hiểu cách Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta trở nên đoàn kết.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 38:34–36, 39–42, tìm kiếm xem Các Thánh Hữu chuẩn bị để quy tụ tại Ohio đã được mời gọi phải đoàn kết ra sao.

  • Em nhận thấy điều gì sẽ giúp những người đi đến Ohio coi trọng lẫn nhau và đoàn kết?

Những nỗ lực của chúng ta để coi trọng người khác và trở nên đoàn kết

Hãy dùng những lời của các vị tiên tri để nhấn mạnh giáo lý và các nguyên tắc: Để luyện tập điều này, xin xem phần huấn luyện có tiêu đề, “Teach from the scriptures and the words of latter-day prophets” trong Teacher Development Skills (Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên). Hãy cân nhắc thực hành kỹ năng này, “chuẩn bị những lời mời giúp học viên kết nối các lẽ thật có trong thánh thư với những điều các vị tiên tri tại thế đang nói” như được minh họa trong lời phát biểu sau đây của Anh Cả Renlund.

Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy những cách thức chúng ta có thể đoàn kết với tư cách là các môn đồ của Đấng Ky Tô. Hãy đọc lời phát biểu hoặc xem video “Sự Bình An của Đấng Ky Tô Xóa Bỏ Hận Thù” (12:39; xem từ phút 4:49 đến 6:32) tại trang ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
Anh Cả Dale G. Renlund

Sự hiệp làm một cần nỗ lực. Nó phát triển khi chúng ta nuôi dưỡng tình thương yêu Thượng Đế trong lòng mình và chúng ta tập trung vào số mệnh vĩnh cửu của mình. Chúng ta được hiệp một bởi nguồn gốc chung, chính yếu là con cái của Thượng Đế và cam kết của chúng ta đối với các lẽ thật của phúc âm phục hồi. Đổi lại, tình thương yêu của chúng ta đối với Thượng Đế và vai trò môn đồ của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta quan tâm chân thành đến người khác. Chúng ta quý trọng sự đa dạng của cá tính, quan điểm, và tài năng của người khác. Nếu chúng ta không thể đặt vai trò môn đồ của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô lên trên những sở thích và quan điểm cá nhân, thì chúng ta nên xem xét lại các ưu tiên của mình và thay đổi.

Chúng ta có thể sẵn lòng nói: “Dĩ nhiên là chúng ta có thể đoàn kết—chỉ cần bạn đồng ý với tôi!” Một cách tốt hơn là hỏi: “Tôi có thể làm gì để thúc đẩy sự đoàn kết? Tôi có thể trả lời như thế nào để giúp người này đến gần Đấng Ky Tô hơn? Tôi có thể làm gì để giảm bớt sự tranh chấp và xây dựng một cộng đồng Giáo Hội đầy lòng trắc ẩn và quan tâm?”

Khi tình yêu thương của Đấng Ky Tô tràn ngập trong cuộc sống của mình, chúng ta sẽ tiếp cận những bất đồng với sự nhu mì, kiên nhẫn, và lòng nhân từ. Chúng ta sẽ bớt lo lắng về sự nhạy cảm của chính mình và quan tâm nhiều hơn nữa về sự nhạy cảm của người lân cận mình. Chúng ta “tìm cách để hòa giải và đoàn kết” [Dallin H. Oaks, “Bảo Vệ Hiến Pháp Được Soi Dẫn từ Thiên Thượng của Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 107]. Chúng ta không tham gia vào các cuộc “cãi lẫy về sự nghi ngờ”, phán xét những người bất đồng với chúng ta, hoặc cố gắng làm cho họ vấp ngã [xin xem Rô Ma 14:1–3, 13, 21]. Thay vì thế, hãy cho là những người bất đồng với chúng ta đang cố gắng hết sức có thể với những kinh nghiệm sống mà họ có. (Dale G. Renlund, “Sự Bình An của Đấng Ky Tô Xóa Bỏ Hận Thù”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 84)

Hãy yêu cầu học viên chia sẻ các em đã được ban phước như thế nào khi cố gắng quý trọng những người khác và đoàn kết với tư cách là môn đồ của Đấng Ky Tô.

Hãy mời học viên thành tâm đánh giá về việc các em đang trân trọng những người khác ra sao và đang củng cố các mối quan hệ của mình như thế nào.

Hãy mời học viên trả lời một trong số các câu hỏi sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

Hãy thành tâm chọn một mối quan hệ mà em muốn củng cố với một cá nhân hoặc một nhóm. Hãy trả lời một hoặc nhiều câu hỏi sau đây:

  • Em có thể làm gì để quý trọng người này hoặc những người này và bày tỏ tình yêu thương với họ?

  • Em có thể tìm đến Đấng Cứu Rỗi để vượt qua những trở ngại mà em gặp phải bằng cách nào?

  • Điều này sẽ giúp em trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn như thế nào?

In