Lớp Giáo Lý
Bài Học 76—Giáo Lý và Giao Ước 63:57–64: Sự Tôn Kính Thánh Danh của Chúa Giê Su Ky Tô


“Bài Học 76—Giáo Lý và Giao Ước 63:57–64: Sự Tôn Kính Thánh Danh của Chúa Giê Su Ky Tô”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 63:57 –64”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 76: Giáo Lý và Giao Ước 60–63

Giáo Lý và Giao Ước 63:57–64

Sự Tôn Kính Thánh Danh của Chúa Giê Su Ky Tô

Trong điều mặc khải được ghi trong Giáo Lý và Giao Ước 63, Đấng Cứu Rỗi đã bày tỏ mong muốn của Ngài dành cho những người theo Ngài là “hãy thận trọng khi nói đến danh [Ngài]” (Giáo Lý và Giao Ước 63:61). Bài học này có thể giúp học viên cảm nhận được tầm quan trọng của việc dùng danh của Đấng Cứu Rỗi với lòng tôn kính.

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi đang giảng dạy

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Cẩn thận thay vì tùy tiện

Hãy viết cụm từ Cẩn thận thay vì tùy tiện lên trên bảng. Hãy yêu cầu học viên thảo luận những câu hỏi sau đây:

  • Trong một số tình huống nào mà điều quan trọng đối với một người nào đó là phải cẩn thận thay vì tùy tiện? Tại sao?

    Nếu học viên cần trợ giúp để nghĩ ra ý tưởng, thì anh chị em có thể đề cập đến một vài ví dụ, chẳng hạn như lái xe, tìm kiếm trên internet, cắt tóc hoặc thực hiện một thủ thuật y tế.

  • Em nghĩ Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta cẩn thận về một số điều nào trong cuộc sống của mình?

Chị Rebecca L. Craven thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ đã đặt ra câu hỏi sau đây:

Hình Ảnh
Chị Rebecca L. Craven

Chúng ta có cẩn thận trong lời lẽ của mình không? Hay là chúng ta tùy tiện chấp nhận điều thô thiển và thô tục? (Rebecca L. Craven, “Cẩn Thận so với Tùy Tiện”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 10)

Em có thể bắt gặp lời lẽ bất kính đối với Thượng Đế hoặc những điều thiêng liêng khác trong một số tình huống nào?

Hãy mời học viên suy nghĩ về cảm nghĩ của các em khi bắt gặp những ngôn từ đó. Hãy khuyến khích các em trong khi nghiên cứu hãy tìm kiếm những lời giảng dạy mà có thể giúp các em cảm thấy tầm quan trọng của việc thận trọng khi nói về những điều thiêng liêng, đặc biệt là cách các em sử dụng danh của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôn kính danh của Chúa Giê Su Ky Tô

Phần giải thích sau đây có thể giúp học viên hiểu ngữ cảnh của các câu mà các em sẽ học từ Giáo Lý và Giao Ước 63.

Vào thời điểm điều mặc khải được ghi trong Giáo Lý và Giao Ước 63, một số Thánh Hữu ở Kirtland, Ohio, đã sử dụng danh của Chúa nhưng không có thẩm quyền chức tư tế thích hợp (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 63:62). Chúa đã lên án những hành động này và dạy các Thánh Hữu những lẽ thật quan trọng về cách dùng danh của Ngài.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 63:58–64, tìm kiếm điều mà Chúa đã muốn các Thánh Hữu hiểu về Ngài.

  • Những câu này giúp em hiểu gì về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Em học được gì từ các câu 61–64 về cách chúng ta nên sử dụng danh của Đấng Cứu Rỗi?

    Một lẽ thật mà học viên có thể đề cập từ những câu này là danh của Chúa Giê Su Ky Tô là thiêng liêng và phải được sử dụng thận trọng.

  • Em nghĩ việc cẩn thận sử dụng danh của Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là gì?

  • Em có câu hỏi nào về những điều em đang học trong những câu này?

Nếu học viên có thắc mắc về ý nghĩa của việc sử dụng “danh của Chúa … mà làm chơi” (câu 62), hãy giải thích rằng nó có thể liên quan đến việc nói về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô một cách bất kính (xin xem Dallin H. Oaks, “Reverent and Clean”, Ensign, tháng Năm năm 1986, trang 49–50). Nó cũng có thể liên quan đến việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi một cách không xứng đáng (xin xem Neil L. Andersen, “Quyền Năng trong Chức Tư Tế”, Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 93). Hãy chắc chắn học viên hiểu rằng việc nói về Đấng Cứu Rỗi trong phúc âm hoặc các cuộc trò chuyện hằng ngày vẫn là thích đáng khi chúng ta nói về Ngài với tình yêu thương và sự tôn trọng.

Trước khi đặt ra câu hỏi sau đây, có thể là hữu ích khi yêu cầu học viên tưởng tượng rằng các em biết một người không hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng danh của Đấng Cứu Rỗi với lòng tôn kính. Các em có thể nhớ đến người này khi thảo luận.

  • Em nghĩ điều gì có thể giúp chúng ta cảm thấy có ước muốn lớn hơn để sử dụng danh của Chúa Giê Su Ky Tô với lòng tôn kính?

Cảm nhận được tình yêu thương và sự tôn kính lớn lao hơn dành cho Chúa Giê Su Ky Tô

Hãy giải thích rằng việc hiểu thêm về Chúa Giê Su Ky Tô là ai và những điều Ngài đã làm cho chúng ta có thể giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương và sự tôn kính lớn hơn dành cho Ngài.

Trước khi giới thiệu sinh hoạt học tập sau đây, hãy cân nhắc mời học viên chia sẻ những kinh nghiệm các em đã có hoặc những lẽ thật các em biết từ thánh thư mà thúc đẩy các em suy nghĩ và nói về Chúa Giê Su Ky Tô một cách tôn kính. Anh chị em cũng có thể chia sẻ một ví dụ từ cuộc sống của chính mình.

Hãy dành một chút thời gian để tìm kiếm các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định mà có thể giúp em cảm thấy yêu thương Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn và mong muốn nói về Ngài với sự tôn kính. Anh chị em có thể tìm kiếm trong thánh thư, lời phát biểu từ các vị lãnh đạo Giáo Hội, các bài thánh ca hoặc các nguồn tài liệu hữu ích khác mà mô tả Ngài là ai hoặc Ngài đã làm gì. Hãy ghi lại những sự hiểu biết sâu sắc và cảm nghĩ của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Học viên có thể tự tìm kiếm các nguồn tài liệu hoặc tìm kiếm với một người bạn. Nếu cần, anh chị em có thể cung cấp cho các em một vài ví dụ về các nguồn tài liệu mà các em có thể tham khảo, chẳng hạn như bài thánh ca giảng dạy về phẩm chất thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô hoặc một số câu thánh thư sau đây: Ma Thi Ơ 8:23–27; 2 Nê Phi 25:13; Giáo Lý và Giao Ước 18:23–25; 35:1–2; 110:1–5.

Sau khi đã cho học viên có đủ thời gian rồi, thì hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã học và cảm nhận được từ việc nghiên cứu của các em. Nếu học viên tìm thấy những bài thánh ca có ý nghĩa, thì cả lớp có thể cùng nhau hát một hoặc nhiều bài thánh ca. Anh chị em cũng có thể mời một số học viên đọc một câu thánh thư mà các em đã tìm thấy và chia sẻ lý do tại sao câu đó có ý nghĩa với các em.

Những câu hỏi sau đây có thể giúp học viên chia sẻ những sự hiểu biết sâu sắc của các em:

  • Em đã nghiên cứu điều gì mà soi dẫn cho em có lòng biết ơn hoặc sự tôn trọng dành cho Đấng Cứu Rỗi?

  • Việc ghi nhớ những điều em đã học có thể ảnh hưởng như thế nào đến những lựa chọn của em?

Anh chị em có thể mở rộng cuộc thảo luận về câu hỏi thứ hai bằng cách chia học viên thành các nhóm nhỏ và mời các em thảo luận xem những khía cạnh cụ thể trong cuộc sống của các em có thể được ảnh hưởng như thế nào khi chúng ta cảm thấy có sự tôn kính dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn. Ví dụ về các khía cạnh trong cuộc sống của các em có thể nói đến bao gồm:

  • Những lựa chọn mà các em đưa ra liên quan đến việc sử dụng phương tiện truyền thông.

  • Tương tác của các em với những người khác.

  • Sự sẵn lòng của các em để chia sẻ phúc âm.

  • Cách các em cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng.

Liên hệ đến cuộc sống của em

Để giúp học viên suy ngẫm về việc học tập của các em, thì hãy mời các em trả lời ít nhất một trong số những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập:

  • Dựa trên những điều em đã học được từ Thánh Linh hoặc từ các bạn đồng trang lứa ngày nay, em nhận thấy có những thay đổi nào trong cảm nghĩ hoặc quan điểm của mình về Đấng Cứu Rỗi?

  • Em cảm thấy có ước muốn làm điều gì tốt hơn hoặc khác đi nhờ vào những điều đã học được ngày hôm nay?

Hãy mời một vài học viên nào sẵn lòng để chia sẻ những điều các em đã viết. Sau đó, hãy kết thúc bài học bằng cách chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, và giải thích tại sao danh của hai Ngài là thiêng liêng đối với anh chị em.

In