Lớp Giáo Lý
Bài Học 74—Giáo Lý và Giao Ước 60–62: “Hãy Nghe Tiếng Nói của Đấng Có Tất Cả Mọi Quyền Năng”


“Bài Học 74—Giáo Lý và Giao Ước 60–62: ‘Hãy Nghe Tiếng Nói của Đấng Có Tất Cả Mọi Quyền Năng’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 60–62”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài 74: Giáo Lý và Giao Ước 60–62

Giáo Lý và Giao Ước 60–62

“Hãy Nghe Tiếng Nói của Đấng Có Tất Cả Mọi Quyền Năng”

Vào tháng 8 năm 1831, Đấng Cứu Rỗi đã nhân từ chỉ dẫn cho một nhóm các anh cả trong cuộc hành trình khó khăn của họ từ Missouri đến Ohio. Lời khuyên của Ngài đã giúp các anh cả hiểu những kỳ vọng và mong muốn của Ngài dành cho họ trên đường đi về nhà. Bài học này nhằm giúp học viên hiểu thêm về những kỳ vọng và mong muốn của Đấng Cứu Rỗi dành cho các em.

Hình Ảnh
Khúc Quanh McIlwaine trên Sông Missouri

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Những quyết định

Để bắt đầu bài học, hãy cân nhắc trưng ra những tình huống sau đây:

Hãy tưởng tượng rằng hai người bạn thân của em đang gặp những khó khăn khác nhau trong việc đưa ra các quyết định. Một người hiếm khi tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc hướng dẫn từ Thượng Đế và cố gắng tự mình đưa ra hầu hết các quyết định. Người còn lại cầu nguyện để được hướng dẫn và do dự trước khi thực hiện bất kỳ quyết định nào cho đến khi cô ấy cảm thấy chắc chắn rằng Chúa đã trả lời cô ấy.

  • Một số lý do có thể khiến mỗi người bạn này có thể hành động như vậy là gì?

  • Em nhìn thấy một số nhận thức sai lầm nào trong cả hai tình huống này?

Hãy mời học viên suy nghĩ về những quyết định mà các em cần phải đưa ra trong cuộc sống của mình và suy ngẫm xem các em có giống với một trong hai tình huống này hay không. Hãy khuyến khích các em tìm kiếm những lẽ thật trong bài học hôm nay mà có thể giúp các em trong các quyết định của mình.

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết về cuộc hành trình của các ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 60:5)

Để giúp học viên hiểu ngữ cảnh của những lời giảng dạy mà các em sẽ học hôm nay, hãy đọc hoặc tóm tắt thông tin trong đoạn sau.

Vào tháng 8 năm 1831, Joseph Smith và một số anh cả đã bắt đầu một cuộc hành trình dài hơn 800 dặm (1.287 km) trở về nhà của họ ở Kirtland, Ohio. Họ đã dành vài tuần trước đó ở Missouri, nơi Chúa đã chỉ dẫn họ làm việc để xây dựng thành phố Si Ôn. Trên đường về nhà, cả nhóm có thắc mắc về phương pháp và hướng đi của mình. Đối với một số quyết định, Chúa khuyến khích họ sử dụng hết khả năng để suy xét và tự đưa ra lựa chọn. Đối với các quyết định khác, Ngài đã đưa ra những chỉ dẫn và lệnh truyền cụ thể để hướng dẫn họ.

Học viên có thể sử dụng bảng biểu sau đây để nghiên cứu các câu được liệt kê. Hãy mời học viên sao chép bảng biểu này vào nhật ký ghi chép việc học tập. Cũng hãy cân nhắc sao chép bảng biểu đó lên trên bảng và mời nhiều học viên khác viết câu trả lời sau khi các em đã nghiên cứu các câu này. Anh chị em có thể chia học viên thành các nhóm và chỉ định cho các em nghiên cứu một hoặc tất cả các đoạn cùng nhau.

Điều quan trọng với Chúa

Điều không quan trọng với Chúa

Giáo Lý và Giao Ước 60:5–8

Giáo Lý và Giao Ước 61:21–22

Giáo Lý và Giao Ước 62:5–7

  • Em nhận thấy trong những câu này có những điểm khác biệt nào giữa những điều quan trọng đối với Chúa và những điều không quan trọng?

  • Em có thể áp dụng những lời dạy của Chúa trong những câu này vào những tình huống mà em gặp phải trong cuộc sống của mình bằng những cách nào?

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 62:8, và tìm kiếm lời khuyên bảo của Chúa mà có thể giúp chúng ta khi chúng ta phải đưa ra quyết định mà không có sự chỉ dẫn cụ thể.

Hãy mời học viên chia sẻ một lẽ thật mà các em đã học được từ lời khuyên bảo của Chúa trong câu này. Các em có thể bày tỏ một nguyên tắc tương tự như sau: Chúa kỳ vọng chúng ta đưa ra nhiều quyết định dựa trên sự hướng dẫn của Thánh Linh và sự phán đoán của riêng chúng ta.

Anh chị em có thể muốn mời học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 58:26-29, tìm kiếm những lời giảng dạy mà có thể giúp các em hiểu rõ hơn về việc Chúa mong đợi chúng ta đưa ra các quyết định ra sao. Có thể mời học viên tham khảo chéo hoặc liên kết các câu này với Giáo Lý và Giao Ước 62:8.

Tập trung vào các nguyên tắc cải đạo: Để luyện tập thêm về cách làm điều này, hãy xem phần huấn luyện có tiêu đề “Tập trung vào các lẽ thật mà dẫn đến sự cải đạo và xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Giảng Dạy Giáo Lý. Hãy cân nhắc thực hành kỹ năng này và đặt ra những câu hỏi mà giúp học viên xác định và nêu ra các nguyên tắc cải đạo.

  • Em nghĩ tại sao việc trông cậy vào óc xét đoán của chúng ta cũng như sự hướng dẫn của Thánh Linh lại là điều quan trọng khi chúng ta đưa ra quyết định?

  • Lẽ thật này có thể giúp chúng ta như thế nào trong các quyết định liên quan đến các tiêu chuẩn hoặc giá trị của chúng ta?

Hãy cân nhắc mời học viên chia sẻ những kinh nghiệm khi các em đã đưa ra quyết định dựa trên óc xét đoán của chính các em và những hướng dẫn của Thánh Linh. Hãy mời các em chia sẻ xem Chúa đã ban phước cho các em như thế nào trong những tình huống này. Anh chị em cũng có thể cân nhắc chia sẻ những kinh nghiệm của chính mình.

Đấng Cứu Rỗi giảng dạy về chính Ngài

Trong cuộc hành trình đến Ohio, các anh cả cảm thấy bấp bênh, mệt mỏi và một số tình huống khủng khiếp. Họ cũng có những bất đồng và cãi vã. Để giúp họ, Đấng Cứu Rỗi đã chia sẻ nhiều lời dạy quan trọng về chính Ngài. Những lời giảng dạy này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn Ngài là ai và những điều Ngài có thể làm cho chúng ta.

Để giúp học viên chuẩn bị nghiên cứu các câu sau đây, hãy cân nhắc yêu cầu các em viết Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa một trang trong nhật ký ghi chép việc học tập. Anh chị em cũng có thể viết điều này lên trên bảng. Khi học viên nghiên cứu các đoạn thánh thư sau đây, các em có thể viết những từ hoặc cụm từ mô tả Đấng Cứu Rỗi xung quanh tên của Ngài.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 60:1–4; 61:1–2, 36–39; 62:1–3, 9. Hãy chú ý đến những điều em học được về Chúa Giê Su Ky Tô từ những câu thánh thư này. Hãy ghi lại những phát hiện của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Hãy tạo cơ hội cho học viên chia sẻ những điều các em đã học và cảm nhận về Chúa Giê Su Ky Tô từ sinh hoạt học tập này. Các em có thể cùng nhau thảo luận những câu hỏi như sau cùng cả lớp, theo cặp hoặc trong các nhóm nhỏ.

  • Em nhận thấy điều gì có thể là hữu ích cho những anh cả này trên hành trình của họ?

  • Em đã học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi mà có thể giúp ích cho em hoặc những người khác trong cuộc sống?

Hãy kết thúc bài học bằng cách mời học viên suy nghĩ về bất kỳ sự thúc giục nào mà các em có thể đã nhận được từ Đức Thánh Linh dựa trên những điều các em đã nghiên cứu và thảo luận hôm nay. Hãy khuyến khích các em ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng của mình vào nhật ký ghi chép việc học tập.

In