Lớp Giáo Lý
Bài Học 77—Giáo Lý và Giao Ước 64:1–17: “Được Đòi Hỏi Phải Biết Tha Thứ”


“Bài Học 77—Giáo Lý và Giao Ước 64:1–17: ‘Được Đòi Hỏi Phải Biết Tha Thứ’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 64:1–17”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 77: Giáo Lý và Giao Ước 64–66

Giáo Lý và Giao Ước 64:1–17

“Được Đòi Hỏi Phải Biết Tha Thứ”

Trong chuyến đi từ Missouri đến Ohio, Joseph Smith và những người khác đã gặp phải sự tranh chấp và có ác cảm đối với nhau. Trong Giáo Lý và Giao Ước 64, Chúa Giê Su Ky Tô đã hướng dẫn họ về sự cần thiết phải tha thứ. Bài học này có thể giúp học viên noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô và trở nên dễ tha thứ hơn.

Hình Ảnh
hai người trong gia đình ôm lấy nhau

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Suy ngẫm về sự tha thứ

Hãy mời học viên chia sẻ một câu chuyện về sự tha thứ. Hoặc anh chị em có thể chia sẻ một câu chuyện về sự tha thứ như “Forgiveness: My Burden Was Made Light (Sự Tha Thứ: Gánh Nặng của Tôi Được Làm Nhẹ Đi)” (8:24), có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org. Hãy mời học viên trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

  • Em có tự cho mình là người biết tha thứ không? Tại sao có hoặc tại sao không?

  • Em nghĩ tại sao Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn em tha thứ cho những người khác?

  • Ai là người mà em cần phải tha thứ?

Hãy mời học viên tìm kiếm sự mặc khải cá nhân để biết các em có thể cần phải tha thứ cho ai và các em có thể làm gì để mở lòng tha thứ.

Chúa Giê Su Ky Tô đang tha thứ

Hãy cân nhắc mời một học viên đọc ngữ cảnh sau đây cho Giáo Lý và Giao Ước 64.

Vào tháng 8 năm 1831, sau khi làm lễ cung hiến cho thành phố Si Ôn ở Missouri, Joseph Smith, Oliver Cowdery, Isaac Morley, Ezra Booth và những người khác trở về nhà ở Ohio. Nắng nóng gay gắt, điều kiện đi lại nguy hiểm và những bất đồng với lãnh đạo đã khiến cả nhóm chỉ trích và cãi vã nhau. Sau khi họ về đến nhà, sự căng thẳng vẫn còn tồn tại giữa họ (xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 [năm 2018], trang 133–134, trang 136–137). Để trả lời cho kinh nghiệm của họ, Chúa đã ban điều mặc khải mà bây giờ được biết đến là Giáo Lý và Giao Ước 64.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 64:1–7, và tìm kiếm cách mà Chúa Giê Su Ky Tô hồi đáp cho những người đã phạm tội.

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi

Hãy cân nhắc trưng ra hình ảnh của Đấng Cứu Rỗi. Hãy yêu cầu học viên suy ngẫm về những câu hỏi sau đây. Sau đó, mời một vài học viên chia sẻ những ý nghĩ của các em với cả lớp hoặc một vài người bạn cùng cặp.

  • Em tìm thấy những thuộc tính nào của Chúa Giê Su Ky Tô trong các câu này?

  • Em biết ơn điều nào nhất trong những thuộc tính này? Tại sao?

Chúng ta được đòi hỏi phải biết tha thứ

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 64:9–11, và tìm kiếm cách mà Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta noi theo tấm gương của Ngài.

Giáo Lý và Giao Ước 64:9–11 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

  • Em nhận thấy điều gì nổi bật về những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho Joseph và những người khác?

    Hãy giúp học viên xác định được lẽ thật rằng Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi chúng ta phải biết tha thứ cho tất cả mọi người. Hãy cân nhắc viết lẽ thật này lên trên bảng. Anh chị em cũng có thể mời học viên viết lẽ thật đó vào thánh thư của các em.

    Hãy dành đủ thời gian giúp học viên hiểu các câu 9–11. Một số câu hỏi sau đây có thể giúp ích.

  • Em nghĩ tại sao Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi chúng ta phải biết tha thứ cho tất cả mọi người?

  • Em nghĩ tại sao chúng ta “còn mắc phải trọng tội hơn” (câu 9) khi chúng ta chọn không tha thứ cho những người khác?

  • Em nghĩ làm thế nào mà việc nói trong lòng mình “hãy để Thượng Đế phán xét giữa anh và tôi” (câu 11) có thể giúp chúng ta tha thứ cho những người khác?

  • Việc tha thứ cho người khác sẽ giúp em phát triển những thuộc tính nào giống như Đấng Ky Tô?

Học cách tha thứ cho những người khác

Hãy cân nhắc cho học viên thời gian để đặt ra các câu hỏi hoặc chia sẻ những thử thách liên quan đến sự tha thứ. Học viên có thể trả lời những câu hỏi sau đây trên bảng, bằng tính năng bỏ phiếu ẩn danh, hoặc trên các tờ giấy mà có thể được chia sẻ với cả lớp.

  • Mọi người có thể có những câu hỏi nào khi họ tìm cách tha thứ cho những người khác?

  • Mọi người có thể gặp phải những thử thách nào khi cố gắng noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi để tha thứ?

Học viên có thể đặt ra những câu hỏi như “Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi có thể giúp tôi tha thứ cho những người khác?” hoặc “Việc tha thứ cho những người khác có nghĩa là tôi cần phải bị tổn thương một lần nữa hay không?”

Hãy mời học viên chọn một câu hỏi cùng với cả lớp hoặc chọn riêng một mình. Sau đó, yêu cầu các em tìm kiếm các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định để tìm câu trả lời.

Học viên có thể tìm thấy câu trả lời bằng cách tìm kiếm các từ như “Chúa Giê Su”, “tha thứ”, “Đấng Cứu Rỗi” và “lòng thương xót” trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Anh chị em cũng có thể cung cấp những câu thánh thư, chẳng hạn như Ma Thi Ơ 5:7; 18:21–35; và Mô Si A 26:30–31, và những lời phát biểu của các vị tiên tri được liệt kê dưới đây.

Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta tha thứ cho những người khác:

Hình Ảnh
Anh Cả Gerrit W. Gong

Đôi khi sự sẵn lòng của chúng ta để tha thứ cho một người khác cho phép cả họ lẫn chúng ta tin rằng chúng ta có thể hối cải và được tha thứ. Đôi khi sự sẵn lòng để hối cải và khả năng tha thứ đến vào những thời điểm khác nhau. Đấng Cứu Rỗi là Đấng Trung Gian giữa chúng ta với Thượng Đế, nhưng Ngài cũng giúp mang chúng ta đến với chính mình và với nhau khi chúng ta đến cùng Ngài. Nhất là khi nỗi đau khổ và đau đớn trở nên sâu sắc, thì việc sửa đổi các mối quan hệ của chúng ta và chữa lành tấm lòng của chúng ta là khó khăn, có lẽ không thể nào tự mình làm được. Nhưng thiên thượng có thể ban cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan vượt quá khả năng của mình để biết khi nào nên níu kéo và làm thế nào để buông bỏ. (Gerrit W. Gong, “Hạnh Phúc Vĩnh Viễn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 85)

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Đấng Ky Tô đã giảng dạy trong thời Kinh Tân Ước: “Hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình” [Lu Ca 6:37]. Và Ngài đã giảng dạy trong thời kỳ của chúng ta: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người” [Giáo Lý và Giao Ước 64:10]. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với một số người trong số anh chị em đang sống trong đau khổ là hãy để ý điều Ngài không nói. Ngài không nói rằng: “Các ngươi không được cảm thấy nỗi đau hoặc sự đau khổ thật sự từ những kinh nghiệm đầy tổn thương do người khác gây ra”. Ngài cũng không nói rằng: “Để được tha thứ, các ngươi phải tiếp tục một mối quan hệ không lành mạnh hoặc quay trở về tình trạng bị ngược đãi, bị tổn thương”. Nhưng bất chấp ngay cả những hành vi xúc phạm nặng nề nhất có thể xảy đến với chúng ta, chúng ta có thể vượt lên khỏi nỗi đau của mình chỉ khi nào chúng ta đặt chân lên trên con đường của sự chữa lành thật sự. Con đường đó là con đường đầy vị tha mà Chúa Giê Su của Na Xa Rét đã đi. Ngài là Đấng mời gọi mỗi người trong chúng ta: “Hãy đến mà theo Ta” [Lu Ca 18:22]. (Jeffrey R. Holland, “Chức Vụ Giảng Hoà”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 78–79)

Hãy cân nhắc mời học viên chia sẻ những câu trả lời mà các em tìm thấy hoặc những ấn tượng mà các em cảm nhận được về sự tha thứ. Các em cũng có thể chia sẻ ví dụ về cách các em đã được ban phước nhờ noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi để tha thứ cho những người khác. Hãy nhắc học viên đừng chia sẻ bất kỳ kinh nghiệm hoặc chi tiết nào quá cá nhân.

  • Chúng ta có thể thực hiện những hành động cụ thể nào mà sẽ giúp chúng ta tha thứ cho người khác?

Những câu trả lời mà học viên có thể chia sẻ gồm có những điều sau đây:

  • Nghiên cứu các câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi và những người khác bày tỏ sự tha thứ

  • Suy ngẫm xem cuộc sống của chúng ta sẽ khác đi ra sao nếu chúng ta bày tỏ sự tha thứ

  • Đưa ra một lời cầu nguyện chân thành, trong đó chúng ta trao gánh nặng của mình cho Thượng Đế và cầu xin sự giúp đỡ của Ngài để tha thứ cho những người khác

  • Xác nhận rằng nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, tấm lòng của chúng ta có thể thay đổi theo thời gian để cuối cùng chúng ta có thể tha thứ cho người khác

Áp dụng cho cá nhân

Trước đó trong bài học, học viên được mời nghĩ về một người nào đó mà các em cần phải tha thứ. Hãy mời các em suy ngẫm về tình huống đó và tìm kiếm sự soi dẫn khi các em trả lời những câu hỏi sau đây.

Hãy suy ngẫm những câu hỏi sau đây và cân nhắc việc viết những suy nghĩ hoặc cảm nghĩ của các em vào nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Em có thể làm gì để trông cậy nơi Đấng Cứu Rỗi để có thể tha thứ?

  • Em sẽ nỗ lực như thế nào để noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô và trở nên dễ tha thứ hơn?

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong suốt bài học này và ôn lại chúng trong các bài học tới. Cụm từ thánh thư then chốt là “Các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người”. Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý”.

In