Lớp Giáo Lý
Bài Học 89—Giáo Lý và Giao Ước 78: Nhà Kho của Chúa


“Bài Học 89—Giáo Lý và Giao Ước 78: Nhà Kho của Chúa”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 78”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 89: Giáo Lý và Giao Ước 77–80

Giáo Lý và Giao Ước 78

Nhà Kho của Chúa

Cửa hàng của Newel K. Whitney

Chúa đã hướng dẫn Joseph Smith, Sidney Rigdon, Newel K. Whitney và các thầy tư tế thượng phẩm khác tự tổ chức thành một nhóm gọi là Liên Hiệp Công Ty. Công ty quản lý tài sản, nhà kho và các nỗ lực xuất bản của Giáo Hội và cung cấp các nguồn lực để giúp đáp ứng các nhu cầu thế tục của các Thánh Hữu. Bài học này có thể giúp học viên gia tăng mong muốn của các em để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi bằng cách chăm sóc cho những người gặp hoạn nạn.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Liên Hiệp Công Ty

Một cách để bắt đầu bài học là giúp học viên tạo ra một tình huống về một gia đình có các nhu cầu thế tục. Là một phần của tình huống, hãy bao gồm những khó khăn tài chính mà gia đình đang phải đối mặt và những nhu cầu cụ thể của họ. Tình huống này sẽ được nhắc lại trong phần sau của bài học.

Hãy giải thích rằng học viên sẽ học được nhiều hơn về những cách thức mà Chúa giúp chúng ta chăm sóc cho những người gặp hoạn nạn khi các em nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 78. Hãy mời học viên tìm kiếm sự mặc khải để biết Chúa có thể yêu cầu các em giúp đỡ ai và các em có thể làm gì.

Vào ngày 1 tháng Ba năm 1832, Tiên Tri Joseph Smith đã gặp một nhóm các thầy tư tế thượng phẩm ở Kirtland, Ohio. Trong buổi họp này, Vị Tiên Tri đã đọc điều mặc khải được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 78. Sau đó, Liên Hiệp Công Ty được thành lập. Dựa trên luật dâng hiến, Liên Hiệp Công Ty quản lý tài sản, các nỗ lực tài chính và các nỗ lực in ấn của Giáo Hội ở Ohio và Missouri. Qua công ty, Chúa đã thành lập một nhà kho để chăm sóc cho người gặp hoạn nạn, và Joseph Smith, Sidney Rigdon và nhà Newel K. Whitney được chỉ thị đi đến Missouri (Si Ôn) để tổ chức nhà kho đó.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 78:1–6, tìm kiếm lý do tại sao Chúa muốn các tôi tớ của Ngài tự tổ chức theo cách này.

  • Các câu thánh thư này giảng dạy điều gì về những ước muốn của Chúa dành cho dân của Ngài?

  • Em nghĩ tại sao việc chăm sóc cho người nghèo là cần thiết để “xúc tiến chính nghĩa” của Si Ôn? Điều đó có thể mang lại vinh quang cho Cha Thiên Thượng như thế nào?

Nhà kho của Chúa

Hãy cân nhắc mang một chiếc hộp đến lớp và ghi lên đó “Nhà Kho của Chúa”. Hãy hỏi học viên xem các em nghĩ nhà kho của Chúa là gì. Anh chị em có thể muốn mời một vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh thảo luận về cách thức nhà kho của Chúa hoạt động trong khu vực của mình.

Hãy đọc định nghĩa sau đây về nhà kho của Chúa, tìm kiếm xem Đấng Cứu Rỗi giúp đỡ những người hoạn nạn như thế nào.

Tất cả các nguồn tài nguyên có sẵn cho Giáo Hội để giúp đỡ những người có nhu cầu vật chất được gọi là nhà kho của Chúa (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 82:18–19). Các nguồn lực này bao gồm những đóng góp về thời gian, tài năng, lòng trắc ẩn, vật chất và tài chính đến từ các tín hữu để giúp đỡ những người gặp hoạn nạn.

Nhà kho của Chúa tồn tại ở mỗi tiểu giáo khu và giáo khu. Các vị lãnh đạo thường có thể giúp các cá nhân và gia đình tìm ra giải pháp cho các nhu cầu của họ nhờ dựa trên sự hiểu biết, kỹ năng và sự phục vụ do các tín hữu tiểu giáo khu và giáo khu cung cấp. (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, đoạn 22.2.1, ChurchofJesusChrist.org)

Hãy thảo luận về những cách thức cụ thể mà giới trẻ có thể đóng góp cho nhà kho của Chúa (nghĩa là thời gian, tài năng, lòng trắc ẩn, vật chất, tài chính). Hãy cung cấp cho học viên một mảnh giấy. Yêu cầu học viên viết ít nhất một điều cụ thể mà cá nhân các em có thể đóng góp cho nhà kho của Chúa, sau đó đặt giấy của các em vào trong hộp.

Hãy mời một học viên lấy các món đồ (mảnh giấy) ra khỏi nhà kho và dẫn dắt một cuộc thảo luận xem những đóng góp cụ thể có thể giúp ích cho gia đình như thế nào trong tình huống mà cả lớp đã tạo ra. Hãy lặp lại bài tập này một vài lần.

Lời phát biểu sau đây nhằm để học viên tự mình suy ngẫm.

Hãy suy nghĩ về việc em sẵn sàng đóng góp thời gian, tài năng và nguồn lực của mình ở mức độ nào để giúp đỡ những người gặp hoạn nạn (rất sẵn lòng, hơi sẵn lòng hoặc không sẵn lòng lắm).

Hãy khuyến khích học viên tìm kiếm sự soi dẫn qua Đức Thánh Linh để giúp các em cảm thấy sẵn sàng giúp đỡ những người gặp hoạn nạn cũng như biết những cách thức để có thể đóng góp cho nhà kho của Chúa.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 78:7–8, 14–15, và tìm kiếm những phước lành mà Chúa đã hứa.

  • Những phước lành này có thể ảnh hưởng như thế nào đến em và những người mà em biết?

  • Chúa đã hứa ban điều gì cho những người chăm sóc những người gặp hoạn nạn?

    Hãy giúp học viên nhận ra một lẽ thật như sau: Việc chăm sóc cho người nghèo khó và hoạn nạn giúp chúng ta chuẩn bị có được một chỗ trong thượng thiên giới.

    Có thể sử dụng Ma Thi Ơ 25:31–40 để giúp học viên hiểu nguyên tắc này.

  • Em nghĩ việc chăm sóc cho những người gặp hoạn nạn giúp chuẩn bị cho chúng ta thừa hưởng thượng thiên giới như thế nào?

  • Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương về việc chăm sóc cho những người gặp hoạn nạn ra sao?

  • Làm thế nào mà một người nào đó có thể gia tăng mong muốn yêu thương và chăm sóc cho những người gặp hoạn nạn như Đấng Cứu Rỗi?

Những điều chúng ta có thể làm

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước78:17–22, và tìm kiếm những từ hoặc cụm từ then chốt mà có thể giúp chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Để giúp học viên tham gia vào cuộc thảo luận, anh chị em có thể trưng ra các câu hỏi sau đây và cho học viên suy ngẫm về cách các em sẽ trả lời. Anh chị em có thể chọn ngẫu nhiên những học viên để trả lời bằng cách yêu cầu một học viên nào đó chọn một tháng trong năm. Những học viên sinh vào tháng đó mà sẵn lòng thì có thể chọn một câu hỏi để trả lời nhưng không nên cảm thấy bị bắt buộc phải tham gia.

biểu tượng huấn luyện Giúp mỗi học viên đóng góp vào kinh nghiệm học tập: Để luyện tập thêm điều này, hãy xem phần huấn luyện có tiêu đề “Tạo một môi trường nơi mà tất cả mọi người đều được tôn trọng và biết rằng những đóng góp của họ được trân quý” trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Yêu Mến Những Người mà Anh Chị Em Giảng Dạy. Hãy cân nhắc thực hành kỹ năng này bằng cách nói với học viên rằng anh chị em trân quý học viên trước khi các em nhận xét hoặc khi các em giơ tay để nhận xét.

  • Các từ hoặc cụm từ nào có ý nghĩa nhất đối với em? Tại sao?

  • Em tìm thấy điều gì mà có thể giúp chúng ta tuân theo lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi là chăm sóc cho những người gặp hoạn nạn?

  • Em tìm thấy điều gì phản ánh mong muốn của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta trở nên giống như Ngài?

Hãy cung cấp cho học viên một mảnh giấy khác. Hãy cho các em thời gian để nhận ra những sự thúc giục mà các em có thể đã nhận được về việc giúp đỡ người gặp hoạn nạn hoặc những cách cụ thể mà các em cảm thấy mình có thể đóng góp cho nhà kho của Chúa. Mời các em viết những ấn tượng của mình. Sau đó, học viên có thể đặt mảnh giấy của các em vào trong chiếc hộp tượng trưng cho nhà kho của Chúa như một cách bày tỏ sự sẵn lòng giúp đỡ của mình, hoặc các em có thể mang mảnh giấy về nhà như một lời nhắc nhở.