Lớp Giáo Lý
Bài Học 103—Giáo Lý vào Giao Ước 88: 117–141: Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết bằng cách Học Hỏi và bằng Đức Tin


“Bài Học 103—Giáo Lý và Giao Ước 88: 117–141: Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết bằng cách Học Hỏi và bằng Đức Tin”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 88:117–141”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 103: Giáo Lý và Giao Ước 88

Giáo Lý và Giao Ước 88:76–80, 117–141

Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết bằng cách Học Hỏi và bằng Đức Tin

Trong phần này của Giáo Lý và Giao Ước 88, Chúa đã mặc khải các nguyên tắc học hỏi và truyền lệnh cho Joseph Smith và những người khác tổ chức Trường Tiên Tri. Những người tham gia vào trường phải tìm kiếm sự thông sáng “trong những cuốn sách hay nhất” và cùng nhau học hỏi “bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (Giáo Lý và Giao Ước 88:118). Bài học này có thể giúp học viên học hỏi bằng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô trong các bối cảnh khác nhau.

Hình Ảnh
căn phòng trên lầu Cửa Hàng của Newel K. Whitney

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Cha Thiên Thượng muốn tôi học hỏi

Để bắt đầu bài học, hãy cân nhắc mời học viên chia sẻ về các môn học yêu thích của mình hoặc mô tả ngắn gọn một chủ đề mà các em thích tìm hiểu. Nếu cần, hãy giải thích rằng giáo dục thế tục đề cập đến việc học hỏi không liên quan đến tôn giáo.

  • Tại sao việc đạt được cả sự hiểu biết thế tục và thuộc linh trong suốt cuộc đời của chúng ta lại là điều quan trọng?

  • Việc học các môn học ở trường như toán học hoặc khoa học có thể khác như thế nào với việc nghiên cứu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô? Hai việc đó có thể giống nhau như thế nào?

Vào tháng Một năm 1833, Joseph Smith và những người nắm giữ chức tư tế khác sống ở Kirtland, Ohio, đã làm theo sự chỉ dẫn của Chúa để tổ chức một trường học gọi là Trường Tiên Tri. Vào mùa đông năm 1833, các thành viên của trường đã gặp nhau trong một căn phòng trên lầu Cửa Hàng Newel K. Whitney. Sau đó, họ gặp nhau trong văn phòng in ấn của Giáo Hội và Đền Thờ Kirtland. Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:77–80, cùng tìm kiếm những điều mà Chúa đã truyền lệnh cho những người nắm giữ chức tư tế này phải nghiên cứu.

Anh chị em có thể viết các môn học lên trên bảng như địa chất, lịch sử, thiên văn học, chính trị và địa lý và yêu cầu học viên xác định các từ hoặc cụm từ mà đề cập đến các môn học này.

  • Em đã khám phá ra điều gì?

  • Theo câu 80, tại sao Chúa chỉ dẫn những người nam này nghiên cứu một loạt các môn học như vậy?

  • Việc học hỏi những điều này có thể giúp chúng ta chuẩn bị để phục vụ Chúa bằng những cách nào?

Hãy chia sẻ với học viên rằng phần còn lại của bài học sẽ tập trung vào các nguyên tắc học tập mà có thể củng cố đức tin của các em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và chuẩn bị cho các em để phục vụ Ngài tốt hơn. Anh chị em có thể muốn mời học viên tìm kiếm sự mặc khải cá nhân liên quan đến những điều các em có thể làm để phát triển đức tin và sự hiểu biết của chính mình.

Tìm kiếm sự hiểu biết bằng cách học hỏi và bằng đức tin

Giáo Lý và Giao Ước 88:118 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:118, tìm kiếm xem Chúa mời gọi chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết bằng cách nào.

Sau khi học viên tra cứu đoạn thánh thư, hãy mời các em chia sẻ những điều Chúa đã mặc khải về cách tìm kiếm sự hiểu biết. Các câu trả lời có thể bao gồm việc siêng năng tìm kiếm, giảng dạy lẫn nhau, tìm kiếm sự thông sáng trong những cuốn sách hay nhất và tìm kiếm sự hiểu biết bằng cách học hỏi và bằng đức tin.

  • Câu này dạy điều gì về cách tìm kiếm sự hiểu biết?

  • Chúng ta có thể học được gì về cách gia tăng đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Khi cần, anh chị em có thể đề cập rằng ở phần đầu của câu 118, Chúa chỉ ra rằng có một số người thiếu đức tin. Anh chị em cũng có thể mời học viên chia sẻ những chỉ dẫn rõ ràng mà Chúa đã ban cho để giúp đỡ những người thiếu đức tin.

Sau đây là một cách để diễn đạt một nguyên tắc mà chúng ta có thể học từ những câu này: Nếu chúng ta siêng năng tìm kiếm sự hiểu biết qua việc học hỏi và đức tin, thì đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gia tăng.

  • Ngoài siêng năng học tập để có thêm sự hiểu biết, em nghĩ học hỏi bằng đức tin có nghĩa là gì?

Hãy cân nhắc trưng ra lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson để giúp học viên hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc học hỏi bằng đức tin. Em cũng có thể xem video “Đón Nhận Tương Lai bằng Đức Tin” từ phút 10:28 đến 11:20.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Chúa dạy chúng ta cách gia tăng đức tin của mình bằng cách tìm kiếm “sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” [Giáo Lý và Giao Ước 88:118; sự nhấn mạnh được thêm vào]. Chúng ta củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” [Mô Rô Ni 4:3]. Hơn nữa, đức tin của chúng ta gia tăng mỗi khi chúng ta thực hành đức tin của mình nơi Ngài. Đó là ý nghĩa của việc học hỏi bằng đức tin.

Ví dụ, mỗi lần chúng ta có đức tin để tuân theo luật pháp của Thượng Đế—ngay cả khi có những ý kiến phổ biến coi thường chúng ta—hoặc mỗi lần chúng ta chống lại trò giải trí hoặc những ý thức hệ mà ca tụng việc vi phạm giao ước thì chúng ta đang thực hành đức tin của mình rồi sau đó gia tăng đức tin của mình. (Russell M. Nelson, “Đón Nhận Tương Lai bằng Đức Tin”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 75)

  • Em đã học được gì từ lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson?

  • Em nghĩ việc học hỏi bằng đức tin có thể được áp dụng như thế nào trong nhiều cơ hội học tập khác nhau (chẳng hạn như ở nhà, trường học, lớp giáo lý và nhà thờ)?

Để giúp học viên đánh giá những nỗ lực hiện tại của các em để tìm cách học tập bằng đức tin, thì hãy cân nhắc mời các em liệt kê các nơi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập trong khi anh chị em viết chúng lên trên bảng: nhà, trường học, lớp giáo lý, và nhà thờ. Hãy khuyến khích học viên đánh giá những nỗ lực của các em để siêng năng học hỏi bằng đức tin trong mỗi nơi bằng cách sử dụng thang điểm từ 1 đến 5, với 5 là tốt nhất.

Nếu cần, hãy nhắc các em rằng một phần ý nghĩa của việc học bằng cách nghiên cứu học hỏi và bằng đức tin là tích cực tham gia vào các cơ hội học tập, sau đó hành động theo những điều các em học và cảm nhận được. Hãy mời học viên chọn một lĩnh vực mà các em muốn cải thiện và nghiên cứu phần còn lại của bài học với lĩnh vực đó trong tâm trí.

“Hãy tự tổ chức”

Hình Ảnh
thiếu niên đang mở cặp sách

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:119–126, tìm kiếm lời khuyên bảo từ Chúa mà có thể làm gia tăng khả năng học hỏi của chúng ta bằng cách nghiên cứu học tập và bằng đức tin.

Anh chị em có thể mang theo một chiếc cặp đi học và chuẩn bị một vài tờ giấy để học viên sử dụng trong các nhóm nhỏ. Khi học viên nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 88:119–126, hãy mời các em viết ra trên những tờ giấy riêng những lời dạy từ Chúa mà có thể giúp các em học hỏi bằng đức tin. Học viên có thể liệt kê những thái độ và hành vi mà Chúa khuyến khích và những điều chúng ta nên tránh. Khi các em làm xong, học viên có thể bỏ các mảnh giấy đó vào trong cặp sách mà anh chị em mang theo.

  • Những thái độ hoặc hành vi nào trong số này đã ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của em?

  • Em cảm thấy ấn tượng từ Thánh Linh để thử có những thái độ hoặc hành vi nào trong số này?

Hãy yêu cầu học viên nghĩ về những trở ngại khác nhau đối với việc học tập bằng đức tin mà thanh thiếu niên có thể gặp trong các môi trường khác nhau (ở nhà, trường học, lớp giáo lý, nhà thờ). Hãy liệt kê ý tưởng của các em theo từng nơi. Hãy mời học viên chọn các mảnh giấy từ cặp sách. Sau đó, học viên có thể đọc những điều đã viết và dẫn dắt một cuộc thảo luận xem làm thế nào mà lời khuyên bảo của Chúa có thể giúp một người nào đó vượt qua một trong những thử thách học hỏi. Anh chị em cũng có thể mời học viên suy ngẫm về những cách mà Đấng Cứu Rỗi đã nêu gương cho lời khuyên bảo này.

Ví dụ, học viên có thể xác định một thử thách như ôn tập cho kỳ thi ở trường hoặc nhận câu trả lời cho những lời cầu nguyện cụ thể. Nếu một tờ giấy được chọn lấy ra khỏi túi có viết thiết lập một ngôi nhà nhịn ăn, thì học viên có thể thảo luận xem làm thế nào mà những ý tưởng và kinh nghiệm về việc nhịn ăn và cầu nguyện có thể gia tăng khả năng của các em để học hỏi và nhận ra những câu trả lời từ Chúa tốt hơn. Nếu anh chị em yêu cầu học viên nghĩ đến một ví dụ về cách Đấng Cứu Rỗi đã nêu gương cho việc học hỏi bằng cách nhịn ăn, thì các em có thể nhớ lại cách Ngài đã nhịn ăn để chuẩn bị cho công việc và giáo vụ của Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 4:1–10). Hãy lặp lại sinh hoạt nhiều lần để giúp học viên nhận ra sự liên quan của những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của các em.

Áp dụng cho cá nhân

Để kết thúc, hãy dành thời gian cho học viên suy ngẫm về những cách tốt hơn để các em sẽ tìm kiếm sự hiểu biết bằng đức tin. Hãy khuyến khích các em ghi lại những suy nghĩ của mình vào nhật ký ghi chép việc học tập bằng cách sử dụng những gợi ý sau đây.

  • Hãy chọn một môi trường trong cuộc sống của em, mà em có thể cải thiện những nỗ lực của mình để học hỏi bằng đức tin (chẳng hạn như ở gia đình, trường học, lớp giáo lý và nhà thờ).

  • Em nghĩ việc học bằng đức tin có thể giúp ích cho em như thế nào trong nơi này?

  • Em sẽ cố gắng làm gì để học hỏi bằng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy mời học viên sẵn sàng chia sẻ một số ý kiến của các em. Đây cũng có thể là thời điểm tốt để mời chứng ngôn từ những học viên đã đạt được những thành công trong quá khứ.

In