Lớp Giáo Lý
Bài Học 102—Giáo Lý và Giao Ước 88:51–95: “Hãy Lại Gần Ta, rồi Ta Sẽ Đến Gần Các Ngươi”


“Bài Học 102—Giáo Lý và Giao Ước 88:51–95: ‘Hãy Lại Gần Ta, rồi Ta Sẽ Đến Gần Các Ngươi’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 88:51–95”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 102: Giáo Lý và Giao Ước 88

Giáo Lý và Giao Ước 88:51–95

“Hãy Lại Gần Ta, rồi Ta Sẽ Đến Gần Các Ngươi”

Trong phần này của Giáo Lý và Giao Ước 88, Chúa Giê Su Ky Tô đã mặc khải cách Ngài chi phối các tạo vật của Ngài và mời gọi chúng ta đến gần Ngài. Bài học này có thể giúp học viên nhận được các phước lành của việc đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi đang dang đôi tay

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các Mối Quan Hệ Thân Thiết

Hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách tạo một cuộc thảo luận về việc phát triển các mối quan hệ thân thiết. Anh chị em có thể mời mỗi học viên viết lên trên bảng tên của một người mà các em cảm thấy gần gũi. Hãy yêu cầu một vài học viên chia sẻ lý do tại sao các em chọn người đó.

Anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi tiếp theo như sau:

  • Điều gì tạo nên một mối quan hệ thân thiết giữa hai người? Điều gì tạo ra khoảng cách?

  • Em có thể làm gì để xây dựng lại mối quan hệ thân thiết với người mà em đã xa cách?

Trong Giáo Lý và Giao Ước 88, Đấng Cứu Rỗi đã mô tả quyền năng của Ngài chi phối các tạo vật của Ngài (xin xem các câu 41–45). Ngài dạy rằng khi chúng ta nhìn thấy các ngôi sao và các hành tinh trên trời, chúng ta đã “trông thấy Thượng Đế vận hành trong vẻ uy nghi và quyền năng của Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 88:47). Sau đó, Chúa Giê Su Ky Tô đã kể một câu chuyện ngụ ngôn để dạy về mối quan hệ của Thượng Đế với các tạo vật của Ngài. Câu chuyện này dạy rằng Thượng Đế đã tạo ra nhiều thế giới cho con cái của Ngài cư ngụ và Ngài đến thăm từng người trong số họ. Chúa truyền lệnh cho những người bạn của Ngài kêu cầu Ngài khi Ngài ở gần họ (xin xem các câu 51–62).

“Hãy lại gần ta”

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:63, và tìm kiếm những điều mà Chúa Giê Su Ky Tô mời chúng ta làm.

  • Em thấy những lời mời nào có ý nghĩa đối với cá nhân mình?

  • Em có thể nhận ra các nguyên tắc nào từ những lời mời này?

    Học viên có thể nhận ra nhiều nguyên tắc khác nhau—ví dụ, khi tôi đến gần Chúa Giê Su Ky Tô, thì Ngài sẽ đến gần tôi. Anh chị em có thể muốn chỉ ra rằng khi chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta cũng đến gần Cha Thiên Thượng.

    Để giúp học viên hiểu nguyên tắc này, anh chị em có thể thảo luận xem nguyên tắc này được minh họa như thế nào trong câu chuyện ngụ ngôn. Các câu hỏi sau đây cũng có thể giúp ích:

  • Em sẽ mô tả như thế nào về ý nghĩa của việc đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Em nghĩ hai Ngài đến gần chúng ta trong những phương diện nào?

  • Một người có thể muốn cảm thấy gần gũi với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô vì một số lý do nào?

Hãy cho học viên một cơ hội suy ngẫm về việc các em cảm thấy gần với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô ra sao. Mời các em viết “Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô” trên một trang trong nhật ký ghi chép việc học tập. Sau đó, hãy yêu cầu học viên vẽ một hình ảnh tượng trưng cho chính các em. Học viên có thể suy ngẫm về những lần các em cảm thấy gần gũi với Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài và điều gì đã giúp các em cảm thấy như vậy. Học viên cũng có thể suy ngẫm về việc hiện tại các em cảm thấy gần với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô ra sao.

Hãy nhắc học viên rằng nếu chúng ta cảm thấy xa cách Chúa, thì chúng ta có thể hành động để thay đổi hoàn cảnh của mình. Hãy mời học viên suy ngẫm về những nhu cầu của các em và các em sẽ được ban phước như thế nào nếu đến gần với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Hãy khuyến khích học viên tìm kiếm sự mặc khải cá nhân để biết những điều các em có thể làm để đến gần hai Ngài hơn.

Những lời mời và phước lành

Học viên có thể hoàn thành bảng biểu sau đây trên bảng hoặc trong nhật ký ghi chép việc học tập. Khi cần, hãy giúp học viên hiểu các cụm từ khác nhau trong Giáo Lý và Giao Ước 88:63–69. Ví dụ, anh chị em có thể làm sáng tỏ câu 65 bằng cách giải thích rằng chúng ta không nên có những động cơ sai trái, cũng như không nên tìm cách thỏa mãn những ham muốn thế tục khi chúng ta cầu nguyện. Anh chị em có thể giúp học viên hiểu từ cần thiết trong các câu 64–65 có nghĩa là phù hợp hoặc đúng đắn.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:63–69 và hoàn thành bảng biểu sau đây:

Những Cách Đến Gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô

Những Phước Lành từ Việc Đến Gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô

Một cách để giúp học viên tham gia vào những câu thánh thư này là mời một em cầm một bức hình Đấng Cứu Rỗi đứng ở trước lớp. Hãy yêu cầu một học viên khác đứng ở phía sau lớp học.

Khi các học viên chia sẻ những điều các em tìm thấy, em học viên ở cuối lớp có thể bước đến gần hơn em học viên đang cầm bức hình về Đấng Cứu Rỗi. Em học viên cầm bức hình về Đấng Cứu Rỗi cũng có thể bước đến gần hơn.

Anh chị em có thể sử dụng một số lời phát biểu trong phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” để giúp học viên hiểu những cách đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Các câu hỏi sau đây có thể giúp anh chị em thảo luận về những điều học viên đã tìm thấy trong các câu mà các em đọc:

  • Em nghĩ việc thực hiện những hành động này có thể giúp em đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

  • Những phước lành này có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với hai Ngài?

Kế hoạch của tôi

Việc mời học viên trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập có thể chuẩn bị cho các em chia sẻ với cả lớp. Anh chị em cũng có thể chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân về những điều anh chị em đã làm để đến gần Chúa Giê Su Ky Tô và cách anh chị em cảm nhận được Ngài đang đến gần mình.

  • Em đang cố gắng đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

  • Em hoặc một người nào em biết đã được ban phước như thế nào khi cố gắng đến gần hai Ngài?

Hãy mời học viên tìm kiếm Đức Thánh Linh để dẫn dắt các em biết những điều các em có thể làm để đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Nhắc học viên nhớ rằng các em có thể đã nhận được những sự thúc giục trong giờ học.

Học viên có thể viết ra cách các em sẽ cố gắng đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như cách mà việc này có thể giúp các em với những thử thách mà các em đang gặp phải và bất kỳ trở ngại nào các em có thể cần vượt qua. Học viên có thể viết lên các bức vẽ của mình hoặc tạo thành ghi chú để mang về nhà.

Hãy khuyến khích học viên chia sẻ với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện về những điều các em dự định làm và cầu xin sự giúp đỡ của Ngài.

In