Lớp Giáo Lý
Bài Học 104—Giáo Lý và Giao Ước 89:1–17: Lời Thông Sáng từ Chúa


“Bài Học 104—Giáo Lý và Giao Ước 89:1–17: Lời Thông Sáng từ Chúa”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 89:1–17”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 104: Giáo Lý và Giao Ước 89–92

Giáo Lý và Giao Ước 89:1–17

Lời Thông Sáng từ Chúa

Như thường thấy vào năm 1833, nhiều tín hữu của Giáo Hội sử dụng thuốc lá, uống rượu, trà và cà phê. Để đáp lại những lời cầu nguyện của Joseph Smith về vấn đề này, Chúa đã thương xót khi mặc khải Lời Thông Sáng. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy biết ơn về lời chỉ dẫn đầy yêu thương của Chúa, hay còn gọi là Lời Thông Sáng.

Hình Ảnh
giới trẻ đang tập thể dục

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Lưu ý: Các phước lành thuộc linh đã hứa trong Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21 khi tuân giữ Lời Thông Sáng sẽ là nội dung trọng tâm của bài học kế tiếp. Có lẽ tốt nhất là giảng dạy cả hai bài học này để giúp học viên thấy rằng các phước lành của Lời Thông Sáng mang tính thuộc linh nhiều hơn so với thuộc thể.

Chiến thuật của Sa Tan

Cân nhắc mời học viên thảo luận về những mồi nhử mà Sa Tan sử dụng để bẫy con cái của Thượng Đế. Anh chị em có thể mang theo hoặc cho thấy một bức ảnh về mồi câu cá. Anh chị em cũng có thể yêu cầu những học viên có kinh nghiệm câu cá mô tả những loại mồi câu tốt nhất để sử dụng trong khu vực của mình. Một phương án khác là cho xem phần đầu của video “You Will Be Freed (Các Em Sẽ Được Tự Do)” có trên ChurchofJesusChrist.org, từ phút 00:00 đến phút 1:29.

Hình Ảnh
các loại mồi câu cá khác nhau
  • Mồi câu cá có thể được so sánh như thế nào với các chiến thuật của Sa Tan?

  • Đấng Cứu Rỗi đã ban lời khuyên dạy nào để giúp chúng ta phát hiện và tránh rơi vào cạm bẫy của Sa Tan?

    Có nhiều câu trả lời đúng cho câu hỏi thứ hai, bao gồm lời cầu nguyện (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 10:5), học thánh thư hằng ngày (xin xem Hê La Man 3:29–30), tìm kiếm tinh thần mặc khải (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 8:2–4) và tuân theo lời khuyên dạy từ các vị tiên tri và các vị lãnh đạo Giáo Hội (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 21:5).

    Để giúp học viên thấy được lý do chúng ta có thể tin cậy lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi, anh chị em có thể mời các em đọc 2 Nê Phi 26:24Gia Cốp 4:10 rồi chia sẻ những điều các em học được về Ngài.

    Anh chị em cũng có thể yêu cầu học viên suy ngẫm hoặc chia sẻ với cả lớp các câu trả lời của mình cho câu hỏi sau đây:

  • Những lời khuyên dạy hoặc lời cảnh báo cụ thể từ Đấng Cứu Rỗi và các tôi tớ được Ngài ủy quyền đã ban phước và bảo vệ cuộc sống của các em như thế nào?

Lời Thông Sáng

Cân nhắc việc trưng ra bức hình sau đây về một căn phòng nhỏ trên lầu cửa hàng của Newel K. Whitney ở Kirtland, Ohio. Hãy mời các học viên tưởng tượng ra căn phòng đó toàn đàn ông, trong đó có nhiều người đang hút và nhai thuốc lá, khi anh chị em giải thích thông tin trong đoạn sau đây.

Hình Ảnh
trường tiên tri

Vào mùa đông năm 1833, khoảng 20 người nắm giữ chức tư tế đã thường xuyên nhóm họp trong căn phòng này để theo học Trường Tiên Tri (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:127). Như thường thấy vào thời đó, nhiều người trong số họ hút và nhai thuốc lá trong suốt các buổi họp. Brigham Young nhớ lại rằng “thường thường khi Vị Tiên Tri bước vào phòng để đưa ra những lời chỉ dẫn trong lớp học thì ông thấy mình đứng ở giữa đám khói thuốc” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 263). Những tình trạng này, cùng với những cảm nghĩ của Emma Smith, là người phải lau chùi vết nhổ thuốc lá nhai trên sàn nhà, đã thôi thúc Joseph Smith cầu nguyện về việc sử dụng các chất như vậy. Để trả lời ông, Chúa đã mặc khải Giáo Lý và Giao Ước 89 (xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 [năm 2018], trang 167–168).

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 89:1–4, sau đó tìm kiếm lý do khiến Đấng Cứu Rỗi ban ra lời mặc khải này.

  • Các em học được điều gì về các động cơ của Chúa Giê Su Ky Tô khi mặc khải tiết này?

    Khi học viên chia sẻ câu trả lời cho câu hỏi trước, hãy chắc chắn các em hiểu rằng Chúa đã ban cho chúng ta Lời Thông Sáng để bảo vệ chúng ta khỏi những điều tà ác trong thời đại này.

  • Việc hiểu được lý do khiến Đấng Cứu Rỗi mặc khải Lời Thông Sáng ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của chúng ta về điều đó?

  • Chúng ta cần sự bảo vệ của Ngài khỏi những ý định xấu xa nào trong thời đại này?

Khi học viên trả lời câu hỏi trước, anh chị em có thể giúp các em nhận ra một số điều xấu xa mà các em chia sẻ đã được vạch ra hoặc tính toán như thế nào để lừa gạt chúng ta.

Điều này có thể giúp học viên suy nghĩ hoặc chia sẻ những câu hỏi các em có về Lời Thông Sáng. Phần sau đây có thể giúp học viên tìm được câu trả lời.

Hướng dẫn sử dụng từ Đấng Sáng Tạo

Để giới thiệu sinh hoạt sau đây, anh chị em có thể cần mang theo hoặc nói về sách hướng dẫn sử dụng một sản phẩm quen thuộc với học viên. Nêu ngắn gọn giá trị của việc biết cách bảo trì sản phẩm và một số lời cảnh báo về việc sử dụng không đúng cách. Giúp học viên hiểu rằng Thượng Đế, là Đấng Sáng Tạo (xin xem Sáng Thế Ký 1:27), hoàn toàn hiểu rõ cơ thể của chúng ta và đã đưa ra những chỉ dẫn cùng lời cảnh báo về cách sử dụng và chăm sóc cơ thể đó.

Nếu học viên có thắc mắc về các chi tiết của Lời Thông Sáng mà chưa được Giáo Hội giảng dạy rõ ràng thì hãy khuyến khích các em hội ý với cha mẹ, vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của mình.

Làm một quyển sách hướng dẫn cách sử dụng đúng mực cơ thể của chúng ta. Hãy sáng tạo và cá nhân hóa sách đó theo ý muốn của các em. Các bước sau đây chỉ là một trong nhiều cách để có thể thực hiện sinh hoạt này:

  1. Gấp đôi một tờ giấy để nó giống như một cuốn sách nhỏ. Tạo một trang bìa có tựa đề như “Lời Thông Sáng: Sách Hướng Dẫn Sử Dụng từ Đấng Sáng Tạo”. Các em có thể thêm hình vẽ hoặc hình ảnh vào trang bìa.

  2. Bên trong cuốn sách nhỏ, viết tựa đề cho trang bên trái, chẳng hạn như “Lời Khuyên Dạy Của Đấng Sáng Tạo về Điều Chúng Ta Nên Làm.” Viết tựa đề cho trang bên phải, chẳng hạn như “Lời Khuyên Dạy của Đấng Sáng Tạo về Điều Chúng Ta Nên Tránh.” Hãy tự do thêm hình ảnh hoặc hình vẽ vào các trang bên trong.

  3. Nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 89:5–17 rồi điền vào quyển sách nhỏ của các em bằng cách viết hoặc thêm hình ảnh về điều các em học được.

    Ngoài những gợi ý dưới đây, hãy cân nhắc cung cấp cho học viên các tài liệu hữu ích từ phần “Các Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” của bài học này.

  4. Hãy tra cứu thêm từ các tài liệu đã được Chúa quy định chẳng hạn như Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ (tập sách nhỏ, năm 2022), Sách Hướng Dẫn Thánh Thư và lời phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội. Ghi thêm điều các em học được vào quyển sách nhỏ của mình.

Tạo cơ hội cho học viên chia sẻ hoặc trưng ra những sản phẩm của các em.

Lưu ý: Phần “Các Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” của bài học kế tiếp có gợi ý học viên thêm một trang cuối vào cuốn sách nhỏ của các em. Trang cuối sẽ liệt kê các phước lành mà Thượng Đế ban cho trong các câu 18–21 khi tuân giữ Lời Thông Sáng. Nếu đó có thể là một trải nghiệm tốt cho học viên thì anh chị em có thể khuyến khích các em nộp lại các quyển sách nhỏ hôm nay hoặc nhắc các em mang đến lớp học cho bài học kế tiếp.

Đấng Cứu Rỗi đầy lòng thương xót và kiên nhẫn của chúng ta

Để giúp học viên thấy Đấng Cứu Rỗi đã kiên nhẫn ra sao với Các Thánh Hữu của Ngài sau khi mặc khải lệnh truyền này, anh chị em có thể muốn chia sẻ một số nội dung sau đây với các em bằng lời riêng của mình:

Chúa Giê Su mặc khải Lời Thông Sáng vào năm 1833, nhưng nó không được ban ra như một lệnh truyền vào lúc đó (xin xem câu 2). Sau khi nhận được Lời Thông Sáng, nhiều Thánh Hữu bắt đầu cố gắng vượt qua những truyền thống được chấp nhận trong văn hóa và đối với một số người, là chứng nghiện mà họ đã mắc phải. Theo thời gian, Chúa đã hướng các vị lãnh đạo Giáo Hội, bao gồm Brigham Young và John Taylor, đến kỳ vọng cao hơn ở Các Thánh Hữu trong việc tuân giữ những nguyên tắc được giảng dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 89. Sau khi bước sang thế kỷ hai mươi, Chủ Tịch Heber J. Grant “đã yêu cầu họ tuân giữ Lời Thông Sáng một cách chính xác, kiêng rượu bia, cà phê, trà, thuốc lá và các chất độc hại khác mà những thế hệ Thánh Hữu trước kia thỉnh thoảng vẫn dùng”, làm cho “Lời Thông Sáng trở thành yêu cầu bắt buộc để được tham dự đền thờ và phục vụ truyền giáo” (Saints, 3:291–292). “Vào năm 1921, Chúa đã soi dẫn cho Chủ Tịch Heber J. Grant yêu cầu tất cả các Thánh Hữu phải ngừng uống rượu bia, thuốc lá, cà phê và trà nếu muốn có được giấy giới thiệu đi đền thờ” (Church History Topics, “Word of Wisdom [GL&GƯ89]”, Thư Viện Phúc Âm).

  • Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra những sự giúp đỡ nào cho những người đang vật lộn với chứng nghiện trong thời kỳ của chúng ta?

Phần kết thúc của video được gợi ý ở phần đầu của bài học có thể mang đến hy vọng qua Đấng Ky Tô cho những người đang vật lộn với chứng nghiện. Anh chị em có thể cân nhắc việc cho xem video “You Will Be Freed (Các Em Sẽ Được Tự Do)” từ phút 1:29 đến 2:55.

Các học viên muốn có thêm tài liệu để được giúp đỡ về chứng nghiện có thể được chỉ dẫn đến gặp các vị lãnh đạo tiểu giáo khu của các em và đến trang “Giúp Đỡ trong Cuộc Sống” trên ChurchofJesusChrist.org.

Trước khi đưa ra câu hỏi sau đây, hãy cân nhắc việc giúp học viên nhận ra lòng nhân từ của Chúa Giê Su Ky Tô khi ban cho chúng ta Lời Thông Sáng. Có thể sẽ hữu ích khi mời họ tưởng tượng thế giới này sẽ khác biệt thế nào nếu không có tình trạng lạm dụng chất gây nghiện. Anh chị em cũng có thể dành thời gian cho các học viên viết về cách mà Lời Thông Sáng đã ban phước và bảo vệ các em và những người thân yêu của các em ra sao.

  • Việc ban ra Lời Thông Sáng cho thấy lòng thương xót và tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

Cân nhắc kết thúc bài học bằng cách chia sẻ những phước lành mà Lời Thông Sáng đã mang đến cho cuộc sống của anh chị em và bày tỏ lòng biết ơn đối với Đấng Cứu Rỗi vì đã ban cho chúng ta điều mặc khải này.

In