Lớp Giáo Lý
Bài Học 106—Giáo Lý và Giao Ước 90: Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn


“Bài Học 106—Giáo Lý và Giao Ước 90: Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 90” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 106: Giáo Lý và Giao Ước 89–92

Giáo Lý và Giao Ước 90

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Vào tháng Ba năm 1833, Chúa đã chỉ thị cho Joseph Smith phong nhiệm Sidney Rigdon và Frederick G. Williams làm hai cố vấn cho ông trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Với tư cách là chủ tịch đoàn, ba người đàn ông này nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế cho phép họ chủ tọa vương quốc của Chúa trên thế gian. Bài học này có thể giúp học viên cảm nhận được tầm quan trọng của sự hướng dẫn mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thông qua Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Ngài.

Hình Ảnh
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Chìa khóa có thể cung cấp quyền ra vào

Anh chị em có thể bắt đầu lớp học bằng cách cho thấy rằng nhờ có chìa khóa mà chúng ta có thể lấy được những đồ vật đặc biệt khi cần. Anh chị em có thể mời học viên viết lên những mảnh giấy nhỏ những điều các em cảm thấy cần phải cất giữ cẩn thận. Mời những học viên xung phong chia sẻ những điều các em đã viết và trình bày lý do. Thu lại những tờ giấy và cất chúng ở một nơi phải có chìa khóa mới mở được. Nếu không thể cất những tờ giấy trong một vật có thể khóa bằng chìa khóa thì anh chị em có thể dùng một chiếc hộp và mời học viên tưởng tượng những tờ giấy của các em đã bị khóa lại. Cho học viên thấy một chiếc chìa khóa và mời các em suy nghĩ về giá trị của chiếc chìa khóa đó. Anh chị em cũng có thể hỏi:

  • Trong cuộc sống của các em, có những vật quan trọng nào cần phải có chìa khóa thì các em mới lấy được chúng?

  • Ai sẽ là người được các em tin cậy để cho phép họ sử dụng và bảo vệ chìa khóa? Tại sao?

Cân nhắc giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế và các chìa khóa này được sử dụng trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong quá trình học tập ngày hôm nay, hãy mời học viên suy nghĩ về người mà Ngài giao phó các chìa khóa đó trên thế gian và những điều mà các chìa khóa này giúp chúng ta lấy được.

Chúa Giê Su Ky Tô tổ chức Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Để chuẩn bị cho học viên nghiên cứu đoạn dưới đây, anh chị em có thể cho xem hình ảnh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào năm 1833 (xin xem hình ảnh chính của bài học này) và cung cấp một số văn cảnh sau đây:

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn có tên gọi ban đầu là Chủ Tịch Đoàn Chức Tư Tế Thượng Phẩm. Sidney Rigdon và Frederick G. Williams đã được kêu gọi và phong nhiệm làm các cố vấn cho Tiên Tri Joseph Smith vào tháng Ba năm 1833 để thành lập chủ tịch đoàn này. Trong Giáo Lý và Giao Ước 90, Chúa đã mặc khải những lời chỉ dẫn cho Joseph Smith về các trách nhiệm của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 90:1–3, 6, sau đó tìm kiếm điều mà Thượng Đế đã giao phó cho Joseph Smith, Sidney Rigdon và Frederick G. Williams.

  • Chúa đã ban cho những người đàn ông này gánh vác trách nhiệm gì?

    Hãy cho phép học viên chia sẻ hiểu biết của các em về các chìa khóa của chức tư tế. Ngoài ra, hãy dành thời gian cho học viên đặt ra những câu hỏi mà các em có thể có về các chìa khóa của chức tư tế và việc tổ chức Giáo Hội của Chúa. Khi cần, anh chị em có thể mời học viên tra cứu “Chìa Khóa của Chức Tư Tế, Các” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org) để tìm hiểu thêm và chia sẻ những điều các em tìm được.

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ các câu thánh thư về cách Chúa chỉ đạo Giáo Hội của Ngài?

Học viên có thể đề cập đến nhiều lẽ thật mà chúng ta có thể học được. Một lẽ thật mà anh chị em có thể nhấn mạnh là Chúa Giê Su Ky Tô dẫn dắt Giáo Hội của Ngài trên thế gian qua các chìa khóa của chức tư tế mà Ngài đã ban cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Ngài.

Để giúp học viên hiểu và cảm nhận được tầm quan trọng của lẽ thật này, anh chị em có thể cho xem video “Where Are the Keys? (Chìa Khóa Ở Đâu Rồi)” (2:51), có tại ChurchofJesusChrist.org.

Anh chị em cũng có thể đưa ra và thảo luận lời phát biểu sau đây.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích những cách mà Đấng Cứu Rỗi sử dụng các chìa khóa trong Giáo Hội của Ngài để ban phước cho cuộc sống của chúng ta:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Trong thẩm quyền của các chìa khóa này, các chức sắc chức tư tế của Giáo Hội bảo tồn sự trong sáng của giáo lý của Đấng Cứu Rỗi và sự toàn vẹn của các giáo lễ cứu rỗi của Ngài. Họ giúp chuẩn bị cho những người muốn tiếp nhận các giáo lễ đó, xét đoán khả năng và sự xứng đáng của những người thỉnh cầu, và sau đó thực hiện các giáo lễ đó.

Với các chìa khóa của vương quốc, các tôi tớ của Chúa có thể nhận ra cả lẽ thật lẫn sự dối trá, và một lần nữa nói với thẩm quyền rằng: “Chúa có phán như [vậy].” (D. Todd Christofferson, “Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 110)

  • Chúng ta có thể học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ cách Ngài sử dụng các chìa khóa của chức tư tế trong Giáo Hội của Ngài?

Để giúp học viên hiểu rõ hơn về các bổn phận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, anh chị em có thể mời các em lập ra và hoàn tất một bảng giống như sau trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em. Cho phép học viên học theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ qua các hoạt động đọc, thảo luận và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc.

Thánh Thư

Chúa ban phước cho chúng ta qua Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn như thế nào

Giáo Lý và Giao Ước 90:9

(Trong câu này, “của ngươi” là nói đến Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và “họ” đề cập đến các anh cả của Giáo Hội.)

Giáo Lý và Giao Ước 90:14–16

Giáo Lý và Giao Ước 107:8–9

Giáo Lý và Giao Ước 107:33

Giáo Lý và Giao Ước 120, tiêu đề tiết và câu 1

Giáo Lý và Giao Ước 124:125–126

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và những lời sấm của Thượng Đế

Tiết này có thể giúp học viên hiểu rằng Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua sự mặc khải cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Hãy giải thích rằng trong các đoạn này, Chúa gọi những điều mặc khải cho các vị lãnh đạo được chọn của Ngài là “những lời sấm của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 90:4–5).

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 90:4–5, tìm kiếm cảm nghĩ của Chúa về những lời sấm (hoặc những điều mặc khải) mà Ngài ban cho chúng ta qua Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Ngài.

  • Các em học được điều gì từ những câu này?

  • Có khi nào các em cảm thấy những điều mặc khải của Thượng Đế đã bảo vệ các em khỏi những cơn bão tố của cuộc đời?

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích về trách nhiệm lớn nhất của vị tiên tri của Chúa:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Một vị tiên tri không đứng ở giữa anh chị em và Đấng Cứu Rỗi. Thay vì thế, ông đứng ở bên cạnh anh chị em và chỉ con đường dẫn đến Đấng Cứu Rỗi. Trách nhiệm lớn lao nhất và món quà quý giá nhất của vị tiên tri dành cho chúng ta là lời chứng chắc chắn của ông, sự hiểu biết xác thực của ông, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Giống như Phi E Rơ thời xưa, vị tiên tri của chúng ta tuyên bố: “[Ngài là] Đấng Ky Tô, con Đức Chúa Trời hằng sống” [Ma Thi Ơ 16:16]. (Neil L. Andersen, “Vị Tiên Tri của Thượng Đế”, Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 27)

  • Vị tiên tri và các cố vấn của ông hướng chúng ta đến Chúa Giê Su Ky Tô bằng những cách nào?

    Hãy dùng những lời của các vị tiên tri để nhấn mạnh vào giáo lý và các nguyên tắc. Sinh hoạt sau đây mang đến cho học viên một cơ hội nghiên cứu những lời của các vị tiên tri.

    Hãy cho học viên có cơ hội nghiên cứu một số sứ điệp gần đây từ vị tiên tri hoặc các cố vấn của ông. Học viên có thể chọn một thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và tìm kiếm một trong những bài nói chuyện của ông tại đại hội trung ương gần đây nhất trên ChurchofJesusChrist.org. Anh chị em có thể chia lớp học thành ba nhóm, mỗi nhóm nghiên cứu những lời của một thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tìm kiếm những lời giảng dạy mà họ cảm thấy giới trẻ cần hiểu được. Sau đó, học viên có thể báo cáo những điều đã học hỏi được. Với mỗi lời giảng dạy được chia sẻ, hãy khuyến khích học viên suy ngẫm và nêu ý kiến về cách mà lời giảng dạy đó hướng chúng ta đến Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.

    Anh chị em có thể kết thúc bài học bằng cách mời một vài học viên chia sẻ những điều liên quan nhất đến bản thân mà các em đã học và cảm nhận được ngày hôm nay. Hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau:

  • Các em đã học được điều gì ngày hôm nay mà các em muốn ghi nhớ?

  • Nếu có ai đó hỏi tại sao các em lắng nghe những lời chỉ dẫn từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn thì một điều mà các em sẽ muốn giải thích với họ là gì?

In