Lớp Giáo Lý
Bài Học 105—Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21: “Ta là Chúa Sẽ Ban cho Họ Lời Hứa”


“Bài Học 105—Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21: ‘Ta là Chúa Sẽ Ban cho Họ Lời Hứa’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 105: Giáo Lý và Giao Ước 89–92

Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21

“Ta là Chúa Sẽ Ban cho Họ Lời Hứa”

Sau khi mặc khải Lời Thông Sáng cho Joseph Smith (xin xem bài học “Giáo Lý và Giao Ước 89:1–17”), Chúa Giê Su Ky Tô đã giải thích một số phước lành mà Ngài ban cho những người trung tín tuân giữ các nguyên tắc được giảng dạy trong điều mặc khải này. Bài học này nhằm giúp học viên chọn sống theo Lời Thông Sáng và nhận được các phước lành đã hứa của Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
giới trẻ tích cực hoạt động thể thao

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Rào chắn

Hãy bắt đầu lớp học bằng cách giúp học viên hiểu rằng Đấng Cứu Rỗi đã ban Lời Thông Sáng như một sự bảo vệ bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Anh chị em có thể làm việc này bằng cách vẽ lên trên bảng một vịnh biển có rào chắn nhân tạo để ngăn cách nó với đại dương bao la, giống như ví dụ sau đây.

Hình Ảnh
hình vẽ đại dương

Hãy giải thích rằng Anh Cả Von G. Keetch (1960–2018) thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã học được một bài học quan trọng trên một bãi biển tương tự như thế này. Hãy chia sẻ kinh nghiệm của ông bằng cách sử dụng đoạn sau đây và lời phát biểu của ông ở bên dưới.

Anh Cả Von G. Keetch đang tận hưởng một ngày trên bãi biển thì một nhóm khách chơi lướt sóng trở nên bực bội khi thấy một rào chắn nhân tạo được dựng lên giữa vịnh và đại dương bao la. Những người lướt sóng cáu gắt phàn nàn rằng rào chắn đã làm hỏng chuyến đi của họ khi nó ngăn cản họ lướt trên những con sóng lớn hơn đang cuồn cuộn ngoài vịnh.

Hình Ảnh
Anh Cả Von G. Keetch

Cuối cùng, [một người lướt sóng lớn tuổi ở địa phương] đã đứng dậy và đi đến chỗ cả nhóm. Không nói gì, ông ta lôi ra một cái ống nhòm từ túi đeo lưng và đưa cho một trong những người lướt sóng đó, chỉ tay về phía [rào chắn]. [Từng] người lướt sóng nhìn qua ống nhòm. Rồi đến lượt tôi, với sự hỗ trợ của chiếc ống nhòm, tôi đã thấy được một thứ gì đó mà tôi không thể thấy trước đây: vây trên lưng cá—những con cá mập to lớn đang ăn gần rặng san hô ở phía bên kia [rào chắn]. …

Trong khi đứng trên bãi biển tuyệt đẹp đó, quan điểm của chúng tôi đột nhiên thay đổi. Một hàng rào [chắn] mà [tưởng chừng] như cứng nhắc và hạn chế—dường như cướp đi sự thú vị và phấn khởi của việc cưỡi trên những làn sóng thật lớn—đã trở thành một điều gì đó rất khác biệt. Với sự hiểu biết mới của chúng tôi về mối nguy hiểm ẩn núp ngay dưới mặt nước, thì hàng rào [chắn] giờ đây mang đến sự bảo vệ, an toàn và bình an. (Von G. Keetch, “Trạng Thái Đầy Phước Lành và Hạnh Phúc của Những Người Tuân Giữ Các Lệnh Truyền của Thượng Đế)”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 116)

  • Trải nghiệm của Anh Cả Keetch có thể dạy chúng ta điều gì về Thượng Đế và các lệnh truyền của Ngài?

  • Những lệnh truyền nào cho các em thấy rõ nhất ước muốn bảo vệ chúng ta của Thượng Đế? Tại sao?

    Anh chị em có thể ghi vào rào chắn ngăn giữa vịnh và đại dương r bao la trên bảng là “Lời Thông Sáng”. Hãy mời những học viên xung phong chia sẻ điều các em nhớ về Lời Thông Sáng. (Nếu học viên đã làm các cuốn sách nhỏ để ghi lại Lời Thông Sáng trong bài học trước thì các em có thể xem lại chúng để được giúp đỡ.)

    Anh chị em cũng có thể nhắc học viên đọc lại và chia sẻ các cụm từ trong Giáo Lý và Giao Ước 89:1–4, mà mô tả các động cơ của Chúa khi mặc khải Lời Thông Sáng.

    Cân nhắc đưa ra những câu hỏi sau đây và mời học viên ghi lại câu trả lời của mình vào nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Các em thấy Lời Thông Sáng là một phước lành từ Cha Thiên Thượng hay là một hạn chế trong cuộc sống của mình?

  • Các em biết gì về các phước lành mà Cha Thiên Thượng ban cho những người tuân giữ Lời Thông Sáng?

  • Việc tuân giữ Lời Thông Sáng quan trọng như thế nào đối với các em? Tại sao?

Các phước lành mà Đấng Cứu Rỗi muốn ban cho chúng ta

Sau khi mặc khải Lời Thông Sáng cho Joseph Smith, Chúa Giê Su Ky Tô đã giải thích các phước lành mà Ngài và Cha Thiên Thượng ban cho những người trung tín tuân theo điều mặc khải này.

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21, sau đó đánh dấu từng lời hứa mà hai Ngài lập với những người biết vâng lời.

Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

Ở khu vực vịnh trong bản vẽ trên bảng, học viên có thể viết các phước lành các em tìm thấy. Hãy chắc chắn là học viên nhận ra rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta phước lành về sức khỏe, sự khôn ngoan, sức chịu đựng và sự bảo vệ nếu chúng ta tuân theo Lời Thông Sáng của Ngài.

  • Các em nghĩ một số người có thể có những câu hỏi nào khi họ đọc những lời hứa này của Chúa?

Dựa trên các câu hỏi mà học viên chia sẻ và thời gian đang có, hãy xác định xem phần nào trong ba phần sau đây của bài học sẽ hữu ích nhất cho học viên. Anh chị em có thể cho phép cả lớp chọn ra các phần mà các em muốn học.

Các phước lành về sức khỏe và sức chịu đựng (các câu 18, 20)

Phần này có thể giúp học viên hiểu rằng Chúa không hứa ban sức khỏe hoàn hảo cho những người tuân giữ Lời Thông Sáng, nhưng Ngài sẽ ban cho người vâng lời có một sức khỏe tốt hơn so với khi họ không tuân theo lời khuyên bảo của Ngài.

Đọc các đoạn 7–8 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023). Ngoài ra, đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Ông đề cập đến một kinh nghiệm ông đã có khi còn là một thanh niên trong quân đội. Ở đó, ông nhận thấy rằng một số người lính không tuân theo Lời Thông Sáng đã vượt qua ông trong cuộc huấn luyện thể lực. Hãy tìm kiếm các lẽ thật có thể giúp một người nào đó trả lời những câu hỏi họ có về những lời hứa Chúa đã lập trong Giáo Lý và Giao Ước 89:18, 20.

Hình Ảnh
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf

Cuối cùng, tôi đã biết được rằng những lời hứa của Thượng Đế không phải luôn luôn được làm tròn một cách nhanh chóng hoặc theo cách chúng ta có thể hy vọng; những lời hứa này đến theo kỳ định và cách thức của Ngài. Nhiều năm sau, tôi có thể thấy rõ bằng chứng của các phước lành thể chất đến với những người nào tuân theo Lời Thông Sáng—ngoài các phước lành thuộc linh đến ngay lập tức từ việc tuân theo bất cứ luật pháp nào của Thượng Đế. Khi nhìn lại, tôi biết chắc rằng những lời hứa của Chúa, [nếu không đến nhanh chóng, thì chắc chắn vẫn sẽ đến]. (Dieter F. Uchtdorf, “Tiếp Tục Kiên Nhẫn”, Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 58)

  • Các em đã học được điều gì về Chúa và những lời hứa của Ngài mà có thể giúp những người dù trung tín tuân giữ Lời Thông Sáng nhưng vẫn gặp khó khăn với những thử thách về sức khỏe?

Các phước lành về sự khôn ngoan và hiểu biết (câu 19 )

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 29:34, sau đó nghĩ về cách áp dụng giáo lý mà Đấng Cứu Rỗi giảng dạy trong câu này cho Lời Thông Sáng.

  • Làm thế nào mà Lời Thông Sáng chủ yếu là một phước lành về thuộc linh hơn là một phước lành về thể chất?

  • Khi chúng ta tuân theo Lời Thông Sáng, trong những phương diện nào Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta nhiều sự khôn ngoan và hiểu biết thế tục hơn? nhiều sự khôn ngoan và hiểu biết thuộc linh hơn?

  • Việc tuân theo Lời Thông Sáng giúp chúng ta nhận được sự mặc khải từ Thượng Đế qua Đức Thánh Linh một cách trọn vẹn hơn như thế nào?

Để giúp học viên trả lời câu hỏi trước, anh chị em có thể cần chia sẻ lời phát biểu đầu tiên của Chủ Tịch Boyd K. Packer trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”.

Là bằng chứng về việc Thượng Đế ban phước cho những người tuân giữ các luật pháp về sức khỏe của Ngài, hãy cân nhắc trưng ra bức tranh này về Đa Ni Ên từ chối ăn “đồ ngon [của] vua” (Đa Ni Ên 1:8). Yêu cầu học viên chia sẻ những điều họ nhớ được về câu chuyện này. Nếu cần, anh chị em có thể chia sẻ một số đoạn sau đây để nhắc các em.

Hình Ảnh
Đa Ni Ên từ chối thức ăn của nhà vua

Đa Ni Ên và những người trẻ tuổi khác đang sống ở Ba Bi Lôn được dạy dỗ và huấn luyện để trở thành những người thông thái phục vụ nhà vua. Khi họ được ban đồ ăn của vua, Đa Ni Ên đã từ chối theo luật sức khỏe của Chúa vào lúc đó. Người tôi tớ của nhà vua đã cho phép Đa Ni Ên và bạn ông được thử ăn những thức ăn khác trong 10 ngày để xem họ có còn khỏe mạnh và thông minh như những người còn lại trong chương trình hay không.

Hãy đọc Đa Ni Ên 1:17–20, để tìm kiếm bằng chứng về các phước lành thế tục và thuộc linh về sự thông sáng mà Thượng Đế đã ban cho Đa Ni Ên và những người bạn đồng hành của ông.

  • Các em đã thấy bằng chứng nào về các phước lành của Thượng Đế?

Các phước lành mang lại sự bảo vệ (câu 21)

Hình Ảnh
sự chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua

Cân nhắc trưng ra hình ảnh này về Lễ Vượt Qua và thu hút sự chú ý của học viên đến vết máu trên các cột cửa. Hãy giải thích rằng sự bảo vệ khỏi “thiên sứ hủy diệt” có thể nhắc chúng ta nhớ về khi dân Y Sơ Ra Ên được bảo vệ khỏi tai họa cái chết của con đầu lòng mà đã quét qua Ai Cập thời xưa. Những người biết vâng lời đã phết máu cừu lên trên các cột cửa (tượng trưng cho máu Chiên Con của Thượng Đế) và đều được tha. Lời hứa bảo vệ này có thể có ý nói đến sự an toàn về thể chất và thuộc linh.

Trong đại dương bao la trên hình vẽ ở trên bảng, học viên có thể liệt kê xem qua Lời Thông Sáng, Đấng Cứu Rỗi bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hiểm nào. (Các em có thể liệt kê ra những điều như chứng nghiện, bệnh tật, sự không xứng đáng, mối quan hệ bị rạn nứt, v.v.)

Để giúp học viên thảo luận về sự bảo vệ thuộc linh mà Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta, anh chị em có thể chia sẻ lời phát biểu thứ hai của Chủ Tịch Packer trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”.

  • Các em đã thấy những ví dụ nào về sự bảo vệ của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình khi các em tuân giữ Lời Thông Sáng?

Tuân giữ Lời Thông Sáng

Hãy cân nhắc việc làm chứng về cách Chúa đã ban phước cho anh chị em vì đã tuân giữ Lời Thông Sáng. Khuyến khích học viên ghi lại câu trả lời của các em cho những câu hỏi sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập:

  • Dựa trên những điều các em đã học được về Lời Thông Sáng, tại sao việc tuân theo điều mặc khải này từ Đấng Ky Tô là xứng đáng?

Hãy lập một kế hoạch giúp các em tuân giữ Lời Thông Sáng. Hãy nghĩ về những tình huống hoặc cám dỗ mà các em có thể gặp phải và quyết định cách tốt nhất để vượt qua chúng. Hãy cân nhắc chia sẻ những ước muốn và kế hoạch của các em với Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện và cầu xin sức mạnh của Ngài để thành công.

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể cần giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong suốt bài học này, sau đó ôn lại chúng trong các bài học tới. Cụm từ then chốt trong thánh thư là “Các phước lành của Lời Thông Sáng”. Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm trong tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý.”

In