Lớp Giáo Lý
Bài Học 126—Giáo Lý và Giao Ước 112: “Chúa Thượng Đế của Ngươi Sẽ Nắm Tay Dẫn Dắt Ngươi”


“Bài Học 126—Giáo Lý và Giao Ước 112: ‘Chúa Thượng Đế của Ngươi Sẽ Nắm Tay Dẫn Dắt Ngươi,’” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 112,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 126: Giáo Lý và Giao Ước 111–114

Giáo Lý và Giao Ước 112

“Chúa Thượng Đế của Ngươi Sẽ Nắm Tay Dẫn Dắt Ngươi”

Lòng khiêm nhường của Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp Ngài hiểu và làm tròn ý muốn của Cha Ngài trong suốt giáo vụ trên trần thế của Ngài (xin xem Giăng 5:30). Trong Giáo Lý và Giao Ước 112, Đấng Cứu Rỗi đã dạy Thomas B. Marsh rằng lòng khiêm nhường có thể giúp chúng ta nhận được sự chỉ dẫn từ Cha Thiên Thượng. Mục đích của bài học này là nhằm giúp học viên khiêm nhường tìm kiếm sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng.

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô phục sự một đứa trẻ

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng

Để chuẩn bị cho học viên học về việc nhận được sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng, anh chị em có thể cho xem các câu hỏi sau đây và mời học viên suy ngẫm về những câu trả lời của các em. Anh chị em cũng có thể yêu cầu học viên chọn một hoặc hai câu hỏi để trả lời trong nhật ký học tập của mình.

  • Các em cần sự hướng dẫn nào từ Cha Thiên Thượng trong cuộc sống của mình?

  • Điều gì giúp các em nhận được sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng?

  • Đôi khi điều gì cản trở việc nhận được sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng?

Khi chúng ta thảo luận một trong những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi về việc nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng, hãy chú ý đến điều Thánh Linh dạy các em về cách các em có thể cải thiện khả năng của mình để được Ngài dẫn dắt.

Lòng khiêm nhường dẫn đến sự hướng dẫn thiêng liêng

Để giúp học viên hiểu thêm về bối cảnh của Giáo Lý và Giao Ước 112 và lý do tại sao Thomas B. Marsh đã tìm kiếm sự hướng dẫn từ Chúa, anh chị em có thể cho xem thông tin sau đây và mời một học viên đọc nó:

Vào năm 1837, Thomas B. Marsh đang phục vụ với tư cách là Chủ Tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Một tinh thần bội giáo và chỉ trích đã phát triển trong một số Thánh Hữu ở Kirtland, kể cả một số thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Vào tháng Một năm 1837, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã tổ chức một ngân hàng tên là Hội An Toàn Kirtland. Vì phải đối phó với nhiều thử thách khác nhau, kể cả một cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn quốc, cuối cùng ngân hàng đã thất bại, làm cho sự phản đối Tiên Tri Joseph Smith càng trở nên gắt gao. Lo lắng về những sự bất đồng này, Thomas B. Marsh rời khỏi nhà ở Missouri và đi đến Kirtland, quyết tâm gặp với Nhóm Túc Số Mười Hai và bày tỏ sự ủng hộ đối với Joseph. Tuy nhiên, khi đến nơi, Chủ Tịch Marsh biết được rằng Joseph đã gửi hai thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai đến nước Anh để phục vụ truyền giáo. Với tư cách là chủ tịch nhóm túc số, Chủ Tịch Marsh buồn rầu vì Joseph đã không tìm kiếm lời khuyên bảo của mình trước. Tuy nhiên, Thomas B. Marsh đã đến thăm Joseph Smith để tìm kiếm những sự chỉ dẫn từ Chúa.

Hãy quyết định phương pháp đọc nào sẽ giúp học viên của anh chị em học các câu sau đây một cách hữu hiệu nhất. Anh chị em có thể chia các câu này ra cho từng học viên hoặc nhóm học viên. Hoặc nhiều học viên có thể tình nguyện đọc to các nhóm câu thánh thư trong khi cả lớp dò theo.

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 112:2–3, 10, 12–15, 20–22, 28, 33–34, tìm kiếm lời khuyên dạy Chúa ban cho Thomas B. Marsh mà sẽ giúp ông nhận được sự hướng dẫn từ Chúa.

  • Các em đã tìm thấy những từ hoặc cụm từ có ý nghĩa nào?

  • Chúng ta có thể nhận ra một vài nguyên tắc nào từ những câu này?

Học viên có thể nhận ra nhiều nguyên tắc từ việc học tập của mình. Hãy tuân theo những thúc giục từ Đức Thánh Linh để đặt ra thêm những câu hỏi giúp gia tăng sự hiểu biết của học viên về các nguyên tắc mà các em nhận ra. Phần còn lại của bài học này sẽ tập trung vào lẽ thật rằng nếu chúng ta khiêm nhường thì Cha Thiên Thượng sẽ dẫn dắt chúng ta và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta (xin xem câu 10).

Để giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của các em về nguyên tắc này, hãy cân nhắc việc sắp xếp các học viên thành các nhóm để thảo luận các câu hỏi sau đây. Sau đó các em có thể đọc lời phát biểu của Anh Cả Soares và thảo luận câu hỏi sau đây:

  • Các em định nghĩa lòng khiêm nhường là gì?

  • Làm thế nào tính khiêm nhường giúp chúng ta nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình?

Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Ulisses Soares

Thưa các anh chị em, tôi tin rằng chỉ có những người nào khiêm tốn mới có thể nhận ra và hiểu những sự đáp ứng của Chúa cho những lời cầu nguyện của họ. Người khiêm tốn là dễ dạy, công nhận rằng mình phụ thuộc vào Thượng Đế và mong muốn tuân phục ý Ngài. Người khiêm tốn là người nhu mì và có khả năng để ảnh hưởng đến những người khác cũng giống như mình vậy. Lời hứa của Thượng Đế cho người khiêm tốn là Ngài sẽ nắm tay dẫn dắt họ. Tôi thực sự tin rằng chúng ta sẽ tránh được những điều làm cho chúng ta đi sai đường và [những] buồn phiền trong cuộc sống chừng nào chúng ta còn bước đi tay trong tay với Chúa. (Ulisses Soares, “Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 10)

  • Các em đã tìm thấy điều gì khác giúp gia tăng sự hiểu biết của mình về câu 10?

Anh chị em có thể muốn tạo một cơ hội nhỏ cho một vài nhóm chia sẻ điều các em học được từ cuộc thảo luận của mình.

Những cách thức chúng ta có thể khiêm nhường trong những lời cầu nguyện của mình

Hãy nghĩ về những cách để giúp học viên hiểu cách chúng ta có thể cho thấy lòng khiêm nhường trong những lời cầu nguyện của mình. Học viên cũng có thể liệt kê các ý tưởng của các em lên trên bảng. Các em cũng có thể nghiên cứu và thảo luận một số ý kiến sau đây. Hãy cho học viên một cơ hội để chia sẻ điều mà Thánh Linh đang giảng dạy cho các em.

Sau đây là một số cách thức chúng ta có thể cho thấy lòng khiêm nhường khi cầu nguyện:

  • Chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn (xin xem tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 19:19–20, 27–28).

  • Chúng ta có thể thừa nhận sự yếu kém của mình và quyền năng của Cha Thiên Thượng (xin xem tấm gương của anh trai của Gia Rết trong Ê The 3:1–6).

  • Chúng ta có thể kiếm những ý kiến giúp chúng ta sửa sai (xin xem Hê Bơ Rơ 12:5–9).

Anh chị em cũng có thể mời học viên suy ngẫm về những lúc Cha Thiên Thượng đã đáp ứng những lời cầu nguyện của các em để ban cho các em sự hướng dẫn mà các em cần. Một vài học viên nào sẵn sàng thì có thể chia sẻ những câu trả lời của các em.

Sau đây là phần cho học viên một cơ hội lập một kế hoạch để khiêm nhường tìm kiếm sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng:

Hãy lắng nghe những sự thúc giục từ Đức Thánh Linh khi các em trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập của mình:

  • Các em đang tìm kiếm sự hướng dẫn nào từ Cha Thiên Thượng?

  • Các em có thể làm gì để tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài?

Hãy mời học viên hành động theo những ấn tượng mà các em nhận được. Anh chị em có thể chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân về việc nhận được sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng trong cuộc sống của mình.

In