Lớp Giáo Lý
Bài Học 127—Đánh Giá Việc Học Tập Của Em 8: Giáo Lý và Giao Ước 95–115


“Bài Học 127—Đánh Giá Việc Học Tập Của Em 8: Giáo Lý và Giao Ước 95–115,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Đánh Giá Việc Học Tập Của Em 8”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 127: Giáo Lý và Giao Ước 111–115

Đánh Giá Việc Học Tập của Em 8

Giáo Lý và Giao Ước 95–115

những viên đá xếp chồng lên nhau

Việc suy ngẫm và đánh giá quá trình học hỏi về phần thuộc linh của chúng ta có thể giúp chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Bài học này có thể giúp học viên ghi nhớ và đánh giá xem những kinh nghiệm của các em trong việc học tập Giáo Lý và Giao Ước đã giúp các em phát triển về phần thuộc linh như thế nào.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Đánh giá sự tiến triển thuộc linh của các em

Hãy mang một vài viên đá có kích cỡ khác nhau đến lớp học, và yêu cầu học viên dấu đi đường. Mời học viên xếp một vài viên đá chồng lên nhau và tìm kiếm điều gì tạo ra một nền móng vững chắc. (Ngoài ra, hãy cho thấy hình ảnh của một dấu đi đường.) Anh chị em có thể đề cập đến việc từ thời xưa đến nay, những dấu đi đường như vậy giúp mang lại sự an toàn và cung cấp chỉ dẫn cho lữ khách. Anh chị em có thể đặt những câu hỏi sau đây về sinh hoạt này.

  • Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã đưa ra những dấu đi đường nào để hướng dẫn chúng ta trên con đường giao ước quay trở về nơi hiện diện của hai Ngài?

  • Làm thế nào mà một dấu đi đường có thể là một biểu tượng về Đấng Cứu Rỗi?

Hãy giúp học viên nhận ra rằng các đoạn thánh thư mà các em đã nghiên cứu, các bài học các em đã học được, và những lời giảng dạy mà các em đã áp dụng trong khi học Giáo Lý và Giao Ước có thể giống như những viên đá xếp chồng lên nhau, mang đến sự an toàn và hướng dẫn khi các em đi trên con đường giao ước. Mời học viên xem lại những ghi chú của các em và thánh thư đã học trong vài tuần qua (Giáo Lý và Giao Ước 95–115), suy ngẫm về các lẽ thật các em đã học được.

Khi suy ngẫm về kinh nghiệm của mình trong việc học Giáo Lý và Giao Ước, hãy thành tâm mời Thánh Linh giúp các em nhận ra sự tiến triển mà các em đang có để hướng đến Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của mình, Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy cho xem các câu hỏi sau đây để giúp học viên suy ngẫm về sự phát triển thuộc linh của các em. Sau đó, hãy mời học viên trả lời hai hay nhiều câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập của các em.

  • Các em đã học hoặc áp dụng được một số lẽ thật thuộc linh nào mà đã giúp các em cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Những lẽ thật này đã cho các em sự hướng dẫn và an toàn trên con đường giao ước như thế nào?

  • Các đoạn thánh thư nào từ Giáo Lý và Giao Ước có ý nghĩa đối với các em? Tại sao?

Khi học viên đã có đủ thời gian để ghi lại các câu trả lời của mình, hãy mời một vài em tình nguyện chia sẻ những ý kiến không quá cá nhân. Các em có thể chia sẻ các đoạn thánh thư có ý nghĩa đối với mình và lý do. Trong khi học viên chia sẻ, các em có thể thêm các viên đá vào dấu đi đường.

Hãy cân nhắc những sự thúc giục của Thánh Linh và nhu cầu của học viên khi anh chị em chọn sinh hoạt nào trong số các sinh hoạt sau đây để sử dụng.

Hãy giải thích cách chức tư tế và các chìa khóa chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi ban phước cho Giáo Hội của Ngài

Giúp học viên đánh giá điều các em đã học được gần đây về chức tư tế và các chìa khóa của chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi. Trong khi học Bài Học 119: Giáo Lý và Giao Ước 107:1–20, học viên có thể đã học được rằng những người phục vụ trong Giáo Hội có thể sử dụng quyền năng của Đấng Cứu Rỗi qua chức tư tế của Ngài. Trong khi học Giáo Lý và Giao Ước 110, Phần 2, học viên có thể đã học về sự phục hồi các chìa khóa của chức tư tế cho Joseph Smith và Oliver Cowdery trong đền thờ Kirtland.

Anh chị em có thể chia sẻ tình huống sau đây. Trong khi ghi ra câu trả lời, học viên có thể xem lại những ghi chú mà các em đã viết trong nhật ký hoặc thánh thư mà các em đã đánh dấu.

Becky và Michael là chị em ruột mới gia nhập Giáo Hội. Họ là những tín hữu duy nhất trong gia đình của mình. Cả hai đều có chứng ngôn vững mạnh về Sách Mặc Môn, Tiên Tri Joseph Smith, và Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng nhận ra rằng họ vẫn còn nhiều điều để học hỏi. Tại nhà thờ, vào một ngày Chủ Nhật nọ, họ nghe một người nào đó nói về cách mà chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi và các chìa khóa chức tư tế ban phước cho mỗi tín hữu của Giáo Hội. Họ thực sự không biết điều đó có nghĩa là gì.

  • Các em có thể dùng điều gì từ việc học sách Giáo Lý và Giao Ước gần đây để giúp Becky và Michael hiểu rõ hơn cách mà quyền năng chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi và các chìa khóa chức tư tế ban phước cho chúng ta với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội?

Nếu học viên cần giúp đỡ, anh chị em có thể muốn vẽ lại cái cây trên bảng từ Bài Học 119: Giáo Lý và Giao Ước 107:1–20 và ghi chú các nhánh cây với tên của các tổ chức khác nhau trong Giáo Hội. Học viên có thể chia sẻ rằng những người nam và người nữ nhận được sự kêu gọi trong Giáo Hội đều có được quyền năng từ Đấng Cứu Rỗi để phục vụ những người khác trong Giáo Hội của Ngài. Trong lời giải thích của mình, học viên có thể dùng các câu từ tiết 107 để minh họa cho việc mọi thẩm quyền và chức phẩm trong Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi đều phụ thuộc vào Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Một số câu thánh thư các em có thể sử dụng có thể gồm có các câu 5, 8, 14, 18–20, hoặc các câu khác mà các em chọn để giảng dạy điều này.

Ngoài ra, anh chị em có thể cho xem hình ảnh về những lần hiện đến của Môi Se, Ê Li A, và Ê Li trong đền thờ Kirtland, được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước 110. Hãy mời học viên chia sẻ những vị này là ai và họ đã phục hồi những chìa khóa nào. Khuyến khích các em sử dụng các câu từ tiết 110 trong những lời giải thích của mình.

Cảm thấy tin tưởng nhiều hơn vào việc Các Sứ Đồ là các nhân chứng đặc biệt cho Chúa Giê Su Ky Tô

Trong một bài học gần đây, học viên có thể đã học được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là các nhân chứng đặc biệt cho tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới như thế nào (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:23). Hãy cho học viên một cơ hội để suy ngẫm về chứng ngôn của các em rằng các vị tiên tri và sứ đồ là các nhân chứng đặc biệt của Đấng Ky Tô trong thời kỳ của chúng ta và họ được Chúa Giê Su Ky Tô truyền lệnh phải giúp chúng ta đến gần Ngài hơn.

Một cách để làm điều này có thể là trưng ra một bức hình mới đây của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và đặt câu hỏi sau đây. Anh chị em có thể cho học viên thời gian để suy ngẫm và ghi lại những suy nghĩ của các em vào nhật ký học tập. Sau vài phút, hãy cho phép những học viên nào sẵn lòng để chia sẻ.

  • Các em đã làm gì gần đây mà đã ảnh hưởng đến chứng ngôn của các em rằng các vị tiên tri và sứ đồ thực sự là các nhân chứng đặc biệt cho Đấng Ky Tô?

    Nếu anh chị em cảm thấy rằng học viên có thể sử dụng một sinh hoạt bổ sung để tăng thêm lòng tin về việc các vị tiên tri và sứ đồ là các nhân chứng đặc biệt cho Đấng Ky Tô thì anh chị em có thể mời các em thực hiện một trong các sinh hoạt sau đây:

  • Chọn ra một sứ điệp gần đây từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hoặc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ mà có ý nghĩa đối với các em. Hãy suy ngẫm xem sứ điệp đó đã ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ của các em về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Hãy hưởng ứng một lời mời trên mạng truyền thông xã hội của một trong các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hoặc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Chia sẻ lời mời đó trên trang truyền thông xã hội của các em.

  • Trên các trang mạng xã hội, hãy trả lời một bài đăng hoặc gửi một tin nhắn trực tiếp đến một thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hoặc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ để bày tỏ lòng biết ơn của các em về một sứ điệp gần đây mà đã giúp các em cảm thấy gần gũi hơn với Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.

Sau một lúc, một vài học viên có thể chia sẻ với cả lớp điều các em đã viết hoặc đăng.

Chuẩn bị để thờ phượng Chúa trong đền thờ

Trong các bài học trước, học viên đã có cơ hội để chuẩn bị thờ phượng Chúa trong đền thờ của Ngài. Sau đây là một số phần tóm lược các bài học gần đây mà đã giúp ích cho điều này:

  • Trong tiết 95, học viên có thể đã thảo luận về việc dâng của lễ hy sinh để thờ phượng trong đền thờ.

  • Trong tiết 97, các em có thể xem lại những câu hỏi trong cuộc phỏng vấn xin giấy giới thiệu đi đền thờ giúp chúng ta trở nên thanh khiết trong tấm lòng như thế nào.

  • Trong tiết 109, học viên đã khám phá ra các phước lành liên quan đến việc thờ phượng trong đền thờ và xem xét cách các phước lành này có thể thúc đẩy các em trong cuộc sống.

  • Trong tiết 110, học viên có thể đã thảo luận về sự xứng đáng của các em có thể giúp các em cảm thấy gần gũi với Chúa trong đền thờ của Ngài như thế nào (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:5–10).

Mời học viên xem lại các mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể mà các em đã lập để giúp chuẩn bị cho việc thờ phượng Ngài trong đền thờ của Ngài.

  • Các em đã thực hiện những nỗ lực nào để chuẩn bị tốt hơn cho việc thờ phượng Chúa trong đền thờ?

Nếu học viên có được lợi ích từ những câu hỏi cụ thể hơn về các kế hoạch hoặc mục tiêu mà các em có thể đã thực hiện thì anh chị em có thể trưng ra nội dung sau đây cho học viên và yêu cầu các em trả lời trong nhật ký học tập của mình.

Hãy tìm kiếm sự mặc khải cá nhân để hướng dẫn các em khi các em trả lời một hoặc nhiều câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập của mình:

  • Các em đã hy sinh hoặc sẵn lòng hy sinh những gì để cho thấy rằng việc thờ phượng Chúa trong đền thờ là một ưu tiên trong cuộc sống của mình?

  • Các em đã thấy các phước lành nào trong cuộc sống của mình khi suy ngẫm về những câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn xin giấy giới thiệu để chuẩn bị bước vào ngôi nhà của Chúa?

  • Các em đã làm gì để nỗ lực trở nên xứng đáng với việc thờ phượng Chúa trong đền thờ?

Hãy nghĩ xem các em đã được ban phước như thế nào vì những nỗ lực của mình. Các em sẽ tiếp tục làm gì hoặc bắt đầu làm gì để chuẩn bị kỹ hơn cho việc thờ phượng trong đền thờ của Ngài?

Hãy khuyến khích học viên hành động theo bất cứ thay đổi nào các em đã cảm thấy được thúc giục để thực hiện khi các em xem lại sự tiến triển của mình. Anh chị em có thể khen ngợi những nỗ lực của học viên để đặt Cha Thiên Thượng, Đấng Cứu Rỗi, và phúc âm làm ưu tiên trong cuộc sống của mình. Anh chị em có thể kết thúc bằng cách chia sẻ một ví dụ về các phước lành anh chị em đã nhận được từ những chuẩn bị của mình để thờ phượng Đấng Cứu Rỗi trong đền thờ của Ngài.