Lớp Giáo Lý
Bài Học 131—Giáo Lý và Giao Ước 121–123: “Bình Yên cho Tâm Hồn Ngươi”


“Bài Học 131—Giáo Lý và Giao Ước 121–123: ‘Bình Yên cho Tâm Hồn Ngươi,’” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 121–123,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 131: Giáo Lý và Giao Ước 121–123

Giáo Lý và Giao Ước 121–123

“Bình Yên cho Tâm hồn Ngươi”

Sau khi bị phản bội và bị bắt giữ vì những cáo buộc sai lầm, Tiên Tri Joseph Smith và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã bị giam trong một ngục thất nhỏ ở Liberty, Missouri. Vào mùa đông năm 1838–1839, Các Thánh Hữu ở Missouri đã phải chịu đựng rất nhiều khốn khổ trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Giữa nỗi đau khổ này, Chúa đã an ủi họ với lời khuyên dạy đầy trắc ẩn và sự hiểu biết từ thiên thượng. Bài học này có thể giúp học viên hiểu cách Thượng Đế có thể giúp chúng ta qua những thử thách của chúng ta.

Hình Ảnh
Ngục Thất Liberty và vùng phụ cận

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

“Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?”

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy cân nhắc việc trưng ra các câu hỏi sau đây cho học viên thấy khi các em đến lớp. Khi lớp học bắt đầu, hãy mời học viên chia sẻ những tình huống thực tế mà có thể khiến một người đặt những câu hỏi như thế này.

Sau khi học viên đã chia sẻ, hãy mời các em suy ngẫm về những thử thách mà các em hoặc những người thân yêu của các em hiện đang gặp phải. Khuyến khích học viên ghi lại bất cứ ý nghĩ hoặc cảm nghĩ nào các em có thể có về những thử thách của mình, kể cả nếu các em có những câu hỏi giống như những câu hỏi được chia sẻ trên bảng.

Khi học viên tiếp tục học, hãy khuyến khích các em mời Đức Thánh Linh giúp các em nhận ra các nguyên tắc thiêng liêng mà có thể mang đến sự bình an và an ủi cá nhân trong những thử thách.

Bối cảnh lịch sử

Hình Ảnh
bên ngoài và bên trong Ngục Thất Liberty

Việc trưng ra hình ảnh của Ngục Thất Liberty có thể giúp học viên hiểu những gì mà Joseph Smith và những tù nhân khác đã trải qua.

Ngoài ra, anh chị em có thể sắp xếp các học viên thành các nhóm ba người và cung cấp một trong những phần tóm lược sau đây cho mỗi học viên trong nhóm. Mời các em thay phiên nhau đọc những phần tóm lược của mình và chia sẻ điều các em có thể đang suy ngẫm hoặc cảm thấy nếu các em được đặt vào những hoàn cảnh tương tự.

Tóm lược 1: Vào ngày 31 tháng Mười năm 1838, George Hinkle, một tín hữu của Giáo Hội và là một đại tá trong lực lượng dân quân tiểu bang Missouri, đã phản bội Joseph Smith. Hinkle nói với Joseph rằng các thành viên của lực lượng dân quân Missouri, là những người đã vây hãm Các Thánh Hữu ở Far West, Missouri, muốn gặp gỡ và thảo luận về các điều khoản hòa bình. Khi đến buổi họp với lá cờ đình chiến, Joseph và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã bị bắt giữ một cách thô bạo như những tù binh chiến tranh.

Tóm lược 2: Trong tháng kế tiếp, Joseph và những người cộng sự đã bị ngược đãi và bị chuyển từ ngục thất này đến ngục thất khác trong khi chờ đợi một phiên tòa dựa trên những lời cáo buộc sai trái. Vào ngày 1 tháng Mười Hai năm 1838, những người này bị cầm tù trong một ngục thất nhỏ ở Liberty, Missouri. Trong bốn tháng kế tiếp, Joseph Smith, anh trai của ông là Hyrum, Alexander McRae, Lyman Wight, và Caleb Baldwin đã bị giam giữ trong hầm tối của Ngục Thất Liberty giữa một mùa đông vô cùng lạnh giá. Sidney Rigdon cũng ở đó với họ trong một thời gian, nhưng quan tòa đã cho phép thả ông vào cuối tháng Một năm 1839.

Tóm lược 3: Kích thước của hầm ngục là khoảng 14 thước x 14 thước (4,3 mét x 4,3 mét), và trần nhà cao khoảng 6 đến 6,5 thước (khoảng 1,8 đến 2 mét). Ánh sáng thiên nhiên hoặc không khí trong lành duy nhất đến từ hai cửa sổ nhỏ, có chấn song gần trần nhà. Từ bên ngoài các cửa sổ này, người ta thường chế nhạo và sỉ nhục các tù nhân. Những người đàn ông bị bắt buộc phải ngủ trên sàn nhà chỉ với một chút rơm bẩn để làm đệm lót và được che chắn rất hạn chế khỏi cái lạnh. Hầm ngục có một cái xô để chất thải của tù nhân, và số thức ăn ít ỏi được cung cấp thật ghê tởm đến nỗi những người đàn ông chỉ có thể ăn nó do bị đói đến cùng cực mà thôi. Thỉnh thoảng, thức ăn bị nhiễm độc. Các tù nhân nhớ bạn bè và gia đình của họ rất nhiều và cảm thấy buồn rầu vô cùng khi nghe tin Các Thánh Hữu khốn khổ bị đuổi ra khỏi Missouri giữag mùa đông lạnh lẽo.

Anh chị em có thể chỉ ra rằng Giáo Lý và Giao Ước 121–123 chứa đựng những phần chọn lọc từ một bức thư mà Tiên Tri Joseph đã gửi cho Các Thánh Hữu. Ông viết lá thư đó vào gần cuối thời gian ông bị giam cầm ở Ngục Thất Liberty sau nhiều tháng chịu đau khổ. Bức thư này gồm có một số lời khẩn khoản chân thành của Joseph và lời khuyên dạy đầy yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.

Các Bài Học từ Ngục Thất Liberty

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 121:1–6, tìm kiếm những câu hỏi và lời khẩn nài mà Joseph Smith đã bày tỏ với Chúa.

Giúp học viên kết nối thánh thư với cuộc sống của các em: Các câu hỏi sau đây là một ví dụ về việc giúp học viên kết nối điều các em đang học với cuộc sống của chính mình. Để thực tập cách làm điều này nhiều hơn, xin xem phần huấn luyện có tiêu đề “Chuẩn Bị Những Lời Mời và Những Thúc Giục Mà Giúp Học Viên Tìm Thấy Sự Liên Quan Cá Nhân với một Khối Thánh Thư,” được tìm thấy trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên.

  • Các em có thể liên hệ bản thân với những câu thắc mắc hoặc thỉnh cầu nào của Joseph Smith?

  • Những lời của Joseph Smith đã cho thấy đức tin và sự tôn kính của ông đối với Thượng Đế như thế nào?

Cân nhắc việc mời học viên đặt tựa đề cho một trang trống trong nhật ký học tập của các em là “Các Bài Học từ Ngục Thất Liberty.” Khi các em nghiên cứu câu trả lời của Thượng Đế cho những lời cầu nguyện của Joseph, hãy khuyến khích các em lập một bản liệt kê các lẽ thật mà các em khám phá ra.

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 121:7–9, 26, 33; 123:17, tìm kiếm lời khuyên dạy từ Thượng Đế mà có thể giúp đỡ một người nào đó trong một thử thách khó khăn.

Sau khi các học viên hoàn tất việc biên soạn bản liệt kê các lẽ thật, hãy đề nghị các em chọn hai lẽ thật mà các em thực sự thích và viết chúng lên một tờ giấy riêng biệt. Cho học viên trao đổi tờ giấy của các em với một bạn ngồi cạnh. Mời học viên khoanh tròn một từ hoặc cụm từ ưa thích trên những tờ giấy các em nhận được và viết một phần mô tả ngắn gọn về lý do tại sao các em thích từ hoặc cụm từ đó. Tiến trình này có thể được lặp lại nhiều lần với các học viên khác nhau. Khi học viên nhận lại tờ giấy của mình, hãy khuyến khích các em bổ sung những hiểu biết sâu sắc mà các em đã học được từ những người khác vào trang nhật ký học tập của mình.

Mời một vài học viên viết một lẽ thật của các em lên trên bảng. Sau đây là các ví dụ về các nguyên tắc mà các em có thể chia sẻ: Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, những thử thách của người ngay chính sẽ chỉ là một khoảnh khắc nhỏ; Nếu chúng ta biết kiên trì chịu đựng thì Thượng Đế sẽ nâng chúng ta lên cao; Thượng Đế có thể ban cho chúng ta sự bình an giữa những thử thách của chúng ta. Hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi thảo luận tiếp theo như sau.

  • Nếu các em ở trong Ngục Thất Liberty, thì nguyên tắc nào an ủi các em nhất? Tại sao?

  • Thượng Đế ban cho các em sự bình an và an ủi trong một thử thách bằng một số cách nào?

  • Các em nghĩ sự khác biệt giữa việc biết chịu đựng và chịu đựng giỏi những khó khăn thử thách là gì?

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ cách Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng những thử thách và gian khổ của chính Ngài?

Để giúp học viên hiểu thêm về cách mà Chúa có thể giúp đỡ các em vượt qua những thử thách khó khăn, hãy cân nhắc chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Những bài học từ mùa đông năm 1838–1839 dạy chúng ta rằng mọi kinh nghiệm đều có thể trở thành kinh nghiệm cứu chuộc nếu chúng ta vẫn gắn bó với Cha Thiên Thượng qua khó khăn đó. Những bài học khó khăn này dạy chúng ta rằng sự bất hạnh tột cùng của con người là cơ hội của Thượng Đế, và nếu chúng ta khiêm nhường và trung tín, nếu chúng ta vững tin và không nguyền rủa Thượng Đế vì những vấn đề của chúng ta, Ngài có thể biến những ngục thất bất công, vô nhân tính và làm suy nhược của cuộc sống chúng ta thành … một hoàn cảnh mà có thể mang lại sự an ủi và mặc khải, sự đồng hành thiêng liêng và sự bình an. (Jeffrey R. Holland, “Lessons from Liberty Jail (Các Bài Học từ Ngục Thất Liberty),” Ensign, tháng Chín năm 2009, trang 28)

  • Các em đã thấy lẽ thật trong lời phát biểu của Anh Cả Holland như thế nào trong cuộc sống của mình hoặc trong cuộc sống của một người mà các em biết?

Để kết thúc, hãy mời học viên hoàn thành những yêu cầu sau đây trong nhật ký học tập. Anh chị em có thể mời một số học viên chia sẻ những điều các em đã viết.

Hãy nghĩ về những thử thách mà các em đã suy ngẫm ở đầu bài học. Chọn ra ít nhất một lẽ thật từ bản liệt kê “Các Bài Học từ Ngục Thất Liberty” mà có thể giúp các em hoặc những người khác với một thử thách hiện tại. Giải thích ngắn gọn cách Chúa có thể ban phước và trao sức mạnh cho các em để hành động trong đức tin về lẽ thật này.

In