Lớp Giáo Lý
Bài Học 133—Giáo Lý và Giao Ước 122: “Tất Cả Những Điều Này … Sẽ Lợi Ích cho Ngươi”


“Bài Học 133—Giáo Lý và Giao Ước 122: ‘Tất Cả Những Điều Này … Sẽ Lợi Ích cho Ngươi,’” Hướng Dẫn Dạy sách Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 122”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 133: Giáo Lý và Giao Ước 121–123

Giáo Lý và Giao Ước 122

“Tất Cả Những Điều Này … Sẽ Lợi Ích cho Ngươi”

Trong khi Tiên Tri Joseph Smith đang đau khổ trong Ngục Thất Liberty, Thượng Đế đã dạy ông rằng dù ông đau khổ và đau đớn khôn cùng, nhưng điều đó sẽ giúp ông trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Bài học này có thể giúp học viên hiểu rằng vì có Chúa Giê Su Ky Tô nên những kinh nghiệm khó khăn cũng có thể giúp chúng ta tiến triển và ngày càng giống Ngài hơn.

Hình Ảnh
Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Được tôi luyện qua nỗi thống khổ

Cân nhắc cho xem những bức hình sau đây về các viên đá chưa được mài dũa và đã được mài bóng. Ngoài ra, anh chị em có thể mang theo các viên đá thô và những viên đá đã được mài bóng hoặc nhẵn mịn để học viên thấy và cầm nắm.

Hình Ảnh
đá thô so với đá đã được mài bóng
  • Cần làm gì để các viên đá thô ráp trở nên nhẵn mịn hoặc bóng loáng?

Anh chị em có thể giải thích rằng những viên đá có thể trở nên bóng loáng bằng cách chà xát và va chạm với những viên đá khác hoặc cát trong một thời gian dài. Tiến trình này khiến các cạnh của chúng được mài nhẵn và để lộ màu sắc tự nhiên ẩn bên trong chúng.

Tiên Tri Joseph Smith đã chia sẻ điều sau đây về bản thân ông:

Hình Ảnh
Tiên Tri Joseph Smith

Tôi giống như một hòn đá gồ ghề khổng lồ lăn xuống từ một ngọn núi cao, và cách duy nhất để mài nhẵn tôi là khi một góc nào đó bị chà xát bằng cách va chạm với một vật khác với một lực tăng tốc … ; … hết góc này đến góc kia cứ thế bị mài nhẵn; để rồi, tôi sẽ trở thành một cái mũi tên trơn nhẵn và bóng loáng trong cái bao tên của Đấng Toàn Năng. (Joseph Smith, trong History, 1838–1856 [Bản Thảo Lịch Sử của Giáo Hội], tập D–1, 1556, josephsmithpapers.org)

  • Các em nghĩ những hoạn nạn nào từ cuộc đời của Joseph Smith có thể đã giúp ông trở thành một công cụ tốt hơn trong tay của Chúa?

Khi các em học hôm nay, hãy nghĩ về lý do tại sao Cha Thiên Thượng nhân từ để cho các em trải qua những thử thách đau đớn. Hãy suy ngẫm cách Đấng Cứu Rỗi có thể giúp các em trở nên giống như Ngài hơn qua những hoạn nạn và đau khổ mà các em có thể trải qua trong đời mình.

Những hoạn nạn có thể có lợi ích cho chúng ta

Vào mùa đông trong giai đoạn 1838–1839, Joseph Smith và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã bị cầm tù một cách bất công trong Ngục Thất Liberty và phải chịu đựng những nỗi thống khổ chưa từng có. Là một phần trong bức thư đầy soi dẫn gửi cho Các Thánh Hữu đang đau khổ, Joseph đã viết về những lẽ thật mà Thượng Đế đã mặc khải cho ông về nỗi đau khổ mà ông đang trải qua.

Cân nhắc việc mời học viên đọc và thảo luận trong các nhóm nhỏ điều các em học được từ các câu dưới đây. Nếu cần, anh chị em có thể gợi ý các cuộc thảo luận trong nhóm bằng những câu hỏi như sau:

  • Các em thấy Thượng Đế giảng dạy cho Joseph những lẽ thật gì trong các câu này?

  • Tại sao các lẽ thật như vậy có thể là khó nghe khi chúng ta đang trải qua một thử thách?

  • Tại sao các lẽ thật như vậy có thể là một phước lành cho chúng ta lắng nghe trong khi trải qua nỗi thống khổ?

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 122:5–7, tìm kiếm điều Thượng Đế muốn Joseph hiểu về những thử thách ông phải chịu đựng trong đời mình.

Sau khi các nhóm đã có cơ hội để thảo luận, anh chị em có thể mời một người đại diện từ mỗi nhóm chia sẻ một lẽ thật mà các em đã học được. Nếu cần, hãy giúp học viên nhận ra một lẽ thật tương tự như sau: Thượng Đế để cho chúng ta trải qua những nỗi thống khổ vì Ngài biết chúng có thể mang lại cho chúng ta những kinh nghiệm và là lợi ích cho chúng ta.

  • Các em nghĩ những nỗi thống khổ có thể mang đến cho chúng ta “kinh nghiệm” và là “lợi ích cho [chúng ta]” có nghĩa là gì? (câu 7).

  • Lẽ thật này có thể liên quan như thế nào đến các viên đá thô và các viên đá được mài nhẵn từ đầu bài học?

    Cân nhắc việc viết cụm từ “Nếu các em phải chịu đựng …” lên trên bảng. Sau đó, liệt kê những câu trả lời của học viên cho những câu hỏi sau đây:

  • Nhiều thanh thiếu niên đang đối mặt với những nỗi đau khổ nào ngày nay?

  • Tại sao trong những tình huống này, việc hiểu điều Thượng Đế đã dạy cho Tiên Tri Joseph Smith là quan trọng?

    Câu hỏi kế tiếp có thể là một cơ hội có một không hai để học viên suy ngẫm, chia sẻ, và lắng nghe kinh nghiệm của những người khác. Cân nhắc dành thời gian để có nhiều người tình nguyện trả lời.

  • Đã có khi nào các em hoặc một người thân trải qua nỗi thống khổ mà cuối cùng đó lại là một phước lành không?

  • Một người có thể cần phải làm gì để khiến nỗi thống khổ của họ mang đến kinh nghiệm và là lợi ích cho họ?

Để thấy một ví dụ về một thiếu niên đã học được rằng Thượng Đế để cho chúng ta trải qua những nỗi thống khổ vì kinh nghiệm và lợi ích cho chúng ta, hãy cân nhắc việc cho xem video “Faith Murray’s Story: Overcoming Adversity through Service” (4:52), có sẵn tại ChurchofJesusChrist.org.

Tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô trong những nỗi thống khổ của chúng ta

Để giúp học viên nghĩ về khả năng độc nhất vô nhị của Đấng Cứu Rỗi để hiểu và giúp đỡ các em khi các em trải qua những nỗi thống khổ, hãy cân nhắc việc mời các em hoàn tất giấy phát tay “Tưởng Nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Nỗi Thống Khổ của Chúng Ta.” Đây có thể là một cơ hội tốt cho học viên để mời Đức Thánh Linh khi các em yên lặng nghiên cứu, suy ngẫm, và viết xuống.

Tưởng Nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Nỗi Thống Khổ của Chúng Ta

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 122:8–9 và cố gắng tưởng tượng rằng Thượng Đế đang phán trực tiếp với các em về những tình huống mà các em và gia đình các em đang gặp phải. Đánh dấu các cụm từ Ngài đã dạy mà quan trọng cho các em lắng nghe. Các em có thể muốn ghi lại những suy nghĩ và cảm nhận mà mình có vào nhật ký ghi học tập hoặc thánh thư của mình.

Hãy đọc Alma 7:11–12 và lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Ghi lại điều hai tài liệu này giảng dạy về Đấng Cứu Rỗi mà giúp các em hiểu rõ hơn Giáo Lý và Giao Ước 122:8–9.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Khi anh chị em tự hỏi mình có thể chịu đựng được giỏi bao nhiêu nỗi đau đớn thì hãy nhớ tới Ngài. Ngài đã chịu đựng những gì anh chị em [đang chịu đựng] để Ngài biết cách nâng anh chị em lên. Ngài có thể không cất bỏ gánh nặng nhưng Ngài sẽ ban cho anh chị em sức mạnh, sự an ủi và niềm hy vọng. Ngài biết cách thức. Ngài đã uống chén đắng. Ngài đã chịu đựng nỗi đau khổ của tất cả mọi người.

Anh chị em đang được nuôi dưỡng và an ủi bởi một Đấng Cứu Rỗi nhân từ là Đấng biết cách giúp đỡ anh chị em trong bất cứ thử thách nào anh chị em gặp phải. (Henry B. Eyring, “Được Thử Thách, Chứng Tỏ và Trui Rèn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 97)

  • Việc biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã “hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa” có thể hữu ích ra sao cho các em trong những thử thách? (Giáo Lý và Giao Ước 122:8). Các em nghĩ vì sao Ngài làm điều đó?

  • Những câu thánh thư nào khác có ý nghĩa đối với các em khi các em trải qua những nỗi thống khổ?

Hãy cho học viên thời gian để chia sẻ một phần những gì các em đã học được với một người bạn hoặc với cả lớp. Khuyến khích các em chia sẻ bất kỳ câu thánh thư nào có ý nghĩa với các em khi các em trải qua những nỗi thống khổ.

Cân nhắc việc mời học viên suy ngẫm lại về cách những thử thách giúp mài dũa các em. Hãy mời các em suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:

  • Các em đã học được hoặc cảm thấy điều gì ngày hôm nay về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp đỡ các em trong khi đi qua những nỗi thống khổ của mình?

Hãy cân nhắc việc kết thúc với chứng ngôn của anh chị em rằng qua Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả những nỗi thống khổ của chúng ta có thể mang đến kinh nghiệm và giúp ích cho chúng ta.

In