Lớp Giáo Lý
Bài Học 147—Giáo Lý và Giao Ước 135: Sự Tuẫn Đạo của Tiên Tri Joseph Smith


“Bài Học 147—Giáo Lý và Giao Ước 135: Sự Tuẫn Đạo của Tiên Tri Joseph Smith,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 135,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 147: Giáo Lý và Giao Ước 135–136

Giáo Lý và Giao Ước 135

Sự Tuẫn Đạo của Tiên Tri Joseph Smith

Hình Ảnh
Bức tượng Joseph và Hyrum Smith tại Cathridge

Sau nhiều năm lãnh đạo Các Thánh Hữu, Tiên Tri Joseph Smith và anh trai Hyrum của ông đã bị giam trong Ngục Thất Carthage. Vào ngày 27 tháng Sáu năm 1844, một đám đông đã tấn công họ và cả hai người đều tuẫn đạo. Bài học này nhằm giúp học viên củng cố chứng ngôn của các em về Joseph Smith với tư cách là Vị Tiên Tri của Thượng Đế về Sự Phục Hồi.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

“Vị Tiên Tri và Tiên Kiến của Chúa”

Hình Ảnh
Tiên Tri Joseph Smith

Cân nhắc việc trưng ra một bức hình Joseph Smith và mời học viên tưởng tượng rằng các em sắp nói chuyện với một người nào đó mà không biết gì về ông. Yêu cầu các em lập một bản liệt kê những điều các em nghĩ là bốn hoặc năm điều quan trọng nhất Chúa đã làm cho chúng ta qua Tiên Tri Joseph Smith. Các câu hỏi sau đây có thể giúp ích:

  • Cuộc sống của các em sẽ khác biệt như thế nào nếu không có các phước lành mà Chúa đã ban cho chúng ta qua Tiên Tri Joseph Smith?

  • Joseph Smith và công việc tiên tri của ông đã ảnh hưởng thế nào đến sự hiểu biết và mối quan hệ của các em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy giải thích rằng trong bài học này, học viên sẽ học về sự tuẫn đạo của Joseph Smith và điều Chúa đã làm qua ông. Khi các em học, hãy mời các em tìm cách hiểu rõ hơn cách Chúa đã ban phước cho các em qua Vị Tiên Tri.

Con đường dẫn đến Ngục Thất Carthage

Để giúp học viên chuẩn bị học Giáo Lý và Giao Ước 135, hãy cân nhắc việc tóm lược các đoạn này bằng lời riêng của anh chị em.

Joseph Smith và Các Thánh Hữu đã sống yên bình ở Illinois trong khoảng ba năm. Vào năm 1842, họ bắt đầu gặp sự chống đối một lần nữa. Những người bất đồng chính kiến trong Giáo Hội và những kẻ đối lập ngoài Giáo Hội đã kết hợp với nhau để chống lại Vị Tiên Tri và Các Thánh Hữu. Một số người dân ở Illinois bắt đầu sợ hãi và cảm thấy tức giận với sự ảnh hưởng chính trị của Các Thánh Hữu. Những người khác trở nên ganh tị với sự phát triển kinh tế của Nauvoo. Sự ngược đãi chống lại các Thánh Hữu cũng xuất phát từ những hiểu lầm về các lối thực hành, như tục đa hôn, mà đã bị một số tín hữu bội giáo của Giáo Hội làm sai lạc. Đến mùa hè năm 1844, sự thù địch chống lại Giáo Hội gia tăng mãnh liệt.

Vào ngày 7 tháng Sáu năm 1844, William Law, người từng phục vụ với tư cách là Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, và những kẻ bội giáo khác in số phát hành đầu tiên của tờ báo có tên Nauvoo Expositor (Người Vạch Trần Nauvoo) để kích động dân chúng tức giận chống lại Vị Tiên Tri và Giáo Hội. Joseph Smith và hầu hết mọi thành viên trong hội đồng thành phố Nauvoo xem tờ báo này là một mối phiền hà công khai và ra lệnh phá hủy tờ báo Nauvoo Expositor. Lệnh này phù hợp với luật pháp trong thời Joseph Smith.

Một số cư dân ở khu vực xung quanh đã phản đối Các Thánh Hữu và việc phá hủy tờ báo. Thống Đốc Thomas Ford của Illinois đã khuyên bảo Joseph Smith các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội nên đi đến thị trấn Carthage và giải quyết tình hình một cách hợp pháp. Ông cũng hứa sẽ bảo vệ họ hoàn toàn và xét xử công bằng nếu họ tự nguyện đến. Mặc dù có những lời hứa này, Vị Tiên Tri vẫn tin rằng ông sẽ bị giết chết nếu ông đi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 135:4). Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng Sáu năm 1844, Joseph và Hyrum Smith cùng một vài người khác rời Nauvoo và đi đến Carthage để cố gắng giữ cho Các Thánh Hữu được an toàn khỏi sự bạo lực của đám đông chống đối.

Sau khi Joseph và Hyrum ở trong tù một vài ngày, một đám đông đã tấn công họ.

Sự tuẫn đạo

Trước khi học viên đọc đoạn thánh thư sau đây, hãy cân nhắc việc yêu cầu các em chia sẻ bất cứ điều gì các em có thể đã biết về sự tuẫn đạo của Joseph và Hyrum Smith.

Giáo Lý và Giao Ước 135, được công bố lần đầu tiên trong thời gian chưa đầy ba tháng sau sự tuẫn đạo, mô tả những gì đã xảy ra. Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 135:1–2, tìm kiếm các chi tiết về sự tuẫn đạo và những người đã chứng kiến sự tuẫn đạo đó. (Nếu các em muốn biết thêm chi tiết, hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 135:4–7.)

  • Các em đã khám phá ra điều gì?

  • Các em có thể đang suy nghĩ hoặc cảm thấy như thế nào nếu các em là một nhân chứng trong sự kiện khủng khiếp này?

Để giúp học viên hình dung điều đã xảy ra, hãy cân nhắc việc cho xem video “Joseph Smith—Prophet of the Restoration” (từ phút 0:00 đến 3:06).

Nếu cần, hãy giải thích rằng Anh Cả John Taylor (1808–1887) là một trong những nhân chứng tận mắt chứng kiến sự tuẫn đạo. Cuối cùng ông đã bình phục khỏi những vết thương ngày hôm đó và tiếp tục phục vụ với tư cách là Chủ Tịch thứ ba của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 135:3, tìm kiếm một số cách mà Chúa đã ban phước cho chúng ta qua Tiên Tri Joseph Smith.

Giáo Lý và Giao Ước 135:3 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

  • Những lẽ thật nào là quan trọng với các em? Tại sao?

Mời học viên liệt kê các lẽ thật có ý nghĩa từ câu 3 lên trên bảng và chia sẻ những ý nghĩ của các em về những lẽ thật này.

Các em có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng một lẽ thật mà học viên có thể sẽ nhận ra là Joseph Smith đã làm nhiều cho sự cứu rỗi của thế gian hơn bất cứ một người nào khác, ngoại trừ Chúa Giê Su Ky Tô. Cân nhắc việc viết một lẽ thật như thế này lên trên bảng. Có thể là quan trọng khi làm sáng tỏ rằng sự cứu rỗi chỉ có thể thực hiện được qua Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi của toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, Chúa Giê Su Ky Tô đã làm việc qua Tiên Tri Joseph Smith để ban các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài cho con cái của Cha Thiên Thượng trong gian kỳ này.

Cân nhắc việc mời học viên dành ra một vài phút và suy ngẫm về tầm quan trọng của lẽ thật này trong cuộc sống của các em.

Mặc dù cuộc sống trần thế của Joseph Smith đã kết thúc vào ngày 27 tháng Sáu năm 1844, nhưng công việc, chứng ngôn và ảnh hưởng của ông đã giúp hàng triệu con cái của Cha Thiên Thượng đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được các phước lành của sự cứu rỗi.

“Sứ mệnh và công việc của ông”

Để giúp các học viên nhận ra rõ hơn cách Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã sử dụng Joseph Smith để giúp chúng ta đến gần hai Ngài hơn, hãy cân nhắc việc mời học viên làm ba bước sau đây. Một số ví dụ được đưa vào trong phần chữ in nghiêng.

Mời học viên chia sẻ: Để tìm hiểu thêm về việc mời những người khác chia sẻ, xin xem phần huấn luyện có tựa đề “Thường xuyên chia sẻ chứng ngôn và mời học viên chia sẻ những cảm nghĩ, kinh nghiệm, và chứng ngôn của họ,” được tìm thấy trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Giảng Dạy bằng Thánh Linh. Kỹ năng “Tạo ra những gợi ý mà giúp học viên chia sẻ những cảm nghĩ, kinh nghiệm, và chứng ngôn của họ.”

  1. Viết “Công việc của Chúa qua Joseph Smith” ở giữa một trang trong nhật ký học tập của em.

  2. Xung quanh cụm từ này, hãy viết hoặc vẽ 4-5 điều mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy hoặc làm qua Joseph Smith. Nếu có thể, hãy bao gồm một phần tham khảo thánh thư cho mỗi điều. Ví dụ: “Khải Tượng Thứ Nhất” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17–19).

  3. Hãy gồm vào những ý nghĩ và cảm nhận của các em về cách mà mỗi điều các em liệt kê giúp các em đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Ví dụ: Qua Joseph Smith, tôi hiểu thêm về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết Cha Thiên Thượng sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi và rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là hai Đấng riêng biệt.

Nếu học viên cần giúp suy nghĩ thêm về những ví dụ để viết hoặc vẽ, các em có thể ôn lại các đề tài và câu thánh thư sau đây: chức tư tế (Giáo Lý và Giao Ước 13:1); Sách Mặc Môn (Giáo Lý và Giao Ước 17:5–6; 135:3); công việc truyền giáo (Giáo Lý và Giao Ước 4; 110:11); quyền năng gắn bó (Giáo Lý và Giao Ước 110:13–16).

Trong khi học viên suy ngẫm và viết, anh chị em có thể mở bài “Ca Khen Người” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 50). Giải thích rằng bài thánh ca này do William W. Phelps viết sau cái chết của Vị Tiên Tri như là một lời tri ân gửi tới ông.

Mời càng nhiều học viên càng tốt chia sẻ suy nghĩ của các em về cách Chúa đã ban phước cho các em qua Tiên Tri Joseph Smith và cân nhắc việc lập một bản liệt kê ở trên bảng. Khi học viên chia sẻ những ý nghĩ và cảm nghĩ của các em về một đề tài, hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi như “Có ai khác nghĩ về cùng một phước lành đó không? Các em có muốn thêm bất kỳ suy nghĩ nào vào cuộc thảo luận của chúng ta không?” hoặc “Cuộc sống của các em sẽ khác biệt ra sao nếu không có phước lành này?” Mời học viên chia sẻ về nhiều phước lành khác nhau. Cũng hãy cân nhắc chia sẻ những suy nghĩ và cảm nghĩ của anh chị em.

Để kết thúc, anh chị em cũng có thể chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch M. Russell Ballard, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Chủ Tịch Ballard là chắt trai của Hyrum Smith.

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

Chúng ta nên luôn luôn nhớ về cái giá mà Joseph và Hyrum Smith, cùng với rất nhiều những người nam, người nữ và trẻ em trung tín khác, đã phải trả để thiết lập Giáo Hội để cho anh chị em và tôi có thể tận hưởng nhiều phước lành và tất cả các lẽ thật được mặc khải cho chúng ta ngày nay. Sự trung tín của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên! (M. Russell Ballard, “Lẽ Nào Chúng Ta Không Tiếp Tục Chính Nghĩa Cao Quý Như Vậy?,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 11)

  • Nếu một người nào đó muốn hiểu rõ hơn cách Chúa đã ban phước cho họ qua Tiên Tri Joseph Smith, thì các em sẽ đề nghị họ làm gì?

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt trong Giáo Lý và Giao Ước 135:3 và ôn lại trong các bài học trong tương lai. Cụm từ then chốt trong thánh thư cho đoạn này là “Joseph Smith đã cho ra đời Sách Mặc Môn, là sách mà ông phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.” Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Tập Phần Thông Thạo Giáo Lý.”

In