Lớp Giáo Lý
Bài Học 150—Những Người Tiền Phong trong Mọi Đất Nước: Chuẩn Bị Con Đường cho Những Người Khác


“Bài Học 150—Những Người Tiền Phong trong Mọi Đất Nước: Chuẩn Bị Con Đường cho Người Khác,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Những Người Tiền Phong trong Mọi Đất Nước,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 150: Giáo Lý và Giao Ước 135–136

Những Người Tiền Phong trong Mọi Đất Nước

Chuẩn Bị Con Đường cho Những Người Khác

Hình Ảnh
những người tiền phong đang đẩy một chiếc xe kéo tay

Từ năm 1847 đến năm 1868, hàng ngàn người tiền phong đã cho thấy đức tin lớn lao nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi họ hành trình bằng xe kéo có mái che hoặc xe kéo tay để quy tụ với Các Thánh Hữu ở Thung Lũng Salt Lake. Ngày nay, những người tiền phong từ khắp nơi trên thế giới tiếp tục cho thấy đức tin lớn lao khi họ quy tụ với Các Thánh Hữu ở bất cứ nơi nào họ sinh sống. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy ước muốn để trở thành những người tiền phong bằng cách chuẩn bị con đường cho những người khác noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Những người tiền phong

Lưu ý: Có thể hữu hiệu để tìm ra những tấm gương của những người tiền phong trong giáo khu, tiểu giáo khu hoặc quốc gia của anh chị em và chuẩn bị chia sẻ những câu chuyện của họ như là một phần của bài học. Nếu có thể, anh chị em thậm chí có thể mời họ đến lớp và trình bày kinh nghiệm của họ.

Cân nhắc việc trưng ra sinh hoạt sau đây để giúp học viên hiểu định nghĩa về một người tiền phong. Học viên có thể chia sẻ điều các em phỏng đoán với lớp học hoặc trong các nhóm nhỏ. Anh chị em có thể điều chỉnh sinh hoạt này để bao gồm những người tiền phong mà cuộc sống của họ đã có ảnh hưởng đến những người trong khu vực của mình.

Hãy nối những người này với những thành tựu của họ.

Tên

Những thành tựu

Tên

1. Johnnes Gutenberg

Những thành tựu

A. Chủ tịch Hội Phụ Nữ đầu tiên ở Đài Loan

Tên

2. Elizabeth Jackson

Những thành tựu

B. Người phụ nữ đầu tiên đoạt Giải Thưởng Nobel, được trao cho nghiên cứu về bức xạ

Tên

3. Chen Lin Shu–liang

Những thành tựu

C. Phát minh ra máy in

Tên

4. Edmund Hillary và Tenzing Norgay

Những thành tựu

D. Người đầu tiên leo lên đỉnh Núi Everest

Tên

5. Marie Curie

Những thành tựu

E. Người đã kéo xe bằng tay đến Thung Lũng Salt Lake

Khi học viên đã đoán xong, hãy đưa ra những câu trả lời đúng (1–C, 2–E, 3–A, 4–D, 5–B).

  • Những người này đều có những điểm chung nào?

    Giúp học viên hiểu rằng một trong những điểm chung của những người này là họ đều là những người tiên phong, tiền phong. Một người tiền phong có thể được định nghĩa là một người đi trước và chuẩn bị con đường cho những người khác đi theo.

  • Thành tựu của những người tiền phong này đã chuẩn bị một đường lối cho những người khác để noi theo như thế nào?

Tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ như sau về Chúa Giê Su Ky Tô:

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, là người tiền phong [tột bậc] trong việc chuẩn bị đường đi. Thật vậy, Ngài chính “đường đi” để kế hoạch cứu rỗi được hoàn thành, để chúng ta có thể hối cải, và nhờ đức tin nơi Ngài, trở về với Cha Thiên Thượng của chúng ta. (M. Russell Ballard, “Đi Theo Chúa Giê Su Ky Tô bằng Những Bước Đi của Đức Tin,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 35)

Để giúp học viên phân tích lời phát biểu này, hãy cân nhắc việc mời các em nhận ra các câu thánh thư minh họa cách Chúa Giê Su Ky Tô là người tiền phong. Nếu các em cần giúp đỡ, anh chị em có thể cung cấp các đoạn sau đây hoặc những đoạn khác mà anh chị em chọn.

Đọc một số câu thánh thư sau đây: Giăng 13:15; 14:2–6; 2 Nê Phi 31:5–12; và Mô Si A 16:7. Hãy tìm kiếm những cách mà Chúa Giê Su Ky Tô có thể được xem là một người tiền phong.

  • Các em đã tìm thấy điều gì?

  • Những hành động của Đấng Cứu Rỗi để chuẩn bị một đường lối cho các em đã là một phước lành trong cuộc sống của các em như thế nào?

    Giải thích cho học viên biết rằng có nhiều cách Đấng Cứu Rỗi là một người tiền phong khi có những việc chỉ có Ngài mới có thể làm được mà thôi. Tuy nhiên, có một số cách thức chúng ta có thể noi theo “tấm gương của Ngài … [và] làm như Ngài đã làm” (Giăng 13:15) để làm người tiền phong cho những người khác. Mời học viên viết câu sau đây làm tiêu đề trong nhật ký học tập của các em: “Giống như Đấng Cứu Rỗi, tôi có thể là một người tiền phong bằng cách trung tín chỉ cho người khác thấy cách để noi theo.”

    Cân nhắc trưng ra các câu hỏi sau đây, và mời học viên trả lời dưới tiêu đề phía trên trong nhật ký học tập của mình:

  • Các em có cảm thấy như mình đang làm một tấm gương mà mình muốn người khác noi theo không?

  • Điều gì làm cho các em cảm thấy thích trở thành người tiền phong? Điều gì làm các em lo lắng?

  • Các em cảm thấy Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp các em trở thành người tiền phong cho người khác như thế nào?

Trong suốt phần còn lại của bài học này, hãy mời ảnh hưởng của Đức Thánh Linh gia tăng ước muốn của các em để trở thành một người tiền phong giống như Đấng Ky Tô cho những người khác đi theo.

Những người tiền phong kéo xe bằng tay

Mời học viên chia sẻ điều các em nhớ là đã học về cuộc hành trình về miền tây và Giáo Lý và Giao Ước 136. Cân nhắc việc ôn lại Giáo Lý và Giao Ước 136:6–7 để minh họa một cách mà Các Thánh Hữu đầu tiên hành trình về miền tây đã được đòi hỏi làm những người tiền phong.

Cân nhắc trưng ra hình ảnh của một chiếc xe kéo tay và tóm lược thông tin sau đây.

Hình Ảnh
xe kéo tay

Sau khi nhiều đoàn xe kéo đã đi đến Salt Lake City, thường được kéo bằng bò, Brigham Young đã khuyến khích Các Thánh Hữu nên sử dụng xe kéo tay. Những người tiền phong tự kéo xe bằng tay cho phép việc di chuyển rẻ hơn và nhanh hơn. Chỉ có 10 trong số hơn 350 đoàn di cư đã đi bằng xe kéo tay. Mặc dù hầu hết các đoàn xe kéo tay đã hành trình mà không gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào, nhưng những cơn bão mùa đông vào năm 1856 đã khiến cho đoàn xe kéo Willie và Martin bị mắc kẹt trên đường. Nhiều người đã bỏ mạng vì đói và thời tiết khắc nghiệt. Các nỗ lực giải cứu do các tín hữu Giáo Hội ở Utah thực hiện đã cung cấp những vật dụng cần thiết và giúp các lữ hành hoàn thành cuộc hành trình của họ, cứu hơn 1.200 người (xin xem Church History Topics, “Handcart Companies,” ChurchofJesusChrist.org/study/history/topics).

Cân nhắc việc chia sẻ một câu chuyện hoặc chứng ngôn từ một người tiền phong kéo xe bằng tay như sau. Mời học viên tìm kiếm những cách các em có thể áp dụng tấm gương của người tiền phong vào cuộc sống của mình.

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ câu chuyện sau đây về một người tiền phong kéo xe bằng tay.

Hình Ảnh
Anh Cả Quentin L. Cook

Tôi xúc động trước câu chuyện về Elizabeth Jackson, chồng của bà là Aaron đã chết sau [lần cuối cùng] vượt qua Dòng Sông … Platte với Đoàn xe kéo Martin. Bà viết:

“Tôi sẽ không cố gắng mô tả cảm nghĩ của mình khi trở thành góa phụ với ba đứa con, trong hoàn cảnh như vậy. … Tôi tin… rằng những nỗi đau khổ của mình vì Phúc Âm sẽ được [thánh hóa cho tôi] vì lợi ích của tôi. …

“Tôi cầu khẩn lên Chúa, … Ngài là Đấng đã hứa sẽ là người chồng cho người góa bụa, người cha cho trẻ mồ côi. Tôi cầu khẩn lên Ngài và Ngài đã đến giúp đỡ tôi.”

Elizabeth nói rằng bà viết lịch sử này thay cho những người đã trải qua hoàn cảnh giống như vậy với hy vọng rằng thế hệ mai sau sẽ sẵn lòng chịu đau khổ và hy sinh mọi điều vì Vương Quốc của Thượng Đế. (Quentin L. Cook, “Các Phụ Nữ Thánh Hữu Ngày Sau Thật Là Phi Thường!,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 18)

  • Elizabeth đã làm chứng điều gì về Chúa?

  • Bà đã hy vọng những người khác sẽ học được điều gì từ tấm gương của mình?

Cân nhắc việc mời học viên nhận ra các đoạn thông thạo giáo lý hoặc các thánh thư khác mà minh họa cách Elizabeth đã có thể nhận được sức mạnh từ Đấng Cứu Rỗi. Một số ví dụ có thể là Ma Thi Ơ 11:28–30; An Ma 7:11–13; hoặc Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

Hỏi xem làm thế nào những câu thánh thư này có thể giúp ước muốn của chúng ta để trở thành người tiền phong cho những người khác.

Các ví dụ về những người tiền phong

Hãy giải thích rằng Các Thánh Hữu không còn được yêu cầu quy tụ ở Thung Lũng Salt Lake nữa. Họ được mời gọi trở thành những người tiền phong bằng cách quy tụ trong các giáo khu của Si Ôn ở bất cứ nơi nào họ sống và chuẩn bị con đường cho những người khác noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Tấm gương của những người tiền phong trên khắp thế giới có thể giúp chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và trở thành những người tiền phong ở bất cứ nơi nào.

Đối với sinh hoạt sau đây, hãy cung cấp cho học viên tài liệu phát tay “Những Người Tiền Phong trên khắp Thế Giới,” có các câu chuyện được phỏng theo Global Histories trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Ngoài ra, anh chị em có thể mời học viên đọc những câu chuyện về tổ tiên của các em trên FamilySearch.org hoặc suy ngẫm về những người các em đã nhận ra nếu các em hoàn tất sinh hoạt chuẩn bị cho học viên. Các em cũng có thể đọc về những người tiền phong tại quốc gia của mình, được tìm thấy trong Global Histories trong phần Lịch Sử Giáo Hội của Thư Viện Phúc Âm.

Hoàn tất sinh hoạt sau đây, tìm kiếm cách mà những tấm gương của những người tiền phong trên khắp thế giới có thể giúp các em trong nỗ lực của mình để trở thành người tiền phong.

  1. Đọc câu chuyện về một hoặc nhiều người tiền phong.

  2. Nhận ra họ là một người tiền phong như thế nào.

  3. Hãy tìm kiếm những cách mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp đỡ họ.

  4. Viết vào nhật ký học tập của các em cách mà các tấm gương giống như Đấng Ky Tô của họ có thể soi dẫn các em trở thành người tiền phong cho những người khác.

Những Người Tiền Phong trên khắp Thế Giới

Samoa thuộc Mỹ

“Thượng Đế Đồng Ý”

Leva ’aia Levao đã sống chung với những vấn đề sức khỏe trầm trọng. Vào năm 2015, chị bị nổi mụn nhọt trong mắt. Mụn nhọt được chữa lành sau khi những người truyền giáo ban cho chị một phước lành chức tư tế. Họ bắt đầu đọc Sách Mặc Môn với chị.

Một số người trong cộng đồng nhỏ của hòn đảo không vui khi thấy Levao đang cân nhắc về một tôn giáo mới. Họ chế nhạo các nỗ lực của chị và xem thường chị. Tuy nhiên, chị vẫn kiên định và chẳng bao lâu sau đã chịu phép báp têm. Chồng của chị, Tui, và ba đứa con của chị nhanh chóng noi theo chị vào nhà thờ, và về sau, Levao phục vụ trong chi nhánh của chị với tư cách là chủ tịch Hội Phụ Nữ. Những người khác, được ảnh hưởng bởi tấm gương tận tụy của chị, gọi chị là trái tim của Giáo Hội trên đảo Olosega.

Hàn Quốc

“Tôi Sẽ Không Bao Giờ Thực Sự Bị Lạnh Nữa”

Choi Dong Sull là một mục sư đạo Presbyterian đã cảm thấy có trách nhiệm phải bảo vệ các tín hữu trong giáo đoàn của ông khỏi Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, ông bắt đầu gặp những người truyền giáo và tìm kiếm lời giải thích rõ ràng về các vấn đề giáo lý mà đã gây phiền toái cho ông. Ông biết rằng đức tin mới của mình sẽ đòi hỏi một sự thay đổi trong nghề nghiệp và làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của ông với cha của ông, là chủ tịch của Giáo Hội Presbyterian Hàn Quốc vào lúc đó.

Dong Sull chọn chịu phép báp têm trên Sông Hàn. Ông giải thích: “Tôi muốn phép báp têm của mình là một kinh nghiệm càng giống như Chúa Giê Su Ky Tô càng tốt.” Vào buổi sáng mờ sương ngày 5 tháng Chín năm 1981, nước sông Hàn rất lạnh, nhưng khi ông ra khỏi nước, Dong Sull đã mô tả một cảm giác ấm áp bên trong. Ông nói: “Giờ đây tôi thuộc về Giáo Hội chân chính của Thượng Đế.” “Tôi sẽ không bao giờ thật sự bị lạnh nữa.” Hai tuần sau, vợ và hai đứa con trai của ông cũng chịu phép báp têm—lần này là trong một nhà hội ấm áp. Việc gia nhập Giáo Hội đã không làm cho cuộc sống của Dong Sull và gia đình của ông dễ dàng hơn, nhưng điều đó làm cho các phước lành mới có thể đến với họ. “Những sự ngược đãi và thống khổ … sau khi tôi chịu phép báp têm là không thể diễn đạt bằng lời,” Dong Sull nói. “Chúng tôi đã mất rất nhiều trong tiến trình [gia nhập Giáo Hội], nhưng chúng tôi đã có được nhiều hơn những gì chúng tôi từng mơ ước.”

Bờ Biển Ngà

“Cánh Cửa của Cuộc Sống và Hạnh Phúc”

Lydie Zebo Bahie là người con út trong gia đình, sống cùng cha mẹ và rồi cả cha lẫn mẹ đều đã qua đời. Sự mất mát này dẫn đến căn bệnh trầm cảm nặng. Người cháu trai của chị, Faet Nadege, đã giới thiệu chị với Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi lần đầu tiên chị đi nhà thờ, Lydie cảm nhận được tình yêu thương tuyệt vời từ các chị em trong các tổ chức Hội Phụ Nữ và Hội Thiếu Nữ. Mặc dù đã ngừng đọc sách trong thời gian bị trầm cảm, nhưng chị thấy mình có thể tập trung trở lại khi học Sách Mặc Môn. Chị đã chịu phép báp têm vào ngày 18 tháng Mười Một năm 1995.

Không lâu sau lễ báp têm của mình, chị đã nhận được một cơ hội để đáp lại tình yêu thương mà đã được bày tỏ cho chị bằng cách phục vụ trong các tổ chức Hội Phụ Nữ và Hội Thiếu Nữ. Chị cũng đã phục vụ với tư cách là một người truyền giáo chi nhánh, để mời những người khác khám phá ra tình thân hữu và sự bình an giống như điều mà chị mới vừa tìm thấy. Lydie nói: “Tất cả những chức vụ kêu gọi này đã củng cố tôi và giúp tôi tiến triển về mặt thuộc linh lẫn tinh thần.”

Lydie trở thành một trong những chị truyền giáo đầu tiên phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Democratic Republic of the Congo Kinshasa.

Khi học viên đã hoàn thành việc nghiên cứu, hãy tạo cơ hội cho các em chia sẻ những điều đã học được.

Mời học viên viết điều các em đã học được hoặc nghiên cứu ngày hôm nay mà giúp gia tăng ước muốn của các em để trở thành người tiền phong. Các em cũng có thể viết những cách mà các em có thể muốn noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và là người tiền phong cho những người khác và lý do tại sao các em muốn làm điều đó.

In