Lớp Giáo Lý
Bài Học 151—Giáo Lý và Giao Ước 137: Những Người Sẽ Kế Thừa Vương Quốc Thượng Thiên


“Bài Học 151—Giáo Lý và Giao Ước 137: Những Người Sẽ Kế Thừa Vương Quốc Thượng Thiên”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 137”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 151: Giáo Lý và Giao Ước 137–138

Giáo Lý và Giao Ước 137

Những Người Sẽ Kế Thừa Vương Quốc Thượng Thiên

Hình Ảnh
vương quốc thượng thiên

Vào tháng Một năm 1836, trong khi đang ở trong Đền Thờ Kirtland chưa được xây dựng xong, Tiên Tri Joseph Smith đã nhìn thấy một khải tượng về vương quốc thượng thiên. Trong khải tượng này, mà bây giờ là Giáo Lý và Giao Ước 137, Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải những lẽ thật về kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Bài học này có thể giúp học viên gia tăng lòng biết ơn của các em đối với kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả con cái của Ngài

Các câu chuyện là một cách để giúp học viên tham gia vào kinh nghiệm học tập. Cân nhắc việc đọc hoặc tóm tắt đoạn sau đây. Các em cũng có thể xem video “Joseph Smith: The Prophet of the Restoration”, có trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 2:05 đến 4:21 hoặc 11:57 đến 15:22, hoặc cả hai.

Vào năm 1823, cái chết bất ngờ của Alvin, người con trai cả, đã làm suy sụp cả gia đình của Joseph Smith. Gia đình họ đã yêu cầu một mục sư địa phương làm lễ tang cho Alvin. Vì Alvin chưa phải là tín hữu đã được làm phép báp têm trong giáo đoàn của mình, người mục sư này đã quả quyết rằng Alvin không thể được cứu. Anh trai của Joseph, William kể lại sau này rằng, “[Vị mục sư]… [quả quyết] rằng [Alvin] đã đi xuống ngục giới, vì Alvin không phải là tín hữu giáo hội” (trong Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 431). Trong suốt cuộc đời mình, Joseph cùng với vợ của ông là Emma thậm chí còn trải qua nhiều mất mát hơn, khi họ phải chôn cất bốn trong số sáu đứa con thơ của mình.

  • Joseph Smith và gia đình của ông có thể có những câu hỏi nào về cái chết của những người thân yêu của mình?

Khải tượng về vương quốc thượng thiên

Vào tháng Một năm 1836, Joseph đã tổ chức một buổi họp với các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội trong một căn phòng của Đền Thờ Kirtland chưa hoàn thành. Nơi đó Joseph đã nhận được khải tượng về vương quốc thượng thiên trong tương lai. Trong khải tượng này, giờ đây là Giáo Lý và Giao Ước 137, Joseph đã được dạy những lẽ thật vĩnh cửu về sự cứu rỗi của con cái của Cha Thiên Thượng, bao gồm cả trẻ thơ và anh trai Alvin của ông.

Khi học viên đọc tiết này, anh chị em có thể tạm dừng sau khi nghiên cứu các câu 1–6. Hãy mời các em chia sẻ những điều nổi bật đối với các em từ lời mô tả của Joseph về vương quốc thượng thiên.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 137:1–10, tìm kiếm những lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy về kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng.

  • Đấng Cứu Rỗi giảng dạy điều gì trong các câu này mà có thể đã an ủi Joseph Smith và gia đình của ông? Tại sao điều đó có thể an ủi họ?

    Các câu 7–10 mang đến một cơ hội tốt cho học viên tập nhận ra các lẽ thật phúc âm, và nói về chúng bằng lời riêng của các em. Giúp học viên nhận ra và chia sẻ những câu phát biểu về lẽ thật được tìm thấy trong những câu này, kể cả những câu sau đây:

    • Tất cả những người mà đáng lẽ đã tiếp nhận phúc âm nếu họ có cơ hội đều sẽ bước vào vương quốc thượng thiên (xin xem các câu 7–8).

    • Chúa sẽ phán xét mỗi người chúng ta qua những việc làm và ước muốn của lòng chúng ta (xin xem câu 9).

    • Tất cả trẻ em chết trước khi các em đến tuổi hiểu biết trách nhiệm sẽ được cứu vào vương quốc thượng thiên (xin xem câu 10).

    Cân nhắc liệt kê các nguyên tắc này lên bảng.

  • Gia đình Smith có thể đã cảm thấy như thế nào về những lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy trong những câu này?

  • Các em cảm thấy như thế nào về những lẽ thật này? Những lẽ thật này ảnh hưởng như thế nào đến lòng cảm kích của các em dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Sau một khoảng thời gian thích hợp để suy ngẫm, hãy mời học viên chọn những lẽ thật mà các em muốn nghiên cứu kỹ hơn. Các em có thể học cùng cả lớp, một mình hoặc theo nhóm nhỏ. Học viên có thể diễn các tình huống.

Tất cả những người nào chấp nhận phúc âm của Đấng Cứu Rỗi đều hội đủ điều kiện để vào vương quốc thượng thiên (xin xem các câu 7–8)

Mời học viên suy ngẫm tình huống sau đây hoặc một điều gì đó tương tự mà phản ánh những câu hỏi của các em về những người qua đời mà không nhận được các giáo lễ cứu rỗi của Cha Thiên Thượng.

Kịch bản: Hãy tưởng tượng rằng các em đang nói chuyện với một gia đình gặp tình huống giống như gia đình Smith vào lúc Alvin qua đời.

Tài liệu học tập: Đọc Giáo Lý và Giao Ước 137:7–8; 1 Phi E Rơ 4:6; Mô Si A 15:24; và lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Nhờ vào lòng thương xót của Ngài nên kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Thượng Đế và các phước lành vĩnh cửu của kế hoạch này có thể được [ban] cho những người đã không có cơ hội để nghe phúc âm trong cõi hữu diệt. Các giáo lễ đền thờ có thể được thực hiện thay cho họ. (Russell M. Nelson, “Hôn Nhân Vĩnh Cửu”, Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 94)

Các câu hỏi để thảo luận:

  • Làm thế nào những câu thánh thư này và những lời giảng dạy của Chủ Tịch Nelson có thể giúp gia đình hiểu kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài?

  • Lẽ thật này ảnh hưởng đến những cảm nghĩ của các em về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch cứu rỗi theo những cách nào?

Được phán xét bởi việc làm và ước muốn của lòng chúng ta (xin xem câu 9)

Hai tình huống được đưa ra để giúp học viên cảm nhận được tầm quan trọng của lẽ thật này. Học viên có thể chọn một tình huống để thảo luận hoặc tự tạo ra tình huống phản ánh những câu hỏi mà các em có. Sinh hoạt này sẽ tập trung vào những ước muốn ngay chính chưa được đáp ứng. Nếu anh chị em nghĩ rằng sẽ có lợi cho học viên từ việc nghiên cứu cách Chúa sẽ phán xét chúng ta, thì hãy mời các em đọc An Ma 41:3–7.

Tình huống:

  • Long lo lắng rằng anh sẽ không bao giờ có cơ hội tìm được một người bạn đời vĩnh cửu và kết hôn trong đền thờ.

  • Mỹ Anh là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong gia đình. Bạn ấy lo lắng về việc không được làm lễ gắn bó với cha mẹ mình.

Tài liệu học tập: Xem lại Giáo Lý và Giao Ước 137:9 và lời phát biểu này của Chủ Tịch Russell M. Nelson:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Còn những người không thể kết hôn trong cuộc sống này hoặc những người không thể được làm lễ gắn bó [với] cha mẹ của họ trong cuộc sống này thì sao? Chúng ta biết rằng Chúa sẽ phán xét mỗi người chúng ta tùy theo những ước muốn của lòng chúng ta, cũng như [những việc làm] của chúng ta, và rằng các phước lành của sự tôn cao sẽ được ban cho tất cả những ai xứng đáng. (Russell M. Nelson, “Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao”, Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 10)

Các câu hỏi để thảo luận:

  • Việc Chúa sẽ phán xét chúng ta qua những việc làm và ước muốn của lòng chúng ta có ý nghĩa gì đối với các em?

  • Làm thế nào lẽ thật được dạy trong câu 9 có thể giúp Long hoặc Mỹ Anh hiểu rõ hơn về kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho mỗi con cái của Ngài?

  • Lẽ thật này ảnh hưởng đến cảm nghĩ của các em về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và kế hoạch cứu rỗi của Ngài như thế nào?

Trẻ nhỏ được cứu rỗi trong vương quốc thượng thiên (xin xem câu 10)

Chia sẻ tình huống sau đây hoặc cho xem câu chuyện được Chủ Tịch Boyd K. Packer (1924–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ kể lại trong “Một Đứa Con Trẻ Sẽ Dắt Chúng Nó Đi.” Video có sẵn trên ChurchofJesusChrist.org, và câu chuyện là từ phút 4:40 đến 6:00. Mời học viên tưởng tượng rằng các em là những người truyền giáo đã bắt gặp cảnh tượng được mô tả.

Tình huống: Là một người truyền giáo, các em gặp cha mẹ đang đau buồn của một cậu bé hai tuổi bị chết đuối. Hai người lo lắng rằng cậu bé không thể lên thiên đàng vì nó chưa bao giờ được làm phép báp têm.

Tài liệu học tập: Đọc Mô Rô Ni 8:8, 11–12; Giáo Lý và Giao Ước 29:46; 137:10.

Các câu hỏi để thảo luận:

  • Các em sẽ chia sẻ những khía cạnh nào trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng với người cha và người mẹ này?

  • Các em có thể bổ sung điều gì để người cha và người mẹ trong tình huống này cảm thấy an ủi hơn?

  • Lẽ thật này ảnh hưởng như thế nào đến lòng cảm kích của các em dành cho Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch cứu rỗi?

Chia sẻ những cảm nghĩ của các em

Cân nhắc tạo cơ hội cho học viên chia sẻ những cảm nhận và chứng ngôn của các em về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô cũng như những lẽ thật mà các em đã nghiên cứu hôm nay. Để giúp học viên bày tỏ lời chứng cá nhân của mình, anh chị em có thể mời các em chia sẻ câu trả lời của mình cho những câu hỏi sau đây.

  • Những lẽ thật các em đã học được ngày hôm nay có thể áp dụng như thế nào cho hoàn cảnh hoặc mối bận tâm hiện tại của các em?

  • Những điều các em đã học hoặc cảm nhận đã ảnh hưởng như thế nào đến lòng cảm kích của các em dành cho Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch hạnh phúc?

In