Lớp Giáo Lý
Bài Học 211—“Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu”: Nghiên Cứu Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội


“Bài Học 211—‘Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu’: Nghiên Cứu Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 211—Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội

“Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu”

Nghiên Cứu Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Trong cả năm, học viên sẽ có nhiều cơ hội trong lớp giáo lý để học tập từ những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo ngày sau đầy soi dẫn trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này đưa ra ví dụ về cách giảng viên có thể sử dụng tài liệu “Khuôn Mẫu: Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội” để hướng dẫn lớp học khi nghiên cứu các sứ điệp này. Ví dụ được sử dụng trong bài học này là “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” của Chủ Tịch Russell M. Nelson ([buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org). Bài học này có thể làm gia tăng sự hiểu biết của học viên về các nguyên tắc giúp các em chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Xin lưu ý: Bài học này đưa ra ví dụ về cách giảng viên có thể sử dụng tài liệu “Khuôn Mẫu: Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội” để giúp học viên nghiên cứu các sứ điệp từ các vị lãnh đạo Giáo Hội. Anh chị em có thể điều chỉnh các ý tưởng từ bài học này, kết hợp các ý tưởng từ khuôn mẫu theo cách khác hoặc sử dụng ý tưởng riêng của bản thân để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học viên.

Bắt đầu bài học

Bắt đầu bài học theo cách tạo ra hứng thú cho học viên và giúp học viên chuẩn bị tâm trí và tấm lòng cho kinh nghiệm học tập. Cân nhắc sử dụng lời phát biểu hoặc khái niệm từ bài nói chuyện “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” của Chủ Tịch Nelson. Sau đây là một ví dụ về cách bắt đầu bài học.

Hãy viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng và mời học viên suy nghĩ về tương lai của các em trong cuộc đời này và trong thời vĩnh cửu:

Trong một bài nói chuyện dành cho những thành niên trẻ tuổi, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã bày tỏ:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Tôi muốn nói với các em về tương lai. (Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Hãy trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập của các em:

  • Các em có những suy nghĩ và cảm nhận gì khi nghĩ về tương lai của mình trong cuộc đời này và trong thời vĩnh cửu?

  • Nếu các em có thể nói về tương lai của mình với vị tiên tri của Thượng Đế, thì các em sẽ hỏi những câu hỏi nào?

Hãy cân nhắc mời một vài học viên chia sẻ những điều các em đã viết trong nhật ký học tập. Anh chị em cũng có thể mời học viên viết lên trên bảng một số câu hỏi về tương lai của các em. Những câu hỏi này giúp học viên chuẩn bị cho việc nghiên cứu sứ điệp.

Nghiên cứu sứ điệp

Khi học viên nghiên cứu, hãy khuyến khích các em tập trung vào việc gia tăng sự hiểu biết và củng cố chứng ngôn của các em về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Mời học viên ghi lại những suy nghĩ và cảm nhận có thể đến từ Đức Thánh Linh trong khi các em nghiên cứu.

Phần này của bài học sẽ sử dụng ý tưởng “Tìm kiếm” từ phần “Nghiên Cứu Sứ Điệp” của tài liệu “Khuôn Mẫu: Những Lời Giảng Dạy của các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội”. Phần này nhằm giúp học viên tập trung vào việc nghiên cứu bài nói chuyện.

biểu tượng tài liệu phát tayNếu học viên không có quyền truy cập vào bài nói chuyện “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” thì anh chị em có thể cung cấp ba tài liệu phát tay có các đoạn trong bài chia sẻ của ông. Anh chị em có thể chia lớp học ra thành ba nhóm và yêu cầu mỗi nhóm nghiên cứu một tài liệu phát tay khác nhau. Hoặc anh chị em có thể in ra toàn bộ bài nói chuyện và học viên có thể nghiên cứu bài nói chuyện theo các nhóm nhỏ. Mời học viên làm theo những chỉ dẫn dưới đây khi các em hoàn thành sinh hoạt này.

Khi các em nghiên cứu bài nói chuyện “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” của Chủ Tịch Nelson, hãy tìm kiếm những lẽ thật giúp các em chuẩn bị cho tương lai trên thế gian và cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Các em cũng có thể tìm kiếm những lời giảng dạy để trả lời những câu hỏi về tương lai mà các em đã viết trong nhật ký học tập hoặc lên trên bảng.

Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu, Phần 1

Mục đích của tôi [trong] buổi tối hôm nay là để chắc chắn rằng mắt các em sẽ được mở ra để thấy được cuộc sống này thực sự thời gian [cho các em] quyết định cuộc sống nào các em muốn sống mãi mãi. Bây giờ thời gian [cho] các em “chuẩn bị để gặp Thượng Đế” [xin xem An Ma 12:24; 34:32]. …

Mỗi lựa chọn ngay chính mà các em đưa ra trên trần thế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích bây giờ. Nhưng những lựa chọn ngay chính trên trần thế sẽ mang lại những lợi ích còn phi thường hơn nữa trong cuộc sống vĩnh cửu. Nếu các em chọn lập các giao ước với Thượng Đế và trung thành với các giao ước này, thì các em sẽ có lời hứa “được nhận thêm nhiều vinh quang [lên đầu các em] mãi mãi và đời đời” [Áp Ra Ham 3:26]. …

Dĩ nhiên, kẻ nghịch thù [thậm chí] không muốn các em … nghĩ tới tương lai, huống chi cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng xin hãy đừng thiếu hiểu biết hoặc ngây thơ về những cơ hội và thử thách của cuộc sống trần thế. [Trong tinh thần] này, các em cần phải hiểu ba lẽ thật căn bản mà sẽ giúp các em chuẩn bị cho kế hoạch tương lai của mình: …

Thứ nhất: Hãy biết lẽ thật về việc các em là ai. Tôi tin là nếu Chúa đang trực tiếp phán cùng các em buổi tối hôm nay, thì điều đầu tiên Ngài muốn chắc [chắn] các em hiểu được [chính] là danh tính thực sự của các em. Các bạn thân mến của tôi, các em [thực sự] là con cái linh hồn … của Thượng Đế. Các em đã hát lên lẽ thật này kể từ khi các em học lời bài thánh ca “Tôi Là Con Đức Chúa Cha” [Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 58]. Những lẽ thật vĩnh cửu đó có được ghi khắc vào lòng các em không? Lẽ thật này đã giải cứu các em khi đương đầu với cám dỗ chưa?

Tôi e rằng các em đã nghe thấy lẽ thật này quá thường xuyên đến mức nó nghe giống như là một khẩu hiệu hơn là một lẽ thật thiêng liêng. Và tuy vậy, cách các em nghĩ về con người thật sự của mình ảnh hưởng đến mọi quyết định các em từng đưa ra. …

Các em là ai?

Trước [tiên] và trên hết, các em là con cái của Thượng Đế.

Thứ hai, là tín hữu của Giáo Hội, các em là con cái giao ước. Và thứ ba, các em là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Buổi tối hôm nay, tôi khẩn nài với các em đừng nên thay thế ba danh hiệu tối quan trọng và bất biến này với bất kỳ danh hiệu nào khác, vì khi làm như vậy có thể làm cản trở sự tiến triển của các em hoặc phân loại các em theo một định kiến mà có thể có khả năng ngăn cản sự tiến triển vĩnh cửu của các em. …

Dĩ nhiên đây là nhiều biệt danh khác nhau mà có thể rất quan trọng đối với các em. Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không nói rằng các tên gọi và danh hiệu khác là không quan trọng. Tôi chỉ nói rằng không có danh hiệu nào nên chiếm chỗ, thay thế, hoặc ưu tiên hơn ba tên gọi vĩnh cửu này: “con của Thượng Đế,” “con của giao ước,” và “môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Bất kỳ danh hiệu nào không phù hợp với ba tên gọi cơ bản này thì cuối cùng sẽ làm cho các em thất vọng. Với thời gian, những biệt danh khác rồi sẽ làm các em thất vọng vì chúng không có quyền năng để dẫn dắt các em hướng tới cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc thượng thiên của Thượng Đế. …

Xin đừng nhầm lẫn về điều này: Tiềm năng của các em rất thiêng liêng. Khi các em chuyên cần tìm kiếm, Thượng Đế sẽ cho các em có cái nhìn thoáng qua về con người mà các em có thể trở thành. (Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu, Phần 2

Thứ hai: Hãy biết lẽ thật về những gì Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô ban cho các em.

Nói tóm lại, hai Ngài ban cho các em mọi thứ!

Kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái Ngài cho phép chúng ta sống … theo cách Ngài sống và để cuối cùng càng trở nên giống Ngài hơn. Kế hoạch của Ngài thực sự sẽ làm cho tất cả các phước lành dồi dào của suốt thời vĩnh cửu có sẵn cho chúng ta, bao gồm cả tiềm năng để cho chúng ta trở thành “kẻ đồng kế tự với Đấng Ky Tô” [Rô Ma 8:17].

Thượng Đế biết hết tất cả và nhìn thấy tất cả mọi điều. Trong suốt thời vĩnh cửu, sẽ không có ai biết đến các em hoặc quan tâm đến các em nhiều hơn Ngài. Sẽ không có ai gần gũi với các em nhiều hơn Ngài. Các em có thể trút hết nỗi lòng mình với Ngài và tin cậy Ngài sẽ gửi đến Đức Thánh Linh và các thiên sứ đến chăm sóc cho các em. Ngài biểu lộ tình yêu thương tột bậc khi Ngài gửi Con Trai Độc Sinh của Ngài đến để chết cho các em—để trở thành Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của các em!

Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã thắng thế gian [xin xem Giăng 16:33; Giáo Lý và Giao Ước 50:41]. Do đó, Ngài là “Đấng có quyền năng để … tẩy sạch [các em] khỏi mọi điều bất chính” [An Ma 7:14]. Ngài sẽ giải cứu các em khỏi những hoàn cảnh cùng cực nhất theo cách thức và kỳ định riêng của Ngài. Khi các em đến cùng Ngài trong đức tin, Ngài sẽ hướng dẫn, gìn giữ, và bảo vệ các em. Ngài sẽ chữa lành tấm lòng đau khổ và an ủi các em trong những lúc đau buồn [xin xem Lu Ca 4:18; An Ma 7:10–12]. Ngài sẽ ban cho các em khả năng tiếp cận quyền năng của Ngài. Và Ngài sẽ làm cho điều bất khả thi trong cuộc sống các em trở nên khả thi. …

Thượng Đế có một tình yêu thương đặc biệt dành cho mỗi người lập giao ước với Ngài trong nước báp têm. Và tình yêu thương thiêng liêng đó càng sâu đậm hơn khi các giáo lễ khác nữa được lập và trung thành tuân giữ. Rồi vào lúc kết thúc cuộc sống trần thế, cuộc hội ngộ của mỗi người con giao ước với Cha Thiên Thượng của chúng ta thật là quý giá biết bao [xin xem Thi Thiên 116:15].

Ngài cũng quan tâm sâu sắc rằng tất cả các con cái của Ngài đều có cơ hội để nghe các tin [lành] về phúc âm phục hồi. Cha Thiên Thượng đã gửi con cái Ngài xuống thế gian trong hơn sáu thiên niên kỷ. Hầu hết những người này chưa tiếp nhận các giáo lễ mà sẽ giúp họ hội đủ điều kiện nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao các đền thờ là vô cùng quan trọng. Đó là lý do tại sao sự quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che là công việc lớn lao nhất trên thế gian ngày nay. [Các] em, [là] các đồng sự của tôi trong công việc thánh thiện này, có một vai trò thiết yếu trong [sự] quy tụ này, và tôi biết ơn các em về điều đó. (Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu, Phần 3

Hãy biết lẽ thật liên quan đến sự cải đạo của các em. Sự thật là các em cần phải biết rõ sự cải đạo của riêng mình. Không ai khác có thể làm điều này thay cho các em.

Giờ đây, tôi xin mời các em xem xét một vài câu hỏi. Các em có muốn cảm thấy bình yên trước những lo lắng hiện đang ám ảnh các em không? Các em có muốn biết rõ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô không? Các em có muốn học hỏi cách mà quyền năng [thiêng liêng] của Ngài có thể chữa lành các vết thương và yếu kém của các em không? Các em có muốn kinh nghiệm được quyền năng tuyệt diệu và xoa dịu của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô tác động trong cuộc sống của các em không?

Việc tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ cần phải có nỗ lực—rất nhiều nỗ lực. Tôi khẩn nài các em hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy sở hữu chứng ngôn đó. Hãy chăm sóc cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Hãy [bồi đắp cho] chứng ngôn đó bằng lẽ thật. Đừng làm chứng ngôn đó mất đi tính thiêng liêng với những triết lý sai lầm của những người không tin và rồi tự hỏi tại sao chứng ngôn của các em lại suy yếu.

Hãy cầu nguyện tha thiết, khiêm nhường mỗi ngày. Hãy nuôi dưỡng bản thân mình bằng những lời của các vị tiên tri thời xưa và thời hiện đại. Cầu xin Chúa giảng dạy cho các em cách để nghe Ngài rõ hơn. [Hãy dành nhiều thời gian hơn] trong đền thờ và trong công việc lịch sử gia đình.

Khi các em đặt ưu tiên cao nhất cho chứng ngôn của mình, hãy chờ đợi những phép lạ xảy đến trong cuộc sống của các em.

Nếu các em có thắc mắc—và tôi hy vọng là các em có—thì hãy tìm kiếm câu trả lời với ước muốn tha thiết để tin tưởng. [Hãy học hỏi tất cả những gì các em có thể học hỏi] về phúc âm và hãy chắc chắn tìm đến những nguồn lẽ thật để được hướng dẫn. Chúng ta sống trong gian kỳ khi mà “không có một điều gì bị giữ lại cả” [Giáo Lý và Giao Ước 121:28]. Vì thế, khi đến kỳ định, Chúa sẽ giải đáp hết những thắc mắc của chúng ta.

Trong thời điểm hiện tại, hãy đắm mình trong nguồn mặc khải [dồi dào] mà chúng ta có sẵn trong tầm tay. Tôi hứa rằng việc làm như vậy cũng sẽ củng cố chứng ngôn của các em, ngay cả khi một số thắc mắc của các em vẫn chưa được giải đáp. Những thắc mắc chân thành của các em, khi được cầu vấn trong đức tin, sẽ luôn luôn dẫn dắt các em đến đức tin lớn lao hơn và sự hiểu biết dồi dào hơn. …

Khi các em chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình và làm cho chứng ngôn đó phát triển, các em sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ trong bàn tay của Chúa. Các em sẽ “được khích lệ bởi một chính nghĩa tốt đẹp hơn” [An Ma 43:45]—chính nghĩa của Chúa Giê Su Ky Tô!

Không có điều gì đang diễn ra trên thế gian này lại quan trọng hơn việc quy tụ Y Sơ Ra Ên cho Ngài. Hãy cho Cha Thiên Thượng của các em biết rằng các em muốn giúp đỡ. Cầu xin Ngài giao phó cho các em công việc trong chính nghĩa vinh quang này. Rồi sau đó [hãy lùi lại] và chiêm ngưỡng những điều xảy ra khi các em để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình.

Các bạn trẻ thân mến của tôi, tôi yêu mến các em. Tôi cảm ơn các em! Tôi tin ở các em. Là vị tiên tri của Chúa, tôi ban phước cho các em để biết và trân quý các lẽ thật, về con người thật sự của các em, cũng như về tiềm năng vinh quang có thật trong các em. Tôi ban phước cho các em để chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của riêng mình. Và tôi ban phước cho các em có được ước muốn và sức mạnh để tuân giữ các giao ước của mình.

Khi làm như vậy, tôi hứa rằng các em sẽ kinh nghiệm được sự phát triển về mặt thuộc linh, thoát khỏi nỗi lo sợ, và có được sự tự tin mà bây giờ các em khó có thể tưởng tượng được. Các em sẽ có sức mạnh để có ảnh hưởng tích cực vượt [xa] khả năng vốn có của mình. Và tôi hứa rằng tương lai của các em sẽ đầy hào hứng hơn bất kỳ điều gì các em [tin tưởng bây giờ]. (Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Hãy mời học viên suy nghĩ về những điều các em đã học được mà có thể giúp các em chuẩn bị cho cuộc sống tương lai trên thế gian và trong cuộc sống vĩnh cửu. Các em cũng có thể suy ngẫm xem câu hỏi nào của các em về tương lai đã được trả lời và trả lời như thế nào. Hãy cân nhắc việc yêu cầu một vài học viên chia sẻ những câu hỏi của các em đã được trả lời như thế nào.

Gia tăng sự hiểu biết

Phần này của bài học sẽ sử dụng ý tưởng “Sáng Tạo Điều Gì Đó” từ phần Gia Tăng Sự Hiểu Biết” trong tài liệu “Khuôn Mẫu: Những Lời Giảng Dạy của các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội”.

Mục đích của phần này là nhằm giúp học viên suy ngẫm và thảo luận về bài nói chuyện “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” của Chủ Tịch Nelson.

Hãy suy ngẫm về những hiểu biết sâu sắc mà các em có được khi nghiên cứu sứ điệp của Chủ Tịch Nelson. Sáng tạo điều gì đó có thể giúp các em ghi nhớ điều mình đã học hoặc có thể soi dẫn người khác chuẩn bị cho một tương lai đầy ý nghĩa và cuộc sống vĩnh cửu. Sau đây là một số ví dụ về những điều các em có thể sáng tạo:

  • Một bức tranh

  • Một bài thơ

  • Một ảnh meme

  • Một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội

    Nếu có thể, anh chị em có thể muốn cung cấp giấy và các vật liệu cần thiết khác cho học viên. Khi học viên hoàn thành, hãy cân nhắc việc mời một vài em chia sẻ những điều các em đã tạo ra. Khi học viên chia sẻ, anh chị em có thể đặt ra tiếp những câu hỏi như sau:

  • Phần nào trong sứ điệp của Chủ Tịch Nelson đã soi dẫn các em sáng tạo ra cái đó? Tại sao phần đó lại soi dẫn các em?

  • Việc ghi nhớ sứ điệp đó có thể giúp hướng dẫn các em bây giờ và trong tương lai như thế nào?

  • Sự sáng tạo của các em có thể thúc đẩy người khác hướng về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô ra sao?

Cân nhắc việc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về các lẽ thật đã soi dẫn anh chị em từ sứ điệp của Chủ Tịch Nelson. Khuyến khích học viên hành động theo bất cứ sự thúc giục nào mà các em cảm nhận được.