Lớp Giáo Lý
Bài Học 175—Đặt Ra Các Mục Tiêu: Trở Nên Giống Như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô Hơn


“Bài Học 175—Đặt Ra Các Mục Tiêu: Trở Nên Giống Như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô Hơn,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Đặt Ra Các Mục Tiêu,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 175: Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Cách Để Lựa Chọn

Đặt Ra Các Mục Tiêu

Trở Nên Giống Như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô Hơn

Hình Ảnh
người đang đi trên một con đường

Cha Thiên Thượng mong muốn tất cả con cái của Ngài có được cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Môi Se 1:39). Chúng ta có thể tiến triển với nỗ lực của bản thân để trở nên giống như Thượng Đế và trở về nơi hiện diện của Ngài bằng cách đặt ra các mục tiêu cá nhân. Bài học này có thể giúp học viên đặt mục tiêu một cách hiệu quả và lập kế hoạch khi các em tìm cách trở nên giống như Thượng Đế hơn với sự giúp đỡ của Ngài.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các em đang đi đâu? Các em sẽ đến nơi đó bằng cách nào?

Hãy đưa ra một bản đồ thế giới hoặc bản đồ khu vực của anh chị em. Yêu cầu học viên chia sẻ những địa điểm mà các em đã đến thăm hoặc muốn đến thăm. Cho học viên hai phút để tạo kế hoạch mà có thể giúp một người đi đến địa điểm đó. Kế hoạch này có thể bao gồm những điều như phương thức đi lại thích hợp, lộ trình chi tiết, và chi phí. Học viên có thể chia sẻ kế hoạch của mình với một người bạn.

  • Việc tạo kế hoạch cho chuyến đi có liên hệ như thế nào đến cuộc sống trần thế của chúng ta?

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ như sau:

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

Việc biết được mình sẽ đi đâu và cách mình trông mong để đến nơi đó có thể mang lại ý nghĩa, mục đích và thành tựu cho cuộc sống.

Một số người gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa một mục tiêu với một kế hoạch cho đến khi họ biết được rằng mục tiêu là điểm đến hoặc một kết thúc, trong khi kế hoạch là lộ trình mà nhờ đó anh chị em đến được nơi đó. (M. Russell Ballard, “Trở Lại và Nhận Được,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 62)

  • Mục đích của các mục tiêu và kế hoạch là gì?

    Mời học viên suy ngẫm về các mục tiêu và kế hoạch cá nhân của các em bằng cách nghĩ về những câu hỏi như sau:

  • Các em đặt mục tiêu cho bản thân mình và lập kế hoạch để đạt được các mục tiêu đó bao lâu một lần?

  • Những thành công và khó khăn của các em là gì?

  • Các em hy vọng các mục tiêu và kế hoạch sẽ dẫn dắt các em tới đâu?

Trong suốt bài học, hãy khuyến khích học viên tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh khi các em phát triển và cố gắng đạt được các mục tiêu và kế hoạch của mình.

Thượng Đế đã ban cho chúng ta một tấm gương

Khi anh chị em đưa ra lời phát biểu sau đây, hãy cân nhắc bỏ cụm từ “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” và từ “sự cứu rỗi” ra khỏi đoạn đầu tiên. Yêu cầu học viên điền mục tiêu của Thượng Đế và tên của kế hoạch của Ngài vào hai chỗ trống này. Sau đó học viên có thể đọc Môi Se 1:39 hoặc An Ma 42:5 để xác định những từ mà Chủ Tịch Ballard đã sử dụng.

Chủ Tịch Ballard tiếp tục giảng dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, đã ban cho chúng ta một tấm gương hoàn hảo về việc đặt ra mục tiêu và hoạch định. Mục tiêu của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” [Môi Se 1:39], và phương cách của Ngài để đạt được mục tiêu đó là kế hoạch cứu rỗi. …

… Tôi tin rằng một bí quyết quan trọng để đạt được hạnh phúc là học cách đặt ra mục tiêu của chúng ta và thiết lập kế hoạch của mình trong khuôn khổ kế hoạch vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng. (M. Russell Ballard, “Trở Lại và Nhận Được,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 63)

  • Các em học được điều gì từ lời phát biểu này về các mục tiêu và kế hoạch của riêng mình?

    Một lẽ thật mà học viên có thể nhận ra là chúng ta có thể cảm nhận được hạnh phúc bằng cách cố gắng hướng tới các mục tiêu cá nhân giúp chúng ta đi theo kế hoạch của Thượng Đế. Giúp học viên hiểu rằng Thượng Đế đã làm cho chúng ta có thể sống vĩnh viễn, hoặc đạt được sự bất diệt thông qua Đấng Cứu Rỗi. Ngài cũng mong muốn rằng chúng ta trở nên giống như Ngài và Chúa Giê Su Ky Tô và trở về sống với hai Ngài, hoặc đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế làm cho các phước lành này có thể thực hiện được.

  • Các em nghĩ tại sao chúng ta có thể cảm nhận được hạnh phúc khi các mục tiêu giúp chúng ta đi theo kế hoạch của Thượng Đế? (xin xem 2 Nê Phi 2:25; Mô Si A 2:41).

    Hãy đọc Lu Ca 2:52, tìm kiếm những cách mà Đấng Cứu Rỗi đã phát triển khi còn trẻ khi Ngài đi theo kế hoạch của Cha Ngài.

  • Tại sao việc noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về sự phát triển trong các lĩnh vực này có thể dẫn đến hạnh phúc gia tăng?

Một khuôn mẫu cho sự phát triển

Cho học viên xem Sự Phát Triển Cá Nhân: Sách Hướng Dẫn Giới Trẻ. Cân nhắc việc mời một học viên chia sẻ cách sử dụng tài liệu này để giúp tạo mục tiêu và lập kế hoạch. Nếu cần, hãy giải thích rằng chúng ta được mời gọi noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách tạo ra các mục tiêu trong mỗi lĩnh vực sau đây: thuộc linh, xã hội, trí tuệ, và thể chất.

Để chuẩn bị cho học viên thiết lập các mục tiêu của mình, hãy cân nhắc việc xem lại phần “Một Khuôn Mẫu cho Sự Phát Triển” trong Sách Hướng Dẫn Giới Trẻ ([năm 2019], trang 7–15) hoặc cung cấp tài liệu phát tay có tựa đề “Một Khuôn Mẫu cho Sự Phát Triển”. Sắp xếp học viên vào các nhóm bốn người, mỗi học viên nghiên cứu một phần khác nhau của khuôn mẫu này. Sau đó, học viên có thể giải thích cho nhóm những điều mình đã học được.

Anh chị em cũng có thể xem “Video: Goal Setting Process” (3:42), trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Một Khuôn Mẫu cho Sự Phát Triển

Khám phá các nhu cầu, ân tứ, và tài năng của các em. Hãy thử hỏi những câu hỏi như:

Tôi cảm thấy nên học hỏi hoặc thay đổi điều gì trong cuộc sống của mình?

Những tài năng hoặc kỹ năng nào tôi muốn đạt được?

Những thói quen thuộc linh nào tôi cần phải phát triển hoặc cải thiện?

Tôi giữ các giao ước mà tôi đã lập khi chịu phép báp têm bằng cách nào?

Tôi có thể phục vụ những ai?

“Nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi … hỏi Ta xem điều đó có đúng không” (Giáo Lý và Giao Ước 9:8).

Hoạch định để cải thiện. Hãy thử hỏi những câu hỏi như:

  • Tại sao điều này là quan trọng đối với tôi?

  • Làm thế nào mà điều này giúp tôi trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

  • Những hành động nào tôi có thể làm để thực hiện điều này?

  • Tôi có thể chia những hành động này thành những bước nhỏ hơn được không?

  • Những kế hoạch nào tôi có thể lập bây giờ để vượt qua những thử thách mà tôi có thể gặp phải?

“Những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm” (2 Nê Phi 32:3).

Suy ngẫm về những điều các em đã học được. Hãy thử hỏi những câu hỏi như:

  • Tôi đã phát triển như thế nào?

  • Làm thế nào tôi có thể dùng những điều mình đã học để phục vụ những người khác?

  • Những hành động của tôi đã giúp tôi trở nên gần gũi hơn với Đấng Cứu Rỗi như thế nào?

  • Làm thế nào tôi có thể tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này?

“Hãy ban bằng cái nẻo của chân con đi [suy ngẫm về con đường con đi]” (Châm Ngôn 4:26).

Hành động để phát triển trong đức tin. Nếu các em bế tắc, hãy thử hỏi những câu hỏi như:

  • Điều gì có hiệu quả? Tại sao?

  • Điều gì không có hiệu quả? Tại sao không hiệu quả?

  • Tôi có thể thử điều gì khác?

  • Tôi có thể tìm thêm ý tưởng ở đâu?

  • Tôi có thể chia mục tiêu của mình thành những bước hoặc hành động nhỏ hơn không?

  • Tôi có thể học hỏi điều gì từ những thất bại?

“Thật vậy Ta nói, [ngươi] phải biết thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa, và làm được nhiều việc theo ý muốn của mình” (Giáo Lý và Giao Ước 58:27).

  • Các em cảm thấy những câu hỏi nào có thể hữu ích khi các em thực hiện các mục tiêu và kế hoạch của mình? Tại sao?

  • Khuôn mẫu này giúp các em trong các nỗ lực để trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn bằng cách nào?

  • Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp đỡ các em trong các nỗ lực của mình bằng cách nào?

Khám phá, hoạch định, hành động, và suy ngẫm

Cho học viên thời gian để xem lại các mục tiêu cá nhân của các em. Đưa ra các chỉ dẫn sau:

Chọn tiêu đề mô tả em đúng nhất, và hoàn thành ít nhất một trong những chỉ dẫn tương ứng. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ Đức Thánh Linh và sử dụng “Một Khuôn Mẫu cho Sự Phát Triển” (có trong Sách Hướng Dẫn Giới Trẻ hoặc trên tài liệu phát tay).

  • Tôi chưa đặt ra các mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể.

  • a. Khám phá điều em cần phải cố gắng thực hiện trong một hoặc nhiều lĩnh vực sau đây: thuộc linh, xã hội, trí tuệ, thể chất.

    b. Tạo ra kế hoạch mà sẽ giúp em đạt được các mục tiêu này.

    c. Ghi lại các mục tiêu và kế hoạch của em trong Sách Hướng Dẫn Giới Trẻ hoặc nhật ký học tập của em.

  • Tôi có các mục tiêu và kế hoạch đang thực hiện.

  • a. Nếu thích hợp, hãy sử dụng thời gian trong lớp để hành động theo một số kế hoạch và mục tiêu của em.

    b. Suy ngẫm về điều em đã học được và sự tiến triển của em khi hành động theo các mục tiêu và kế hoạch của mình.

    c. Ghi lại những ý nghĩ của em và điều chỉnh các mục tiêu hoặc kế hoạch khi cần thiết trong Sách Hướng Dẫn Giới Trẻ hoặc nhật ký học tập của mình.

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian, hãy mời một vài em chia sẻ các mục tiêu đã lập hoặc những thành công và thử thách mà các em đã trải qua trong khi cố gắng thực hiện các mục tiêu của mình.

Mời học viên suy ngẫm về việc hành động theo mục tiêu cá nhân của các em. Giải thích rằng việc thực hiện các mục tiêu là một hành động với đức tin. Hãy làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô biết những điểm mạnh và yếu kém của chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta thành công khi chúng ta tìm đến Ngài.

In