Lớp Giáo Lý
Bài Học 179—Tán Trợ Các Vị Lãnh Đạo của Chúng Ta: Nghe Theo Những Người được Chúa Kêu Gọi Làm Lãnh Đạo


“Bài Học 179—Tán Trợ Các Vị Lãnh Đạo của Chúng Ta: Nghe Theo Những Người được Chúa Kêu Gọi Làm Lãnh Đạo”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Tán Trợ Các Vị Lãnh Đạo của Chúng Ta”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 179: Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Cách để Lựa Chọn

Tán Trợ Các Vị Lãnh Đạo của Chúng Ta

Nghe Theo Những Người được Chúa Kêu Gọi Làm Lãnh Đạo

Hình Ảnh
các tín hữu tán trợ những người lãnh đạo giới trẻ

Chúng ta có thể trở thành một người lãnh đạo giỏi theo nhiều cách. Một cách trong số đó là trở thành người biết nghe theo. Chúng ta cho thấy đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi tán trợ các vị lãnh đạo được kêu gọi theo chỉ dẫn của Ngài. Bài học này nhằm giúp học viên hiểu được tầm quan trọng của việc tán trợ những người được Chúa kêu gọi làm lãnh đạo.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Sẵn lòng noi theo

Cân nhắc việc đưa ra tình huống sau đây để giúp học viên suy ngẫm về tầm quan trọng của việc tán trợ hoặc hỗ trợ những người mà Chúa kêu gọi để lãnh đạo:

Hãy tưởng tượng rằng một người bạn của các em đã chịu phép báp têm chưa đầy một năm và vừa được kêu gọi làm chủ tịch của lớp học hoặc nhóm túc số của các em. Các em đã trung tín trong phúc âm lâu hơn và các em cảm thấy rằng người bạn của mình không đủ tiêu chuẩn như mình hoặc những người khác để trở thành chủ tịch lớp học hoặc nhóm túc số.

  • Làm thế nào các em có thể điều chỉnh suy nghĩ của mình để trở thành một thành viên hỗ trợ tích cực trong lớp hoặc nhóm túc số?

  • Các em có thể làm gì để ủng hộ người bạn của mình trong chức vụ kêu gọi này?

Anh chị em có thể hỏi xem học viên hoặc một người nào đó mà các em biết có kinh nghiệm tương tự như vậy không. Họ đã phản ứng như thế nào?

Một tấm gương về việc sẵn lòng nghe theo những người mà Chúa đã kêu gọi là Hyrum Smith. Mặc dù lớn hơn em trai Joseph của ông sáu tuổi, nhưng Hyrum đã ủng hộ Joseph trong sự kêu gọi của em mình.

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ như sau về Hyrum:

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

[Hyrum] đã phụ giúp và phục vụ em trai ông là Tiên Tri Joseph trong suốt quá trình lâu dài và gian khổ của Sự Phục Hồi. …

Mặc dù vậy, Hyrum vẫn trung thành và kiên định. Ông biết cuộc đời của mình sẽ đi theo hướng nào và ông đã chủ ý chọn đi theo con đường đó. Đối với Joseph, Hyrum đã trở thành người bạn đồng hành, người bảo vệ, người chu cấp, người bạn tâm giao, và cuối cùng đã tuẫn đạo cùng ông. Sự ngược đãi bất công đã nhấn chìm họ suốt cuộc đời. Mặc dù lớn tuổi hơn, nhưng Hyrum đã nhận ra trọng trách thiêng liêng của em mình. Thỉnh thoảng ông thẳng thắn khuyên bảo Joseph, nhưng Hyrum luôn làm theo quyết định của em trai. (M. Russell Ballard, “Hyrum Smith: ‘Firm as the Pillars of Heaven’”, Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 6–7)

Hình Ảnh
anh em nhà Smith
  • Điều gì có thể khiến một người ở trong tình huống của Hyrum khó nghe theo Joseph với tư cách là lãnh đạo chức tư tế của mình?

  • Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô nào có thể đã giúp Hyrum sẵn lòng nghe theo Joseph? (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 124:15).

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 124:94–96, tìm kiếm xem Hyrum đã được ban phước như thế nào vì sẵn lòng nghe theo em trai mình. (Lưu ý rằng câu 94 đang nói đến Hyrum, chứ không phải Joseph.)

  • Các em đã tìm thấy những phước lành nào trong các câu này?

Tán trợ các vị lãnh đạo

Giải thích rằng một cách chúng ta có thể cho thấy sự sẵn lòng nghe theo các vị lãnh đạo của mình là tán trợ họ. Có thể hữu ích để anh chị em đánh giá xem học viên hiểu ý nghĩa của việc tán trợ. Một cách để làm điều này là yêu cầu học viên ghi ra định nghĩa của riêng các em về ý nghĩa của việc tán trợ. Sau đó mời học viên so sánh điều các em đã ghi ra với định nghĩa từ Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: “Hứa ủng hộ những người nắm giữ các chức vụ lãnh đạo Giáo Hội ở trung ương và địa phương” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tán Trợ Các Vị Lãnh Đạo của Giáo Hội”, Thư Viện Phúc Âm).

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã đưa ra lời nhận xét sau đây về việc tán trợ những người được Chúa kêu gọi làm lãnh đạo.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Bằng cách giơ tay lên để tán trợ, các anh chị em lập một lời hứa. Các anh em lập một lời hứa với Thượng Đế rằng các anh em sẽ tán trợ những người tôi tớ này của Ngài.

Đây là những con người không hoàn hảo, cũng như các anh em. Việc giữ những lời hứa của các anh em sẽ đòi hỏi một đức tin không thể lay chuyển rằng Chúa đã kêu gọi họ. Việc giữ những lời hứa đó cũng sẽ mang đến hạnh phúc vĩnh cửu. (Henry B. Eyring, “Quyền Năng Tán Trợ với Đức Tin”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 58–59)

  • Các em sẽ tóm tắt những lời giảng dạy của Chủ Tịch Eyring như thế nào?

  • Ông đã dạy gì về việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy giúp học viên nhận ra lẽ thật sau đây: Chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta tán trợ những người được Ngài kêu gọi làm lãnh đạo.

  • Các em nghĩ tại sao cần có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để tán trợ các vị lãnh đạo?

  • Khi nào các em cảm thấy được ban phước vì đã chọn tán trợ một người nào đó được Thượng Đế kêu gọi để lãnh đạo các em?

Nếu học viên gặp khó khăn trong việc nghĩ ra một ví dụ, thì anh chị em có thể chia sẻ kinh nghiệm hoặc chứng ngôn của riêng mình về việc tán trợ một người nào đó được Thượng Đế kêu gọi để lãnh đạo anh chị em.

Tin cậy nơi Đấng Ky Tô để tán trợ những người được kêu gọi làm lãnh đạo

Hãy giúp học viên hiểu rõ hơn cách để áp dụng vào cuộc sống nguyên tắc tin cậy nơi Đấng Ky Tô khi các em tán trợ những người mà Ngài kêu gọi. Một cách để thực hiện điều này là đưa ra các tình huống sau đây hoặc tạo ra những tình huống khác phù hợp hơn với học viên của anh chị em. Hãy cân nhắc việc mời học viên chọn ra một tình huống để nghĩ tới khi các em nghiên cứu một hoặc nhiều phần trong tài liệu phát tay. Học viên cũng có thể sử dụng tình huống này từ lúc bắt đầu lớp học.

Chủ tịch đoàn lớp Hội Thiếu Nữ của Mai vừa được tổ chức lại. Bạn nữ được kêu gọi làm chủ tịch là người đã không tử tế với Mai trong quá khứ.

Duy là người truyền giáo cần mẫn. Mới đây, chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh đã thông báo một quy tắc trong phái bộ truyền giáo mà Duy không thích.

Người bạn thân của Lan vừa được kêu gọi làm chủ tịch lớp học. Lan đã mong rằng bạn mình sẽ mời cô vào chủ tịch đoàn, nhưng bạn ấy đã không làm vậy.

Trung được đề nghị làm chủ tịch nhóm túc số của mình. Cậu nhút nhát và không thích đưa ra các quyết định. Cậu lo lắng khi không biết làm sao để cậu lãnh đạo nhóm túc số và chủ tịch đoàn cho hiệu quả.

Tài liệu phát tay có tiêu đề “Những Lời Giảng Dạy về Việc Tán Trợ Những Người Được Kêu Gọi Làm Lãnh Đạo” có thể giúp học viên hiểu được cách áp dụng lẽ thật mà các em đã nhận ra vào tình huống các em đã chọn và vào cuộc sống của chính mình.

Một cách để xem lại tài liệu phát tay là lập ra các trạm quanh phòng. Học viên có thể luân phiên đi qua các trạm và nghiên cứu trong yên lặng mỗi phần của tài liệu phát tay, tìm kiếm và ghi lại những hiểu biết sâu sắc áp dụng cho tình huống của mình. Sau đó, học viên có thể chia thành các nhóm hoặc cặp và chia sẻ điều các em đã học được.

Một cách khác để nghiên cứu tài liệu phát tay là chia học viên thành các nhóm bốn người và chỉ định mỗi thành viên trong nhóm phải hoàn thành một phần từ tài liệu phát tay. Học viên có thể nghiên cứu phần của mình, tìm kiếm xem phần đó có liên quan như thế nào đến tình huống của các em. Sau đó, mỗi học viên có thể giảng dạy cho nhóm của mình điều các em đã học được.

Những Lời Giảng Dạy về Việc Tán Trợ Những Người Được Kêu Gọi Làm Lãnh Đạo

Phần 1

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Vị lãnh đạo của các anh em trong Giáo Hội của Chúa có thể dường như yếu kém và [đầy] cảm tính con người, … hoặc có vẻ mạnh mẽ và đầy soi dẫn đối với các anh em. Thực tế là mỗi vị lãnh đạo là một sự pha trộn của những đức tính đó và còn nhiều nữa. Điều giúp cho các tôi tớ của Chúa khi được kêu gọi để lãnh đạo chúng ta là chúng ta có thể thấy họ giống như cách Chúa đã thấy khi Ngài kêu gọi họ.

Chúa thấy các tôi tớ của Ngài một cách hoàn hảo. Ngài thấy tiềm năng và tương lai của họ. Và Ngài biết [là] bản tính rất thiên nhiên của họ có thể được thay đổi. Ngài cũng biết cách để họ có thể được thay đổi qua các kinh nghiệm của họ với những người họ sẽ lãnh đạo. …

… Nếu các anh em có đức tin rằng Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua sự mặc khải cho những tôi tớ không hoàn hảo được Ngài kêu gọi đó, [thì] Chúa sẽ mở các cửa sổ thiên thượng cho họ, cũng như … cho các anh em. (Henry B. Eyring, “Chúa Dẫn Dắt Giáo Hội của Ngài”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 83–84)


Phần 2

Anh Stephen W. Owen, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Niên, đã nói:

Hình Ảnh
Anh Cả Stephen W. Owen

Sẽ có những lúc trong cuộc sống của các em mà các em được kêu gọi để lãnh đạo. Vào những lúc khác, các em sẽ được kỳ vọng phải tuân theo. Nhưng sứ điệp của tôi dành cho các em hôm nay là cho dù chức vụ kêu gọi của các em là gì đi nữa, các em cũng luôn luôn là người lãnh đạo, và các em luôn luôn là một người tuân theo. Vai trò lãnh đạo là một biểu hiện của vai trò môn đồ—[chính là việc] giúp người khác đến cùng Đấng Ky Tô, … điều mà các môn đồ chân chính làm. Nếu đang cố gắng để làm một người đi theo dấu chân Đấng Ky Tô, thì các em có thể giúp đỡ những người khác đi theo dấu chân Ngài, và các em có thể là một người lãnh đạo.

Khả năng của các em để lãnh đạo không đến từ một cá tính thân thiện, những kỹ năng [thúc đẩy người khác], hoặc thậm chí tài nói chuyện trước công chúng. Khả năng đó có được từ lòng cam kết của các em để đi theo dấu chân Chúa Giê Su Ky Tô. (Stephen W. Owen, “Các Vị Lãnh Đạo Tài Giỏi Nhất Là Những Người Tuân Theo Chính Xác Nhất”, Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 75)


Phần 3

Hãy đọc các câu sau đây:

Giáo Lý và Giao Ước 107:22 (Hãy chú ý những cách mà câu này dạy chúng ta tán trợ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Đồng thời, nghĩ về việc áp dụng những cách tán trợ này cho những sự kêu gọi khác như thế nào.)

Xuất Ê Díp Tô Ký 17:9–12 (Hãy chú ý cách Môi Se được tán trợ khi dân Y Sơ Ra Ên chiến đấu với dân A Ma Léc.)


Phần 4

Anh Stephen W. Owen, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Niên, đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Stephen W. Owen

[Chúa Giê Su Ky Tô] là Đấng lãnh đạo vĩ đại nhất Ngài là môn đồ vĩ đại nhất—Ngài tuân theo Cha Ngài một cách chính xác trong mọi điều. (Stephen W. Owen, “Các Vị Lãnh Đạo Tài Giỏi Nhất Là Những Người Tuân Theo Chính Xác Nhất”, Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 75)

Khi đọc những câu này, hãy chú ý đến những cách mà Chúa Giê Su tuân theo Cha Ngài và những cách mà Chúa Giê Su được củng cố khi Ngài làm như vậy.

Lu Ca 22:41–43

Giăng 12:49–50

Suy ngẫm về những điều các em đã học được

Hãy cân nhắc việc mời học viên chia sẻ với người bạn cùng cặp hoặc chung nhóm điều các em nghĩ là quan trọng cần giới trẻ trong Giáo Hội biết được từ bài học hôm nay và lý do tại sao.

Sau khi học viên đã có thời gian để chia sẻ, hãy mời các em suy ngẫm trong yên lặng về những câu hỏi sau đây và cởi mở với những ấn tượng mà các em có thể nhận được từ Đức Thánh Linh:

  • Các em đang làm tốt như thế nào trong việc tán trợ những người mà Chúa đã yêu cầu các em nghe theo?

  • Làm thế nào các em có thể thực hành đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi để tán trợ tốt hơn những người được kêu gọi làm lãnh đạo?

Anh chị em có thể kết thúc bài học bằng cách chia sẻ về bản thân đã được phước như thế nào khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô trong việc tán trợ các vị lãnh đạo Giáo Hội.

In