Lớp Giáo Lý
Bài Học 205—Theo Đuổi Suốt Đời Việc Thờ Phượng trong Đền Thờ: Tham Dự Đền Thờ Suốt Đời


“Bài Học 205—Theo Đuổi Suốt Đời Việc Thờ Phượng trong Đền Thờ: Tham Dự Đền Thờ Suốt Đời”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Theo Đuổi Suốt Đời Việc Thờ Phượng trong Đền Thờ”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 205: Sự Chuẩn Bị để đi Đền Thờ

Theo Đuổi Suốt Đời Việc Thờ Phượng trong Đền Thờ

Tham Dự Đền Thờ Suốt Đời

các tín hữu đang ra khỏi đền thờ

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy thú vị với hoạt động xây cất đền thờ chưa từng có trước đây. Chúa đang giúp chúng ta tiếp cận các phước lành của ngôi nhà thánh của Ngài một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Bài học này có thể giúp học viên cảm nhận được tầm quan trọng của việc thờ phượng Chúa trong đền thờ trong suốt cuộc đời của các em.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Gia tăng thời gian ở trong đền thờ

Bài học này sử dụng một tình huống nghiên cứu để giúp học viên thấy được việc thờ phượng trong đền thờ có thể ban phước cho các em như thế nào trong suốt cuộc đời. Hãy mời học viên suy nghĩ về cuộc sống của các em khi xem xét tình huống nghiên cứu. Điều chỉnh tình huống nghiên cứu khi cần thiết để giúp học viên dễ liên hệ hơn. Một cách để thực hiện điều này là mời học viên thay nội dung trong ngoặc đơn bằng những gì có liên quan đến các em.

(Giang) năm nay (mười sáu tuổi). Cậu ấy đã là tín hữu của Giáo Hội được (năm năm). Cậu ấy có kinh nghiệm về mặt thuộc linh nhưng muốn có một chứng ngôn mạnh mẽ hơn về Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội phục hồi của Ngài. Đôi khi, (Giang) cảm thấy (bị choáng ngợp trước áp lực phải học giỏi ở trường). Cậu lo lắng về (tương lai của mình, cũng như làm thế nào để sống ngay chính trong một thế giới tà ác).

  • Hãy tưởng tượng (Giang) hỏi xin em lời khuyên về một trong những mối băn khoăn của mình. Tại sao việc thờ phượng Chúa trong đền thờ của Ngài có thể là lời khuyên hữu ích?

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson và tìm kiếm sự giúp đỡ mà Chúa mang đến cho chúng ta:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Chúng ta đừng bao giờ quên những gì mà Chúa đang làm cho chúng ta bây giờ. Ngài đang làm cho các ngôi đền thờ của Ngài dễ tiếp cận hơn. Ngài đang đẩy nhanh tiến độ mà chúng ta đang xây cất đền thờ. Ngài đang gia tăng khả năng của chúng ta để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Ngài cũng đang giúp mỗi người chúng ta trở nên được tinh luyện một cách dễ dàng hơn về phần thuộc linh. Tôi hứa rằng nhiều thời gian hơn được dành ra trong đền thờ sẽ ban phước cho cuộc sống của các em theo những cách mà không có điều gì khác có thể làm được. …

Các em thân mến, cầu xin cho các em tập trung vào đền thờ theo những cách mà các em chưa từng có trước đây. Tôi ban phước cho anh chị em được đến gần Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô hơn mỗi ngày. (Russell M. Nelson, “Hãy Tập Trung vào Đền Thờ”, Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 121)

  • Điều gì gây ấn tượng với các em từ lời phát biểu này?

  • Chúa đã ban lời hứa nào qua vị tiên tri của Ngài?

    Khi học viên trả lời, hãy giúp các em nhận ra một lẽ thật như: Chúa hứa sẽ ban phước cho chúng ta theo những cách mà chúng ta không thể cảm nhận được nếu không dành thêm thời gian trong đền thờ của Ngài.

    Nếu học viên của anh chị em khó đến được đền thờ, thì anh chị em có thể nói về những cách mà các em có thể tập trung vào đền thờ. Ví dụ như học viên có thể cố gắng để xứng đáng được đi đền thờ và tham gia vào công việc lịch sử gia đình.

  • Theo các em, làm thế nào mà việc dành nhiều thời gian hơn trong đền thờ của Chúa có thể ban phước cho chúng ta theo những cách mà không điều gì khác có thể làm được?

    Những câu hỏi sau đây là để học viên tự suy ngẫm. Có thể sẽ hữu ích khi cho học viên viết vào nhật ký học tập. Học viên nào sẵn sàng thì có thể chia sẻ câu trả lời với lớp.

  • Các em nghĩ có khả năng bao nhiêu là mình sẽ tham dự đền thờ một cách đều đặn trong suốt cuộc đời? Tại sao?

  • Các em có thể cần phải vượt qua những trở ngại nào để tham dự đền thờ suốt đời?

Những phước lành đã được hứa

Hãy suy ngẫm về cách mà anh chị em có thể giúp học viên gia tăng mong muốn thờ phượng Chúa trong đền thờ của Ngài. Một cách để thực hiện điều này có thể là giúp học viên nhận ra nhiều phước lành của việc thờ phượng Chúa trong đền thờ của Ngài. Học viên có thể lập một bản liệt kê trên bảng về những điều các em tìm thấy trong các câu thánh thư và lời phát biểu sau đây.

Đọc những câu thánh thư và lời phát biểu sau đây, sau đó tìm kiếm những phước lành mà Chúa hứa với những người thờ phượng Ngài trong nhà của Ngài:

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Hãy dành thời gian cho Chúa trong ngôi nhà thánh của Ngài. Không có điều gì sẽ củng cố nền tảng thuộc linh của anh chị em như việc phục vụ trong đền thờ và thờ phượng trong đền thờ. (Russell M. Nelson, “Hãy Dành Thời Gian Cho Chúa”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 121)

Xin hãy tin tôi khi tôi nói rằng khi nền móng thuộc linh của [các em] được xây dựng vững chắc dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô thì [các em] không cần phải sợ hãi. Khi trung thành với các giao ước của mình mà đã được lập trong đền thờ, [các em] sẽ được củng cố bởi quyền năng của Ngài. Rồi khi nào trận động đất thuộc linh xảy ra, [các em] sẽ có thể đứng vững nhờ vào nền móng thuộc linh vững chắc và không lay chuyển của mình. (Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Móng Thuộc Linh của Anh Chị Em”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 96)

Chủ Tịch Henry B. Eyring dạy rằng:

18:1
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Nhiều người trẻ tuổi đã khám phá ra rằng việc dành ra thời gian của họ để sưu tầm lịch sử gia đình và làm công việc đền thờ đã gia tăng chứng ngôn của họ về kế hoạch cứu rỗi. Việc này đã gia tăng ảnh hưởng của Thánh Linh trong cuộc sống của họ và làm giảm bớt ảnh hưởng của kẻ nghịch thù. Việc này đã giúp cho họ cảm thấy gần gũi hơn với gia đình họ và với Chúa Giê Su Ky Tô. Họ đã biết được rằng công việc này không chỉ cứu rỗi người chết mà còn cứu rỗi tất cả chúng ta nữa (xin xem GL&GƯ 128:18). (Henry B. Eyring, “Quy Tụ Gia Đình của Thượng Đế Lại”, Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 22)

  • Những phước lành này đã dạy cho các em điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Chúa đã ban phước cho các em như thế nào khi tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình?

  • Những phước lành này có thể thúc đẩy các em thờ phượng Chúa ra sao trong đền thờ ở thời điểm hiện tại? Còn suốt đời thì sao?

Thờ phượng trong đền thờ trong suốt cuộc đời của chúng ta

Tình huống nghiên cứu sau đây có thể giúp học viên hiểu được tầm quan trọng của việc thờ phượng Chúa trong đền thờ trong suốt cuộc đời của các em. Trong tình huống nghiên cứu này, hãy khuyến khích học viên suy nghĩ về tương lai của các em và cách các em có thể thờ phượng Chúa trong đền thờ trong suốt cuộc đời của mình.

Anh chị em có thể sử dụng nhiều lựa chọn khác nhau để tìm hiểu các phần khác nhau trong tình huống nghiên cứu. Học viên có thể học các phần cùng với cả lớp, học riêng và học theo nhóm.

Sau mỗi phần, hãy dừng lại để thảo luận các câu hỏi sau đây:

  • (Giang) và (Liên) có thể viện lý do gì để không đặt ưu tiên cho việc thờ phượng trong đền thờ?

  • Những phước lành nào từ việc thờ phượng Chúa trong nhà của Ngài có thể giúp ích cho (Giang) và (Liên)?

  • (Giang) và (Liên) có thể cần phải hy sinh điều gì để thường xuyên thờ phượng Chúa trong đền thờ?

Những năm ở tuổi 20

Trở về nhà sau khi phục vụ công việc truyền giáo toàn thời gian, (Giang) tiếp tục nâng cao học vấn của mình tại (một trường dạy nghề ở địa phương). Trong khi (theo học tại viện giáo lý), Giang gặp một thiếu nữ tên là (Liên), rồi họ tiến tới hôn nhân. Sau khi tốt nghiệp, (Giang) (bắt đầu kinh doanh riêng). Anh lo lắng (về việc chu cấp cho gia đình mình). Anh ấy và (Liên) bắt đầu cuộc sống gia đình và được ban phước với (ba) người con xinh xắn. (Giang) và (Liên) cố gắng hết mình để quản lý thời gian dành cho gia đình, (công việc kinh doanh) và những chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội. Một trong những người con của họ (bị thương nặng trong một vụ tai nạn) lúc (bốn) tuổi.

Những năm ở tuổi 30

(Giang) và (Liên) làm việc chăm chỉ để chu cấp cho gia đình mình bằng cách (điều hành công việc kinh doanh). Họ đối mặt với những thử thách trong việc nuôi dạy con cái và giúp đỡ chúng (có được chứng ngôn riêng về Chúa Giê Su Ky Tô). (Giang) cố gắng cân bằng thời gian dành cho gia đình, (công việc kinh doanh) và chức vụ kêu gọi của mình là (cố vấn cho nhóm túc số các thầy giảng). (Liên) phục vụ với tư cách là (chủ tịch Hội Thiếu Nhi), cố gắng giúp đỡ (công việc kinh doanh của gia đình) và cố gắng ở bên chăm sóc con cái.

Những năm sau tuổi 60

Những người con của (Giang) và (Liên) (có gia đình riêng). (Giang) và (Liên) yêu thương gia đình mình nhưng vẫn lo lắng về việc (các cháu của họ có noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và đưa ra những quyết định đúng đắn hay không). Khi về già, (sức khỏe của Giang ngày càng yếu).

Hãy cân nhắc đọc lời phát biểu của Chủ Tịch Russell M. Nelson trong phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” giúp trả lời câu hỏi “Làm thế nào chúng ta có thể ưu tiên cho việc thờ phượng trong đền thờ ở hiện tại và trong tương lai?” Thảo luận về cách áp dụng lời phát biểu đó cho tình huống nghiên cứu và cuộc sống của chính chúng ta.

Một bức thư viết cho chính mình

Cân nhắc mời học viên viết một bức thư khích lệ bản thân trong tương lai về tầm quan trọng của việc thờ phượng Chúa trong đền thờ của Ngài. Học viên có thể muốn cho bức thư vào phong bì và viết ngày tháng các em sẽ mở bức thư lên trên phong bì rồi cất giữ nó cho đến ngày đó

Các em có thể viết về:

  • Kinh nghiệm hiện tại của các em trong đền thờ.

  • Quyết định tham dự đền thờ một cách thường xuyên có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các em.

  • Quyết định tham dự đền thờ đều đặn có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của các em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Những cách mà các em có thể ưu tiên cho việc thờ phượng trong đền thờ ở hiện tại và trong tương lai.

Hãy nhắc học viên hành động theo bất kỳ sự thúc giục nào các em có thể đã nhận được từ Đức Thánh Linh và viết về những suy nghĩ khác của mình.